Ngày 14/10: Thánh Callistô I, Giáo Hoàng
Ngày 14 tháng 10
THÁNH CALLISTÔ I, GIÁO HOÀNG
I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
Vị thánh Giáo Hoàng vĩ đại này sống vào nửa đầu thế kỷ thứ 3.
Hồi trẻ, thánh nhân đã có lần là một nô lệ ở Rôma và gặp rắc rối nghiêm trọng. Người chủ của Callistô trao cho ngài anh việc trông coi một ngân hàng. Không hiểu sao Callistô lại làm mất hết số tiền của ngân hàng này. Sợ hãi, Callistô đã bỏ chạy xa khỏi thành Rôma. Nhưng anh đã bị bắt sau khi nhảy xuống biển tìm đường tẩu thoát. Người ta phạt Callistô bằng cách trói anh lại và bắt phải làm việc cực nhọc trong một nhà máy xay.
Callistô được tha miễn hình phạt này chỉ vì các chủ nợ của anh hy vọng họ có thể lấy lại được số tiền của họ. Nhưng Callistô lại bị bắt lần nữa, lần này liên quan tới một vụ đánh nhau. Anh bị đày tới khu hầm mỏ Sarđinia. Khi hoàng đế ban lệnh phóng thích tất cả các Kitô hữu bị đày ở các hầm mỏ này, Callistô cũng được trả tự do. Và từ lúc đó, mọi sự bắt đầu trở nên xuôi thuận đối với Callistô.
Đức thánh Giáo Hoàng Zêphrinô nghe biết và đã tin cậy người nô lệ vừa được phóng thích này. Ngài đặt Callistô trông coi khu nghĩa trang Công giáo ở Rôma. Ngày nay, nghĩa trang này lấy theo tên thánh Callistô. Nhiều vị Giáo Hoàng đã được chôn cất tại đây. Callistô đã tỏ ra là người đáng tin cậy đối với đức Giáo Hoàng. Thánh Zêphrinô không những đã xức dầu thánh hiến Callistô trong chức linh mục mà còn chọn Callistô làm bạn hữu và làm cố vấn cho mình.
Sau đó, chính Callistô cũng được chọn làm Giáo Hoàng. Một số người đã than phiền vì thánh nhân đã thương yêu các tội nhân cách quá đáng. Tuy nhiên, vị Giáo Hoàng thánh thiện này dạy rằng nếu cả những kẻ sát nhân mà thực lòng hoán cải, thì họ có thể được phép chịu Mình Thánh Chúa sau khi đã làm việc đền tội. Vị Giáo Hoàng vĩ đại này luôn luôn bảo vệ những giáo huấn của Đức Chúa Giêsu. Callistô I tử đạo năm 222. Thánh nhân bị sát hại trong một cuộc nổi dậy.
Vì thánh Callistô I đã quá nhận thức được sự tha thứ của Thiên Chúa trong đời sống tư riêng của mình, nên thánh nhân rất sẵn lòng tha thứ cho người khác. Chúng ta có tha thứ cho người khác với cùng một mức độ mà chúng ta mong muốn Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta không?
II. BÀI HỌC.
Đọc lại lịch sử cuộc đời của vị thánh mà Giáo Hội cho chúng ta mừng kính hôm nay, tôi cảm thấy một chút ngỡ ngàng. Tôi ngỡ ngàng vì thấy cuộc đời của ngài có những khoảnh khắc theo cái nhìn của tôi thì không được vui cho lắm. Thế nhưng dưới con mắt của Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể thay đổi để trở nên dụng cụ tốt lành trong tay của Người.
Đây là bài học mà chúng ta được học nhiều lần. Chúng ta cần thay đổi cái nhìn của chúng ta về cuộc sống. Nếu cứ nhìn cuộc sống với cái nhìn tiêu cực thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được niềm vui. Còn nếu chúng ta biết nhìn cuộc sống với cái nhìn tích cực như Chúa Giêsu thì chúng ta sẽ thấy cuộc sống có rất nhiều hy vọng.
Nguyệt san: “Sao biển” xuất bản tại Italia số tháng 5/1990 có đăng tải câu chuyện như sau:
Mc Telegan là một khủng bố thuộc đạo quân Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan. Năm 1982, sau một cuộc đụng độ với quân đội Anh, Telegan đã bị bắt và bị kết án 12 năm tù. Trong tù, vị tuyên úy kể cho anh nghe về những gì đang diễn ra tại Nam tư (liên quan đến việc Đức mẹ hiện ra tại đây). Tâm hồn của một người đã từng sôi sục ví căm hận đối với kẻ thù bỗng mở ra. Năm 1988 sau khi được phóng thích, anh đã hành hương đến Nam tư và trở về với tâm hồn hoàn toàn được đổi mới, anh đã xin vào chủng viện và linh mục.
Linh mục Telegan đã kể lại kinh nghiệm của mình như sau:
Trong nhà tù, tôi đã có đủ thời giờ suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống, và cho dù có lúc cảm thấy đời mình hầu như đã tàn, tôi vẫn lấy lại hy vọng. Đọc Tin mừng, tôi thấy Chúa Giêsu yêu thương tội nhân, như vậy Ngài cũng yêu thương tôi là một tên khủng bố của Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan. Tại Nam tư, tôi đã tìm được niềm tin. Ngày nọ, dưới chân Thánh giá, có một người đàn ông nấn ná lại gần tôi và nói: “Tôi đã nghe những dòng tự thuật về anh, tôi muốn nói chuyện với anh”. Tôi ngạc nhiên vô cùng, vì đây là một người lính Anh. Anh hỏi tôi: “Anh bị bắt năm nào”. Tôi đáp: “Ngày 15/1/1982”
Linh mục Telegan kể tiếp: Những nẻo đường của Chúa thật kỳ diệu, ngay cả người lính Anh này cũng được tìm ơn trở lại Mễ Du (Nơi Đức mẹ hiện ra). Chúng tôi là kẻ thù của nhau, giờ đây chúng tôi lại gặp nhau, trên tay mỗi người cầm tràng hạt để cầu cho hòa bình tại Bắc Ái Nhĩ Lan
Hãy thay đổi cái nhìn của chúng ta thưa anh chị em. Hãy tin tưởng vào tình thương của Chúa, chúng ta sẽ thấy được thật nhiều niềm vui trên cõi đời này và cả đời sau nữa.
Những người Mỹ tại một thành phố nọ thường truyền tụng cho nhau nghe câu chuyện nuôi niềm hy vọng của một gia đình nọ như sau: Có một đôi vợ chồng vừa yêu người cũng lại vừa yêu thiên nhiên. Ngoài năm đứa con ruột thịt ra, họ còn nhận thêm năm đứa con nuôi. Niềm vui chung của mọi người trong nhà là được săn sóc vườn hoa và các thứ cây cảnh trong nhà. Người vợ tưởng chừng như không bao giờ biết thế nào là đau khổ. Thế nhưng cả bầu trời như sụp xuống khi người chồng ngộ nạn, qua đời. Vườn hoa trở thành hoang tàn, Kể từ đó, người đàn bà không còn muốn ra khỏi nhà nữa. Thiếu bàn tay săn sóc của bà, ngôi vườn cũng mỗi lúc một tàn lụi.
Mùa đông đến càng làm cho ngày tháng càng thêm ảm đạm hơn. Thế nhưng, một bữa sáng nọ, người đàn bà bỗng nghe tiếng cười nói và cào xới trong ngôi vườn. Kéo tấm màn cửa sổ phòng ngủ lên, bà thấy các con của bà đang hì hục xới đất. Trước sự ngạc nhiên của bà, người con cả trong gia đình chỉ mỉm cười đáp: “Má sẽ biết khi mùa xuân đến”. Và nguyên một mùa đông, ngày nào các con của bà cũng ra ngôi vườn để xới đất.
Thế rồi khi mùa xuân đến, bao nhiêu hoa đẹp đều nở rộ trong vườn. Những hạt giống mà những người con đã âm thầm gieo vãi trong mùa đông nay thức giấc bừng dậy làm cho ngôi vườn trở thành tươi mát, sặc sỡ.
Cùng với hạt giống của các thứ hoa, những người con đã gieo vào lòng người mẹ một thứ hạt giống khác: đó là hạt giống của hy vọng. Chính niềm hy vọng đó đã đem người đàn bà trở lại cuộc sống và đánh tan mọi buồn phiền trong tâm hồn bà.
Câu chuyện trên đây có lẽ cũng chính là bức tranh của không biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống hiện tại của chúng ta. Có những ngày tháng, mọi sự xem chừng như vô vọng. Có những lúc mây mù của khổ đau bao phủ kín khiến chúng ta không còn thấy đâu là lối thoát. Chính trong những lúc đó, chúng ta hãy nhớ đến những hạt giống của niềm hy vọng.
Văn hào Shakespeare của nước Anh đã nói rằng: “Liều thuốc duy nhất còn lại cho những người khốn khổ chính là niềm hy vọng. Bao lâu còn hy vọng, bấy lâu con người muốn tiếp tục sống”.
Thánh Phaolô đã viết trong thư gởi cho các tín hữu Rôma như sau: “Chinh trong niềm hy vọng mà chúng ta được cứu thoát. Chính trong niềm hy vọng đó, chúng ta nhìn thấy sức sống đang chờ đợi chúng ta. Chính trong niềm hy vọng đó, chúng ta nhìn thấy những hoa trái của những hạt giống mà chúng ta đã vất vả gieo vãi”. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 24/01: Thánh Phanxicô Salêsiô Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
-
Ngày 21/01: Thánh Agnès (Inê) - Trinh nữ, tử đạo -
Ngày 20/01: Thánh Fabianô, Giáo Hoàng và Thánh Sêbastianô, tử đạo -
Ngày 17/01: Thánh Antôn viện phụ (251-356) -
Ngày 13/01: Thánh Hilaire, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 07/01: Thánh Raymond de Penyafort - Linh mục -
Ngày 04/01: Thánh Elizabeth Ann Seton -
Ngày 03/01: Danh Thánh Chúa Giêsu -
Ngày 02/01: Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô -
Ngày 31/12: Thánh Silvester I, Giáo Hoàng (270-335)
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Giữ chay và ăn chay