Tình yêu và tự do

Tình yêu và tự do

WGPSG -- Theo truyền thống phụng vụ thông thường, vị chủ sự Thánh lễ thứ năm tuần thánh chỉ rửa chân cho nam giới. Vượt khỏi lẽ thường này, Đức Thánh Cha Phanxicô (ĐTC) trong ngày thứ Năm tuần thánh năm 2013 đã có một quyết định thật đặc biệt, gây rất nhiều ngạc nhiên cho báo chí và các cơ quan truyền thông quốc tế. Đó là, thay vì cử hành nghi thức rửa chân tại đền thờ Thánh Phêrô, ngài đã đến nhà tù Casal del Marmo ở ngoại ô thành phố Rôma để cử hành Thánh lễ, rửa chân và hôn chân các tù nhân. Đặc biệt hơn nữa, trong số 12 tù nhân được chọn để ĐTC rửa chân, có 2 nữ tù nhân, một người thuộc Hồi Giáo.

Chia sẻ Tin Mừng hôm ấy, ĐTC nói với các tù nhân rằng: tất cả mọi người, kể cả Giáo hoàng, đều cần phải có tinh thần phục vụ người khác như Chúa Giêsu. Trước đó, khi dâng lễ cho các linh mục vào buổi sáng, ĐTC cũng đã nhắc nhở các linh mục phải để ý đến người nghèo, người cùng khổ và đừng lo ngại gì về vai trò của mình là người “quản lý” giáo hội.

Để diễn tả tình yêu và lòng thương xót, ĐTC đã không bị những rào cản truyền thống “trói chân”. Ngài đã có nhiều hành động “vượt lệ thường” như thế để sống tinh thần đích thực của Tin Mừng.

Vị tư tế và ông trợ tế trong dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay đã không vượt được những rào cản truyền thống. Hẳn là vì sợ bị ô uế theo luật Do Thái, họ đã không thể hiện được tình yêu và lòng thương xót cần có đối với người bị đánh trọng thương, bỏ mặc nạn nhân nửa sống nửa chết nằm chơ vơ nơi hoang vắng. Quá câu nệ vào lề luật Do Thái, họ có thể đã lo sợ rằng mình sẽ bị ô uế khi đụng đến người chết hoặc người ngoại giáo, nên đã né tránh bổn phận yêu thương (và có thể vì một số lý do khác nữa...)

"Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: 'Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông'.

Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy" (Lc 10,30-37).

Để ý đến người nghèo, người cùng khổ và đừng lo ngại gì về vai trò của mình là người “quản lý” giáo hội - như lời khuyên của ĐTC - quả không phải dễ. Vượt những rào cản, đôi khi cả những rào cản xem ra là đạo đức truyền thống, để xả thân cho những người bất hạnh, đỏi hỏi phải có một con tim luôn bừng cháy ngọn lửa yêu thương, ngọn lửa do chính Chúa Giêsu mang xuống trần gian (x. Lc 12,49). Đồng thời, cần phải có tinh thần tự do siêu thoát như chim trời, như hoa dại mọc thanh thản ngoài đồng hoang giống như cuộc sống của chính Đức Giêsu (Audio: Hoa dại). Tự do để không quá bị trói buộc bởi những lề thói đã trở thành lực cản (và tất nhiên, cũng phải sáng suốt để hiểu rằng: lề luật và truyền thống đích thực luôn giúp ta tự do hơn, yêu thương nhiều hơn).

Muốn là em của anh cả Giêsu thì cũng phải trở nên anh em, chị em của mọi người, nhất là những người bất hạnh. Và ai là “anh em của người bất hạnh bị rơi vào tay bọn cướp?” Ai vậy? Có phải là tôi? Tôi có phải là anh em, và cư xử như huynh đệ, như tỉ muội của những người đang lâm nạn mà tôi gặp trên đường đời không? Ngọn lửa Giêsu có bừng cháy trong tim tôi và tôi có đủ tự do để hành động như người Samaria nhân hậu không?

Xin Chúa dủ thương, ban thêm "lửa", thêm sáng suốt và thêm nhiều tự do hơn nữa, cho con...

Giuse Mạnh Hữu
(Suy niệm Tin Mừng CN 15 TN C)


 

Top