Thứ Tư tuần 5 Phục sinh (+video)

Thứ Tư tuần 5 Phục sinh (+video)

Thứ Tư tuần 5 Phục sinh (+video)

Ga 15,1-8

“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em”. (Ga 15,4)

Hôm nay chúng ta suy niệm về sự sống trong Chúa Giêsu.

1. Chữ “Kitô hữu” có nghĩa là “người thuộc về Đức Kitô”. Cho nên cuộc sống Kitô hữu đương nhiên phải là cuộc sống trong Đức Kitô và sống bằng sức sống của Ngài.

Một nhà truyền giáo sống tại Phi Châu, một lục địa còn sống rất xa đối với ánh sáng văn minh hiện đại.

Tại một trung tâm truyền giáo mà vị thừa sai kia làm việc, người ta mới mua được một máy điện nhỏ, để cung cấp điện cho trung tâm.

Vì nghe thấy tiếng máy nổ, một số những người sống chung quanh trung tâm, kể cả con nít lẫn người lớn, đã kéo nhau đến để xem tiếng nổ kia là gì.

Khi đến trung tâm, họ vô cùng ngạc nhiên, vì không hiểu tại sao lại có những chiếc đèn, dài có, tròn có, treo ngược ở trên trần nhà và đang tỏa sáng. Họ lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy nhà truyền giáo thắp sáng những ngọn đèn này mà không cần phải mồi lửa cho chúng. Họ chỉ thấy ngài sờ vào một cục gì đó ở trên tường, thế là ngọn đèn bỗng sáng trưng.

Một người trong nhóm đến xem, thấy ở trong góc nhà có một cái bóng đèn dài người ta bỏ đi đang nằm ở đó. Anh đánh bạo xin nhà truyền giáo.

Tưởng là người này xin bóng đèn kia về nhà trưng chơi, nên ông đồng ý.

Ít ngày sau, trong dịp đi thăm các gia đình, nhà truyền giáo ghé vào nhà của người hôm trước đã xin bóng đèn. Vừa bước vào trong căn nhà lụp sụp, nhà truyền giáo đã thấy ngay cái bóng đèn điện mà ngài cho hôm trước, được treo ở trên xà nhà, bằng một sợi giây. Ngài còn đang tủm tỉm cười về ý nghĩ thật đơn sơ của người dân ở đây, thì chủ nhà lên tiếng ;

- Thưa Cha, sao bóng đèn cha cho con chẳng sáng gì cả. Phải thắp sáng nó như thế nào hở cha ?

Nhà truyền giáo phá lên cười rồi giải thích:

- Để cho đèn này sáng, cần phải có một dòng điện, phát ra từ một máy phát điện. Dòng điện này được dẫn đến bóng đèn bằng một dây kim loại. Ở đây không có điện, đàng khác bóng đèn này hư rồi, nên làm sao sáng được.

Ngày xưa, khi giảng về sự cần thiết phải liên kết với Chúa, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho và cành nho.

Ngày nay, nếu Chúa có trở lại trần gian này để giảng cho chúng ta về đề tài phải liên kết với Ngài, có lẽ Ngài sẽ không dùng hình ảnh cây nho và cành nho nữa, mà có thể Ngài dùng hình ảnh bóng đèn điện, với máy phát điện.

Điều mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta qua hình ảnh cây nho và cành nho được thuật lại trong Tin Mừng hôm nay, đó là chúng ta phải liên kết với Ngài để sức sống của Thiên Chúa được chuyển thông đến chúng ta. Đừng để bất cứ thứ gì cản ngăn sự chuyển thông đó.

2. Liên kết bằng cách nào đây ?

Chúng ta có thể và phải kết hợp chặt chẽ với Đức Kitô: bằng cầu nguyện, bằng tưởng nhớ, bằng thi hành những lời Ngài dạy… Ai không làm những điều đó thì người ấy không phải là Kitô hữu thật, người ấy là cành nho khô, sớm muộn gì thì cũng bị chặt đi và quăng vào lửa.

Hơn nữa, để cây nho được sai trái thì Chúa bảo cần phải cắt tỉa. Thánh Anphongsô đã được Thiên Chúa cắt tỉa bằng việc để Ngài thất bại ê chề trong một cuộc xử kiện mà Ngài làm luật sư. Thánh Ingatiô được cắt tỉa khi bị thương què chân trong một trận chiến.

Cắt tỉa là bị chặt đi, mất đi nhưng thử hỏi có cuộc đời nào mà chẳng được đánh giá bằng những cái mất và những cái được không. Tuy nhiên, với con mắt đức tin, người ta vẫn nhìn thấy cái được trong cái mất….Đức Hồng Y Etchegaray có lần đã nói: “Đứng trước cánh rừng, chúng ta không nên dừng lại ở tiếng ngã đổ của cây rừng, nhưng hãy lắng nghe âm thanh của những mầm non đang mọc lên. (Mỗi ngày một tin vui).

Nếu Thánh Anphongsô đã không được Thiên Chúa cắt tỉa bằng việc để cho Ngài thất bại ê chề trong một cuộc xử kiện mà Ngài làm luật sư, cũng như thánh Ignatiô không bị cắt tỉa bằng việc bị thương què chân trong một trận chiến, thì chưa chắc gì các ngài đã tìm ra lý tưởng để đi theo. Chính nhờ sự cắt tỉa đớn đau đó mà các ngài đã nhận ra tiếng Chúa mời gọi và đã đi theo Chúa, làm cho cuộc đời của mình đẹp hơn nhiều. Như vậy, các Ngài mất một điều nhưng được lại nhiều điều khác còn quý hơn.

Bài thơ của Tagore

Chỉ mong Ngài lấy đi
Mong chẳng còn gì thuộc về con,
Mong chẳng còn gì là của con.
Để con được trắng tay,
Con chỉ còn Ngài để giữ lấy,
Con được chọn Chúa mãi là của con.
Chỉ mong Ngài xóa đi
Mong chẳng còn gì để chiếm hữu,
Mong chẳng còn gì ràng buộc con.
Để con được ngước lên
Con tìm được Ngài là chân lý.
Con được cùng Chúa đồng hành luôn.
Chỉ mong Ngài cất đi,
mong chẳng còn gì để nắm giữ,
mong chẳng còn gì mà tự tôn.
Để con chỉ biết yêu,
Yêu một mình Ngài trọn đời con.

Top