Ngày 05/10: Thánh nữ Faustina

Ngày 05/10: Thánh nữ Faustina

Ngày 05/10: Thánh nữ Faustina

Ngày 5 tháng 10
THÁNH NỮ FAUSTINA KOWALSKA
(1905 - 1938)

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

Thánh Faustina Kowalska là ai? – Thưa là một vị thánh mới của thời đại. Faustina Kowalska sinh tại Glogowiec, một xã nhỏ miền Trung Ba lan năm 1905 và qua đời tại Cracovia, năm 1938, lúc mới có 33 tuổi. Faustina là thứ ba trong 10 người con của một gia đình nông dân, rất sùng đạo. Dĩ nhiên đức tin của cha mẹ đã góp phần lớn vào việc giáo dục Faustina. Lúc 16 tuổi, Faustina làm việc trong những gia đình khá giả. Năm 20 tuổi, Faustina xin vào tu tại Dòng các Nữ tu Ðức Trinh Nữ rất thánh, Mẹ của lòng Thương xót.

Từ nhỏ Faustina đã nổi bật về đức tin, lòng sùng đạo và sự vâng phục. Faustina thường lặp đi lặp lại lời này: “Nơi Chúa Giêsu có tất cả sức mạnh của tôi”. Trong 13 năm sống trong Dòng, Faustina được nhiều ơn mạc khải và thị kiến (visions), và được nhận dấu thánh Chúa (như trường hợp Thánh Phanxicô và Cha Piô), và cả ơn tiên tri nữa. Faustina viết một cuốn nhật ký về cuộc đời mình. Bất cứ ai đọc nhật ký này cũng thấy rõ sự sâu xa và kho tàng đức tin của Vị Nữ tu được Chúa chọn cách riêng, để làm những việc kỳ diệu. Cuốn nhật ký hiện đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau, cả tiếng Nga và Ả rập. Chính Chúa Kitô đã hiện ra với Chị Faustina chiều ngày 22 tháng 2 năm 1931 trong phòng của Chị tại Tu viện ở Plock và dạy Chị vẽ bức ảnh theo Chúa chỉ dạy. Ảnh này sẽ chiếm một địa vị nòng cốt trong việc sùng kính Lòng Thương xót Chúa. Ảnh thánh diễn lại Chúa Kitô sống lại và ban phép lành. Chúa Giêsu nói với Chị Faustina: “Con hãy vẽ một ảnh theo kiểu mẫu mà con đã thấy, rồi con ghi dưới ảnh này: Lạy Chúa Giêsu, con tin cậy nơi Chúa. Cha muốn rằng ảnh này được tôn kính trước hết trong nhà nguyện của các con và sau đó trên cả thế giới”.

II. SỨ MỆNH LOAN BÁO LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA.

Sứ mạng của thánh nữ Maria Faustina phép Thánh Thể là loan báo thánh ý của Thiên Chúa, là công bố cho toàn thế giới biết về Lòng Thương Xót của Người. Sứ mạng này thánh nữ trực tiếp nhận từ Chúa Giêsu.

Một lần kia, Chúa Giêsu đã phán với thánh nữ:

“Hỡi thư ký của Lòng Thương Xót vô cùng thẳm sâu của Cha, con hãy biết rằng con có một nghĩa tình cá biệt với Cha. Công việc của con là ghi chép tất cả những điều Cha đã tỏ ra về Lòng Thương Xót của Cha, ngõ hầu những ai đọc những điều này thì được an ủi trong linh hồn và có can đảm đến cùng Cha. Vì vậy Cha muốn con hãy dành tất cả thời giờ cho việc ghi chép” (1693).

Thư ký của Cha, con hãy viết rằng: Cha rộng lượng với các tội nhân hơn với người công chính. Vì họ, Cha đã từ trời xuống thế; vì họ Cha đã đổ máu ra. Chớ gì họ đừng sợ hãi khi đến gần Cha; họ rất cần đến Lòng Thương Xót của Cha (1275).

Khi phân tích quyển Nhật Ký được thánh nhân ghi chép trên phương diện thần học, chúng ta có thể tóm lược sứ mạng của thánh nữ Maria – Faustina – phép -Thánh - Thể vào 3 điểm chính này:

a. Nhắc nhở cho thế giới nhớ lại chân lý đức tin về tình yêu thương xót của Thiên Chúa dành cho mỗi người, như đã được mặc khải trong Thánh Kinh.

b. Khẩn nài Lòng Thương Xót của Chúa cho toàn thế giới, cách riêng cho các tội nhân, bằng việc thực hiện một số hình thức sùng kính Lòng Thương Xót Chúa như đã được chính Chúa Giêsu đã tỏ ra. Những hình thức này gồm việc tôn kính bức hình Chúa Thương Xót với hàng chữ “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa”, cử hành đại lễ kính Lòng Thương Xót Chúa, vào Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh; đọc chuỗi kinh Thương Xót; và cầu nguyện vào giờ thương xót vô biên ( 3 giờ chiều. Chúa Giêsu đã ban những lời hứa trọng đại cho các hình thức sùng kính ấy – miễn là chúng ta phải phó thác đời sống cho Thiên Chúa và tích cực thi hành bác ái cho tha nhân.

c. Khởi xướng phong trào Lòng Thương Xót Chúa, với nhiệm vụ loan truyền và khẩn nài Lòng Thương Xót Chúa cho thế giới, đồng thời gắng đạt đến sự toàn thiện, theo những điều thánh nữ Faustina đã đặt ra. Những điều này đòi các tín hữu phải có một thái độ đơn sơ hiếu thảo tín thác nơi Thiên Chúa, thể hiện qua việc chu toàn thánh ý Người và thái độ sống nhân ái với người chung quanh. Ngày nay, hàng triệu người khắp thế giới đang dấn thân vào phong trào Giáo Hội này: gồm các dòng tu, các tu hội đời, các tu sĩ, các đoàn hội, các tổ chức, các cộng đoàn tông đồ Lòng Thương Xót Chúa, cũng như các cá nhân đặc trách những công việc mà Chúa Giêsu đã phán dạy qua thánh nữ Faustina.

Có một tội nhân kia suốt đời được thiên thần khuyến dụ dẫn dắt theo con đường hẹp, nhưng vô ích, ông ta vẫn cứ đắm chìm trong đường tội lỗi. Gần đến ngày ông phải về tính sổ trước mặt Chúa, thiên thần bản mệnh chỉ còn biết khóc thầm thương cho số phận của tội nhân. Không bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy tội nhân đi vào con đường dẫn xuống hỏa ngục, ma quỷ liền đến bên ông và gieo vào tâm hồn ông niềm thất vọng, chán nản. Ma quỷ nói với ông:

- Thôi, ông cứ tiến thẳng tới án phạt của ông đi vì đời sống của ông chỉ toàn là những điều gian ác.

Trong chốc lát, ông như tỉnh ngộ. Ông bước đi nhưng mắt vẫn ngước nhìn về ngai vàng nơi Thiên Chúa ngự trị và tấm lòng vẫn còn hy vọng được Thiên Chúa tha thứ vì lòng nhân từ khoan thứ vô biên của Ngài. Thấy vậy, ma quỷ nói với ông:

- Hỡi người tội lỗi cứng lòng, hãy bước đi chứ đừng hy vọng gì nữa.

Tội nhân cứ tiếp tục bước, nhưng trong lòng vẫn cầu nguyện với sự e thẹn:

- Lạy Chúa, Chúa thật là Đấng công chính. Con thật đáng với án phạt nhưng vì tình thương bao la của Chúa, xin tha tội cho con. Tuy dù con bất xứng trăm bề, nhưng Chúa biết rằng niềm hy vọng trong tâm hồn con chẳng bao giờ tắt, vì con luôn tin tưởng vào lòng khoan dung của Ngài. Lạy Chúa, nỡ nào Chúa lên án phạt con sao đành. Nỡ nào Chúa lại thốt lên những lời tuyên phạt con đời đời hay sao?

Thiên Chúa cảm động trước lời cầu xin khiêm tốn của ông ta. Ngài truyền bảo các thiên thần:

Hãy dẫn người đàn ông khiêm tốn kia đến trước mặt ta. Lửa yêu thương của Ta sẽ thiêu hủy hết tội lỗi của nó. Mặc dù nó phạm tội nhiều nhưng không bao giờ nó hết nghi ngờ lòng THƯƠNG XÓT vô biên của Ta, vì thế Ta muốn nó được sống trong nước vinh quang của Ta, sống bên cạnh Ta để nó sẽ ca ngợi lòng nhân từ của Ta mãi mãi.

 

------------------------------------------------------

Ngày 18/05/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra sắc lệnh, quyết định đưa lễ nhớ thánh nữ Faustina Kowalska vào lịch phụng vụ chung của Giáo hội và lễ nhớ không buộc này được cử hành vào ngày 05/10 hàng năm.

Lễ nhớ (không buộc) vào ngày 05/10

Sắc lệnh được ký bởi Đức Hồng y Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Kỷ luật và Bí tích, và Đức tổng giám mục Arthur Roche, Tổng Thư ký của Bộ, xác định: “Chấp nhận lời thỉnh cầu và mong ước của các vị mục tử, các tu sĩ nam nữ, cũng như các hiệp hội giáo dân và xét đến sự ảnh hưởng do việc thực hành tu đức của thánh Faustina tại nhiều nơi trên thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã truyền ghi tên thánh Maria Faustina (Helena) Kowalska, trinh nữ, vào trong lịch phụng vụ chung của Giáo hội Roma và lễ nhớ tùy chọn kính ngài sẽ được cử hành vào ngày 05/10.”

Văn bản phụng vụ kính nhớ thánh Faustina

Bộ Phụng tự cũng xác định: “Lễ nhớ mới này sẽ được đưa vào tất cả các Lịch và sách phụng vụ để cử hành Thánh lễ và các giờ kinh phụng vụ; các bản văn phụng vụ kèm theo sắc lệnh này phải được dịch và chấp thuận, và sau khi Bộ Phụng tự phê chuẩn, sẽ được các Hội đồng giám mục xuất bản.”

Nguồn cảm hứng cho phong trào Lòng Chúa thương xót

Thánh Faustina sinh năm 1905 tại làng Głogowiec, gần Łódź, nước Ba Lan, và qua đời năm 1938, tại Cracovia. Trong cuộc đời ngắn ngủi trong dòng các Nữ tu Đức Mẹ Từ bi, thánh nữ đã quảng đại sống theo ơn gọi nhận được từ Chúa và phát triển một đời sống thiêng liêng sâu sắc. Trong Nhật ký tâm hồn của mình, chính thánh Faustina thuật lại những điều Chúa đã thực hiện nơi thánh nữ vì ơn ích của tất cả mọi người: lắng nghe Chúa, Đấng là Tình yêu và Thương xót, thánh Faustina hiểu rằng sự khốn khổ của con người không thể sánh với lòng thương xót không ngừng tuôn tràn từ trái tim của Chúa Kitô. Do đó, thánh nữ đã trở thành nguồn cảm hứng cho một phong trào loan báo và cầu khẩn Lòng Chúa thương xót trên toàn thế giới.

Được Đức Gioan Phaolô II tuyên thánh vào năm 2000, tên của thánh Faustina nhanh chóng được biết đến trên khắp thế giới, và qua đó cổ võ việc cầu khẩn Lòng Chúa thương xót trong mọi thành phần Dân Chúa, và chứng tá đáng tin cậy của nó trong việc hướng dẫn đời sống các tín hữu. Đây chính là lý do Đức Thánh Cha quyết định đưa lễ kính nhớ thánh Faustina vào lịch phụng vụ chung của Giáo hội. (CSR_3702_2020)

Nguồn: Vatican News

Top