Thánh nhân và quỷ dữ

Thánh nhân và quỷ dữ

Khoảng cách giữa thánh nhân và quỷ dữ thật mong manh. Người ta có thể từ thánh nhân trở thành ma quỷ trong một nháy mắt. Có những chàng trai suốt đời hiền lành, làm bạn với con trâu thửa ruộng tại thôn quê, bỗng chốc trở thành kẻ sát nhân, chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ. Những anh chồng luôn thương vợ thương con, chỉ vì một phút điên dại ghen tuông đã giết vợ, giết con và đốt nhà. Những kẻ sát nhân này, liền sau khi có hành động điên rồ, đã nhận ra tội ác của mình, nhưng cũng đã quá muộn, mặc dù chỉ ngay sau vài phút ngắn ngủi. Vâng, người ta có thể từ một vị thánh biến thành sa-tan trong nháy mắt là thế. Ngôn ngữ Việt Nam chúng ta có chữ “con-nguời”. Mỗi cá thể được cấu tạo có phần con và phần người. Phần con là những bản năng tự nhiên, hoang dã, hướng hạ; phần “người” được Thượng đế tạo dựng giống hình ảnh Ngài, với ý chí hướng thượng và hướng thiện. Cuộc phấn đấu để trở thành thánh nhân chính là những cố gắng để làm cho phần “con” trong ta nhỏ dần để nhường chỗ cho phần “người” lớn lên, trưởng thành và siêu thoát.

Cuộc sống con người bị bao bọc bởi biết bao cám dỗ. Những cám dỗ lại mang khuôn mặt dễ thương, hương vị ngọt ngào và lý luận trôi chảy. Có những người đã trở thành anh hùng nơi chiến trường, trước nguy hiểm của mũi tên hòn đạn, nay về với đời thường lại gục ngã trước những cám dỗ nhỏ nhen do tình ái tiền bạc. Chính vì vậy, trở thành thánh nhân, đó là cả một quá trình cố gắng. Hơn nữa, đó còn là cuộc chiến đấu dai dẳng, trường kỳ và thận trọng.

Vì những cám dỗ mang khuôn mặt khả ái dễ thương nên người ta dễ buông mình chiều theo và ngã gục. Một mối nguy hiểm lớn nhất trong xã hội hôm nay là người ta mất ý niệm về tội. Người ta không băn khoăn áy náy khi nói dối, khi lỗi công bằng, khi xâm phạm của công. Có những người gian tham hối lộ nơi cuộc đời lại tìm cách “hối lộ” thần thánh bằng việc năng đi lễ hết đền nọ đến phủ kia, hết nhà thờ này đến nhà thờ khác. Họ nghĩ rằng thần thánh cũng như con người, khi đã nhận lễ là xoá hết mọi tội. Khi mất ý niệm về tội, con người sẽ như xe xuống dốc không phanh, những việc làm xấu xa trở thành “hợp pháp”. Người ta chỉ lo giấu pháp luật dân sự mà không để ý đến luật lương tâm; người ta chỉ chú ý đến luật của con người mà quên đi luật của Thiên Chúa. Khi không còn khái niệm về tội, người ta cũng mất đi khái niệm về thần thánh, về linh hồn, về Đấng cao cả, về hỏa ngục và thiên đàng.

Như vậy, chỉ có luật pháp dân sự mà thôi thì chưa đủ để xây dựng một xã hội công bằng và văn minh. Vẫn biết nền giáo dục của chúng ta đặt nền tảng trên tiêu chí “tiên học lễ, hậu học văn”, nhưng cũng cần phải xem “lễ” mà chúng ta đang muốn chuyển tải cho thế hệ tương lai là “lễ“ được đặt trên nền tảng của một ý thức hệ chính trị hay trên nền tảng của lương tâm và trách nhiệm. Trong một thời gian khá dài, một số người có trách nhiệm trong nền giáo dục Việt Nam đã hiểu sai khái niệm “lễ”, nên đã cho đập hết những dòng chữ “tiên học lễ, hậu học văn” nơi các trường sở vì đó là “tàn dư của chế độ phong kiến” v à thay vào đó là dòng chữ “thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”. Hậu quả tai hại là một thế hệ không biết nói lời “cám ơn”, “xin lỗi”, vì “dạy thật tốt, học thật tốt” làm sao được khi thiếu lễ độ và nhân bản là nền tảng cho mọi nền giáo dục? Khi khía cạnh “lễ” không được chú trọng, thì liền theo đó là tình trạng học sinh nói dối, nói tục và gian lận trong thi cử. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã ăn sâu nơi tâm thức người Việt Nam từ bao thế hệ đã bị bào mòn, biến mất. Đã có trường hợp học sinh chặn đường đánh thày cô giáo chỉ vì bị điểm kém trong học tập. Khi phần “thánh nhân” nơi con người đã bị đánh cắp để nhường chỗ cho phần “ma quỷ”, thì sự dối trá, thù hằn sẽ lên ngôi, vì ma quỷ là kẻ sát nhân và là cha sự dối trá (x. Ga 8,44-46).

Có người hỏi: “Tại sao trên đời này lại vừa có thánh nhân lại vừa có ma quỷ?”. Nếu Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo, tại sao Ngài lại không dựng nên những thánh nhân và những điều tốt lành mà thôi?

Vâng, từ ban đầu, Thiên Chúa tạo dựng nên những tạo vật tốt lành. Trong tất cả những ân ban của Chúa cho con người, có một ân ban đặc biệt, đó là tự do. Nhờ tự do mà con người khác với những viên gạch được đúc một loạt bằng một chiếc khuôn có sẵn. Nhờ tự do mà con người không giống như một đàn gà công nghiệp, được chăm bẵm chu đáo trong chuồng, không có khả năng tự vệ, chỉ chờ ngày lớn lên để làm thịt. Chính vì con người có tự do nên họ có thể lựa chọn điều tốt hay điều xấu. Những hành động được thực hiện cách ý thức và tự do sẽ làm cho con người có thể trở thành thánh nhân hay ma quỷ. Họ không thể đổ lỗi cho người khác nhưng họ phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình. Như thế, không thể quy tội ác cho Thiên Chúa, mà đó chính là sản phầm do con người lợi dụng tự do để tạo ra.

Nếu ma quỷ không bao giờ có thể trở thành thánh nhân, thì con người tội lỗi lại có thể được thanh tẩy nếu họ có thiện chí đến với Chúa. Nếu cây cỏ lùng trong ruộng không bao giờ có thể trở thành cây lúa, thì những tội nhân lại có thể trở nên hoàn thiện nếu họ ăn năn sám hối, trở về với Cha trên trời. Giáo lý Công giáo quả quyết rằng, con người dù tội lỗi đến đâu, nếu sám hối trở về thì sẽ được tha thứ. Thiên Chúa là Cha yêu thương luôn giang rộng vòng tay để đón những người con hoang đàng trở về. Ngôi nhà Giáo Hội luôn mở rộng cửa để mọi người có thể bước vào, không phân biệt người giàu hay nghèo, rửa tội hay chưa, tội lỗi hay thánh thiện.

Sứ mạng của người tín hữu là nên thánh. Trong suốt cuộc đời, những cố gắng nỗ lực hằng ngày đều nhằm mục đích đưa chúng ta đến gần Chúa hơn. Nên Thánh là đón nhận một phần sự thánh thiện từ Thiên Chúa, Đấng chí thánh và cũng là Đấng thông ban sự thánh thiện cho con người và tạo vật. Xin Chúa thêm sức và chúc lành cho chúng ta trong hành trình nên thánh, một hành trình đầy thử thách cam go, nhưng cũng chứa chan niềm vui và hy vọng.

Top