Tôi tin - Chúng tôi tin
Kinh Tin kính là một trong những kinh quan trọng mà hầu hết mọi tín hữu đều thuộc lòng, từ những em bé học lớp giáo lý để rước lễ lần đầu đến những người trưởng thành muốn gia nhập Giáo Hội. Kinh này được khởi đầu bằng chữ “Tôi tin”, và từ này được lặp đi lặp lại nhiều lần. Nội dung kinh Tin kính bao gồm những chân lý căn bản của Kitô giáo.
Khi tuyên đọc “Tôi tin”, người tín hữu xác định đức tin là một hành vi có tự do và được chọn lựa, là sự chấp nhận tin theo Chúa. Đức tin của Kitô hữu không phải chỉ tin “có Chúa”, giống như tin một vật đang hiện hữu, ví dụ một căn nhà, một chiếc xe, một sự việc… mà là tin “vào Chúa” với tâm tình phó thác, trao gửi và mến yêu. Chữ “kính” trong ngôn ngữ Việt Nam diễn tả rất tuyệt vời ý niệm đó. “Lời tuyên xưng “Tôi tin” đồng nghĩa với “Tôi phó thác, tôi chấp nhận” (Đức hồng y Ratzinger “Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay”, tr. 88). “Công thức của đức tin không phải là ‘tôi tin điều gì’, nhưng là ‘tôi tin vào Chúa” (Sđd tr. 79).
Đức tin không chỉ là một hành vi cá nhân, mà còn được tuyên xưng trong sự hiệp thông với cộng đoàn Giáo Hội. Vì thế, bên cạnh việc tuyên xưng “Tôi tin”, người tín hữu còn tuyên xưng “Chúng tôi tin”. Đức Bênêđitô XVI đã viết: “Việc tuyên xưng đức tin là một hành vi bản thân, đồng thời cũng có tính chất cộng đoàn. Thực vậy, chính Giáo Hội là chủ thể đầu tiên của đức tin. Trong đức tin của cộng đoàn Kitô, mỗi người lãnh nhận bí tích Rửa tội, là dấu chỉ hữu hiệu về sự gia nhập cộng đoàn các tín hữu để được ơn cứu độ. Như Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo làm chứng: “Tôi tin”; là đức tin của Giáo hội được mỗi tín hữu tuyên xưng cá nhân, nhất là trong lúc chịu phép Rửa tội. “Chúng tôi tin” là đức tin của Giáo hội được các giám mục họp nhau trong Công đồng, hoặc tổng quát hơn, được cộng đồng phụng vụ các tín hữu tuyên xưng. “Tôi tin” cũng là Giáo Hội Mẹ chúng ta, đáp lại Thiên Chúa bằng đức tin của mình và dạy chúng ta nói “Tôi tin”, “Chúng tôi tin” (Tự sắc Năm Đức tin, số 10).
Ngay từ khi cộng đoàn Kitô hữu vừa được hình thành, giống như một nhánh cây được tách rời khỏi đại thụ là Do Thái giáo, các tông đồ và các tín hữu đã muốn khẳng định những điều phải tin, dựa vào giáo huấn mới mẻ của Đức Giêsu. Bốn sách Tin Mừng và các sách khác của bộ Tân Ước nhằm mục đích xây dựng một hệ thống giáo lý cho những ai muốn nhập đạo, đồng thời nhằm nuôi dưỡng đời sống đức tin của các tín hữu. Vào thời ban đầu, tức là thế kỷ thứ II và thứ III, kinh Tin kính có cấu trúc theo dạng hỏi-thưa, được dùng trong phụng vụ phép rửa, gồm ba câu hỏi dành cho người xin gia nhập Giáo Hội, đi kèm với ba lần dìm trong nước. Một truyền thuyết có từ thế kỷ thứ V kể lại rằng trước khi các tông đồ chia tay nhau đi truyền giáo, họ thấy cần phải thống nhất với nhau về những điều phải tin để có thể loan truyền đức tin cho người khác. Sau khi cầu nguyện, mỗi người đều viết riêng ra giấy một điều mình tin, và khi ghép lại với nhau, thì 12 vị trình bày 12 điều tin khác nhau và thế là kinh Tin kính ra đời! Vì vậy mà có tên gọi “Kinh Tin kính các tông đồ”.
Tuy vậy, cũng từ rất sớm, đã có những bất đồng ý kiến giữa các Kitô hữu về nội dung đức tin hoặc cách thực hành đức tin. Công đồng Giêrusalem đã được triệu tập vào khoảng năm 48 như một bằng chứng về tình hiệp thông trong Giáo Hội (x Cv 15,1-29). Đây là một biến cố quan trọng, vừa mở ra hướng đi mới là rao giảng Tin Mừng cho những người ngoài Do Thái, vừa quyết định cho anh chị em lương dân khi trở lại Đạo không phải giữ những ràng buộc của Lề Luật. “Văn kiện” công đồng đầu tiên của Giáo Hội đã tuyên bố những quyết định nhân danh tập thể: “Anh em tông đồ và kỳ mục chúng tôi gửi lời chào anh em gốc dân ngoại tại Antiôkia…” (Cv 15,23). Liên tiếp trong 4 thế kỷ, thường xuyên có những tranh luận về mầu nhiệm Nhập thể, liên quan đến bản tính, ngôi vị, vai trò và sứ mạng của Đức Giêsu. Các công đồng đã được triệu tập để lắng nghe Chúa Thánh Thần và tìm ra tiếng nói chung trong Giáo Hội. Những bản định tín của các công đồng đều luôn thể hiện đức tin cộng đồng và được mở đầu bằng lời tuyên tín “Chúng tôi tin”. Năm 1967, trong khuôn khổ “Năm Đức tin” kỷ niệm 1900 năm cuộc tử đạo của thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ, Đức Phaolô VI đã soạn thảo một Kinh tin kính, nhằm tuyên xưng nội dung trọn vẹn của đức tin công giáo. Với tên gọi “Kinh Tin kính của Dân Chúa”, kinh này thể hiện “Giáo Hội tính”, tức là tính tập thể, cách rõ ràng trong lời tuyên xưng đức tin. Đức Phaolô VI đã dùng 17 lần “Chúng tôi tin” và 1 lần “Chúng tôi tuyên xưng” trong Kinh Tin kính này. “Kinh Tin kính của Dân Chúa” được chính thức công bố ngày 30-6-1968.
Hiểu như trên, đức tin của người tín hữu phải được tuyên xưng với hai đại từ nhân xưng, ở ngôi thứ nhất số ít (Tôi) và số nhiều (Chúng tôi).
Tôi tin: đây là điều tôi tuyên xưng một cách đặc biệt trong ngày được thanh tẩy. Dù lúc đó tôi chỉ là một em bé mới sinh, nhưng cha mẹ và người đỡ đầu đã thay tôi để tuyên tín điều ấy. Mặc dù được tuyên xưng bởi cha mẹ và người đỡ đầu, đức tin mà tôi lãnh nhận trong ngày được thanh tẩy vẫn là đức tin của cá nhân tôi. Mỗi ngày, thể xác tôi dần dần lớn lên và đức tin cũng từng bước trưởng thành, đơm hoa kết trái nơi cuộc đời của tôi. Những câu kinh bập bẹ khi tôi vừa biết nói, đó là dấu thánh giá và sau đó là câu “Tôi tin”. Mặc dù tôi chưa hiểu biết gì, nhưng tôi tin vào Chúa trong sự thương yêu và hướng dẫn của cha mẹ và mọi người trong gia đình. Như thế, đức tin do cha mẹ tuyên xưng thay tôi sẽ dần dần trở thành đức tin “của tôi” một cách thực thụ. Khi tuyên xưng “Tôi tin”, tôi khẳng định tôi đã được “gặp gỡ” Thiên Chúa, mặc dù chưa bao giờ được nhìn thấy Ngài. Khi đó, tin không còn là một khái niệm trừu tượng thuần túy lý thuyết, nhưng “là một cuộc gặp gỡ với con người Giêsu, và qua cuộc gặp gỡ đó mà nhận ra rằng, ý nghĩa của thế giới là một con người, một ngôi vị sống động” (Đức hồng y Ratzinger “Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay”, tr. 79).
Chúng tôi tin: dù đức tin là hành vi cá nhân, tôi không chỉ sống đức tin một cách đơn lẻ. Tôi sống trong Giáo Hội, như con thơ sống trong cánh tay ôm ấp của Mẹ hiền. Vì Giáo Hội là chủ thể của đức tin, nên đức tin của tôi được xây dựng trên nền tảng đức tin của Giáo Hội. Giáo Hội là người quản lý kho tàng đức tin, đồng thời nuôi dưỡng các tín hữu bằng kho tàng đó. Có thể tôi không hiểu thấu nội dung đức tin, nhưng tôi tin trong Giáo Hội, với Giáo Hội và trong tình hiệp thông với anh chị em đồng đạo của tôi. Khi tin trong Giáo Hội, tôi không sợ bị lầm lạc, vì Giáo Hội là Mẹ, luôn mong muốn cho con mình những điều tốt đẹp. Giáo Hội vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của đức tin, vì thế cùng với đức tin vào Chúa, tôi còn tuyên xưng: “Tôi tin Giáo Hội Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền…”. Đức tin nơi Giáo Hội đem lại cho tôi niềm xác tín vào những gì Giáo Hội thông truyền. Tôi xác tín rằng, Giáo Hội mà dạy thì chẳng thể sai lầm, vì có Chúa Thánh Thần ở cùng Giáo Hội. Như thế, dù môi miệng tôi vẫn tuyên đọc “Tôi tin”, nhưng khi tôi tin với Giáo Hội và trong Giáo Hội, chữ “Tôi tin” trở thành “Chúng tôi tin”. Đức tin nhiệm màu là thế.
Một đức tin trọn vẹn phải được thể hiện trong hai chiều kích: cá nhân và cộng đoàn. Nếu chỉ có “Tôi tin” mà thôi, đức tin của tôi dễ bị khiếm khuyết, lầm lạc. Nếu chỉ dùng lại ở “Chúng tôi tin”, đức tin ấy sẽ mang tính cơ hội, phong trào. Đức Thánh Cha cảnh báo một nguy hiểm hiện nay là nhiều người chỉ coi đức tin như một vấn đề thuần túy cá nhân: “Hiện nay, tại một số miền trên thế giới, nhất là tại Tây Phương, có xu hướng loại trừ Thiên Chúa hoặc coi đức tin chỉ là một chuyện riêng tư, không ăn nhằm gì tới đời sống xã hội. Trong khi tất cả các giá trị làm nền tảng cho xã hội xuất phát từ Tin Mừng - như cảm thức về phẩm giá con người, tình liên đới, lao công và gia đình -, người ta nhận thấy một sự “che khuất Thiên Chúa”, một sự mất trí nhớ, thậm chí một sự chối bỏ thực sự đối với Kitô giáo và một sự phủ nhận kho tàng đức tin đã nhận lãnh, đến độ có nguy cơ đánh mất chính căn tính sâu xa của mình” (Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2011, số 1). Đức Thánh Cha còn khẳng định: “Kitô hữu không bao giờ được nghĩ rằng đức tin là một điều riêng tư. Đức tin là quyết định đứng về phía Chúa để sống với Ngài. Và thành ngữ “ở với Chúa” giúp hiểu biết những lý do tại sao ta tin. Chính vì đức tin là một hành vi tự do, nên cũng đòi hỏi một trách nhiệm xã hội về những gì ta tin” (Tự sắc Năm Đức tin, số 10). Vì quan niệm đức tin là vấn đề cá nhân nên nhiều người chủ trương tự do thực hành hay không thực hành đức tin, kể cả cha mẹ hay những người có trách nhiệm cũng không có quyền can thiệp. Quan niệm đức tin là “vấn đề riêng tư” còn làm cho tín hữu sống khép kín, thiếu hòa đồng với cộng đoàn giáo xứ cũng như cộng đoàn xã hội. Không! Đức tin không phải chỉ là chuyện riêng tư. Trách nhiệm của mỗi người là sống đức tin và loan báo đức tin cho anh chị em đồng loại.
Giáo Hội công giáo đang chuẩn bị bước vào Năm Đức tin. Bộ Giáo lý Đức tin đã đưa ra những hướng dẫn mục vụ để Năm Đức tin sinh nhiều hiệu quả nơi Giáo Hội, ở nhiều cấp độ khác nhau. Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đã đề ra những dự tính để giúp các tín hữu học hỏi và sống đức tin. Đây là dịp để mỗi tín hữu duyệt lại đời sống đức tin của mình, đồng thời tái khám phá niềm vui của đức tin và lòng nhiệt thành hăng say truyền giáo. Mỗi người hãy tự hỏi “đâu là suy nghĩ và thái độ của Kitô hữu, khi họ đặt cuộc sống mình trước hết và trên hết vào động từ “tôi tin” và qua đó khẳng định – một điều không hề đương nhiên – tâm điểm của Kitô giáo là một “niềm tin” (Đức hồng y Ratzinger “Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay”, tr. 47).
Khi ý thức được hai chiều kích quan trọng này của đức tin, chúng ta sẽ cố gắng để làm cho đức tin lớn lên trong ta mỗi ngày. Đức tin trưởng thành sẽ dẫn chúng ta đến gặp gỡ Đức Giêsu, để nhờ Người mà đến cùng Chúa Cha.
“Hãy có một đức tin sắt đá, con sẽ làm được tất cả, vì mỗi lần Chúa làm phép lạ, Người hỏi có tin không. Đức tin con làm cho con được lành” (Đức hồng y Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng, 278).
Hải Phòng ngày 14-7-2012
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19