Tổng Giáo phận Sài Gòn qua dòng lịch sử
350 năm thiết lập hai Giáo phận Tông Toà tại Việt Nam
165 năm Giáo phận Tây Đàng Trong
50 năm Tổng Giáo phận Sàigòn
TỔNG GIÁO PHẬN SÀIGÒN
QUA DÒNG LỊCH SỬ
Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh
2009
NỘI DUNG
Lời mở
I. Tin Mừng tại Đàng Trong trước 1659
II. Thời Giáo phận Tông Tòa Đàng Trong 1659
III. Giáo phận Tây Đàng Trong (Sàigòn) 1844-1960
Cơ sở và sinh hoạt
IV. Năm mươi năm Tổng Giáo phận Sàigòn 1960 - 2010
Cơ sở và sinh hoạt
Bảng đối chiếu những số liệu
9.9.2009
Kỷ niệm 350 năm ngày thiết lập Giáo hội tại Việt Nam
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám mục
Mừng 50 năm hàng giáo phẩm Việt Nam, cũng là mừng 50 năm của Tổng Giáo phận Sàigòn, hiện nay là Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhưng tuổi của Giáo phận đã là 165 NĂM, tính từ thời điểm thành lập Giáo phận Tây Đàng Trong năm 1844, rồi được đổi tên là Giáo phận Sàigòn ngày 03.12.1924.
Xa hơn nữa, vùng đất này còn thuộc về Giáo phận Đàng Trong, mà năm nay Giáo hội Việt Nam mừng kỷ niệm 350 năm thành lập (1659-2009).
Vào thời điểm được thiết lập, địa bàn của Giáo phận Tây Đàng Trong hầu như bao gồm tất cả 10 giáo phận hiện nay thuộc Giáo tỉnh Sàigòn. Từ giáo phận này, lần lượt từng giáo phận được tách ra.
Tài liệu ngắn này chỉ cố gắng ghi lại cách khái quát một số chứng tích QUA DÒNG LỊCH SỬ hình thành và phát triển gia đình giáo phận trên quê hương Việt Nam, nhằm ôn lại những bài học lịch sử và những tấm gương quảng đại hy sinh.
Hy vọng góp phần khơi lên tâm tình tạ ơn Cha trên trời đã gieo nhiều hạt giống Tin Mừng cùng hồng ân cứu độ trên đất nước chúng ta, đồng thời biểu lộ lòng biết ơn đối với các bậc tiền bối cũng như các chứng nhân đức tin đã dày công khai hoang, chăm sóc cùng xả thân vun tưới cho cánh đồng giáo phận phát triển xanh tươi, hứa hẹn một mùa gặt bội thu.
Tâm tình tạ ơn Chúa cùng lòng biết ơn các tiền nhân sẽ là động lực thúc đẩy mọi thành phần dân Chúa tích cực tham gia vào công cuộc phát triển Giáo Hội cùng con người và đất nước, mở đường cho mọi người sống dồi dào trong chân lý và tình yêu, trong an bình và thịnh vượng, theo như lòng Chúa mong muốn.
I. TIN MỪNG TẠI ĐÀNG TRONG TRƯỚC 1659
Nếu ở Đàng Ngoài (từ sông Gianh trở ra phía Bắc) lịch sử ghi nhận thừa sai Inêkhu đã có mặt tại Bùi Chu năm 1533, thì những thừa sai đầu tiên có mặt tại vùng Chân Lạp là một vài linh mục dòng Đaminh đến từ Malacca, khởi đầu là cha Juan de la Cruz có mặt tại Hà Tiên năm 1550. Năm 1585, linh mục dòng Phanxicô có mặt trên đất Saigon, cụ thể là ở Chợ Quán. Đến thế kỷ sau, vào những năm 1641-1645, khi chúa Nguyễn cấm đạo, một số Kitô hữu từ miền Trung di tản vào Nam để làm ăn sinh sống, họ hợp thành những cộng đoàn tín hữu đầu tiên, tập trung tại Chợ Quán, Gia Định, Lái Thiêu, Bến Gỗ, và Long Thành …
Từ 1615, các cha Dòng Tên bắt đầu đến truyền giáo tại Hội An thuộc Đàng Trong. Trong khoảng 50 năm, các vị đã hoàn thành một công trình đáng kể, góp phần đặt nền móng cho Giáo hội tại Việt Nam. Trong giai đoạn này, ta ghi nhận hai chân dung sứ giả và chứng nhân Tin Mừng nổi bật:
- Thừa sai Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) đến Đàng Trong năm 1624. Cha có những nỗ lực đặc biệt trong việc hội nhập văn hoá. Năm 1651, cha đã xuất bản cuốn Giáo Lý đầu tiên "Phép Giảng Tám Ngày", và Tự điển Việt-Bồ-La, góp phần quan trọng trong việc hình thành chữ quốc ngữ, và thành lập Hội Thầy Giảng, tạo cơ hội cho các tín hữu nhiệt thành thể hiện vai trò làm muối men và chứng nhân Tin Mừng trong xã hội Việt Nam xưa cũng như nay.
- Trong số những tín hữu tiên khởi, sáng ngời lên chân dung một thầy giảng 19 tuổi, chân phước Anrê Phú Yên, ngày 26.07.1644 đã dùng máu đào vun tưới cho hạt giống Tin Mừng trên cánh đồng đức tin này, đã sẵn sàng “lấy tình yêu để đáp lại tình yêu, lấy mạng sống đáp lại mạng sống"
Trong bản báo cáo cuối năm 1632, gởi cho bề trên ở Macao, khi tường thuật lại kết quả truyền giáo tại Việt Nam, cha Gaspar d’Amaral đã ghi nhận rằng : “Lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau”.
II. THỜI GIÁO PHẬN TÔNG TÒA ĐÀNG TRONG 1659
Trong hướng đi của Bộ Truyền Giáo và nhờ sự vận động của cha Đắc Lộ, ngày 09.09.1659, Đức Alexandre VII thiết lập hai giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong, đồng thời bổ nhiệm: đức cha Phanxicô Pallu làm Đại diện Tông Tòa Đàng Ngoài ; đức cha Phêrô Lambert de la Motte làm Đại diện Tông Tòa Đàng Trong. Các ngài là tổ phụ của Hội Thừa Sai Hải ngoại Paris, là đơn vị chính đảm nhiệm việc tổ chức Giáo hội tại vùng truyền giáo Việt Nam suốt 300 năm thời Tông Tòa (1659-1960).
Trước khi phân chia giáo phận năm 1844, Giáo phận Đàng Trong đã trải qua 185 năm, với 10 giám mục Đại diện Tông Tòa, cùng với 8 giám mục phó, theo danh sách sau:
1. Pierre Lambert de la Motte (1658-1679)
- Louis Laneau, Giám quản (1679-1682)
2. Guillaume Mahot Mão (1680-1684)
- Pierre Joseph Duchesne, phó (1684-1684)
3. Francisco Pérez (1691-1728)
- Charles Marin Labbé, phó (1700-1723)
4. Alexandro di Alexandris, Barnabit (1727-1738)
- Valère Rist, Ofm, phó (1735-1737)
5. Armand Lefèbvre (1743-1760)
- Edmond Bennetat, phó (1748-1761)
6. Guillaume Piguel (1764-1771)
7. Pierre Pigneaux de Béhaine (1771-1799)
8. Jean Labartette (phó kế vị) (1784-1823)
- Pierre Marie Le Labousse, phó (1801-1801)
- Jean Doussain, phó (1808-1809)
- Jean Joseph Audemar, phó (1817-1821)
9. Jean Louis Taberd Từ (1827-1840)
10. Etienne Cuenot Thể, phó kế vị (1835-1844)
Vào thời Sàigòn được thành lập năm 1698, có thêm một số di dân công giáo theo các cha dòng Tên vào Nam. Sang thế kỷ XVIII, dòng Phanxicô đã hiện diện tại đây, kể từ lúc cha José Garcia được cử vào giúp di dân tại Chợ Quán năm 1722. Dòng đã mở thêm nhiều họ đạo mới từ Saigon, đến Lái Thiêu, Mỹ Tho và Hà Tiên. Đức cha Guillaume Piguel thường xuyên lui tới các vùng Chợ Quán, Đồng Nai để ban bí tích Thêm Sức. Trong giai đoạn này, Giáo hội phát triển cùng với việc mở mang đất nước về Phương Nam.
Trên địa bàn sau này là giáo phận Tây Đàng Trong, năm 1747, tổng số giáo dân mới có khoảng 5.500 người. Hội thừa sai Paris phụ trách trấn Thuận Thành (vùng Phan Thiết), trấn Đồng Nai và dòng Phanxicô coi sóc trấn Sàigòn. Đến cuối thế kỷ 18, số tín hữu miền nam đã là 87.297 sinh sống trong 1024 làng có người công giáo.
Đặc biệt thời này chúng ta ghi nhớ ba nhân vật:
1. Đức Cha Lambert, Đại diện Tông Toà Đàng Trong tiên khởi, kiêm giám quản Giáo phận Đàng Ngoài, đã thực hiện những chọn lựa căn bản để xây dựng nên tòa nhà Giáo hội Việt Nam:
+ Tiến hành các công đồng Juthia 1664, Phố Hiến 1670 và Hải Phố 1672. Đề ra đường hướng mục vụ lâu dài, đặc biệt là việc đào tạo linh mục, tổ chức Nhà Đức Chúa Trời và sự cộng tác của các quý chức họ đạo
+ Thiết lập hàng giáo sĩ địa phương, gồm: lập chủng viện thánh Giuse tại Ayutthaya, cho miền Đông Á. Chủng viện tồn tại gần 300 năm (1665-1945) ; phong chức cho nhiều linh mục Việt Nam khởi từ bốn vị tiên khởi năm 1668.
+ Thành lập một dòng tu bản xứ là dòng Mến Thánh Giá: Đàng Ngoài năm 1670, Đàng Trong năm 1671. (1) Các nữ tu đã có vai trò đặc biệt suốt mấy trăm năm lịch sử Giáo Hội Việt Nam, nhất là trong những thời bách hại.
2. Đức Cha Bá Đa Lộc (1771-1799), biên soạn tự điển Việt-La, được đánh giá là khá hoàn chỉnh về mặt từ ngữ và văn phạm; và cuốn "Thánh Giáo Yếu Lý", được sử dụng cho đến giữa thế kỷ XX (2). Thời của ngài, tòa giám mục được đặt ở Thị Nghè, Sàigòn (1789). Ngài là giám đốc chủng viện ở Hòn Đất (1765-69), và tái lập chủng viện Lái Thiêu (1787).
3. Linh mục Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853). Khi còn là chủng sinh, thầy Philipphê đã cộng tác với đức cha Taberd Từ trong việc biên soạn "Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị" (1838). Cha quy tụ giới nho gia, mở hội thơ ca tụng Thiên Chúa. Nhiều bài thơ còn lưu giữ trong: “Phi-Năng thi tập”, “Hội Thơ Vịnh Ê-Vang”, và Nước Trời Ca” .
Ba cơ sở cộng đoàn công giáo được hình thành trên đất Sàigòn vẫn còn tồn tại đến nay là:
- Họ đạo Chợ Quán (1610, 1727)
- Họ đạo Chí Hòa (1771)
- Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (1840).
III. GIÁO PHẬN TÂY ĐÀNG TRONG (SÀIGÒN) 1844-1960
Ngày 17.05.1844, Đức Gregoriô XVI phân chia giáo phận Đàng Trong thành hai giáo phận Đông Đàng Trong (Quy Nhơn) và Tây Đàng Trong (Sài Gòn). Ngài bổ nhiệm đức cha Dominique Lefèbvre Ngãi (1844-1864) làm Đại diện Tông toà đầu tiên của Giáo phận Tây Đàng Trong. Ngôi nhà Đức Cha Lefèbvre sử dụng làm Toà Giám mục, nay trở thành ngôi nhà cổ trên 200 tuổi, toạ lạc trong khuôn viên Toà Giám mục, được sử dụng làm nhà nguyện.
Giáo phận Tây Đàng Trong khi thành lập bao gồm Lục Tỉnh Nam kỳ và Campuchia, với 19 linh mục (16 Việt, 3 Pháp), chăm lo mục vụ cho 23.000 giáo dân.
Sau khi phần đất nay là địa bàn giáo phận Cần Thơ và Long Xuyên, cùng tách ra theo Giáo phận Nam Vang năm 1850, Giáo phận Tây Đàng Trong chỉ còn bốn tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và Vĩnh Long. Vào thời điểm năm 1890, giáo phận Tây Đàng Trong có 50 họ chánh có linh mục và 105 họ lẻ không có linh mục.
Chăm lo mục vụ cho Giáo phận Tây Đàng Trong tức Giáo phận Sàigòn từ năm 1844 đến năm 1960, có tất cả 8 Giám mục Hội Thừa sai và một giám mục Việt Nam.
1. GM Dominique Lefèbvre Ngãi (1844-1864)
2. GM Jean Claude Miche Mịch (1864-1873)
3. GM Fr. Joseph Colombert Mỹ (1873-1894)
4. GM Joan Marie Dépierre Đễ (1895-1898)
5. GM Lucien E. Mossard Mão (1899-1920)
6. GM Victor Charles Quinton Tôn (1920-1924)
7. GM Marie J. Dumortier Đượm (1926-1941)
8. GM Jean Cassaigne Sanh (1941-1955)
9. GM Simon-Hoà NguyễnVăn Hiền (1955-1960)
Trong khoảng giữa thế kỷ 19, Giáo phận Tây Đàng Trong được vun tưới bằng máu đào của hàng trăm chứng nhân đức tin. Trong số 117 vị được tôn phong Hiển Thánh ngày 19.06.1988 tại Roma, có tám vị sinh trưởng trong giáo phận:
1. Thương gia Máthêu Lê Văn Gẫm (Gò Công, 11.05.1847),
2. Lm. Philipphê Phan Văn Minh (Cái Mơn, 03.07.1853),
3. Ô.Trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu (Cái Nhum, 02.05.1854)
4. Lm. Phaolô Lê Văn Lộc (An Nhơn, 13.02.1859),
5. Ông Phaolô Trần Văn Hạnh (Tân Triều + Chợ Quán, 28.05.1859),
6. Lm Phêrô Đoàn Công Quý (Búng, 31.07.1859),
7. Ông Câu Emmanuel Lê Văn Phụng (Cù Lao Giêng, 31.07.1859),
8. Lm. Phêrô Nguyễn Văn Lựu (Gò Vấp, 07.04.1861).
Chúng ta cần ghi nhận công lao của các vị tiền bối về nhiều cơ sở và cộng đoàn vẫn tồn tại cho đến nay:
- Đức cha Lefèbvre Ngãi thiết lập: Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán (1852);
Ngài mời Dòng thánh Phaolô (1860); Đan viện Cát Minh đến Sàigòn (1861);
Năm 1861 dời Chủng viện Thánh Giuse về vị trí hiện nay (cha giám đốc tiên khởi Wibaux Vị xây dựng cơ sở). Tính đến nay chủng viện này đã đào tạo trên 1.250 linh mục.
Năm 1863, ngài thành lập họ đạo Sàigòn.
- Đức cha Miche Mịch đã mời Dòng các sư huynh Lasan tới mở trường công giáo.
- Đức cha Colombert Mỹ xây dựng Nhà thờ Chánh toà Sàigòn năm 1877.
- Đức cha Mossard Mão đã xây dựng Toà Giám mục (1900), và nhà hưu Chí Hoà (1910). Năm 1905, ngài đón nhận hai tỉnh Phan Thiết và Đà Lạt, cắt ra từ giáo phận Đông Đàng Trong vào giáo phận Tây Đàng Trong.
- Dưới thời Đức cha Dumortier Đượm, giáo phận Vĩnh Long được tách ra từ SàiGòn năm 1938.
- Thời Đức cha Cassaigne Sanh, năm 1954, giáo phận đã tiếp đón đông đảo đồng bào di cư từ miền Bắc, giúp định cư nhiều xứ đạo. Ngài rất thiết tha với việc loan báo Tin Mừng cho anh em Dân tộc thiểu số, công việc ngài đã nhận từ khi còn là linh mục (1927), và tên của ngài gắn liền với trại phong Di Linh mà ngài sáng lập (1929), cũng là nơi ngài hưu dưỡng và an nghỉ trong Chúa.
- Dưới thời Đức cha Simon Hoà Hiền, rất nhiều giáo xứ cho dân định cư được thành lập tại các vùng Biên Hòa, Hố Nai, Gia Kiệm, Bảo Lộc, và Sàigòn… Đức cha cũng thiết lập một số cơ sở như viện Đại học Đà Lạt, Giáo hoàng Học viện Piô X, Biệt thự Thánh Tâm. Ngài đã tổ chức Đại hội Thánh Mẫu Toàn quốc tại Sàigòn năm 1959 (kỷ niệm 300 năm Giáo phận tông tòa tại Việt Nam và 100 năm Đức Mẹ Lộ Đức) ; và chủ sự nghi lễ nâng nhà thờ Chính Toà lên hàng Vương Cung Thánh Đường ngày 09.12.1959.
Ngoài ra, Trung Tâm Công Giáo số 72/12 Trần Quốc Toản do Đức cha Phạm Ngọc Chi mua năm 1957, hiện là trụ sở II của Hội đồng Giám Mục Việt Nam, với các văn phòng: Bác Ái Xã Hội, Truyền thông, Công giáo tiến hành …
Theo báo cáo của các Cha sở năm 1910, còn lưu lại trong văn khố Toà Tổng Giám Mục, giáo phận Sàigòn hiện có 23 họ đạo tính đến năm 2010 được trên 100 năm hình thành. Một số được hình thành nhiều năm trước khi xây nhà thờ.
Chợ Quán (1610,1727)
|
Tân Định (1861)
|
Chợ Cầu (1869)
|
Chí Hoà (1771)
|
Khánh Hội-Vĩnh Hội (1861)
|
Thủ Đức (1879)
|
An Nhơn (1780, 1856)
|
Hạnh Thông Tây (1861-1910)
|
Tân Quy (1880)
|
Thánh Gẫm (1848)
|
Sàigòn-Chánh Toà (1863,1877)
|
Tắc Rỗi (1880)
|
Xóm Chiếu (1856)
|
Cầu Kho (1863)
|
Bình Chánh (1884)
|
Gò Vấp (1857)
|
Bà Điểm (1863)
|
Thị Nghè (1888)
|
Chợ Đũi (1859)
|
Phanxicô (1865)
|
Long Đại (1900)
|
Thủ Thiêm (1859)
|
Gia Định (1867)
|
|
Sau đó ngày càng có nhiều họ đạo mới được thành lập. Thời Đức cha Dumortier Đượm (1926-1941): 2 họ đạo; thời Đức cha Cassaigne Sanh (1941-1955): 20 họ đạo; và thời Đức cha Simon Hoà Hiền (1955-1960): 54 họ đạo.
Sau năm 1954, chủ yếu do làn sóng di dân, Giáo phận phát triển cách đột biến về nhân sự cũng như cơ sở. Cụ thể là vào thời điểm:
- Năm 1938, sau khi giáo phận Vĩnh Long được tách ra, giáo phận Sàigòn có họ chánh và lẻ: 210, giáo dân: 82.375, linh mục: 119 (80 triều, 12 dòng, 27 thừa sai)
- Năm 1959, giáo phận Sàigòn có họ chánh và lẻ: 481, giáo dân: 569.415, linh mục triều và dòng: 448
Các dòng tu hiện diện tại Sàigòn ngày càng đa dạng:
- Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (1840), Mến Thánh Giá Chợ Quán (1852),
- Phaolô (1860), Cát Minh (1861)
- Vinh Sơn Phaolô (1928), Chúa Cứu Thế (1933),
- Dòng Đức Bà (1935), Phanxicô (1949),
- Đaminh, -Don Bosco, -Gioan Trợ Thế (1954),
- Dòng Tên (1957).
Sau năm 1954, nhiều nữ tu Mến Thánh Giá và Đaminh gốc Bắc cũng được quy tụ và thành lập hội dòng mới. Bình thường bên cạnh các cơ sở dòng tu cũng như các họ đạo, chúng ta thấy xuất hiện các trường học, cơ sở y tế và từ thiện.
Trong giai đoạn này, về lãnh vực văn hóa, bên cạnh những nhà in lớn như nhà in Tân Định và báo Nam Kỳ Địa Phận, phải kể đến một số nhân sĩ công giáo được nhiều người biết đến, như Petrus Trương Vĩnh Ký sáng lập tờ Gia Định Báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên ; Paulus Của, Nguyễn Trọng Quản, Trần Chánh Chiếu, Lê Văn Đệ …
IV. NĂM MƯƠI NĂM TỔNG GIÁO PHẬN SÀIGÒN 1960 - 2010
Ngày 24.11.1960, Đức Giáo Hoàng chân phước Gioan XXIII, với Tông sắc Venerabilium Nostrorum, đã thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam với ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sàigòn, đồng thời cũng thiết lập 2 giáo phận Đà Lạt, Mỹ Tho (tách ra từ Giáo phận Sàigòn).
Từ nay giáo phận Sàigòn trở thành Tổng Giáo phận Sàigòn. Năm 1976, được đổi tên là Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau năm 1960, đã có ba giáo phận được thiết lập tách ra từ Tổng giáo phận Sàigòn đó là: Gp Phú Cường và Gp Xuân Lộc (1965), Gp Phan Thiết (1975) (3).
Tổng Giáo phận Sàigòn từ 1960 đến nay được sự chăm sóc mục vụ của 2 Tổng Giám mục, 1 Tổng Giám mục phó, và 5 Giám mục phụ tá, trong đó có một vị được đặt làm Giám Quản.
Năm 2003, Toà Tổng Giám mục Sàigòn được đặt làm Toà Hồng Y đầu tiên ở miền Nam, và là Toà Hồng Y thứ nhì trên đất nước Việt Nam.
1. Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, (1960-1995)
- Đức cha Px. Trần Thanh Khâm, phụ tá (1966-1976)
- Đức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi, phụ tá (1974-1975)
- Hồng y Px Nguyễn Văn Thuận, TGM phó (1975-1998)
- Đức cha Aloisiô Phạm Văn Nẫm, phụ tá (1978-2000)
2. Đức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi, Giám quản (1993-1998)
3. Tổng giám mục Gioan B. Phạm Minh Mẫn, (1998...) được Giáo Hội chọn làm Hồng Y (2003)
- Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, phụ tá (2001-2009)
- Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, phụ tá (2008...)
Trong 50 năm (1960 - 2010), đã có thêm 101 họ đạo mới thành lập:
- 88 họ đạo thời đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình,
- 5 họ đạo thời Giám quản Nicôla Huỳnh Văn Nghi,
- 8 họ đạo thời đức TGM Gioan B. Phạm Minh Mẫn.
- Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đã tổ chức Nhà Truyền Thống; xây dựng mới cơ sở Đại và Tiểu Chủng viện thánh Giuse Sàigòn nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Chủng viện thánh Giuse (1863-1963), xây dựng Nhà Hưu dưỡng cho các linh mục, Văn phòng và Nhà khách tòa Tổng Giám Mục.
Với luồng gió mới của Công đồng Vatican II, Tổng Giáo phận có những hoạt động mục vụ ngày càng phong phú hơn, nhằm từng bước xây dựng giáo phận thành cộng đoàn đức tin và hiệp thông huynh đệ, làm muối, men và ánh sáng Tin Mừng cho đồng bào trong Thành phố Saigon.
Vào năm 1974, gia đình Tổng Giáo phận gồm có:
- 152 họ đạo trong 11 hạt, 516.000 giáo dân với 23 đoàn thể tông đồ giáo dân,
- Hội Đồng Linh Mục, Hội Đồng Tư vấn, Ban Tương Trợ Linh Mục, Toà án Hôn phối,
- 6 Ban Mục vụ giáo phận : Phụng Vụ, Caritas, Giáo Lý, Giáo Dục, Truyền Bá Phúc Âm, Truyền Thông Xã Hội
- 414 linh mục giáo phận và 37 linh mục du học; 706 Tiểu chủng sinh, 80 Đại chủng sinh.
- 22 dòng tu và tu hội nam với 185 linh mục, 1.300 tu sĩ; 32 dòng tu và tu hội nữ, với 2060 nữ tu,
- 275 cơ sở giáo dục, 36 cơ sở y tế, 66 cơ sở từ thiện.
Đến năm 1975, đất nước bước vào một trang sử mới với nhiều thay đổi, Giáo phận cũng đổi tên theo địa danh là Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn này, hầu hết cơ sở giáo dục, y tế và từ thiện tôn giáo bị đóng cửa hoặc bàn giao cho chính quyền quản lý.
Chủng viện thánh Giuse bị tạm ngưng từ năm 1982, đến năm 1986 mới mở cửa lại, đã trở thành Đại Chủng Viện liên giáo phận. Trong thời gian gần đây số tân linh mục ra trường tương đối gia tăng, nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp số linh mục nghỉ hưu, bệnh, qua đời (4).
- Đức TGM Gioan B. Phạm Minh Mẫn đã nâng cấp Nhà Truyền Thống Văn hoá và Đức Tin (2003), sau được đổi tên là Trung Tâm Văn Hoá Công Giáo.
- Năm 2004, sau khi nhận lại khu Tiểu chủng viện, đã thiết lập Trung Tâm Mục vụ, trong đó có Học viện Mục vụ, nhằm thắp sáng niềm tin cho mọi thành phần dân Chúa, linh mục, tu sĩ, giáo dân.
Dần dần trong tình hình đất nước đổi mới, giáo phận đã có những hoạt động tích cực trong lãnh vực giáo dục và y tế. Cho đến nay giáo phận có 190 cơ sở xã hội, nhà trẻ, lớp tình thương, dạy nghề, phòng khám sức khoẻ, từ thiện... Hy vọng góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, đồng thời khắc phục những hậu quả tiêu cực của phát triển xã hội.
Trong vài thập niên gần đây, Tp. Hồ Chí Minh đang phát triển kinh tế xã hội với nhiều khu công nghiệp, các khu dân cư và đô thị mới. Dân số tăng từ 5 triệu lên 7 triệu. Trong số 2 triệu dân nhập cư từ mọi miền đất nước, có trên 100.000 người công giáo không ghi danh nơi các giáo xứ.
Nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ phát sinh từ tình hình mới về kinh tế, xã hội, tôn giáo, Tổng Giáo phận đã từng bước phục hồi hoặc hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức nhân sự theo quy định của luật lệ trong Giáo Hội.
Vào thời điểm giữa năm 2009, các cộng sự cùng chung sức phục vụ, xây dựng, mở mang gia đình Tổng Giáo phận, gồm có:
- Ba vị Tổng Đại diện, cùng với Tổng Giám mục lo việc mục vụ, huấn luyện, thường huấn nhân sự trong giáo phận, cùng quản trị tài sản của cải nhà đất của giáo phận.
- Hội Đồng Linh mục, Hội đồng Tư vấn, Hội Đồng Mục vụ (gồm 15 Hạt trưởng, 12 Trưởng Ban Mục vụ, một số Đại diện Tu sĩ và Giáo dân); Hội Đồng Quản trị Tài sản Kinh tế, Ban Tương trợ Linh mục, Toà án Hôn phối.
- 12 Ban Mục vụ góp sức cùng nhau xây dựng:
Giáo Hội Mầu Nhiệm: Phụng tự, Thánh Nhạc, Giáo lý, Ơn Gọi
Giáo Hội Hiệp Thông: Thiếu Nhi, Giới Trẻ, Gia Đình, Di Dân
Giáo Hội Sứ Vụ: Truyền Giáo, Giáo Dục Công Giáo, Truyền Thông, Bác Ái Xã hội – Caritas, chăm sóc bệnh nhân
- Ba Trung Tâm đào tạo, huấn luyện: Đại Chủng viện, Trung Tâm Văn Hoá công giáo, Trung Tâm Mục vụ.
- 318 linh mục triều, 327 linh mục dòng, 5.289 thành viên HĐGX, 6.254 Giáo lý viên, trên 900 ca đoàn, chung sức chăm lo mục vụ cho 203 giáo xứ và giáo điểm
- Hiện trong Tổng Giáo phận có 85 Hội dòng, Tu đoàn và Tu hội, với 5.047 tu sĩ phục vụ trong nhiều giáo phận, và nhiều trăm thành viên đi truyền giáo tại 46 quốc gia thuộc năm châu.
- 25 Đoàn thể, Hiệp hội tông đồ giáo dân, với tổng số thành viên hiện nay là khoảng 90.000
CÁC ĐOÀN THỂ - CÁC GIỚI
1. Bà Mẹ Công giáo
|
10. Người cao tuổi
|
19. Legio Mariae
|
2. Gia Đình Phạt tạ
|
11. Giáo chức Công giáo
|
20. Con Đức Mẹ
|
3. Gia đình cùng theo Chúa
|
12. Y, Bác sĩ Công giáo
|
21. Hiệp Hội Thánh Mẫu
|
4. Gia đình Khôi Bình
|
13. Doanh nhân Công giáo
|
22. Hiệp Hội Bác Ái Vinh Sơn
|
5. Gia đình Chúa
|
14. Nghệ sĩ Công giáo
|
23. HĐ giáo dân Đa Minh
|
6. Gia đình Phúc Âm
|
15. Thanh Sinh Công
|
24. HĐ Phan sinh tại thế
|
7. Thăng tiến HN + GĐ
|
16. Hướng đạo Công giáo
|
25. Dòng Ba Cát Minh
|
8. Thiếu nhi
|
17. Lòng Thương Xót Chúa
|
|
9. Giới trẻ
|
18. Học hội Kitô giáo
|
|
Đồng hành cùng dân tộc trên con đường lịch sử của đất nước, Tổng Giáo phận trải qua những bước thăng trầm và đổi thay, đồng thời đối diện với những những thách đố mới cùng cơ hội mới trong công cuộc xây dựng gia đình giáo phận thành muối, men và ánh sáng Tin Mừng Chúa Kitô.
Theo lời khuyên của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, trong hoàn cảnh xã hội luôn chuyển biến, gia đình Giáo phận cần phát huy tình liên đới huynh đệ giữa các thành phần, tạo điều kiện cho các gia đình Công giáo, các cộng đoàn giáo xứ và dòng tu, các tổ chức mục vụ các cấp, các tổ chức tông đồ giáo dân, sống trong chân lý và tình yêu của Chúa Kitô, nhằm cùng nhau góp phần vào sự phát triển toàn vẹn và vững bền của Giáo hội cùng con người và đất nước hôm nay.
Năm
|
Giáo xứ, giáo điểm, giáo họ
|
Số
giáo dân
|
Số
linh mục giáo phận
|
Số
linh mục dòng
|
Số tu sĩ
nam, nữ
|
Ghi chú
|
1959
|
481
|
569.415
|
448
Gp+dòng
|
|
|
Cơ sở và nhân sự tăng chủ yếu do làn sóng di dân 1954
|
|
|
|
|
|
|
1960, chia 2
giáo phận Đà Lạt
và Mỹ Tho
|
1963
|
263+284
|
567.455
|
583
|
25
|
2.439
|
Có 56 Trung học, 338 Tiểu học, 28 cơ sở y tế, 100 từ thiện
|
|
|
|
|
|
|
1965, chia 2 giáo phận Phú Cường và Xuân Lộc
|
1974
|
152
|
516.000
|
414
|
185
|
3.360
|
Có 275 cơ sở giáo dục, 36 cơ sở y tế, 66 cơ sở từ thiện
|
1976
|
186
|
387.184
|
226
|
89
|
|
Số giáo xứ tăng, số LM, TS, GD giảm
Số cơ sở giáo duc, y tế, từ thiện không còn
|
1998
|
191+2
|
524.281
|
244
|
169
|
2.655
|
|
2009
|
200+4
trên
tổng số 2.135
|
662.148
trên
tổng số
6.200.000
|
255+53
nghỉ hưu, nghỉ bệnh
+ 10 du học
trên
tổng số 3.000
|
327
Trên tổng số 770
|
4.754
trên tổng số 15.752
|
Có 190 cơ sở xã hội, nhà trẻ, lớp dạy nghề, lớp tình thương, từ thiện, phòng khám sức khoẻ, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, đồng thời khắc phục những hậu quả tiêu cực của phát triển xã hội
|
-----------------------------------------------
1- Đến nay công trình nầy phát triển thành 24 Hội dòng Mến Thánh Giá trong ba giáo tỉnh, với số thành viên gần 10.000 nữ tu, lo công tác tông đồ, giáo dục, y tế, từ thiện, đặc biệt cho đồng bào nghèo.
2- Đức cha Simon Hoà Hiền phổ biến cuốn "Giáo lý sơ bộ" (1957), Đức cha Phaolô Bình phổ biến cuốn "Giáo Lý Tân Định" (1967)
3- Không kể ba giáo phận được tách từ giáo phận con: Gp Cần Thơ, 1955 từ Gp Nam Vang, Gp Long Xuyên, 1960 từ Gp Cần Thơ, và Gp Bà Rịa, 2005 từ Gp Xuân Lộc.
Vậy giáo tỉnh Sàigòn-Thành phố HCM nay gồm có 10 giáo phận:
1.TGP Sàigòn-Thành phố HCM; 2.Vĩnh Long (1938); 3.Cần Thơ (1955); 4.Đà Lạt (1960); 5.Mỹ Tho (1960);
6.Long Xuyên (1960); 7.Phú Cường (1965); 8.Xuân Lộc (1965); 9.Phan Thiết (1975); 10.Bà Rịa (2005)
4- Chủng viện đào tạo 444 linh mục cho 6 giáo phận Sài Gòn, Mỹ Tho, Phú Cường, Phan Thiết, Đà Lạt, Xuân Lộc-Bà Rịa, trong đó có 144 của Tổng Giáo phận.
bài liên quan mới nhất
- Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024)
-
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025 -
Tĩnh huấn Mùa Vọng 2024 của giáo hạt Tân Sơn Nhì -
Giờ lễ Giáng sinh 2024 cho các cộng đoàn nước ngoài (Christmas Schedule 2024) -
Thánh lễ mừng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn -
Một chút tâm tình Mùa Vọng -
Tuần tĩnh tâm thường niên 2024 của linh mục đoàn Sài Gòn -
Chương trình “Ngày Quốc Tế Người nghèo” tại giáo hạt Thủ Thiêm -
Đại hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024 -
Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu giáo hạt Tân Định mừng lễ Chúa Kitô Vua
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023