Tin Mừng và sự tha thứ

Tin Mừng và sự tha thứ

Tin Mừng và sự tha thứ

WHĐ (25.02.2023) - Trong 5 khổ của bài ca “Dies irae” (Ngày giận dữ) mà sách lễ Rôma hát vào dịp lễ mồ, có đoạn nhắc nhớ 2 lần tha thứ của Chúa Giêsu như sau:

“Hỡi Đấng đã tha thứ cho Maria Mađalêna,
và đã khấn nhậm lời người tử tội!
Người cũng trao cho con niềm hy vọng được thứ tha.”

Sách Tin Mừng trình thuật cho chúng ta câu chuyện người con trai hoang đàng cùng kể lại cho ta chuyện người con gái hư thân. Giữa hai kẻ lầm đường lạc lối này, thật có lắm điều giống nhau. 

Chàng ta – người con hoang đàng – đã từng ăn đồ thừa của loài heo uế tạp. Cô nàng – người con hư hỏng – cũng đã từng như thế, theo nghĩa luân lý. Phúc Âm thánh Luca ghi lại những lời này: “Và này, một phụ nữ trong thành, nàng sống một đời phóng đãng … là một người đàn bà tội lỗi.” (x. Lc 7, 37.39). Cô nàng là người đàn bà nhơ nhuốc mà mỗi bước đi là một lần lầm lỗi.

Thằng con hoang đàng rên rỉ: “Tôi chết đói mất”.

Đứa con gái hư thân cũng kinh qua quy luật sống: “Một tâm hồn chỉ mãi lo tìm kiếm những thức ăn dục vọng ô trọc sẽ không bao giờ được phỉ tình no thỏa, và cơn đói mãnh liệt thèm khát hạnh phúc của tâm hồn vẫn không được thỏa mãn.” Cái kinh nghiệm sống này thì mọi trai hoang đàng, gái hư thân đều thấu rõ …

Chàng trai quyết định: “Tôi sẽ chỗi dậy”

Cô gái cũng nói: “Từ đáy sâu nhơ nhớp của mình, tôi sẽ chỗi dậy”

Nàng thiếu nữ này đã cảm nghiệm sự khả ố của cái nghề hổ nhục của mình. “Tôi sẽ chỗi dậy!” đó là tiếng thét vang nhất quyết hồi tâm trở về.

“Tôi sẽ đi về cùng Cha tôi”. Để thốt lên những lời ấy, người trai hoang đàng phải có lòng can đảm thật sự. Và người nữ hư thân cũng phải can đảm không kém: nàng phải hy sinh từ bỏ những lợi lộc; nhưng nàng còn can đảm hơn nữa để lướt thắng nỗi sợ phải bị người đời đoán xét, để lướt thắng mãnh lực của tật xấu thói quen. Và trên hết, nếu không can đảm, làm sao nàng ta dám đến trình diện Đấng-Rất-Trong-Sạch-và-Rất-Thánh?

Người con hoang đàng từ xa về, áo quần tơi tả. Người con gái hư thân ấy từ rất xa trở về, tâm hồn rách nát. Cha của người trai hoang đàng là người quảng đại nhất: khi hối nhân “còn ở đàng xa, người cha đã trông thấy nó, và chạnh lòng thương, ông chạy đến ôm quàng cổ nó” (Lc.15, 20); khi săn đón đứa con vô ơn, ông la lên: “Tôi đã tìm thấy con tôi!”. Và ông cười, ông khóc; rồi ông cho đứa con bất trung ấy nào nhẫn mới, nào giày dép mới, nào quần đẹp áo xinh và luôn cả quyền thừa tự nữa!

Cha của người con gái hư thân còn làm hơn thế nữa: nhẫn cưới thiêng liêng, áo trắng tinh sạch, quyền thừa hưởng Nước Trời!

Sự tha thứ hoàn toàn và ngay tức khắc xảy ra nhanh đến nỗi không còn có thời gian để lên án những lần vấp ngã đáng thương.

Những ô nhục xưa nay đã qua rồi!. . .

Ôi! Đáng kính thay quả tim người Cha!. . .

Và sự cưng chiều của người cha đối với đứa con hoang trở về nhiều đến nỗi người anh cả phải lên tiếng phân bì trách móc …

Và lòng khoan dung của người cha đối với đứa con gái hư thân lớn lao quá, đến nỗi trong cử tọa đang hiện diện, người ta phải phản đối cự tuyệt …

Người cha trong Phúc Âm đã bảo vệ đứa con khốn khổ của mình.

Và Chúa của Phúc Âm đã bảo vệ người con gái đáng thương của mình.

Không có bản trình thuật hay lời chú giải nào có giá trị cho bằng lời kể đơn sơ thâm thuý của Phúc Âm:

“Có người biệt phái kia mời Ngài đến dùng bữa với mình. Ngài vào nhà người biệt phái, và lên giường ăn. Và này, một phụ nữ, một người tội lỗi trong châu thành. biết Ngài dùng bữa tại nhà người biệt phái, bà xách theo một bình bạch ngọc chứa dầu thơm. Đứng phía sau đằng chân Ngài, bà khóc nức nở, sa nước mắt ướt đẫm chân Ngài. Xoã tóc trên đầu, bà cố lau sạch. Và tha thiết hôn chân Ngài cùng xức dầu thơm.

Thấy vậy, người biệt phái đã mời Ngài thầm nhủ: “Ông này, nếu quả thật là tiên tri, ắt đã biết người đàn bà sờ đến mình kia là ai, và thuộc hạng người nào chứ: đó là một con tội lỗi!”

Đáp lại, Chúa Giêsu nói cùng ông: “Này Simon, tôi có một điều muốn nói với ông”. Ông thưa: “Thưa Thầy, xin cứ bảo”. – “Hai người cùng mắc nợ một chủ kia, người nợ 500 đồng quan, người kia 50 quan. Bởi họ không có gì để trả nợ, nên chủ kia đã tha bổng cho cả hai. Vậy, trong hai người mắc nợ ấy, ai sẽ cảm mến ông chủ hơn?”. Đáp lại, Simon nói: “Tôi thiết tưởng là người được chủ tha bổng nhiều hơn”. Và Ngài nói với Simon: “Ông đã xét cách chí lý”. Quay lại phía người phụ nữ, Ngài nói tiếp với ông ta: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông, ông không đích thân dội nước chân tôi; còn bà này lại lấy nước mắt mà tưới đẫm chân tôi, rồi dùng tóc mình mà lau sạch. Ông không hôn chào tôi; còn bà này, từ lúc vào, không ngớt tha thiết hôn chân tôi. Đầu tôi, một chút dầu, ông cũng không xức; còn bà này, bà lấy thuốc thơm mà xức chân tôi.

Nhân vì thế, tôi bảo ông: Các tội của bà này, dù nhiều tội lắm, nhưng quả đã được tha rồi vì bà đã cảm mến nhiều. Ai được tha ít, cảm mến ít!”. Rồi Ngài nói với bà kia: “Tội lỗi của ngươi đã được tha!”. Các kẻ đồng bàn mới nghĩ trong lòng họ: “Ông này là ai mà dám tha tội nhỉ?”.

Nhưng Ngài nói cùng người phụ nữ: “Lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi. Hãy đi bằng yên!” (Lc 7, 36 – 50)

Đức Kitô ban tặng cho Maria Mađalêna một lời khen bằng ba lần khen: một lần khen cách cư xử của bà: “Ông thấy bà này chứ? …”; một lần khen tình mến của bà: “Bà đã yêu nhiều!”; và một lần khen lòng tin của bà: “Đức tin con đã cứu con …”. Khi đọc Phúc Âm, người ta nhận thấy Mađalêna đã không nói gì cả (hoặc chỉ nói rất ít mà thôi). Những nỗi đau lớn lao thường lại câm nín. Vả lại, có gì tốt hơn là tự buộc tội mình trước Đấng hằng tinh thông tất cả mọi sự?

Mađalêna lui ra như lúc đi vào, cách thinh lặng âm thầm.

Bà đã không nói gì nhưng bà đã khóc nhiều: ôi những giọt lệ làm cho sống lại!

“Từ thuở ban đầu của thế giới,
không bao giờ
có những giọt nước mắt rơi xuống chân Con-Người như thế!
Đây là lần đầu tiên
lòng hối cải lau chân Con-Người trong thinh lặng
và chảy những giọt lệ khả dĩ chuộc lại một cuộc đời.
Trong suối lệ thống hối, Mađalêna đã xoã tóc
và kết những bím tóc thành dụng cụ của lòng ăn năn:
bà đã lau sạch những giọt nước mắt rơi trên bàn chân đáng kính ấy. 

“Và khi bà mở bình bạch ngọc …
cả nhà đầy hương thơm tốt lành;
hương thơm phát xuất từ bình bạch ngọc mỏng giòn,
hương thơm phát xuất từ tấm linh hồn bất tử của bà … 

“Hỡi những giọt nước mắt của người nữ tội lỗi trở lại;
Hỡi những bím tóc phủ trên chân Đấng Cứu Thoát;
Hỡi những nụ hôn dịu dàng
và cay đắng của lòng thống hối,
Các bạn không vô ích đâu,
Bởi vì,
một Maria-Khác đã được nâng lên!” (Lm. Lacordaire, Marie-Madeleine.)

“Ôi Giêsu,
niềm hy vọng của người sám hối,
Chúa đón nhận những ai cầu khẩn Chúa
và nhân lành với những kẻ kiếm tìm Người.” (Jesu dulcis memoria)

Một cảnh khác: “Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a” (Lc 10, 38-39).

Người cha của đứa con trai hoang đàng đã bênh vực em trai trước mặt anh mình.

Cha của thân gái hư hỏng đã bênh vực nàng trước mặt chị mình.

Người không chịu nỗi khi thấy thiên hạ tấn công nàng. Người luôn giữ nàng dưới sự bảo hộ của Người. Một dịp mới xảy ra và thánh Gioan đã kể lại chi tiết câu chuyện có tên là “Xức dầu lần thứ hai”:

“Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: Y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu”. (Ga 12, 1-8).

Thánh Matthêu thêm vào lời nói của Đức Giêsu: “Thầy bảo thật anh em: Tin Mừng này được loan báo bất cứ nơi nào trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô”. (Mt 26, 13)

“Tại thế gian này, bao lâu người ta rao giảng Tin Mừng – có nghĩa là mãi mãi – người ta cũng sẽ nói đến Maria Mađalêna, người phụ nữ tội lỗi thành Magdala, nhờ cuộc hồi sinh luân lý tuyệt vời, đã trở nên một đại thánh của Phúc âm – người con được nuông chìu của Chúa chúng ta.

… Maria Mađalêna là “tội lỗi biến thành Tình yêu nhờ lòng thống hối. Ôi, đáng quý biết bao những lời đã nói đến người phụ nữ này. Và đáng trọng thay miệng lưỡi đã thốt ra những lời ấy! Mỗi lời nói ra ấy là mỗi một vì sao không hề phai nhạt trên vầng trán người thiếu phụ tội lỗi này.” (Lm Lacordaire, Marie –Madeleine).

“Những người thu thuế và tội lỗi sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ngươi.” (Mt 21, 31)

Maria Mađalêna tiêu biểu cho sự ăn năn hối cải trong Tân Ước như vua thánh David là tiêu biểu cho lòng sám hối ăn năn trong Cựu Ước vậy.

David … đang ở tột đỉnh vinh quang thịnh vượng; được hưởng phúc trọng của Thiên Chúa hơn cả Abraham, Isaac và Jacob; được tiền định là tổ phụ của Đấng Kitô, bỗng chốc lại sa ngã trong nhục dục, trả thù và giết người!

Thật là một sự vấp ngã hồng phúc! Bởi vì nó đã làm cho ông vua tội lỗi ấy trở thành vị vua bất tử của lòng thống hối; và bởi vì nó đã cho chúng ta – là những tội nhân tiếp sau David – những thánh vịnh là những giọt lệ khóc thương tội lỗi mình cùng nhiều cung giọng mang toàn bộ các giọt lệ ấy lên cùng Thiên Chúa!

Vị vua mất danh dự vì tội ác này lại là cha của những nhân đức …

… “Maria Mađalêna là một người phụ nữ đơn giản: bà chẳng có chuyện gì khác ngoài chuyện tội lỗi của bà! Bà không có vương trượng, chẳng có gươm đao, chẳng có thụ cầm, cũng chẳng có “cái nhìn tiên tri”; bà chỉ là một người đàn bà tội lỗi như trăm ngàn người tội lỗi khác.

“Trong Phúc Âm, bà chỉ một lần nói nơi mộ thầy Giêsu, và lời nói của bà chẳng có tiếng vang nào. Trước hết, bà là người phụ nữ tội lỗi – nghĩa là một hữu thể trong đó sự nhơ nhuốc đã quá vô phương cứu chữa! Trước thời Chúa Giêsu, không một phụ nữ nào tàn úa bởi tội lỗi lại trở nên một vĩ nhân được. Chỉ có Chúa Giêsu Kitô mới làm được việc ấy. Và, trong khi gìn giữ công trình của Ngài, Đức Kitô phải kiên nhẫn dõi theo người phụ nữ tội lỗi qua năm tháng để giải cứu bà, để hồi sinh bà và làm cho bà tươi trẻ lại mãi mãi.

“David đã ca vãn thống hối bằng một bài thơ bất hủ – thánh vịnh 50, tức bài ca Miserere, bài thơ này đã khiến ông nên bất tử.

Đối với Maria Mađalêna, bà chỉ có nước mắt.

Ở đây sự đơn sơ quá lớn lao, và lòng âu yếm quá sâu đậm. Đó là một người đàn bà, người đàn bà đã trông thấy Thiên Chúa. Khiêm nhu và ẩn kín, sau khi nhận lãnh hồng ân, Maria Mađalêna đã theo Chúa cho đến thập giá, đến ngôi mộ quạnh hiu của Ngài.” (Lm Lacordaire, Marie-Madeleine)

Sau cái chết của mình, Chúa Giêsu vẫn giữ cho Maria Mađalêna những ân huệ riêng: Ngài đã dành cho bà lần hiện ra đầu tiên của Ngài. “Sống lại lúc tảng sáng, ngày thứ nhất trong tuần, trước tiên Ngài hiện ra cho Maria Mađalêna, kẻ đã được Ngài trừ cho khỏi bảy quỷ.” (Mc. 16, 9).

Lần hiện ra với Maria Mađalêna được thánh Marcô miêu tả một cách đơn sơ thì lại được thánh Gioan – vị tông đồ được Chúa yêu riêng, người thường tinh hiểu đặc biệt những gì là Tình Yêu Tế nhị – thuật lại cách chi tiết:

« Maria đứng sát bên mộ »(Ga 20, 11). Bà cũng đã đứng sát thánh giá, bên cạnh Trinh nữ Maria và thánh Gioan, thật là một cảnh lạ thường: một tội nhân hoàn lương lại đứng bên cạnh Đấng Vô Nhiễm và người tông đồ trinh bạch.

Bà đứng đó, bướng bỉnh, kiên vững; trong khi “các môn đồ Ngài lại trở về nơi họ ở” (Ga 20, 10). Bà thật trung thành, ít ích kỷ.

« Bà thấy hai thiên thần » (Ga 20, 12) và “các ngài mặc áo trắng”. Các thiên thần như không thu hút nỗi sự chú ý của bà, bởi vì, tất cả tâm trí bà đã hoàn toàn quy hướng về Chúa Giêsu mà thôi.

Và Chúa hiện đến, nhưng bà không biết đó là Chúa Giêsu. “Đức Giêsu nói cùng bà: Hỡi bà, sao bà khóc?” (Ga 20, 14 -15). Trong ngày bà ăn năn cải hóa, Chúa đã cho phép bà khóc. Nhưng nay, khi sự thanh tẩy đã hoàn thành, chỉ còn lại cho bà là Vinh Quang Phục Sinh thì không cần phải rơi lệ nữa, nếu những giọt lệ ấy không phải là nước mắt vui mừng.

“Ngỡ là người giữ vườn, bà nói: “Thưa ông, nếu chính ông đã mang Ngài đi … thì xin nói cho tôi biết ông đã đặt Ngài ở đâu, tôi sẽ đến cất lấy Ngài” (Ga 20, 15). Không thể được, một người phụ nữ không thể mang gánh nặng như vậy được! Nhưng, một khi tình yêu giúp bà chịu được sức nặng ấy thì sao?

Bấy giờ Chúa và bà gần nhau.

Và chỉ một tiếng kêu, một tiếng kêu duy nhất, nhưng bao gồm tất cả những cảm tình sâu đậm bao la: “Maria!” … “Rabboni!”

“Maria!”. Thật đáng tiếc cho chúng ta hôm nay chỉ còn có mặt chữ, mà không có được giọng nói của Chúa Giêsu khi thốt lên lời “Maria”! Trong cơn đau khổ, khi có người bạn chí thiết gọi tên chúng ta với một âm điệu sâu sắc như thấu hiểu nỗi lòng thì dường như cơn đau ấy đã lùi xa khỏi ta! Và, nếu chính Thiên Chúa – Đấng đã chết cho chúng ta và đã sống lại vì chúng ta – lại gọi ta bằng cung giọng âu yếm ấy, thì hạnh phúc cho chúng ta biết là chừng nào! Ồ, Thiên Chúa đâu cần nhiều lời. Ngài không giống những người quen thói rậm lời nhiều tiếng. Để đánh động tâm hồn con người, Ngài chỉ cần nói một tiếng!

“Rabboni!”. Bà Maria Mađalêna cũng không khoác lác đại ngôn. Đối với những tâm hồn càng yêu nhau thắm thiết chừng nào, thì ngôn từ con người lại càng ngắn ngủi chừng nấy.

Bà đã quỳ sụp xuống.

Thánh Gioan Tông đồ đã dám tựa đầu vào ngực Chúa vì Ngài trong sạch. Còn bà Maria, chắc hẳn rằng, bà chỉ muốn tìm quỳ hôn chân Chúa …

Nhưng Đức Kitô nói: “Đừng động đến Ta!” (Ga 20, 17).

Phải chăng bây giờ Chúa lại cấm điều mà trước đây Ngài cho phép sao?

Có thể Chúa muốn nói rằng: “Con đừng ôm chầm lấy chân Ta như thể đây là dịp độc nhất con gặp Ta. Cha con ta còn gặp nhau nhiều lần – theo ý Ta muốn – cho đến lúc Ta về trời. Và khi về trời, thì Maria ơi, Ta sẽ còn yêu thương ấp ủ con không bao giờ thôi.”

“Hãy đến với anh em Ta và nói với chúng …” (Ga 20, 17). Chúa trao cho bà một sứ mệnh cao trọng. Đức Giêsu đã không trao cho Phêrô, cũng không trao cho Gioan-trong sạch- mà lại trao cho bà – một nữ tội nhân!

Ôi Giêsu, Quả Tim của Chúa sao lại thạo việc phục hồi danh dự cho người tội lỗi đến thế! Chúa đã chọn vị tông đồ đã ba lần chối Chúa để làm người cai quản Hội Thánh Chúa. Chúa lại lựa chọn và chỉ định người nữ tội lỗi xưa để làm sứ giả bên cạnh các tông đồ.

Và, Maria Mađalêna đã hoàn thành sứ mạng vinh quang diệu vời ấy: “Maria người Magdala đi đem tin cho các môn đồ: “Tôi đã thấy Chúa!”, và Ngài đã nói với bà như thế.” (Ga 20, 18)

Lạy Chúa, con biết rõ rằng: có một người khốn khổ đã bán mình cho sự dữ, người đó chính là con! Mang thân lạc loài, nó đã dấn bước vào con đường tội lỗi.

Nay, trước mặt Chúa, con còn có những gì?
Ôi, lạy Chúa, con chỉ còn những tàn lụi, hư vô …
nhưng, lạy Chúa con, con tin rằng: trên những tàn lụi ấy,
Chúa sẽ làm mọc lên những hoa tươi mỹ lệ:
hoa tươi của lòng thống hối,
hoa mỹ lệ của tâm tình biết ơn,
như lời tiên tri Ysaia đã nói:
“Đức Yavê đã an ủi Sion,
Người đã an ủi tất cả các cảnh hoang tàn của nó,
Người đã biến sa mạc của nó nên tợ vườn Êđen.
Và vùng hoang giao nên như cánh vườn Yavê.
Ở đó sẽ gặp thấy vui mừng hoan lạc, lời ngợi ca và tiếng nhạc đàn ca”. (Is 51, 3)

Đặc tính của tội lỗi là làm quả tim nên chai cứng khô lì trước mọi khả năng thực hiện những cảm tình đạo đức. Lạy Chúa, xin Chúa cải thiện “viên đá” này, để từ nó vọt lên dòng suối thống hối ăn năn.

«Người đập vào tảng đá
làm cho nước chảy ra như thác lũ lan tràn» (Tv 78, 20)

Lạy Đức Kitô của người trộm trên Thập Giá,
Lạy Đức Kitô của Maria Mađalêna,
con xin gieo mình con vào cánh tay âu yếm của Chúa.
Vâng, lạy Chúa, con đã phạm tội.
Nhưng, lạy Chúa,
với những kẻ đã đạt đến giới hạn cuối cùng của sự dữ,
Chúa lại thường rất nhân thứ.
Và người ta hay nói rằng:
Chúa thích chọn những gì hư hốt, nhơ nhuốc nhất ở thế gian này
để làm sáng lên cái rực rỡ của lòng tha thứ của Chúa.
Nên,
lạy Chúa,
khi nhìn thấy một tên trộm
và một người nữ tội lỗi
được Chúa hồi sinh và phục hồi danh dự,
thì có tội nhân nào dám nói:
“Tội tôi lớn quá, không thể được tha thứ và xoá hết!” nữa không?
Vì thế,
“Rabboni”, lạy Thầy Chí Thánh,
con tín thác vào Ngài.

Antôn Trương Văn Tiến
Dịch theo “L’évangile et le pardon”,
trong sách A propos de l’évangile
của G. HOORNAERT, Dòng Tên, trang 344 – 355

Top