Tin mừng, Phúc âm hay Tin lành?

Tin mừng, Phúc âm hay Tin lành?

Tin mừng, Phúc âm hay Tin lành?

WHĐ (17.04.2024) – Chúng ta đồng ý với nhau rằng Kinh Thánh là cuốn sách chứa đựng 73 cuốn sách nhỏ. Trong đó có hai phần: Cựu Ước và Tân Ước. Chỉ trong Tân Ước mới có 4 sách Tin mừng, có người gọi là Phúc âm hoặc Tin lành. Nguyên cớ nào mà chúng ta gọi bốn sách này là Tin mừng? Vì đâu gọi là Phúc âm hoặc Tin lành?

1. Ba từ mang cùng một nghĩa

Khi dịch bản văn Kinh Thánh, sự phong phú của Tiếng Việt cho ta nhiều cách dịch khác nhau. Mỗi từ có nội hàm tương ứng. Chẳng hạn “tin mừng”, trong đó có tin được truyền đi loan báo sự vui mừng, bình an và hạnh phúc. Đây không phải là tin giả, nhưng là lời chân lý (Aletheia). Trong khi đó, Giáo hội Tin lành dịch thành “tin lành”, có nghĩa là tin tốt lành, tin vui cho muôn người. Có nhiều người thích chữ “phúc âm” hơn, vì nó mang nghĩa báo tin tốt lành, âm thanh phúc đức, hoặc hạnh phúc cho con người. Cả ba thuật ngữ này đến từ một gốc từ: “εὐαγγέλιον - euangélion”.   

Thuật ngữ này (εὐαγγέλιον) có nguồn gốc từ Hy lạp, hơn nữa, Tân ước được viết bằng tiếng Hy Lạp. Tuy nhiên, người Do Thái cũng dùng chữ này trong bản văn Cựu ước của họ. Chẳng hạn nếu ngôn sứ là người đưa tin của Thiên Chúa đến với dân, thì đó là tin tốt lành, họ báo tin vui cho toàn dân. Chẳng hạn ngôn sứ Isaia cũng dùng chữ này trong bản văn của ngài: “Hỡi kẻ loan tin mừng (בָּשַׂר) cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giêrusalem, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh.” (Is 40,9). Động từ “loan tin-בָּשַׂר” cũng có thể hiểu: “mang tin tức, xuất bản, rao giảng, trình bày tin tốt, loan báo sự cứu rỗi.” Rõ rằng Isaia nói về một thông điệp quá vĩ đại – những tin tức quá tốt lành – đến nỗi chúng phải được truyền bá càng rộng rãi càng tốt. Sau này trong sách Isaia đã mang “tin mừng-εὐαγγέλιον” Người đã sai tôi đi công bố: “cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Is 61,1-2).

Những lời trên gợi nhắc chúng ta đến một Con Người trong thời Tân ước: Chúa Giêsu Kitô. Chúa đã đến để giải thoát dân, nhất là với biến cố phục sinh. Cuộc đời và sứ điệp của Chúa Giêsu được 4 tác giả Tin mừng ghi lại. Trong đó chỉ có tác giả Máccô ghi rõ: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.” Có lẽ vì câu đầu tiên này mà chúng ta có cơ sở gọi sách của ngài là Tin Mừng. Mỗi câu chuyện vĩ đại đều có một khởi đầu, do đó Máccô đưa chúng ta đến sự khởi đầu với một thông điệp vui mừng (the gospel- good news). 

Tin mừng hay phúc âm đối với người Rôma có nghĩa là 'tin vui' gắn liền với sự sùng bái hoàng đế. Chẳng hạn thời Đế Quốc Rôma (Augustus Caesar), tin vui thường gắn liền với ngày sinh nhật, hoặc báo tin về một người nào đó chào đời. Càng nổi tiếng, tin liên quan đến người ấy càng trọng đại. Nếu sống ở thời này, chúng ta cũng cảm nhận thông báo tin vui này đến từ hoàng đế La Mã, họ đã dùng tiếng Hy Lạp này: “phúc âm, εὐαγγέλιον, evangelion”, có nghĩa là “tin tốt lành”. Nếu hiểu như thế, chúng ta thấy dấu ấn của từ này trong Tin mừng thánh Luca: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại (niềm vui - χαρὰν μεγάλην), cũng là tin mừng (εὐαγγελίζομαι) cho toàn dân: Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa.” (Lc 2,10-11). Như thế, những trang đầu của bốn sách Tin Mừng hướng chúng ta đến ngày Giáng Sinh của Chúa Giêsu. Cụ thể, chúng ta có thể hiểu Tin mừng theo hai nghĩa: 1. Tin Mừng mà Chúa Giêsu công bố. 2. Tin mừng về Đức Giêsu là Đấng mang ơn cứu độ cho nhân loại, nhờ cái chết và sự Phục Sinh của Người.

2. Tin mừng đầu tiên

Một nghịch lý ngày nay: “người ta dường như không thú vị với Tin Mừng?” Ngay cả người Công giáo cũng mất dần sự hấp dẫn vào tin vui cứu độ này? Có nhiều lý do, nhưng chúng ta không mất hy vọng về Tin Mừng này. Chúng ta cần tìm lại nguồn động lực từ Tin Mừng, từ chính Chúa Giêsu. Bằng cách nào?

Nếu để ý trong Mùa Phục Sinh, chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời rất đơn sơ: “Hãy loan báo về một Đức Giêsu đã chết và đã sống lại.” Có lẽ chúng ta nghe thông điệp này quá quen, nên thiếu sự ngạc nhiên. Thực tế đây là cốt lõi của Tin Mừng. Sau khi Phục Sinh, Đức Giêsu làm mọi cách để giúp các ông nhận ra sự thật này: Ngài đã chết và đã sống lại. Nhiều môn đệ không tin; nhiều người cho đó là chuyện hoang đường. Đức Giêsu đã nhiều lần hiện ra bằng xương thịt để cho các ông niềm xác tín. Đức Giêsu hiểu rằng, một khi các ông tin Thầy Giêsu đã sống lại, họ mới đủ sức để nói cho nhiều người về biến cố lạ lùng này.

Truyền thống Giáo hội gọi lời rao giảng đầu tiên của các môn đệ là “Kerygma- κήρυγμα”. Từ này trong Kinh Thánh có nghĩa là công bố, loan báo[1]. Trong giới học giả Kinh Thánh, thuật ngữ này nói đến toàn bộ sứ vụ loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu. Tuy vậy thuở các Tông Đồ, từ này có nghĩa là lời rao giảng về Đức Giêsu đã chết và nay đã sống lại. Đó là khởi đầu của sứ mạng loan báo tin Mừng. Nhưng để dân chúng tin vào lời rao giảng khó hiểu ấy, Thầy Giêsu đã chỉ cho các ông nhiều cách thế khác nhau. Một trong những tác nhân quan trọng là Chúa Thánh Thần sẽ đến để làm cho lời rao giảng của các ông thêm thuyết phục.

Hẳn nhiên nhiều năm sau khi Đức Giêsu sống lại, Kinh Thánh vẫn chưa được viết ra. Tất cả là lời các môn đệ loan truyền về một Đức Giêsu đã đến ở với chúng ta. Ngài làm biết bao phép lạ và giảng biết bao lời hằng sống. Nhiều người thời đó đã gặp ông Giêsu này. Họ cũng biết Thầy Giêsu có một nhóm môn đệ. Rồi vào ngày áp lễ Vượt Qua, Thầy Giêsu đã bị đóng đinh chết trên thánh giá. Cả thành Giêrusalem, dân chúng vùng lân cận, ai ai cũng biết về sự kiện này. Rồi bỗng sau ba ngày, người ta nói Thầy Giêsu đã sống lại. Nhiều người đã nhìn thấy, đã đụng chạm và đã tin. Sau đó, Đức Giêsu cũng sai họ đi nói cho nhiều người khác về Tin Mừng trọng đại này. Nếu ai tin thì được sự sống muôn đời. Đó là Kinh Thánh của truyền khẩu, của những câu truyện được người này kẻ cho người khác. Sau đó, các tác giả Tin Mừng mới hệ thống và viết lại thành sách[2].

“Kerygma” như là đúc kết của toàn bộ Tin Mừng, nên lời rao giảng tiên khởi phải không ngừng vang to: “Đức Giêsu Kitô yêu bạn. Ngài hiến mạng sống mình để cứu bạn; và bây giờ Ngài đang sống bên cạnh bạn mỗi ngày để soi sáng, ban sức mạnh và giải thoát bạn.”[3] Rồi từ bệ phóng vững chắc đó, người môn đệ biết cách nói cho con người thời nay về cuộc đời Đức Giêsu. Đó là cả một câu chuyện cứu độ mà Thiên Chúa dành cho con người. Hoặc nói như Đức Bênêđictô XVI: “Biến cố Chúa Giêsu chết và sống lại trở thành tâm điểm của Kitô giáo. Đó là điểm tựa cho đức tin của ta, là đòn bảy mạnh mẽ cho tin tưởng vững chắc của ta, là luồng gió mạnh quét sạch mọi sợ hãi, và lưỡng lự, mọi hồ nghi và tính toán của loài người.”[4]

Tóm lại, vị trí trung tâm của Kerygma (Tin mừng đầu tiên) đòi chúng ta phải nhấn mạnh những yếu tố cần nhất hôm nay như[5]:

- Tin mừng này cần diễn tả tình thương cứu độ của Thiên Chúa, là cái đi trước mọi bổn phận luân lý hay tôn giáo của chúng ta;

- Tin mừng này không được áp đặt sự thật nhưng kêu gọi tự do;

- Tin vui này phải được đánh dấu bằng niềm vui, sự khích lệ, sức sống và một sự cân bằng hài hoà để không giản lược việc rao giảng vào một ít giáo thuyết đôi khi mang tính triết học hơn là tính phúc âm.

Tất cả điều này đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có một số thái độ nuôi dưỡng sự mở lòng ra cho sứ điệp: dễ đến gần, sẵn sàng đối thoại, kiên nhẫn, nồng ấm, niềm nở, tựu trung là thái độ không phê phán.

3. Chúa Giêsu luôn có Tin Mừng

Đến đây chúng ta có thêm lý do để tin yêu và bước theo Chúa Giêsu. Chính Ngài mang hy vọng lớn lao cho chúng ta. Thiên Chúa đổ nguồn năng lượng sức sống cho từng người. Tin theo Chúa Giêsu không mất mát điều gì, nhưng được gấp trăm. Hoặc nói như Giáo lý của Hội Thánh: “Tại sao những sách viết về Chúa Giêsu lại gọi là Phúc âm hoặc Tin Mừng?” Thưa rằng (YouCat 70):

Không có Phúc âm, ta không biết được rằng Thiên Chúa, vì yêu thương ta vô cùng dù ta tội lỗi, nên đã sai Con một xuống trần, để dẫn ta trở về sống trong tình hiệp thông vĩnh cửu với Người. Những sách viết về Chúa Giêsu đã sống, đã chết và đã sống lại là những tin vui nhất trên thế giới. Ta quen gọi là Tin Mừng hay Phúc Âm. Các sách đó chứng tỏ rằng Chúa Giêsu Nadarét, người Do Thái sinh ở Bêlem là Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16,16) đã làm người. Người được Chúa Cha sai đi để mọi người được cứu độ và được hiểu biết sự thật (1Tm 2,4). Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. Ga (1,14). Theo nghĩa này chúng ta thấy thánh Marcô đã cho thấy chính Đức Kitô là Phúc Âm của Thiên Chúa cho nhân loại (Mc 1,1).

Trước một thế giới đổ vỡ và bấp bênh hiện này, chúng ta cần trở về với Tin Mừng, với Phúc Âm hoặc Tin Lành. Dù dịch thuật thế nào đi nữa, chúng ta cũng có thể quy về chính Thiên Chúa, về Chúa Giêsu như là Niềm Vui của Tin Mừng. Ngài sẽ đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp được Ngài. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh[6]. Nhất là Đức Giêsu phục sinh đã, đang và sẽ ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Xin đừng đánh mất Tin mừng trọng đại này! Xin đừng quên Phúc âm đang vang vọng cho cuộc sống từng người! Xin đừng để Tin lành vượt qua cuộc đời bạn.

 

[1] x. Mc 1,1 ; Rm 15,19 ; Gl 1,7

[2] Chẳng hạn Tin Mừng thánh Mátthêu được viết khoảng 40-50, Máccô 64-70, Luca 80-90 và Gioan cuối thế kỷ I.

[3] Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng Evangelii Gaudium số 164

[4] Youcat 105

[5] TÔNG HUẤN, NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG (EVANGELII GAUDIUM), số 165

[6] Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng - Evangelii Gaudium, số 1

Top