Ngày 06/10: Thánh Brunô, linh mục

Ngày 06/10: Thánh Brunô, linh mục

Ngày 06/10: Thánh Brunô, linh mục

Ngày 6 tháng 10
THÁNH BRUNÔ, LINH MỤC

I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ.

Thánh Brunô mở mắt chào đời năm 1030 tại Cologne trong một gia đình danh tiếng, thế giá và đạo đức. Ngài là vị sáng lập Dòng khổ tu Chartreux. Sau khi lãnh nhận sứ vụ linh mục, ngài vẫn còn được các bề trên cho tiếp tục con đường học vấn vì thấy ngài có khả năng tiếp thu và lãnh hội tốt các môn học. Ngài đã gặt hái rất khả quan về môn Triết học và Thần học. Với trí thông minh, kiến thức rộng rãi, Brunô đã làm khoa trưởng của nhiều phân khoa đại học. Hội Thánh dùng ngài vì lòng đạo đức, học vấn uyên bác của ngài, chính vì vậy, ngài được triệu hồi về Roma và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo triều Roma.

Trong khi phục vụ Hội Thánh, Ngài cũng gặp một số trắc trở, rắc rối vì một số người ghen tương hay chống đối, nhưng nhờ ơn Chúa giúp, Ngài đã vượt thắng và thành công hơn thất bại. Mãn thời hạn phục vụ, Ngài trở về đời sống thầm lặng, tĩnh mịch và cầu nguyện. Năm 1084, sau nhiều cuộc bàn hỏi, cầu nguyện tìm ra thánh ý Chúa, Ngài đã thiết lập Dòng khổ tu Chartreux. Linh đạo của Dòng Chartreux là cầu nguyện liên lỉ, soạn sách báo, làm việc lao động chân tay và không ngừng trau dồi kiến thức.

Năm 1088, ngài được mời về La Mã để giữ chức cố vấn cho Đức Giáo Hoàng Urbanô II là một trong những học trò của ngài. Giai đoạn ngài phục vụ Giáo triều là thời kỳ Giáo Hội đang gặp trăm ngàn thử thách, nguy khốn, nhưng với ơn Chúa, với trí thông minh, lòng can đảm, sự khôn khéo, Thánh Brunô đã giúp Giáo hội vượt qua tất cả.

Năm 1101, Thánh Brunô đã trở về với anh em Dòng Chartreux sau khi được phép Đức Thánh Cha cho từ chức cố vấn Giáo triều Roma, ngài đã trút hơi thở cuối cùng bình an, thánh thiện về với Chúa trong sự luyến tiếc của anh em trong Dòng.(Theo tinmung.net)

Ngày 6 tháng 10 năm 1101, ngài từ trần, khi chưa có dịp trở về thăm tu viện thứ nhất của ngài. Ngài chưa bao giờ được chính thức phong thánh vì quy luật dòng Chartreuse không chấp nhận những vinh dự công cộng, nhưng vào năm 1514, Ðức Giáo Hoàng Leo X đã cho phép dòng Carthusian mừng lễ kính ngài, và tên của ngài được xếp trong niên lịch Công giáo Rôma từ năm 1623.

 

II. BÀI HỌC.

Bài học thánh Bruno để lại cho Giáo Hội và chúng ta là đời sống yêu mến sự tĩnh lặng và cầu nguyện.

Chúa Giêsu thích sự tĩnh lặng và cầu nguyện.

Chúng ta hãy tập cho mình biết dành những giây phút tĩnh lặng trong ngày để lắng nghe tiếng Chúa.

Một nhà thám hiểm nọ bị lạc giữa sa mạc. Ông đi từ cồn cát này đến cồn cát kia, nhìn đến hướng này đến hướng nọ, nơi đâu ông cũng chỉ thấy toàn là cát. Đang lê gót trong tuyệt vọng, tình cờ chân ông vấp phải một gốc cây khô, và bị ngã quỵ, nhưng không  còn đủ sức để đứng lên, không  còn đủ sức để chiến đấu và hy vọng sống còn.

Trong tư thế bất động ấy, nhà thám hiểm bỗng ý thức được sự thinh lặng của sa mạc. Thình lình ông ngẩng đầu lên, trong sự thinh lặng tuyệt đối của sa mạc, ông bỗng nghe như có tiếng thì thào yếu ớt vọng lại từ đàng xa. Dồn tất cả sự chú ý về hướng đó, nhà thám hiểm mới nhận ra đó là tiếng róc rách của một dòng nước. Như được phục sinh từ cõi chết, ông định hướng nơi xuất phát của dòng nước, rồi dùng tất cả sức lực còn lại để tìm đến suối nước nhờ thế mà ông được cứu thoát.

Toàn bộ sư đoàn lính Mỹ trong doanh trại Robert đang chuẩn bị một cuộc diễu binh đón chào ông bộ trưởng Quốc Phòng. Nào các cỗ xe tăng chuyển hành ầm ầm, nào các khẩu trọng pháo được kéo đến, rồi tiếng giày lính nện lên mặt đường nhựa của đoàn quân đi nhịp nhàng theo khúc nhạc quân hành hùng tráng...

Cả một khu vực và vùng trời vang động rộn rã, thế mà một đàn chiên vẫn thản nhiên từ từ tiến bước từ thảm cỏ này đến cánh đồng kia, nhích dần đến gần con đường người ta đang duyệt binh... Bộ chỉ huy phát hiện ra đàn chiên liền phái đến một tiểu đội quân cảnh để lùa đàn chiên tránh đi hướng khác. Họ mở còi hụ, la hét om sòm lên, nhưng đàn chiên vẫn nhởn nhơ gặm cỏ. Rồi cả một trung đội vệ binh được tăng cường. Cũng hò hét, hụ còi inh ỏi, nhưng đành chịu, đàn chiên vẫn bình thản thưởng thức món cỏ xanh thiên nhiên hào phóng, mỗi lúc một tiến gần doanh trại hơn.

Đúng lúc ấy, đoàn xe mô-tô dẫn đầu đoàn xe hơi của phái đoàn bộ trưởng đã vào đến cổng trại. Làm sao bây giờ? Không ai được quyền dùng đá để ném, dùng gậy để đánh đuổi đàn chiên, bởi như thế là chọc giận Hội Bảo Vệ Súc Vật và báo chí khắp nơi.

Toàn bộ đạo quân trang bị hùng hậu như vậy đành phải thúc thủ trước đối thủ quá ư hiền lành này hay sao? Bỗng, chiếc xe Jeep của thiếu tướng chỉ huy trưởng trại Robert phóng đến, và từ trên xe, Linh Mục Tuyên Úy Michael nhảy xuống, chạy đến nói nhỏ vào tai vị sĩ quan vệ binh. Sau đó, cả trung đội tập hợp ngay, đứng vào vị thế nghiêm. Và thinh lặng bao trùm lên tất cả đạo quân trong phút chốc!

Chính vào lúc hoàn toàn thinh lặng này, người ta mới nghe thấy có tiếng sáo của người mục đồng mãi từ trên một ngọn đồi gần đấy vọng xuống. Thế là cả đàn chiên tức khắc ngoan ngoãn quay gót, cùng nhau lũ lượt chạy lên mỏm đồi giữa những tiếng thở phào nhẹ nhõm của quan quân trong đoàn vệ binh...

Chỉ cần một tiếng sáo mục đồng du dương nhè nhẹ ấy thôi, cũng đủ để kêu gọi cả đàn chiên đi lạc hướng quay trở về, trả lại khung cảnh trang nghiêm cần thiết cho buổi lễ duyệt binh.

Bao nhiêu tiếng hò hét, tiếng còi hụ inh ỏi đều bó tay. Càng nhiều tiếng huyên náo thì đàn chiên lại càng không tài nào nghe được tiếng sáo đơn sơ nhỏ nhẹ của chú bé mục đồng.

Sống trong thế giới hôm nay, chúng ta cũng bị bao vây bởi quá nhiều tiếng động xô bồ và âm thanh hỗn tạp, quá nhiều đến độ chúng ta không còn có thể nghe được tiếng gọi Đức Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành. Chỉ cần thinh lặng, một chút lặng yên thôi, cũng đủ để đàn chiên nghe được tiếng gọi của người chăn dắt.

Phải chi chúng ta cũng có được những khoảnh khắc phút giây trầm lắng quý giá như thế, để rồi nghe được thứ thanh âm của sự tĩnh lặng ( The Sound of Silence ), nghe được lời gọi của Thiên Chúa và nhận ra Người?

Phải chi chúng ta cũng biết trao tặng cho chính mình mỗi ngày một vài phút cô tịch để đọc Lời Chúa, để nghe và nhận ra tiếng thì thầm của Thiên Chúa đang ngỏ lời với chúng ta?

“Tôi chính là Mục Tử Nhân Lành. Tôi biết chiên của Tôi và chiên của Tôi biết Tôi. Chúng sẽ nghe tiếng Tôi, và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một Mục Tử” ( Ga 10, 14 – 16 )

Top