Tinh thần khó nghèo của Thánh Giuse
Ơn gọi của thánh Giuse được Phúc Âm ghi lại một cách vắn tắt như sau:
“Sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: Này ông Giuse, là con cháu Đavít, đừng ngại đón nhận bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20-21).
1/ Hãy đón nhận
“Hãy đón nhận bà Maria”, đó là ơn gọi chính yếu. Và theo mạch văn thì “Hãy đón nhận còn là đón nhận con trẻ mà bà Maria sẽ sinh ra”. Thêm vào đó “Hãy đón nhận còn phải là đón nhận Chúa Thánh Thần”.
Ơn gọi của thánh Giuse có thể gói gọn trong lời: “Hãy đón nhận”.
Khi nghe lời kêu gọi đó, thánh Giuse hiểu mình chẳng là gì, chẳng có gì, chẳng đáng gì. Ngài đón nhận để sống ơn gọi. Đón nhận như một người nghèo khó.
Càng đón nhận một Đức Maria khó nghèo, thánh Giuse càng thấm thía sự khó nghèo của Nước Trời là thái độ nền tảng của việc đón nhận Tin Mừng.
Càng đón nhận Chúa Giêsu khó nghèo, thánh Giuse càng hiểu rõ chính sự khó nghèo của Chúa Giêsu sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi.
Càng đón nhận Chúa Thánh Thần, thánh Giuse càng xác tín sâu sắc về sự quý giá của đức khiêm tốn khó nghèo thiêng liêng, trong chương trình cứu độ.
2/ Tinh thần nghèo khó
Nếu được phép gọi những bước đầu cuộc sống của thánh Giuse khó nghèo là mô hình của Hội Thánh tương lai, thì Hội thánh đó cũng đã được viết ra với những đặc điểm của sự khó nghèo. Xin tạm gọi đó là Hội Thánh của thánh Giuse.
Hội Thánh của thánh Giuse rất nghèo về của cải: Hang đá Bêlem, cảnh thiếu thốn bên Ai Cập, cuộc sống vất vả giữa xóm nghèo ở Nadarét.
Hội Thánh của thánh Giuse rất khó nghèo về quyền lực: Vâng phục quyền đời đi Bêlem để đăng ký. Không đối phó với ác vương, nên âm thầm trốn sang Ai Cập. Giữ trọn luật đạo từng chi tiết nhỏ, dưới quyền các thượng tế.
Hội Thánh của Thánh Giuse rất khó nghèo về quy tụ. Chỉ có những quy tụ nhỏ với những người bé nhỏ như tại hang đá Bêlem. Chỉ có những quy tụ nhỏ với vài người già cả như dịp dâng con trong đền thờ.
Chẳng có gì là hoành tráng, sang trọng, lẫy lừng và tự mãn cả.
Sự nghèo khó của Hội Thánh thánh Giuse là một cánh cửa mở ra, để đón nhận Đức Maria, Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần.
Các Đấng này mới chính là kho tàng của Hội Thánh thánh Giuse.
Nhận định trên đây là do ơn Chúa Thánh Thần.
Chúa Giêsu làm sáng tỏ thêm, khi mở đầu sứ vụ rao giảng, Người nói: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi” (Lc 4,18).
Với sự khẳng định đó, Chúa Giêsu nói rõ đối tượng ưu tiên của việc rao giảng Tin Mừng là đến với những người nghèo khó. “Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khó” (Lc 4,18). Như thế, những người nghèo khó chính là những người, mà Hội Thánh thánh Giuse sẽ tìm phục vụ một cách đặc biệt.
Sống nghèo, tận tuỵ phục vụ người nghèo, đó là những nét nổi bật của Hội Thánh thánh Giuse. Sự sống nghèo và tận tuỵ phục vụ người nghèo làm nên tinh thần khó nghèo của Tám mối phúc. Tinh thần khó nghèo ấy vốn đi đôi với mọi đổi mới trong Hội Thánh.
3/ Đổi mới Hội Thánh
Khi sự đổi mới là sự trở về với Phúc Âm, thì luôn luôn kêu gọi đến tinh thần khó nghèo. Nghĩa là Hội thánh sẽ không bị ràng buộc vào của cải, quyền lực hay áp lực thế tục nào, nhưng biết đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, vâng theo Chúa Thánh Thần.
Lịch sử Giáo Hội làm chứng điều đó. Có những thời sa sút. Có những nơi hư hỏng. Sức sống phục hưng vực dậy những thời đó nơi đó, chính là làm sống lại tinh thần khó nghèo Phúc Âm.
Mọi gương sáng của những vị cải cách Hội Thánh đều nổi bật tinh thần khó nghèo. Nhất là các đấng sáng lập dòng tu.
Điều nên để ý là tinh thần khó nghèo nơi các vị cải cách Giáo Hội bao giờ cũng dựa trên Kinh Thánh. Các ngài đọc Kinh Thánh, suy gẫm Kinh Thánh, để Lời Chúa soi dẫn. Thánh Thần Chúa sẽ ngự trên các ngài, đưa các ngài vào tinh thần khó nghèo đích thực có sức cứu độ.
4/ Nhìn vào Hội Thánh Việt Nam
Hội Thánh Việt Nam hôm nay đang trên đà phát triển. Không thiếu những phát triển về Tám mối phúc. Nhưng cũng không hiếm những phát triển về Bảy mối tội đầu. Có những phát triển tốt đáng gọi là do ơn Chúa Thánh Thần. Nhưng cũng có những phát triển không tốt do tinh thần thế tục hướng dẫn.
Nếu một lúc nào đó, Chúa muốn thanh luyện Hội Thánh chúng ta bằng cách đưa Hội Thánh chúng ta trở về mô hình của Hội Thánh thánh Giuse, thì chúng ta nên sẵn sàng.
Sẽ nghèo đi về mặt của cải. Sẽ nghèo đi về mặt quyền lực. Sẽ nghèo đi về mặt quy tụ. Sẽ nghèo đi về mặt tự mãn. “Sự nghèo đi” nói đây chủ yếu là sự giảm đi thái độ dính bén, chạy theo, làm nô lệ.
Chúng ta sẽ không dựa vào những thứ đó để sống Tin Mừng. Nhưng chúng ta sẽ tập trung vào sự đón nhận Chúa Thánh Thần bằng tinh thần nghèo khó.
Rồi Chúa sẽ làm những sự lạ lùng nơi Hội Thánh chúng ta. Bởi vì Hội Thánh chúng ta lúc đó sẽ nối tiếp Hội Thánh thánh Giuse.
Xin thánh Giuse thương giúp chúng ta hiểu giá trị của tinh thần khó nghèo, biết yêu mến tinh thần khó nghèo, luôn thực thi tinh thần khó nghèo.
Tinh thần khó nghèo sẽ cứu Hội Thánh chúng ta.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 03/01: Danh Thánh Chúa Giêsu
-
Ngày 02/01: Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô -
Ngày 31/12: Thánh Silvester I, Giáo Hoàng (270-335) -
Ngày 29/12: Thánh Tôma Becket, Giám mục tử đạo -
Ngày 28/12: Các Thánh Anh Hài tử đạo -
Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ -
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính) -
Ngày 25/11: Thánh Catarina Alexanđria -
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 03/11: Thánh Martinô de Porres, tu sĩ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi