Tin Mừng mang lại niềm vui cho bạn?

Tin Mừng mang lại niềm vui cho bạn?

WGPSG -- Chiều Chúa nhật, 14g trời nắng gay gắt, ngồi trong phòng, hai chiếc quạt máy quay vù vù mà vẫn thấy ngột ngạt, bức bối. Bên ngoài cánh cửa mở toang kia, nhìn thấy từng tốp khá đông các bạn giáo lý viên vừa đi vừa trò chuyện rôm rả tiến vào các lớp học giáo lý, tôi cảm thấy e ngại dùm các bạn: lớp học đông người, quạt chỉ có vài cái thưa thớt treo rải rác trên hai bờ tường làm sao xua được khí trời oi bức này?

15g, tranh thủ giờ giải lao ngắn ngủi giữa hai tiết học, tôi làm cuộc phỏng vấn chớp choáng với một học viên.

- Chào bạn, bạn ở giáo xứ nào?

- Dạ, em ở xứ Tân Thái Sơn. (Ồ, khá là xa nếu tính quãng đường đi đến Trung tâm Mục vụ!)

- Bạn theo học ở đây được bao lâu rồi?

- Dạ gần 3 năm rồi ạ!

- Ngoài việc buổi chiều học ở đây, ngày Chúa nhật bạn thường có những sinh hoạt gì cho riêng mình?

- Sáng thì chúng em dự lễ ở giáo xứ, sau đó dạy giáo lý cho các em nhỏ, chiều thì lên Trung tâm học giáo lý để có thêm khả năng về hướng dẫn các em thiếu nhi ở xứ.

- (người phỏng vấn tròn xoe mắt thán phục trước sự hy sinh thời gian và công sức của bạn giáo lý viên này) Chúa nhật là ngày cuối tuần, sao mình không thấy bạn kể về thời gian dành cho gia đình, cho bạn bè hay người yêu nhỉ? (cả hai cùng cười)

- Dạ, sáu ngày trong tuần, em đi làm đã gặp gỡ bạn bè nhiều rồi, ngày Chúa nhật muốn dành thời gian để đến với các em thiếu nhi.

- Điều gì lôi cuốn bạn, một cô gái trẻ trung, gắn bó với việc dạy giáo lý cho thiếu nhi?

- (cười) vì em cảm thấy vui khi tiếp xúc với thiếu nhi!

Một lý do thật giản đơn: cảm thấy Vui!

Trở lại phòng, cầm cuốn Tin Mừng lên đọc, tôi chợt thấy buồn khi nhớ đến cảnh người ta đi dâng lễ Chúa nhật. Trong nhà thờ còn khá nhiều chỗ trống, nhưng một bộ phận không nhỏ các bạn thanh niên lại thích đứng bên ngoài Thánh đường mà dự lễ, không chỉ đứng ngoài mà đôi khi các bạn trẻ còn này đứng cách xa tới nỗi chẳng nhìn thấy cả cánh cửa nhà thờ nữa. Có bạn còn “tranh thủ” thời gian lắm: đợi linh mục ra đọc xong kinh Cáo Mình mới từ từ tiến vào sân nhà thờ, tựa người vào bồn cây mà dự lễ (cuối lễ, vị linh mục chủ tế chưa kịp ban phép lành, bạn trẻ này đã vội vã quay gót đi thẳng ra bãi giữ xe). Trong khi Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô được công bố long trọng trên giảng đài, thì những người trẻ này đến dự lễ rất thờ ờ, lạnh nhạt. Phải chăng Tin Mừng chưa thực sự là niềm vui? Hay là vì các thanh niên này chưa cảm được niềm vui khi tham dự Thánh lễ và nghe công bố Lời của Thầy Giêsu?

Tôi ngơ ngác tự hỏi: Đáng lẽ Thánh lễ phải là môi trường quy tụ và trao ban niềm vui chứ! Người đến tham dự Thánh lễ phải cảm thấy vui vì được nghe Lời Sự Sống của Thầy Giêsu, phải cảm thấy sung sướng khi được ăn Bánh Trường Sinh chứ? Vậy sao nhiều người lại lạnh nhạt, vội vã và mong chờ Thánh lễ mau kết thúc để họ còn vui chơi nơi khác?

Họ đã không vui khi gặp gỡ Thiên Chúa! Họ chỉ đang gắng “chu toàn bổn phận” thờ phượng!?

Người con hoang đàng trong Tin Mừng Chúa nhật thứ IV Mùa Chay hôm nay cũng không thấy vui khi ở nhà cha của mình, anh muốn ra đi tìm niềm vui ở một nơi khác (ngoài gia đình của anh). Dường như người cha đối với anh là một sự kìm kẹp mất tự do, anh không được thích gì làm nấy, không được tự do tụ tập bạn bè vui chơi, đàn đúm...! Anh không cảm thấy vui được ở bên cha, khi nghe tiếng cha nói và lời cha dạy dỗ, khi ăn những món do chính tay cha làm!

Thật ra, anh ta cũng đã có một thời gian vui vẻ ở bên ngoài gia đình: nào là ca hát, nhảy múa, chè chén say sưa cùng bạn bè!

Nhưng thời gian vui thú theo cách anh ta muốn chẳng kéo dài được lâu! Tiếng cười của anh ta vơi dần theo số của cải anh ta mang theo. Của cải vơi đi bao nhiêu, thì số bạn bè xa rời anh cũng gia tăng bấy nhiêu. Anh ta ngày càng cô đơn, đến khi hết sạch tài sản thì chẳng thấy bóng dáng người bạn nào bên mình. Nghèo, cô độc lại thêm khó khăn của nạn đói khốc liệt ở vùng đó đã biến anh ta thành kẻ cùng khổ: phải đi chăn heo và mong được ăn thứ mà heo ăn (thế mà cũng không được ăn!).

Trong lúc bĩ cực thảm thương đó, anh ta hồi tưởng về những kỷ niệm êm đềm, hạnh phúc nơi nhà cha mình (những niềm vui mà anh đã không nhận ra hoặc đã chối bỏ, phủ nhận, khước từ khi ở cùng cha yêu dấu)! Mái nhà ấm êm ngày xưa hiện về trong ký ức của anh, anh muốn quay về để mong nhận được một chút gì đó nơi mái ấm mà anh đã từng chối bỏ và dứt áo ra đi, anh muốn được cha yêu thương và đón nhận (dù chỉ như một người làm thuê).

Anh ta đã lên đường trở về mái nhà xưa, vì nơi đó mới có niềm vui đích thực và bền lâu!

Muốn về nhà, anh phải dứt khoát “ra khỏi” môi trường ăn chơi mà anh đã ngỡ là chốn hạnh phúc đích thực của đời anh! Ra khỏi con người ích kỷ của bản thân, thì anh sẽ về gặp được người cha dấu yêu của anh! Và quả thật, anh đã gặp lại người cha nhân lành của mình, cha anh tiếp tục trao ban cho anh niềm vui đích thực của mái ấm gia đình!

Người giáo lý viên tôi gặp ở trên đã cảm nhận niềm vui có được khi ở bên các thiếu nhi, và để nhận được niềm vui đó, cô đã “ra khỏi” những giờ phút nghỉ ngơi bên gia đình, bạn hữu và cả người yêu để đến với các thiên thần nhỏ nơi giáo xứ của cô.

Những bạn trẻ thờ ơ, vội vã trong việc tham dự Thánh lễ kể trên là những người chưa nhận ra việc gặp gỡ Thầy Giêsu là niềm vui, là hạnh phúc, cho nên họ đến với cộng đoàn phụng vụ cách miễn cưỡng, với bộ mặt lạnh lẽo, bàng quan.

Còn bạn thì sao, bạn có cảm nghiệm gì về niềm vui khi đến gặp Thầy Giêsu trong Thánh lễ, nơi cộng đoàn giáo xứ, nơi các mối tương giao hằng ngày? Phải chăng muốn nhận được niềm vui, tôi và bạn phải biết ra khỏi con người hẹp hòi của mình?

Ước chi niềm vui trong Chúa nhật hồng hôm nay, niềm vui của gặp gỡ thân tình giữa Thiên Chúa và con người, không chỉ ánh lên nơi phẩm phục của linh mục trong Thánh lễ, mà còn tỏa rạng nơi cuộc sống của mỗi người Công giáo tham dự Thánh lễ nữa!

 

Top