Thứ Năm tuần 4 Thường niên năm I (Mc 6,7-13)
Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một.
Người ban cho các ông quyền trừ quỷ.
(Mc 6,7)
BÀI ĐỌC I: Ml 3, 1-4
"Đấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, đến trong đền thánh Người".
Trích sách Tiên tri Malakhi.
Này đây Chúa là Thiên Chúa phán: "Đây Ta sai thiên thần Ta đi dọn đường trước mặt Ta!" Lập tức Đấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, và thiên thần giao ước mà các ngươi mong ước, đến trong đền thánh Người. Chúa các đạo binh phán: "Này đây Người đến". Ai có thể suy tưởng đến ngày Người đến, và có thể đứng vững để trông nhìn Người ? Vì Người sẽ như lửa thiêu đốt, như thuốc giặt của thợ giặt. Người sẽ ngồi như thợ đúc và thợ lọc bạc, Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi, và làm cho chúng nên sạch như vàng bạc. Chúng sẽ hiến dâng lễ tế cho Chúa trong công bình. Lễ tế của Giuđa và Giêrusalem sẽ đẹp lòng Chúa, như ngày xưa và như những năm trước. Đó là lời Chúa toàn năng phán.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 23, 7. 8. 9. 10
Đáp: Vua hiển vinh là ai vậy ? (c. 8a)
1) Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên; vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu! để Vua hiển vinh Người ngự qua. - Đáp.
2) Nhưng Vua hiển vinh là ai vậy ? Đó là Chúa dũng lực hùng anh, đó là Chúa anh hùng của chiến chinh. - Đáp.
3) Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên, vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu, để vua hiển vinh Người ngự qua. - Đáp.
4) Nhưng Vua hiển vinh là ai vậy ? Đó là Chúa đạo thiên binh, chính Người là Hoàng Đế hiển vinh. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Dt 2, 14-18
"Người phải nên giống anh em Mình mọi đàng".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Vì các con trẻ cùng chung thân phận máu thịt, chính Chúa Giêsu cũng giống như chúng, cũng thông phần điều đó, để nhờ cái chết của Người mà Người huỷ diệt kẻ thống trị sự chết là ma quỷ, và để giải thoát tất cả những kẻ sợ chết mà làm nô lệ suốt đời. Vì chưng Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham. Bởi thế, Người nên giống anh em Mình mọi đàng, ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân. Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Mc 6, 7-13
7 Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ.
8 Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; 9 được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.
10 Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. 11 Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”
12 Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. 13 Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Tông đồ là người được Chúa sai đi, được giao nhiệm vụ rao giảng ơn cứu độ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên thế giới và dựng nên con. Con thật nhỏ bé giữa vũ trụ mênh mông rộng lớn này. Ai cũng có một mảnh đời riêng, một khoảng hẹp riêng cho đời mình. Dù không là gì so với vô tận không gian, con vẫn biết rằng Chúa không bỏ quên mỗi một người trong chúng con. Đàng khác, dù con có muốn lẩn trốn vào góc quên lãng, muốn cuộn mình vào trong lớp vỏ lặng câm, vì mặc cảm nhỏ nhoi hèn kém, thì con vẫn không thể tránh khỏi cái nhìn yêu thương của Chúa.
Chúa đã sai các tông đồ đến với chúng con, gọi chúng con bước ra khỏi vỏ bọc của mình, khiến trái tim khép kín phải mở cửa nhảy mừng, khiến môi miệng lặng câm phải cất vang lời hát, và khiến mọi khao khát được no thỏa niềm vui. Các mục tử chính là sự hiện diện sống động của Chúa giữa đàn chiên, là những người được Chúa sai đến tới mọi ngõ ngách của thế giới này. Qua các ngài, chính con cũng được sai đi để đến với anh em mình, nhìn vào mắt nhau để nói lời yêu thương, cầm tay nhau mà sánh bước về Nước Chúa. Như vậy, con sẽ chìm lặng trong sự hủy diệt nếu con quay mặt làm ngơ trước sự săn sóc của Chúa. Trái lại, khoảng hẹp đời con sẽ rộng mở thênh thang nếu con đón lấy ánh lửa yêu thương Chúa gửi đến với con.
Lạy Chúa, con mong sao được là ngọn lửa thắp lên từ lửa tình yêu của Chúa, và được sai đi để thắp sáng cuộc đời anh em, biến những khoảnh khắc thành vĩnh cửu, biến những vui buồn mau qua thành hạnh phúc đời đời. Xin Chúa chúc lành cho ý nguyện của con. Amen.
Ghi nhớ: “Người bắt đầu sai các ông đi”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Trước đây Chúa Giêsu đã trọn 12 tông đồ, mục đích là “để họ ở với Ngài và để Ngài sai họ đi rao giảng” (Mác Cô 13,14). Vậy sau khi họ đã “ở với Ngài” một thời gian, nay Ngài “sai họ đi rao giảng”. Đây Là những người còn non yếu, cho nên trước khi họ ra đi, Chúa chỉ dẫn họ những điều cần thiết.
Mục đích lần sai đi này là “để họ đi rao giảng”. Họ phải giảng điều gì và giảng thế nào ?
-Về nội dung lời giảng, Thánh Marcô tóm lược trong công thức rất gọn “các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối”. Như thế, đây là nôi dung chính, tất cả những lời rao giảng khác đều qui về nội dung chính này. Hơn nữa, đây cũng chính là nội dung rao giảng của Chúa Giêsu (x. Mác Cô 1, 15) và của Gioan Tiền Hô (x. Mác Cô 1,14).
- Về cách giảng: họ không chỉ giảng bằng lời kêu gọi, mà còn bằng
a/ việc làm chứng (c7: họ đi từng nhóm hai người, đúng qui định của luật lệ Môisê và điều kiện để sự làm chứng có giá trị);
b/ việc giải thoát người ta khỏi xiềng xích của thế lực gian tà (“trừ Quỷ”);
c/ việc giải thoát người ta khỏi đau khổ thể xác (“chữa bệnh”).
-Những chỉ dẫn về tác phong người rao giảng có thể toám lại trong hai điều: nghèo và tin tưởng vào Chúa quan phòng.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Cách giảng hữu hiệu nhất là làm chứng, và cách làm chứng hữu hiệu nhất là một cuộc sống nghèo, không cần gì khác ngoài ơn Chúa.
Đã có lần Lênin nói với thánh Phanxicô Assisi “Để có thể làm thay đổi bộ mặt Thế giới, có lẽ chỉ cần 10 con người như vậy” (Trích “mỗi ngày một tin vui”)
2. Chúa Giêsu sai các môn đệ đi “từng hai người một”. Việc truyền giáo là việc là của tập thể và phải làm trong tinh thần cộng tác với nhau.
Có những người làm việc Chúa những không theo tinh thần ấy: họ làm theo chủ nghĩa anh hùng cá nhân, không thích bị người khác kiểm soát, không muốn người khác chia sẽ thành công…
Ngày kia, Thánh Phanxicô Assisi nói với một thầy dòng: “nào chúng ta cùng đi phố và giảng đạo”. Hai người ra đi, hết con đường trước mặt, quẹo sang đường khác và về nhà. Thầy dòng thắc mắc hỏi: “Con nghe Ngài nói là mình đi phố và giảng đạo cơ mà!” Thánh Phanxicô đáp: “Chúng ta đã giảng đạo rồi đó! khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống nơi linh hồng của họ. Như thế chẳng phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao ?”
Câu nói của thánh nhân quả là khôn ngoan. Người Kitô hữu không có cách truyền giáo nào hay hơn là chính đời sống chính tá của họ. (Góp nhặt)
3. “Nơi nài người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì ra khỏi nơi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ” (Mc 6,11)
Để tiện việc ôn thi đại học của đứa em, tôi phải thuê nhà trọ ở gần trường và ở chung với nó. rồi một buổi tối, trời mưa như trút nước, ba mẹ con hành khất đến xin chủ nhà cho ngủ trọ. Người chủ nhà từ chối và tìm cách đuổi khéo.
Nhìn bóng ba mẹ con hành khất khuất dần trong bóng tối, tôi cảm thấy sức nặng của Tin Mừng và những đòi hỏi quyết liệt của nó. Giả như các môn đệ của Chúa đến với tôi không bị, không bánh, không tiền, liệu tôi có thể tiếp nhận các Ngài không ? Rất có thể một lần nữa, các Ngài sẽ bị xua đuổi hay khước từ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra Chúa nơi tất cả mọi người nhất là những người cùng khổ, để luôn ân cần đón tiếp mọi người. (Epphata)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Chúa sai các Tông đồ đi truyền giáo (Mc 6,7-13)
- Sau một thời gian huấn luyện, hôm nay Chúa Giêsu sai các Tông đồ đi thực tập truyền giáo. Chúa sai các ông đi từng hai người một, ban cho các ông có quyền chữa bệnh và khử trừ ma quỷ. Người không cho các ông mang theo gì, trừ ra cây gậy và đôi dép, để các ông hoàn toàn phó thác vào Người. Người dặn bảo các ông: đến nơi nào thì cứ kiên trì ở đó giảng và làm phúc cho họ. Nếu nơi nào người ta không chịu nghe lời thì hãy đi nơi khác, nhưng hãy cảnh cáo cho họ biết lỗi của họ.
- Hôm nay các Tông đồ bắt đầu thực tập công việc truyền giáo. Trong thời gian qua, các ông đã được trông thấy việc Chúa làm, Chúa giảng dạy... thì giờ đây đến lượt các ông phải nói và làm. Tuy thời kỳ huấn luyện các ông còn chưa xong - chỉ đến ngày lễ Hiện Xuống việc này mới kết thúc - nhưng các ông có thể thử nghiệm cho biết cuộc đời truyền giáo là thế nào.
- Chúa muốn các ông sống khó nghèo và đơn sơ phó thác
Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ không được mang theo gì cả, các ông phải ra đi không cồng kềnh vướng vít, không mang theo ngay cả đồ ăn thức uống nữa.
Xem ra đây là một điều kiện để người truyền giáo có được thảnh thơi. Ra đi không hành lý, chính là từ chối kéo theo mình những gì là riêng tư, và phô ra trước mặt người khác, tiền bạc, của cải, uy thế của mình... Ra đi không hành lý là muốn nói lên rằng chỉ có bản thân, tư cách con người truyền giáo mới là chiếc xe tốt cần thiết cho việc đi rao giảng Tin mừng. Làm chứng là nói bằng chính con người và đời sống của mình, chứ không phải bằng những lời nói suông mà thôi, nghĩa là sống sao thì dạy vậy, và dạy sao thì sống vậy.
- Một khía cạnh khác của nếp sống nghèo cần có đối với người truyền giáo là chấp nhận lòng hiếu khách của người ta, sẵn lòng khi được người ta mời. Người ta dễ nhận mình hơn khi ta không choán hết chỗ của họ. Ta đến không mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh, người ta sẵn lòng đón tiếp ta; hai việc này thường đi đôi với nhau. Ai cũng biết rõ rằng nếu ta tới nhà họ với đôi bàn tay trống - ngoại trừ chứng từ của đời sống ta - thì sự tiếp đón của họ mới thật trong sáng: người ta sẽ tỏ ra quan tâm đến chứng từ, chứ không phải vì món đồ nào đó được cất giấu trong những chiếc va-li của ta.
- Chúa muốn các nhà truyền giáo làm chứng cho Người
Mỗi người chúng ta có trách nhiệm phải thi hành sứ mạng tiên tri nghĩa là phải làm chứng cho Chúa Giêsu như lời Người dạy: “Các con là chứng nhân của Thầy”. Rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Chúa không phải chỉ dùng lời nói suông, nhưng phải dùng cả đời sống, cả con người của mình để làm chứng, vì con người chúng ta là phương tiện hữu hiệu để chỉ cho người ta biết Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi người phải có đời sống gương mẫu để xứng đáng là “chứng nhân” của Chúa, ngược lại chỉ là những “phản chứng” thôi. Cho nên chúng ta có thể nói: cách giảng hữu hiệu nhất là làm chứng, và cách làm chứng hữu hiệu nhất là cuộc sống nghèo, không cần gì khác ngoài ơn Chúa. Về phương diện này có người kể lại rằng: “Đã có lần Lénine nói về thánh Phanxicô Assisi: Để có thể thay đổi bộ mặt thế giới, có lẽ chỉ cần 10 con người như vậy” (Trích Mỗi ngày một Tin vui).
- Chúa cũng muốn chúng ta phải làm chứng nhân cho Chúa
Mỗi công việc đều có phương tiện để đạt tới mục đích. Trên thế giới này có biết bao nhiêu ngành nghề, biết bao lãnh vực cho nên có vô vàn vô số những phương tiện thích hợp. Trong lãnh vực truyền giáo, Chúa cũng dùng đủ mọi phương tiện để nhờ đó người ta có thể nhận biết Chúa, nhưng phương tiện sống động và hữu hiệu nhất là chính con người chúng ta, chính con người chúng ta là dấu ấn của Thiên Chúa để người ta trông thấy chúng ta thì đồng thời cũng nhìn ra Chúa. Trong việc phong thánh cho linh mục Gioan Vianney, cha sở xứ Ars, một nhà điều tra phong thánh có hỏi một người trong giáo xứ về đời sống của Ngài, thì người giáo dân ấy chỉ trả lời vỏn vẹn bằng mấy chữ: “Tôi đã trông thấy Thiên Chúa trong một con người”.
- Truyện: Thánh Phanxicô Assisi giảng đạo
Ngày kia, thánh Phanxicô Assisi nói với thầy dòng: “Nào chúng ta cùng đi phố và giảng đạo”. Hai người ra đi, hết con đường trước mặt, quẹo sang đường khác rồi về nhà. Thầy dòng thắc mắc hỏi: “Con nghe ngài nói là mình đi phố và giảng đạo cơ mà!” Thánh Phanxicô đáp: “Chúng ta đã giảng đạo rồi đó! Khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống linh hồn của họ. Như thế chẳng phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao ?”
Câu nói của thánh nhân quả là khôn ngoan. Người Kitô hữu không có cách truyền giáo nào hay hơn là chính đời sống chứng tá của họ (Góp nhặt).
bài liên quan mới nhất
- Thứ Sáu tuần 34 Thường niên năm II - Tỉnh thức chờ đợi (Lc 21,29-33)
-
Thứ Năm tuần 34 Thường niên năm II - Thời dân ngoại & Thời của Chúa (Lc 21,20-28) -
Thứ Tư tuần 34 Thường niên năm II - Kiên tâm trong thử thách (Lc 21,12-19) -
Thứ Ba tuần 34 Thường niên năm II - Giá trị trần gian không tồn tại (Lc 21,5-11) -
Thứ Hai tuần 34 Thường niên năm II - Cho đi (Lc 21,1-4) -
Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Đức Giêsu, Vua niềm tin (Ga 18,33b-37) -
Thứ Bảy tuần 33 Thường niên năm II (Lc 20,27-40) -
Thứ Sáu tuần 33 Thường niên năm II - Nơi gặp gỡ Chúa (Lc 19,45-48) -
Thứ Năm tuần 33 Thường niên năm II - Than khóc Giêrusalem (Lc 19,41-44) -
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ - Thi hành ý Chúa (Mt 12,46-50)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18) -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy -
Chúa nhật 3 Phục sinh năm A (Lc 24,13-35)