Tranh chấp Biển Đông: Lời nói cần đi đôi với hành động
Đài BBC trong cùng một ngày 24.7 vừa qua đã đưa hai tin sau đây nghe có vẻ như đối chọi nhau.
Trước hết là tin về việc Trung Quốc, ngày 23.7, đã ngang nhiên bầu Thị trưởng Thành phố Tam Sa mà họ đã dựng lên trước đó. Thành phố Tam Sa “quản lý” ba quần đảo trong đó bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa mà chủ quyền là của Việt Nam như lịch sử chứng minh thật rõ ràng và quốc tế xưa nay vẫn nhìn nhận. Ngày hôm sau, Việt Nam đã lập tức lên tiếng phản đối. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố: “Việc Trung Quốc thành lập cái gọi là Thành phố Tam Sa và triển khai các hoạt động nói trên đã vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và là vô giá trị. Việt Nam kiên quyết phản đối các hoạt động nói trên của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt và huỷ bỏ ngay các hành động sai trái đó, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như duy trì hoà bình và ổn định ở trên Biển Đông”. Đài BBC nhận định thêm rằng Philippines, tuy không có tranh chấp gì với Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa, nhưng đã phản ứng mạnh mẽ hơn Việt Nam, bằng cách triệu tập Đại sứ Trung Quốc ở nước này để phản đối việc Trung Quốc đặt bộ chỉ huy quân sự trên quần đảo ấy.
Bản tin thứ hai cùng ngày của BBC cho biết báo chí Việt Nam tiếp tục chỉ trích những người biểu tình phản đối Trung Quốc hoạt động xâm chiếm trên Biển Đông. Cụ thể: từ 1.7 đến 24.7, ở Hà Nội đã xảy ra ba cuộc tuần hành vào các ngày Chúa nhật; và sau cuộc biểu tình lần thứ hai ngày 8.7, truyền thông Hà Nội đã đồng loạt có những bài phê phán… Nên biết, trong thời gian trên, ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng xảy ra những cuộc biểu tình tương tự và cũng bị giải tán nhưng không thấy truyền thông lên tiếng. Ở Hà Nội thì khác, bởi một vị lãnh đạo cấp cao của Thành phố đã công khai “đề nghị các cấp, ngành cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ, không bị các phần tử xấu, cơ hội lợi dụng xúi giục xuống đường, tụ tập biểu tình gây mất trật tự an ninh thủ đô” ( báo LPTP 14-7-2012).
Sở dĩ tôi nói hai bản tin có vẻ đối chọi nhau là vì, bình thường mà nói và theo lôgic, sau khi nghe Trung Quốc xâm phạm trầm trọng chủ quyền Việt Nam, người ta sẽ coi là khó hiểu và “ngược đời” cái thái độ cảnh giác, đề phòng và hơn nữa, cấm cách của nhà chức trách đối với những người công dân Việt Nam bày tỏ lập trường và thái độ của mình bằng những cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Làm như thể họ đương nhiên là những công dân xấu hay chỉ hành động vì bị kẻ xấu xúi giục. Đảng và Nhà Nước “kiên trì sử dụng các biện pháp hoà bình, sử dụng tổng hợp các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý” để “duy trì, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với Trung Quốc” (LPTP, sđd). Đó là một chủ trương đúng đắn và có thể nói là không thể tránh. Nhưng cũng phải nói thêm rằng người dân rất sốt ruột và bức xúc khi những kết quả cụ thể của chủ trương đường lối thì không thấy, còn những hành động xâm chiếm của Trung Quốc trên biển, đảo của ta thì lại không ngừng gia tăng và càng ngày càng “ngang ngược” hơn (kiểu nói của Tuổi Trẻ 29-6-2012), bất chấp những phản đối mạnh mẽ của Việt Nam. Chỉ trong một thời gian tương đối ngắn gần đây, họ thành lập đơn vị hành chánh gọi là Tam Sa với thủ phủ đặt trên đảo Phú Lâm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; họ mời thầu đối với 9 lô dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tiếp theo đó là việc họ triển khai bốn tàu hải giám đến tuần tra ở bãi Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của ta, rồi giữa tháng 7 năm 2012 này, 30 chiếc tàu cá Trung Quốc lũ lượt kéo tới khu vực gần đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa để đánh bắt dài ngày. Còn chuyện ngư dân ta đánh bắt trên vùng biển của mình bị tàu hải giám Trung Quốc xua đuổi hay bắt giữ là chuyện “bình thường”! Trung Quốc không giấu tham vọng của mình là độc chiếm hoàn toàn vùng biển Đông. Theo TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, những hành động trên của Trung Quốc nhằm hiện thực hoá cái gọi là “đường lưỡi bò” (x. Tuổi Trẻ, ngày 14.7.2012, tr. 3) mà họ đã có “cao kiến” vẽ ra ôm trọn tới 80% biển Đông bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Họ hành động bất chấp lẽ phải, bất chấp luật pháp ngay cả luật pháp quốc tế. Giáo sư Karl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc tóm tắt chính sách biển Đông của Trung Quốc trong một câu: “Trung Quốc đang theo đuổi chính sách sức mạnh là chân lý” (x. báo LPTP 14-7-2012).
Vì thế, không có gì lạ khi Trung Quốc từ chối ngồi vào bàn đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (gọi tắt là COC) dù trước đó họ luôn nói sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán. Việc trì hoãn này, theo TS Trần Công Trục là có ý đồ: họ muốn tăng cường các hoạt động thực tế để lấn áp đàm phán ngoại giao, cũng như để tạo lợi thế cho mình khi cần phải chấp nhận đàm phán.
Thiển nghĩ, tuy phải duy trì và phát triển quan hệ hoà bình và hợp tác, nhưng cũng cần phải có những hành động cụ thể như ông Trục đã gợi ý: “Với một quốc gia có Luật biển như Việt Nam thì ta phải thể hiện sức mạnh trên thực tế. Nếu họ xâm phạm vùng biển của mình, mình phải ngăn chặn, bắt giữ và đưa ra xét xử. Ta sẽ bắt giữ đàng hoàng, đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế với những bằng chứng pháp lý cụ thể.” (Tuổi Trẻ, 14.7.2012, tr. 3). Chúng ta đang cần hành động hơn lời nói, hơn cả việc lặp đi lặp lại những chủ trương, những nguyên tắc mà phía Trung Quốc chẳng hề tôn trọng. Chính những hành động cụ thể “đàng hoàng” như ông Trục nói, sẽ chứng tỏ rõ hơn rằng Việt Nam có chính nghĩa, có cơ sở pháp lý; đồng thời nhờ đó chúng ta mới được kính nể và chủ trương đường lối hoà bình hữu nghị của ta với Trung Quốc mới đáng tin trước mặt mọi người.
Ngoài ra, trong chính sách đối ngoại, nếu Việt Nam lên án Trung Quốc “lấy thịt đè người”, thì trong chính sách đối nội, chính quyền cũng phải xem xét lại chủ trương dùng sức mạnh và bạo lực để giải quyết tranh chấp với dân, việc đã và vẫn đang xảy ra tại nhiều nơi. Để tạo sức mạnh cho tiền tuyến thì hậu phương cũng phải mạnh, theo nghĩa phải lành mạnh hóa xã hội, cương quyết đẩy lui những tệ nạn làm nghèo đất nước về vật chất cũng như tinh thần. Sau hết, Chính quyền có thể dựa vào nhiều lý do để ngăn cản người dân biểu tình phản đối Trung Quốc, nhưng cần phải trình bày rõ ràng những lý do đó; nếu không, sẽ đánh mất thế mạnh của đất nước vì không được người dân ủng hộ.
26.7.2012
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19