Tỉnh thức trong tình hình mới
1. Đất Nước Việt Nam đang đi vào một tình hình mới. Quốc Hội mới, Chính phủ mới và hệ thống chính trị mới là những nhân tố mới thuộc cơ chế.
Ngoài cơ chế còn có nhiều cái mới, như những phong trào mới, những tư tưởng mới, những sản phẩm kinh tế, văn hoá, nghệ thuật mới, những lối sống mới, những nhóm quyền lực mới. Nhiều cái mới rất khó kiểm soát. Lòng người thay đổi càng không dễ khắc phục.
Tất cả những cái mới đang làm nên một tình hình mới. Mọi cái mới trong tình hình mới đều ảnh hưởng đến con người sống trên Đất Nước Việt Nam. Ảnh hưởng mà tôi để ý nhất là về lĩnh vực tâm lý, lĩnh vực tâm linh, lĩnh vực đạo đức và lĩnh vực đức tin.
Theo hy vọng, chúng ta mong tình hình mới sẽ có nhiều ảnh hưởng tốt đến chúng ta. Nhưng theo cảnh giác, chúng ta cũng nên thấy trước những nguy cơ. Ở đây, tôi xin đề cập đến việc cảnh giác. Với những “nếu”.
2. Trong lĩnh vực tâm lý, hầu hết người Việt Nam đều khát khao sự bình an. Họ coi sự bình an là yếu tố căn bản của hạnh phúc. Bình an thường được ví như căn nhà bền vững, trong đó con người được chở che yên ổn, tránh được những lo sợ. Sự bình an như thế sẽ không được giải quyết do chỉ có được những cái tốt, mà còn nhờ gặp được những tấm lòng tốt. Hơn nữa bình an cũng tuỳ thuộc vào hoàn cảnh xung quanh gần xa. Sau cùng bình an còn tuỳ thuộc rất nhiều vào chính lòng mỗi người.
Tình hình mới chắc sẽ không tránh được nhiều phức tạp khó khắc phục. Nếu điều đó xảy ra, thì tâm lý con người ước mơ bình an sẽ bất ổn, có thể sẽ bất bình, bất mãn. Con người bất an bất bình bất mãn thường sinh ra nhiều chứng bệnh tâm lý dưới nhiều hình thức, kể cả hình thức nổi loạn.
3. Trong lĩnh vực tâm linh, hầu hết người Việt Nam đều có một niềm tin tự nhiên vào những gì là linh thiêng, là bất tử. Những niềm tin đó nằm sâu trong vô thức. Nó làm nên những sợi dây vô hình nối kết người đang sống với người đã chết, đời này với cõi đời sau.
Tình hình mới không chủ yếu bảo vệ và phát triển tâm linh, nhưng sẽ nghiêng về hướng đón nhận và đi tìm những sáng kiến làm cho cuộc sống được sung sướng hơn. Hướng đó khi phát triển quá tự do sẽ vô tình làm suy yếu những giá trị tâm linh. Hồn thiêng của Văn Hoá Việt Nam sẽ bị lãng quên dần. Những người có trách nhiệm dễ thấy điều đó, nhưng không dễ kiểm soát và khống chế được làn sóng phá hoại. Nếu tình hình tới lúc đó, tại hại sẽ khôn lường.
4. Trong lĩnh vực đạo đức, người Việt Nam hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức. Đạo đức là biết chọn lựa hợp đạo lý. Đạo lý bởi Trời và do Trời chứng giám. Câu hỏi sẽ đặt ra là mọi người có đủ sáng suốt và can đảm chọn lựa theo đạo đức không? Sáng suốt và can đảm sẽ tìm được ở đời sống nội tâm. Nhưng nếu tình hình mới sẽ quá bận rộn với những hoạt động bề ngoài, lại trốn tránh đời sống nội tâm, thì nguy cơ đó đáng báo động. Mà dù có báo động, thì chẳng mấy ai nghe. Thế mới đáng sợ.
Hiện nay người ta thường chọn cái mình ưa thích, chứ không chọn cái đạo lý dạy. Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa thực dụng đang là những làn sóng mạnh tràn vào xã hội Việt Nam. Tội ác xem ra không giảm, mà còn có chiều hướng gia tăng. Đạo đức suy giảm sẽ đe doạ đến hưng thịnh tồn vong của Dân tộc, và trước hết sẽ gây hại lớn cho chính con người. Điều đáng lo ngại, là những người đứng ra chấn chỉnh đạo đức lại nhiều khi phải cô đơn.
Nói chung, theo tôi, nếu cứ đà này, thì tình hình mới sẽ khó tránh được một cuộc khủng hoảng nặng nề về đạo đức, trong đó có khủng hoảng về niềm tin. Ngay trong gia đình, người ta cũng không còn tin nhau như trước. Phương chi trong xã hội. Giáo Hội Việt Nam xem ra cũng không tránh được khủng hoảng về niềm tin. Không còn tin nhau, đó là một thảm kịch
5. Trong lĩnh vực đức tin, ngoài những ảnh hưởng chung dành cho bất cứ ai, tình hình mới cũng còn có ảnh hưởng riêng đến những người sống đức tin.
Một ảnh hưởng, mà tôi cho là quan trọng, đó là những phức tạp mới đòi chúng tôi phải có những chọn lựa thích hợp, để diễn tả đức tin và giới thiệu đức tin.
Xin phép cho tôi được nói về chọn lựa của tôi. Chọn lựa của tôi luôn dựa trên Lời Chúa Giêsu và đời sống Chúa Giêsu. Lời Chúa Giêsu và đời sống Chúa Giêsu là nguồn ánh sáng. Trong ánh sáng đó, để diễn tả đức tin và giới thiệu đức tin, tôi chọn lối sống này:
* Cầu nguyện, sống mật thiết với Chúa Giêsu (x. Ga 15,5).
* Từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Chúa (x. Mt 16,29).
* Bác ái như Chúa dạy (x. Lc 10,29-37).
Trên thực tế, khi thực thi ba yếu tố trên đây, tôi phải có một đức tin sống động. Lúc đó, tin là gặp gỡ Chúa, là đón nhận Chúa, là lắng nghe Chúa, là để Chúa dẫn đưa.
Kết quả là sự gặp gỡ Chúa giúp tôi gặp gỡ người khác. Người khác là đồng bào tôi, là Đất Nước tôi. Tôi cảm thấy một tình yêu dạt dào trong tôi. Mến Chúa thì yêu thương người khác. Yêu thương người khác thì nhờ mến Chúa và vì mến Chúa.
Cảm nghiệm trên đây cho phép tôi xác tín rằng: Tình hình mới tuy có nhiều phức tạp, nhưng sẽ khắc phục được. Các khó khăn rồi sẽ vượt qua. Nhờ tình yêu. Không phải chỉ một tình yêu của tôi, mà còn vô số tình yêu của hàng triệu đồng bào. Nhất là nhờ tình yêu Chúa.
Tất nhiên, tình yêu của mỗi người nói ở đây là tình yêu dấn thân, đòi nhiều phấn đấu, chấp nhận mọi hy sinh, mà đỉnh cao là thánh giá. Đây cũng là tình yêu luôn nhận mình yếu đuối hèn mọn tội lỗi, và coi sự nhận biết đó chính là chân lý quan trọng cần hiện diện trong mọi quan hệ với mọi người, nhất là với Chúa.
Công cuộc khắc phục sẽ không dễ dàng. Trước mọi khó khăn, người công giáo chúng ta luôn phải là những chứng nhân của niềm hy vọng.
6. Tới đây, tôi xin được phép gởi tới anh chị em yêu quý một mong muốn cần thực hiện tốt, để sống Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng trong tình hình mới, đó là hãy tăng cường tinh thần trách nhiệm đối với gia đình mình.
Gia đình sẽ bị thử thách nhiều trong tình hình mới. Hãy chăm lo cho nhau về mọi mặt, nhất là về mặt đạo đức. Đạo đức gia đình đang bị lung lay, do nhiều khái niệm sai về các giá trị. Một phần trách nhiệm là từ gia đình. Gia đình trong tình hình mới sẽ phải tất bật để lo cho cuộc sống cạnh tranh. Vì thế rất cần có những hồi tâm cho đạo đức gia đình. Gia đình mất đạo đức sẽ không thể có hạnh phúc.
Khi làm tông đồ cho người khác, chúng ta không được quên làm tông đồ cho chính gia đình mình.
Đạo đức gia đình xuống dốc, đó là một sự dữ cực kỳ nguy hiểm.
“Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Nhờ Chúa rộng lòng thương cứu giúp, chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi, và được an toàn khỏi mọi biến loạn” (Nghi thức Hiệp lễ).
+ Gm. Gioan B. Bùi Tuần
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19