Thánh tâm Chúa Giêsu
Bước vào tháng sáu, tháng của những cơn mưa bất chợt, tháng của những ngày nắng hạ theo chu kỳ nhật nguyệt, tháng Sáu cũng là tháng mà toàn Giáo Hội hướng con cái mình tỏ lòng tôn kính Thánh Tâm (Trái Tim) Chúa Giêsu một cách đặc biệt. Trái Tim Chúa Giêsu, một Trái tim của Đấng Toàn Năng, một Trái Tim Thánh và rất Thánh. Trái Tim Thánh ấy không ở chốn trời cao, hay một nơi xa xôi nào đó, nhưng thật gần và rất gần với con người nhân loại. Để rồi ta có thể nói Trái Tim Thánh và rất Thánh của một vị Thiên Chúa, nhưng lại mang dáng dấp một trái tim người và rất người. Giờ ta dừng lại đôi chút trong cõi lặng để hình dung và chiêm ngắm Thánh Tâm (Trái Tim) Chúa Giêsu, khi Ngài mang thân phận kiếp người.
Vâng! Không người sao được, khi từ nơi Trái Tim Đức Giêsu, đã rung lên những nhịp đập của lòng thương cảm khi chứng kiến cảnh những người trong thành Naim đang chuẩn bị chôn cất người con trai duy nhất của một bà goá, để rồi, từ nơi Trái Tim thương cảm ấy Đức Giêsu đã tiến đến an ủi và nói: “Này bà! Bà đừng khóc nữa”; sau lời an ủi ấy, sự sống đã được ban tặng cho người con và niềm vui đã tràn ngập tâm hồn người goá bụa (x. Lc 7,11-17); không người sao được, khi chứng kiến cảnh người, người chen chúc nhau nơi bờ biển Tibêria năm xưa như Tin Mừng Thánh Máccô diễn tả: “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ…” (Mc 6,34).
Không người sao được, khi Đức Giêsu đồng cảm, xót thương và không kết tội người phụ nữ phạm tội ngoại tình, trước những ánh mắt của người dò xét của người Do Thái (x. Ga 8,1-11); không người sao được, khi chứng kiến sự tiếc thương và những giọt nước mắt của chị em nhà Bêtania và của những người Do Thái, trước cái chết của anh Lararô, Đức Giêsu thổn thức trong lòng và đã khóc (x. Ga 11,1-44). Một vài sự kiện mà các Thánh sử đã trình thuật cho ta thấy được dung mạo của một Trái Tim Thánh và rất Thánh của Đức Giêsu, nhưng lại người và rất người.
Quả thật! Rất huyền nhiệm khi Trái Tim Thiên Chúa mang và ở trong trái tim người và trái tim người mang và ở trong Trái Tim Thiên Chúa. Vì thế, không ngôn ngữ, lời thơ hay dòng nhạc nào nơi con người trần gian, có thể diễn tả một cách trọn vẹn về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua Trái Tim Chúa Giêsu. Một tình yêu quá cao siêu, quá huyền nhiệm, một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu quá trọn vẹn, một tình yêu mà Tin Mừng Thánh Gioan đã giới thiệu: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng cho người mình yêu” (Ga 15,13).
Không huyền nhiệm và cao siêu sao được. Ai đời một vị Thiên Chúa, Đấng làm chủ vũ hoàn và cả mạng sống con người nhân loại, nhưng chỉ vì một chữ yêu mà Đức Giêsu đã đến với con người nhân loại như lời thánh Phaolô đã diễn tả: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,7).
Có thể nói, không ai trên đời này “dại” như Đức Giêsu. Từ cõi trời cao, Ngài đã “xin vâng” để bước xuống cõi trần, để rồi sinh ra và lớn lên nơi làng quê nhỏ bé Narazeth, trong một gia đình nghèo hèn. Cả một đời sống trong khiêm hạ và phục vụ, luôn đem lại niềm vui và tiếng cười cho những người cùng khổ, lên tiếng bênh vực cho người nghèo khổ, goá bụa và cả người tội lỗi; mạnh dạn lên tiếng bảo vệ công lý và hoà bình; khổ công mạc khải và rao truyền chân lý, dày công dạy dỗ luân lý và nhân bản cho con người nhân loại... Điều quan trọng nhất là Ngài giúp cho toàn nhân được hưởng nguồn ơn Cứu độ. Để rồi qua những công việc tốt đẹp đó, Ngài bị người đời khước từ, coi kinh, chống đối, phỉ báng và cuối cùng là một lưỡi giáo đâm thẳng vào Trái Tim của Ngài, khi người đời tước đoạt quyền được sống của Ngài, bằng cách đóng đinh Ngài vào thập giá giữa ngã ba đường.
Vâng! Khởi đi từ Trái Tim yêu thương của Đức Giêsu, Trái Tim đã rung động, thổn thức vì tội lỗi và những khổ đau mà nhân loại đang phải gánh chịu, Trái Tim đã hoà một nhịp đập với trái tim nhân loại để thực hiện lời Thiên Chúa đã hứa qua miệng ngôn sứ Êdêkien: “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt” (Ed 11,19).
Trái tim là quà tặng vô giá Thiên Chúa ban tặng cho con người. Có thể nói trái tim là trung tâm sự sống của con người, là một cỗ máy hoạt động không ngưng nghỉ. Theo nhịp sinh học, khi não bộ của một người nào đó ngưng hoạt động, nhưng trái tim vẫn rung lên những nhịp đập, thì sự sống vẫn tồn tại nơi con người ấy, người ta gọi đó là đời sống thực vật… Trái tim cũng là biểu tượng của tình yêu, là nơi đón nhận và truyền tải những thông điệp như: giận, hờn, vui, buồn, sướng, khổ, lòng thương cảm cũng như oán giận cho não bộ…
Từ quà tặng vô giá mà Thiên Chúa ban tặng cho ta là trái tim, Thiên Chúa những ước mong trái tim của ta biết rung lên những nhịp đập tình yêu của chính Ngài. Đó là nhịp đập của yêu thương, của tha thứ, của đồng cảm, sẽ chia, của hiến thân và phục vụ. Thế nhưng, qua thực tế nơi đời sống của con người ta, ta chưa biết trân quý món quà tặng vô giá đó, để rồi theo năm tháng tuổi đời, trái tim ta đã hoá đá vì tính ích kỷ, kiêu ngạo và cái tôi quá lớn. Vì trái tim ta hoá đá nên ta vô cảm trước nỗi đau và tình yêu của Thiên Chúa, trước những nỗi đau của anh em đồng loại qua cách hành xử của ta bằng lời nói cũng như hành động. Chính vì trái tim hoá đá mà ta đang tâm tước đoạt niềm vui, niềm hạnh phúc và mạng sống của nhau bằng nhiều cách và nhiều hình thức, một hình thức ghê tởm nhất là ta tước đoạt quyền sống và được sống của các thai nhi vô tội.
Thế nên, vào thập niên 1647-1690. Chúa Giêsu đã hiện ra với Thánh nữ Maria Margarirta với hình ảnh Trái Tim của Ngài rực lửa, có vòng gai nhọn quấn quanh. Qua Thánh nữ, Ngài mời gọi toàn thể nhân loại chiêm ngưỡng tình yêu dâng hiến và trao ban của Thiên Chúa dành cho nhân loại, Ngài cũng mời gọi nhân loại đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa qua việc đền tạ Thánh Tâm của Ngài. Khi chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa qua Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha Piô X đã đúc kết một câu rất ngắn gọn: “Tình Yêu Đáp Trả Tình yêu”.
Hướng về Thánh Tâm (Trái Tim) Chúa Giêsu, Thánh Tâm đã bị người lính năm xưa dùng mũi giáo đâm thủng. Theo tương truyền, người lính đâm mũi giáo vào Trái Tim Đức Giêsu, từ dòng Máu Thánh Chúa từ nơi Trái Tim đã chữa lành đôi mắt của người cầm mũi giáo ấy đang bị khiếm khuyết. Ta xin Chúa tắm gội hồn xác ta bằng dòng Máu thánh của Ngài, giúp ta nhớ lại lời Ngài đã nhắc nhở ta qua miệng ngôn xứ Êdêkien: “Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội lỗi các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới” (Ed 18,31). Từ trái tim mới và thần khí mới sẽ giúp ta biết đáp trả tình yêu của Chúa một xứng đáng hơn và biết đáp trả và trao tặng tình yêu cho những người anh em quanh ta trong cuộc sống thường ngày.
Một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Nơi một thị trấn nhỏ, có đủ người già, thanh niên và trẻ em. Một hôm có một chàng trai trẻ đứng giữa phố và nói với mọi người rằng anh có một trái tim hoàn hảo.
Nhiều người hoài nghi và họ đứng vây quay để được tận mắt thấy trái tim hoàn hảo. Đúng thật, anh ta có một trái tim khoẻ mạnh, hồng hào và không một tì vết. Khi mọi người nhìn lại trái tim của mình, đâu đó cũng đều có vài vết xước. Họ công nhận chàng trai có trái tim đẹp và hoàn hảo. Khi mọi người còn đang trầm trồ ngắm nghía, có một ông lão đi tới và nói:
“Tôi mới là người có trái tim hoàn hảo”. Mọi người ngạc nhiên và muốn ông lão cho xem có thật là một trái tim hoàn hảo không. Trái ngược với suy nghĩ của mọi người, trái tim của ông lão méo mó, sứt sẹo với những mảnh vá chằng chịt, miếng to, miếng nhỏ…
“Trái tim của ông hoàn hảo chỗ nào, trông thật xấu xí?” - một người thốt lên.
Ông lão chỉ vào những miếng vá nói: “Miếng to này là của cha mẹ xé ra dành cho tôi, những miếng nhỏ này là của bạn bè tôi, và những lỗ hổng là những mảnh tim mà tôi xé ra trao lại cho mọi người, nhưng có khi không được đáp lại”.
Mọi người im lặng và suy ngẫm, còn chàng trai trẻ như chợt nhận ra điều gì. Anh xé một miếng từ trái tim không tì vết của mình gắn lên 1 lỗ hổng của ông lão...
Vâng trái tim của ông lão trong câu chuyện trên phản ảnh phần nào tình yêu mà Thiên Chúa dành cho ta qua Trái Tim của Đức Giêsu. Vì thế, giữa cuộc sống đầy dẫy những lắng lo, những bất an và trăm chiều thử thách, ta tìm đâu được sự bình an đích thực, với thân phận yếu đuối của kiếp người, sao ta có thể tạo cho mình một trái tim thịt mềm như Trái Tim Chúa, nếu ta không quy hướng về tình yêu của Thiên Chúa qua lời mời gọi của Đức Giêsu: “Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng, anh em hãy đến với Ta và hãy học cùng, vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ gơi, bồi dưỡng” (Mt 11,28-29).
Xin mượn lời kinh “Dâng Gia Đình Cho Trái Tim Chúa Giêsu” để kết thúc đôi dòng suy tư.
Lạy Đấng Cứu Thế rất dịu dàng từ hậu, chúng con lấy lòng khiêm nhường quỳ dưới chân Chúa, mà dâng cả gia đình chúng con cho rất thánh Trái Tim Chúa. Xin Chúa hãy làm Vua chúng con liên, chúng con hoàn toàn trông cậy vào Chúa. Chớ gì tinh thần của Chúa thấu nhập vào tư tưởng, sự ước ao, lời nói việc làm của chúng con.
Xin Chúa chúc phúc cho các việc chúng con định làm, xin Chúa chia phần vui khổ, chia sự vất vả làm ăn của chúng con. Xin ban cho con ơn hiểu biết Chúa hơn, yêu Chúa hơn và làm tôi Chúa không hề bê trễ.
Chớ gì khắp tứ phương thiên hạ vang tiếng tung hô rằng: hãy kính mến, hãy chúc tụng, hãy làm sáng danh Trái Tim vinh hiển Đức Chúa Giêsu muôn đời. Amen.
Sài Gòn, ngày 04/06/2011
bài liên quan mới nhất
- Ba đạo sĩ là ai?
-
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ hai Năm Sự Vui - Đức Mẹ đi viếng bà Êlisabét -
Phó Chánh án Tòa Ân giải Tối cao: Tòa giải tội, Cửa thánh cho tâm hồn -
Bức thư năm 2025 từ Taizé: Hy vọng vượt trên mọi hy vọng -
Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem -
Giáng sinh trong thời chiến -
Bừng sáng Tình Yêu -
Chút suy tư mùa Giáng sinh 2024 -
Niềm vui Giáng Sinh là niềm vui nào? -
Mầu nhiệm Nhập Thể - Mầu nhiệm Chữa Lành
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19