Thiện & ác song hành
Mọi sự trong thế gian đều tương đối. Thế giới thay đổi. Cuộc sống thay đổi. Sự vật đổi thay. Chế độ chính trị thay đổi. Con người cũng luôn thay đổi. Không có gì tồn tại mãi. Không có gì tốt hay xấu tuyệt đối ở trần gian này.
Con người sinh ra tính bản thiện, nhưng xác phàm yếu đuối hướng về đàng xấu. Trong con người có cả thiện lẫn ác. Thiện và ác gắn chặt với bản tính con người. Trong xã hội, có người tốt người xấu, nhưng chẳng có ai tốt hay xấu toàn diện. Thánh Phaolô có kinh nghiệm về sự tốt và xấu: Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không (Rm 7,18). Sự thiện và sự ác như đồng tiền hai mặt. Sự thiện, sự ác có thể tráo đổi và hỗ tương vì trong thiện có ác và trong ác có thiện. Người ta nói trong rủi có cái may và trong cái may có cái rủi. Thiện ác song hành trong cuộc sống đời tạm này, nhưng ngày sau hết, sự thiện và sự ác sẽ được tách biệt muôn đời.
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn "Cỏ Lùng" để diễn tả về Nước Trời. Những ai có kinh nghiệm về cấy cày, gieo vãi và trồng trọt nơi đồng ruộng sẽ hiểu dụ ngôn cách dễ dàng. Và đây là dụ ngôn dạy bảo về Nước Trời nên so sánh với thực tế thì có vài điểm khác biệt. Trong thửa ruộng trồng lúa, thường thì các nhà nông sẽ phải ra công diệt trừ cỏ dại trước. Cây lúa và cây cỏ lùng rất giống nhau. Cỏ lùng phát triển rất nhanh và ăn hại đất màu. Nhà nông phải nhổ cỏ và xịt thuốc diệt trừ cỏ dại. Dụ ngôn dạy ý nghĩa ám chỉ về lòng khoan dung nhẫn nại của người chủ và sự thiện ác trong lòng người và cuộc đời.
Hình ảnh cuộc đời con người thật rõ ràng. Môi trường sống ảnh hưởng đến toàn diện con người từ cách suy tư, cách xử trí, cách sống và cách ăn nết ở. Luân lý đạo đức có một, nhưng có nhiều cấp bậc và nhiều cách áp dụng. Nói về Nước Trời, mỗi người khi được lãnh nhận bí tích Rửa Tội là họ được tháp nhập vào Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Chúa Kitô gieo mầm sống tốt: Người đáp rằng: Kẻ gieo giống tốt là Con Người (Mt 13,37). Con người sống và phát triển trong môi trường cụ thể của xã hội. Con người dễ nhiễm mùi tục lụy thế gian qua tất cả các ngõ ngách của cuộc sống. Môi trường cuộc sống nơi trần gian có rất nhiều cám dỗ hướng về đàng xấu. Chúa Giêsu giải thích: Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác (Mt 13,38)
Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ (Mt 13,39). Kẻ thù đây chính là những gương mù gương xấu của con người. Chúa gọi kẻ thù là ma quỷ. Chúng ta phải chóng mặt khi nhìn vào cuộc sống đổi thay về luân thường đạo lý. Con người thời nay đang muốn thay đổi tận gốc rễ những giá trị về tinh thần. Các làn sóng chủ trương Duy Nhân Bản ở Âu Châu đang muốn tước đoạt mọi quyền tự do tôn giáo và cá nhân. Họ chủ trương một cuộc sống duy vật vô thần. Các phong trào nổi dậy đòi tự do luyến ái, hôn nhân đồng tính, ngừa thai phá thai, trợ tử, thụ thai trong ống nghiệm và dùng tế bào gốc nơi phôi thai. Văn hóa sự chết đang lan tràn khắp nơi. Nền luân lý bị xói mòn băng hoại qua những chủ trương quá cấp tiến. Nhiều người không còn muốn sống theo nền đạo đức truyền thống và những giá trị nhân bản nữa.
Nhiều nhóm chủ trương đặt cá nhân chủ nghĩa trên niềm tin tôn giáo, luân lý đạo đức và kỷ cương xã hội. Ảnh hưởng mặt trái của xã hội cứ thấm dần và réo gọi con người trở về thời hoang sơ. Những đức tính cao quý ảnh hưởng của Khổng Giáo như Tam cương ngũ thường, Tam tòng tứ đức, Tu thân tích đức thấy sao mà xa lạ. Giới trẻ thời nay không còn chú ý nhiều đến sự rèn luyện về nhân cách và đạo đức như: công, dung, ngôn, hạnh. Bóng tối sự dữ cứ đẩy lui con người vào cuộc sống hưởng thụ. Con người bị vòng quay xã hội cuốn hút theo chiều. Văn minh kỹ thuật góp phần đẩy con người đi xa hơn vào sự chạy đua không ngừng. Cái xấu, cái tốt khó có thể phân biệt. Hình như cái tốt nó đi theo với cái tôi thích. Cái tôi thích và tôi muốn là tôi thực hiện đúng. Tôi không muốn người khác phải dạy đời hay chỉ dẫn, ngay cả cha mẹ và thầy cô. Đây là cuộc đời của tôi mà!
Nếu quan sát, chúng ta sẽ nhận ra ngay những ảnh hưởng của truyền thông rất lớn. Những phương tiện truyền tin hằng ngay qua sách báo, phim ảnh, truyền hình, báo đài, talk show… hay qua kỹ thuật cao như cellphone, itunes, iphone, ipod và ipad. Chúng ta đã đầu tư quá nhiều thời giờ vào những phương tiện và dụng cụ kỹ thuật tân tiến này. Tình người bị đánh cắp. Ngồi bên nhau đấy nhưng mỗi người một theo một trò chơi và một ý thích khác nhau. Nguồn kiến thức nơi các trang mạng thật dồi dào và đa dạng. Có những kiến thức rất bổ ích mà chúng ta cần học hỏi và trau dồi, nhưng cũng không tránh khỏi những loại văn hóa đồi trụy và tư tưởng đầu độc. Thánh Phaolô nhận ra sự song hành của sự thiện và sự ác: Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay (Rm 7,21). Cái gì sẽ giúp chúng ta nhận định và chọn lựa cho đúng. Chúng ta có thể dựa vào tiếng nói lương tâm, nhưng nếu lương tâm chúng ta bị ô nhiễm và trì độn, làm sao chúng ta có thể sáng suốt để quyết định?
Có muôn vàn loại cỏ lùng từ từ được gieo vào lòng người mọi nơi và mọi thời. Qua các cửa ngõ giác quan như cảm giác, thính giác và thị giác, chúng ta nhìn thấy biết bao hình ảnh, sự cố và nghe được biết bao tin tức, chuyện trong nhà ngoài ngõ và chuyện ba xu. Tất cả những sản phẩm xô bồ vàng thau lẫn lộn như mẻ cá vừa bắt được, chúng ta để nó tự do xâm nhập vào trong đáy tâm hồn của chúng ta. Nhiều khi chúng ta không có giờ để loại bỏ và chọn lựa cái tốt khỏi cái xấu. Chúng ta đón nhận biết bao nhiêu những hình ảnh bạo lực, chém giết, chết chóc, trả thù, trộm cướp, hãm hiếp, gian xảo, khêu gợi lõa lồ, dục tình, hút sách, những lời thô tục, báng bổ, xỉ vả, gian dối… Điều tốt bon chen với điều xấu. Tội lỗi chen lẫn với nhân đức. Sự sai trái chung vai sát cánh với sự thật. Chúng cứ tự nhiên đồng hành bên nhau. Thánh Matthêô ghi chú giải thích: Chủ nhà đáp: Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng (Mt.13,29). Làm sao chúng ta có thể nhổ bỏ và dứt khoát với các thói hư tật xấu? Chúng ta sẽ rất dễ dàng bị ô nhiễm bởi môi trường sống. Vì gần mực thì đen, gần đèn thị rạng. Chúng ta phải biết chọn bạn mà chơi, chọn bài mà đọc và chọn điều tốt mà làm.
Sự giằng co giữa thiện và ác sẽ không ngừng nghỉ. Sự phấn đấu để vươn lên luôn là một thúc bách khẩn thiết. Thân xác và ước muốn của con người cứ bị kéo lôi vào con đường thênh thang rộng rãi. Xác thân muốn thỏa mãn mọi ước mơ và khao khát cứ nổi dậy đòi được đáp ứng. Thánh Phaolô đã chia sẻ kinh nghiệm: Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm (Rm 7,19). Như thế, thiện và ác cứ song hành như cánh đồng lúa chen lẫn cỏ lùng. Chính Chúa Giêsu không muốn cho thợ nhổ cỏ lùng ngay. Như vậy, thói xấu ở đời cũng cần có, để như lửa thử vàng, gian nan thử đức. Chúa không cất chúng ta ra khỏi thế gian. Cạm bẫy tội lỗi vẫn có đó, nhưng Chúa dạy chúng ta hãy cầu nguyện: Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Có nghĩa là chúng ta phải phấn đấu không ngừng để thắng các chước cám dỗ của ma quỷ. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để chỉ dạy: Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta (Mt 13,30).
Chúng ta cần học hỏi đạo lý và trau dồi nhân đức để không bị những đám cỏ lùng phát triển um tùm lấn át. Sự thật mà nói, căn bản giáo lý của chúng ta quả thật là quá khiêm nhường so với kho tàng hiểu biết về khoa học, xã hội và cuộc sống. Chúng ta tự vấn xem sự học hỏi về Kinh Thánh, hiểu biết về Giáo Lý và sự nhuần nhuyễn về giáo huấn của Giáo Hội được bao nhiêu. Là người Công giáo, cơ may mỗi tuần một lần khi tham dự thánh lễ, chúng ta được nghe Lời Chúa, bài giảng và kinh nguyện, đó là số vốn liếng hạt giống lãnh hội được. Có một số trong chúng ta còn bị thiệt thòi vì khả năng ngôn ngữ và văn hóa giới hạn, mà phải tham dự các buổi phụng vụ bằng tiếng ngoại quốc. Suốt tuần chúng ta chẳng có giờ để học hỏi, nghiên cứu hay tìm hiểu lẽ đạo, chúng ta sẽ dễ dàng bị cỏ lùng trần thế lấn át và bao trùm. Mang danh Kitô hữu mà trong lòng chúng ta đầy áp cỏ lùng. Đối diện với cuộc sống, chúng ta dựa trên những kiến thức đã bị tục hóa để phân tích, phán đoán và chọn lựa. Chúng ta nghĩ rằng những chọn lựa đó là đúng và thích hợp, nhưng sự thật này chỉ là chủ quan. Thánh Phaolô nhắc nhở: Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi (Rm 7,17).
Chúng ta hãy rà soát lại thửa ruộng tâm hồn của mình. Hạt giống tốt được gieo vào cung lòng, nhưng có hạt đã rơi vào bụi gai, có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá sỏi và có số ít hạt rơi vào vùng đất tốt đang chờ ngày để sinh hoa kết trái. Trong khi hạt giống cỏ lùng được gieo vãi tràn lan, được ấp ủ canh chừng, phát triển xanh tươi chen lấn và làm hạt giống tốt bị ngột ngạt. Chúng ta không thể nhổ hết cỏ lùng chung quanh, nhưng chúng ta cần vun xới cho hạt giống tốt lời Chúa để có thể sinh hoa trái. Điều quan trọng là hạt giống đức tin của chúng ta không thể bị vùi tắt, mà phải luôn cháy sáng trong đêm tối. Chúng ta phải phấn đấu và giữ đức tin cho đến cùng như thánh Phaolô dạy: Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững đức tin (2Tm 4,7). Dù có phải bước đi trong đêm tối, chúng ta không lo mắc nạn vì Chúa ở cùng chúng ta.
Mỗi người hãy chu toàn ơn gọi và chức vụ của mình để nhắm đến cùng đích. Chúng ta không nên trì hoãn hay bỏ cuộc dọc đường. Dù hành trình có gian nan, cuộc sống có đau thương và niềm tin có chao đảo, chúng ta cứ nhắm đích mà hướng tới. Chúa Giêsu hứa ban phần thưởng cho những ai trung tín tới cùng. Sau cuộc lữ hành chạy đua trong đức tin, thánh Phaolô đã tâm sự: Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện (2Tm 4,8).
bài liên quan mới nhất
- Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại
-
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện -
Tình yêu có liên quan gì không?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19