Thương cảm sĩ tử

Thương cảm sĩ tử

Gia đình tôi khá đúng với lời ví von dân gian “từ chối dang dở, để chấp nhận dở dang”. Ba mẹ tôi cho biết, trước kia gia đình tôi cùng với họ hàng ở miền giáp giới vĩ tuyến Quảng Trị đã trải qua mấy đời sống nghèo khổ với cảnh đất nước chiến tranh… Thế rồi, khi hòa bình thống nhất đất nước trở lại. Gia đình tôi đã trở thành người “di dân” hướng vô phía Nam mong tìm được một miền đất màu mỡ hơn, có thể dung thân, xa hơn nữa có thể “đổi đời”.

Vậy là vùng đất đã chọn gia đình tôi chứ không phải gia đình tôi đã chọn! Số vốn trong tay rất khiêm tốn, vùng đất đó lại nằm giáp biên giới Việt – Miên, vùng đất cũng chẳng màu mỡ lắm, chủ yếu là trồng đậu, bắp và khoai mì, sau này mới trồng cây công nghiệp.

Khi mới tới đây, gia đình tôi chỉ có bốn người, ba mẹ và hai người chị lớn của tôi, tới nay thì chúng tôi có năm chị em, tôi là út. Khi tôi bắt đầu vô học cấp một, gia đình tôi “kiếp nghèo” vẫn còn bám sát, mẹ tôi ngoài việc nương rẫy tiếp tay với ba tôi, còn tranh thủ làm bánh cam mỗi buổi sáng đưa ra chợ bán. Tôi và hai chị nhí thường mong mẹ bán ế hàng mang bánh về ăn! Thế rồi, tôi đã lớn lên theo dòng thời gian không ngừng chảy… đã đến lúc tôi có thể nói tiếng “giã từ” ngôi trường cấp III của huyện “lều chõng” lên Tp. HCM ứng thí đại học. Đây là lần đầu tôi rời gia đình đi xa, cũng là lần thứ nhất bước chân tới TP. Đối với ba tôi, đây cũng là lần thứ nhất đặt chân tới TP đã từng mang danh hiệu là “hòn ngọc Viễn Đông”. Cảnh “lều chõng” đi thi của tôi cũng đã rơi và hoàn cảnh bi đát như bạn Lê Thị Hoàng Hoanh ở Lâm Hà, Lâm Đồng mà báo Tuổi Trẻ số 178/2011 ra ngày 05/07/2011 đã đưa tin. Đó là sự cố vào 4 giờ 30 sáng ngày 5 tháng 7 ,người cha đã đưa Hoàng Hoanh đi thi từ Bình Chánh qua ngã tư Bảy Hiền đã bị giựt túi xách, trong đó có giấy báo thi, giấy tờ tùy thân và học bạ gốc! Đứng trước tình huống như thế tôi cũng chỉ biết khóc!

“Chưa hết cái dại đã già”, bữa nay tôi có đứa cháu vô Tp. HCM đi thi đại học, nghe nó nói qua liên lạc trên mạng Internet đã được nhận vô một điểm “Tiếp sức mùa thi” của nhà thờ thuộc Quận Tân Bình, được quan tâm từ chỗ ăn, chỗ ở và đưa đón tới trường thi. Tôi mừng cho nó, vì gia đình nó rất nghèo, chỉ được nó học giỏi. Đúng là “ơn trời” thương cho kẻ hiền lành và hiếu học, hy vọng nó đạt kết quả tốt trong kỳ thi này.

* Để biết thêm thông tin về Tiếp sức Mùa thi, xin vào trang Web: gxtanphuoc.com

Top