Tìm ra sức mạnh để yêu kẻ thù
Mẹ của kẻ sát nhân Charles Carl Roberts IV
và nơi xảy ra án mạng
WGPSG / Aleteia -- Khi cơn giận bùng nổ, chúng ta thường muốn trả thù ngay và còn lâu mới tỏ lòng thương xót.
Vào ngày 2-10-2006, Charles Carl Roberts IV, đang nuôi mối hận thù trong nhiều thập kỷ, đã bắt một nhóm 11 nữ sinh Amish làm con tin trong ngôi trường chỉ có một phòng học ở Nickel Mines, Pennsylvania. Hắn trói họ lại và bắn họ. Năm người bị thương. Năm người chết. Sau đó, Charles Roberts đã tự kết liễu đời mình.
Mẹ của Roberts sau đó nhớ lại sự tức giận và đau đớn bà cảm thấy khi nghe tin về những gì con trai mình đã làm. Bà viết, “Ngài ở đâu vậy, lạy Chúa? … Ngài có biết Charlie đã làm gì không? Làm sao Ngài có thể để chuyện đó xảy ra?”
Những gì xảy ra sau đó cũng khó hiểu như vụ giết hại 5 cô gái vô tội. Người hàng xóm của Roberts, Henry Stoltzfoos, một người Amish, đã xuất hiện trước cửa nhà của Roberts. Khi cha của Charlie Roberts, mở cửa, Stoltzfoos đặt một tay lên vai ông và nhẹ nhàng nói, “Roberts, chúng tôi yêu mến ông.”
Trong thái độ tha thứ vô biên, các gia đình Amish trong khu vực ấy - đang đau khổ đến tận cùng - đã ôm lấy những người thân của kẻ sát nhân Roberts.
Bài Tin Mừng hôm nay (Chúa nhật 7 Thường niên A) là một thách đố đối với tất cả chúng ta. Khi cơn giận bùng nổ, chúng ta thường muốn trả thù ngay và còn lâu mới tỏ lòng thương xót.
“Đưa luôn má kia cho kẻ thù” cũng có thể được gọi là tình yêu hy sinh. Chân phước Isaac Stella đã thách đố chúng ta khi đặt câu hỏi như thế này, “Anh em thân mến, tại sao chúng ta rất ít quan tâm tìm kiếm những điều tốt đẹp cho người khác, để khi thấy nhu cầu của người khác, chúng ta sẵn sàng giúp đỡ và mang lấy những gánh nặng cho nhau?"
Chúng ta nên làm điều tốt hầu chuẩn bị cho bản thân có thể trở thành những người biết tha thứ (“đưa luôn má kia cho kẻ thù”).
Trước hết, thường xuyên suy gẫm Kinh thánh và suy niệm đều đặn sẽ giữ cho cuộc sống của chúng ta đi đúng hướng.
Nếu chúng ta hy vọng rằng, ta không thường xuyên cầu nguyện, mà đột nhiên từ trái tim mình lại có thể có được cái nhìn thấu suốt của Chúa khi có những ngọn lửa thiêng bùng cháy dữ dội, thì quả là chúng ta đang đùa cợt với chính mình đấy.
Để có thể đưa luôn má kia cho kẻ thù thì đòi hỏi phải có lòng bác ái tràn ngập tâm hồn từ nguồn nước sâu thẳm nhất. Nguồn nước này phải được giữ cho liên tục tuôn chảy. Đức bác ái phải được tích lũy bằng sự quan tâm đến đời sống thiêng liêng.
Trong bài đọc thứ hai hôm nay, Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu thành Cô-rin-tô về tầm quan trọng của việc nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa khi ngài mời gọi, “Anh em có biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần của Ngài ngự trị trong anh em không?” Đền thờ này phải được chăm sóc. Nó phải được nuôi dưỡng bằng cách đọc Kinh thánh và việc cầu nguyện thường xuyên.
Nuôi dưỡng đức bác ái luôn phải là ưu tiên hàng đầu. Đức ái liên kết chúng ta với sự sống của Chúa Kitô và sự giàu có do Giáo hội ban tặng. Hãy đọc Phúc Âm. Hãy suy ngẫm về cách Chúa Giêsu gặp gỡ các linh hồn. Hãy nghiên cứu sách Công vụ Tông đồ - là câu chuyện phi thường kể về cuộc sống của Giáo hội sơ khai. Hãy đọc sách Xuất hành, là câu chuyện kể về việc cứu thoát dân It-ra-en. Sau đó hãy suy gẫm, và nắm vững về những gì bạn đã đọc. Để dựa vào những kho báu đó, chúng ta phải rèn luyện tâm trí và trái tim của mình với thói quen cầu nguyện thường xuyên để tiếp cận dễ dàng với những điều thiêng liêng.
Thứ hai, “hãy đưa luôn má kia cho kẻ thù” bằng cách rời đi nơi khác. Nhiều lần trong đời, Chúa Giêsu đã lánh mặt đi nơi khác khi những lời giảng dạy của Ngài vấp phải sự phản đối của dân chúng (như ở Lc 4, 29). Chúa Giêsu biết vào thời điểm nào thì mọi thứ sẽ sinh hoa trái; nhưng trong những trường hợp mà Người rời đi, Người biết rằng giờ của Người chưa đến”. (Ga 7, 44)
Người khuyến khích các môn đệ cũng làm như thế. Chúa Giêsu nói: “Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. (Mt 10, 14). Không phải lúc nào cũng là thời điểm dấn thân. Đôi khi cách tốt nhất để làm chứng cho Tin Mừng là không nói gì cả; Đơn giản chỉ cần rời đi nơi khác.
Thứ ba, “hãy đưa luôn má kia cho kẻ thù” bằng cách làm việc lành. Thánh Phao-lô khuyên chúng ta rằng: “Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác. (Rô-ma 12,21). “Hãy đưa luôn má kia cho kẻ thù” bằng cách chủ động yêu thương. Hãy làm điều tốt cho những người đã làm tổn thương mình. Hãy mua quà tặng cho họ, ủng hộ họ nơi làm việc, làm bữa tối họ yêu thích hoặc làm việc nhỏ họ yêu thích nhất, để cho họ được chọn đầu tiên và chọn phần họ thích. Hãy làm cho mình nhỏ bé đi, và mong cho người khác luôn tuyệt vời.
Thông thường, chúng ta hay để cho nỗi sợ hãi, sự giận dữ, những áp lực tại nơi làm việc hoặc nơi đồng nghiệp, và những mong ước quen thuộc của ta vươn lên vượt trội hơn tất cả, hầu xác định ưu thế của ta, theo cách thức thông thường nhất. Nhưng đặc biệt ở đây, khi cố gắng làm điều tốt để chống lại điều dữ, chúng ta phải say mê sự điên rồ của Tin Mừng: để chinh phục người khác, chúng ta phải chết đi.
Chesterton đã mô tả sự mâu thuẫn này của Kitô giáo khi ông nói, “Kitô giáo là một nghịch lý siêu phàm, theo đó hai niềm đam mê đối nghịch có thể bùng cháy bên cạnh nhau.” Chúng ta phải có đủ can đảm để hy sinh mạng sống của chúng ta. Chúng ta phải tràn trào niềm đam mê này, là khao khát bỏ đi cái tôi của chính mình. Kinh thánh bảo đảm với chúng ta, “Nếu kẻ thù của bạn đang đói, hãy cho anh ta ăn; và nếu anh ta khát, hãy cho anh ta uống… Và Đức Chúa sẽ thưởng cho con.” (Châm ngôn 25, 22). Cách duy nhất để chống lại sự dữ chính là tình yêu, vì Chúa Kitô đã minh chứng điều đó trên thập giá.
Cuối cùng, để sẵn sàng “đưa luôn má kia cho kẻ thù”, chúng ta phải đầu hàng Thiên Chúa - Đấng là Tình yêu, Đấng biết rõ những gì chúng ta cần trước khi chúng ta biết điều mình cần. Đầu hàng Thiên Chúa bằng cách đọc đi đọc lại lời kinh này: “Con xin vâng ý Cha. Ý của Cha chứ không phải ý của con.” Khi đọc kinh này, chúng ta trao nộp quyền kiểm soát bản thân mình vào tay của Đấng là Tình yêu toàn năng.
Hành động tha thứ đã thu hút sự chú ý của thế giới, khi Henry Stoltzfoos mở rộng vòng tay thân hữu của mình, không những giúp cho những người thân của Robertses có thể ở lại nhà an toàn, mà thậm chí còn tạo nên mối dây thân hữu mới.
Zach, anh trai của Charlie, đã không muốn tham dự đám tang của em mình. Người cha của một trong những cô gái bị sát hại đã gọi điện cho anh ta và mời anh đến dự đám tang. Tại ngôi mộ, người Amish đã bao quanh gia đình của Charles - kẻ sát nhân - để không cho truyền thông tiếp cận họ. Và khi căn bệnh ung thư của Terri Roberts tái phát, một số gia đình trong khu vực Amish đã đến giúp đỡ cô. Vì cô cần một chế độ ăn uống thực phẩm thô để duy trì sự sống, những người phụ nữ Amish đã đến thăm và cho cô những thực phẩm tươi xanh ấy.
Sau hết, việc “đưa má kia ra cho kẻ thù” không phụ thuộc vào cảm giác của chúng ta. Giống như Tin Mừng, đó là một sự lựa chọn.
Lm. Patrick Briscoe, OP (Aleteia) / Trần Hùng chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG
bài liên quan mới nhất
- Ba đạo sĩ là ai?
-
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ hai Năm Sự Vui - Đức Mẹ đi viếng bà Êlisabét -
Phó Chánh án Tòa Ân giải Tối cao: Tòa giải tội, Cửa thánh cho tâm hồn -
Bức thư năm 2025 từ Taizé: Hy vọng vượt trên mọi hy vọng -
Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem -
Giáng sinh trong thời chiến -
Bừng sáng Tình Yêu -
Chút suy tư mùa Giáng sinh 2024 -
Niềm vui Giáng Sinh là niềm vui nào? -
Mầu nhiệm Nhập Thể - Mầu nhiệm Chữa Lành
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19