Thứ Năm tuần 3 Thường niên (+video)

Thứ Năm tuần 3 Thường niên (+video)

Thứ Năm tuần 3 Thường niên (+video)

Mc 4,21-25
“Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có,
thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất”.
(Mc 4,25)

1. Hai dụ ngôn nhỏ này tiếp liền những đoạn Tin mừng của mấy ngày hôm nay triển khai thêm chủ đề về việc nghe Lời Chúa.

* Dụ ngôn chiếc đèn: kẻ nghe Tin Mừng giống như chiếc đèn: Họ phải sống những gì đã nghe, có như thế cuộc sống họ mới chiếu tỏa ánh sáng ra những người chung quanh.

* Dụ ngôn cái đấu: càng biết nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa thì càng được ban thêm ơn; trái lại kẻ chỉ nghe mà không sống thì không được ban thêm ơn gì, mà cả những ơn họ đang có cũng bị lấy đi mất.

Lời Chúa quả có sức chiếu sáng rất mạnh. Chỉ tiếc rằng, Lời Chúa rót vào tai một số người giống như dầu châm vào những cây đèn không chịu cháy sáng cho nên cũng vô ích. Bà Chiara Lubich nói: “Chúng ta phải sống thế nào để cho dù các sách Tin Mừng trên khắp thế giới có bị đốt hết đi thì người ta cũng vẫn có thể nhìn vào cuộc sống chúng ta mà chép lại Tin Mừng đúng từng câu, từng chữ”.

Chiara rất thích thể thao, nhưng rồi một hôm khi dang chơi tennis, cô thấy đau ở vai. Sau khi chẩn bệnh, bác sĩ cho cô biết cô đã bị ung thư và phải nằm viện. Trong thời gian điều trị, cô đã cố quên cái đau đớn trong thân xác để giúp đỡ mọi người. Khi cô thấy tóc mình rụng quá nhiều vì xạ trị cô đã nói:

- Con xin dâng tất cả cho Chúa Giêsu.

Trước khi lìa đời, chiara dặn dò mọi người:

- Xin đừng khóc cho tôi, tôi đang đến với Chúa Giêsu. Trong lễ an táng của tôi, tôi muốn mọi người đều ca hát ngợi khen Chúa.

Đức Cha Jean Koret, vị Giám Mục Tiệp Khắc đã từng phải sống lén lút dưới chế độ Cộng Sản của Tiệp Khắc trước kia, tâm sự rằng: Ngài đã gặp gỡ được nhiều người tốt, lúc Ngài phải đi làm việc như một công nhân, hơn là lúc Ngài ở trong toà Giám Mục.

Tiết lộ trên đây của Đức Cha Jean Koret, đã phản ánh trung thực điều Chúa Giêsu đã phán: “Có ai đốt đèn rồi đem để ở trong thùng hay dưới gầm giường không ? Nào chẳng phải là đặt trên giá đèn sao ?” (Mc 4,21).

Lý do hiện hữu của cây đèn là để soi sáng. Vậy khi cây đèn không soi sáng cho ai, thì nó không còn phải là cây đèn nữa.

Cũng thế, lý do hiện hữu của người Kitô hữu là phải tỏa sáng niềm tin của chúng ta, để cho người khác, nhờ ánh sáng đó mà được dẫn đưa đến chân lý và hy vọng, hay nói một cách khác, trực tiếp hay gián tiếp, âm thầm hay hiển hiện, việc làm chứng cho Đức tin trong cuộc sống hằng ngày của những người Kitô hữu chúng ta, không phải là một việc làm có tính cách nhiệm ý, nghĩa là muốn làm hay không tùy ý, mà trái lại đó là một đòi hỏi tất yếu, bao trùm tất cả cuộc sống Kitô hữu của chúng ta.

Như thế, đời sống của những người Kitô hữu phải là những ngọn đèn thắp sáng và được đặt trên giá đèn. Thực vậy, giữa biển khơi đầy những phong ba bão táp của cuộc đời này, con người luôn khát khao nhìn thấy ánh sáng chỉ đường của những ngọn “ Hải Đăng”.

Vào một buổi chiều nọ, một người lấy từ trong hộp ra một cây nến nhỏ và leo lên tầng tháp cao. Cây nến hỏi:

- Chúng ta đi đâu ?

- Đi lên cao hơn để chỉ đường cho tàu bè vào cảng.

- Nhưng tôi nhỏ bé thế này làm sao tàu bè thấy được ?

- Chỉ cần ngươi cứ cháy sáng thôi, còn mọi việc để ta lo.

Tới đỉnh tháp, người ấy đặt cây nến vào trong một cái đèn có ghép những tấm kính phản quang. Nhờ đó, mà ánh sáng lan tỏa ra và mọi tầu bè đều thấy.

  Chúng ta cũng là cây nến trong tay Thiên Chúa. Chỉ cần ta cháy sáng, còn kết quả là ở Thiên Chúa (Góp nhặt).

2. “Hãy để ý điều anh em nghe. Anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em bằng đấu ấy” (Mc 4,24).

Có một nông dân nghèo Nhật bản vào Thiên Đàng và điều đầu tiên ông nhìn thấy là một kệ dài với những vật rất kỳ lạ. Ông hỏi:

- Cái gì thế ?  Có phải để nấu xúp không ?

- Không, đó là những cái tai. Chúng là của những người khi sống ở đời nghe được những điều tốt, nhưng họ không làm. Nên khi chết, tai họ vào Thiên Đàng, còn các phần khác của cơ thể thì không.

Một lát sau, ông lại thấy một kệ khác với những vật kỳ quái. Ông hỏi:

- Cái gì thế ?  Có phải để nấu xúp không ?

- Không, đó là những cái lưỡi. Chúng là của những người sống ở đời bảo người khác làm điều tốt và sống tốt, nhưng chính họ không làm hoặc không sống điều đó. Nên khi chết, lưỡi họ vào Thiên Đàng, nhưng các phần khác của cơ thể thì không (Góp nhặt)

Hãy cầu xin cho mọi Kitô hữu chúng ta, luôn ý thức tầm quan trọng của việc sống niềm tin trong cuộc sống và quyết tâm sống niềm tin ấy, để mỗi người trở thành những ngọn đèn được thắp sáng giữa môi trường mà chúng ta đang sống. Amen.

Top