Tha thứ để được thứ tha

Tha thứ để được thứ tha

WGPSG --  Thật hạnh phúc khi trong hai ngày 23 và 24 tháng 3 năm 2013, tôi được tham dự tĩnh tâm cùng với gần 40 thành viên Chương trình Chuyên đề Giáo Dục thuộc Ban Mục vụ Gia đình TGP TP.HCM tại Nữ Đan viện Biển Đức. Chương trình đã được Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Mục vụ Gia đình TGP TP.HCM, Cha Giuse Phan Trọng Quang – Tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam, Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, OP - Đặc trách Chương trình Chuyên để Giáo dục, hướng dẫn tĩnh tâm.

Tha thứ để được thứ tha

Sau khi các thành viên cùng đọc xong đoạn Tin Mừng nói về “Người đàn bà ngoại tình” (Ga 8, 1-11), dựa vào lời bài hát “Chuyện người đàn bà 2000 năm trước” của Song Ngọc, Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế đã mời gọi các thành viên lần lượt nhập vai Chúa Giêsu, Pharisiêu và người phụ nữ ngoại tình, để tự xét mình, nhằm chuẩn bị tâm hồn mừng đại lễ Phục sinh.

Thật đầm ấm như một gia đình, với khung cảnh tĩnh mịch trong khuôn viên Đan viện, các thành viên đã nói lên những tâm tình rất thật của mình: Thường lên án người khác hơn là xét lại mình. Nhiều khi cố tình nêu lên khiếm khuyết của người khác để che dấu sự yếu kém của mình. Muốn học và thực thi tấm lòng nhân hậu của Chúa Giêsu, nhưng lòng tự trọng và ích kỷ cá nhân, đã khiến mình trở nên chai lì trước tội lỗi…

Kết luận, Nữ tu Maria mong muốn các thành viên hãy noi gương người thiếu nữ ngoại tình, cho dù người tình của mình đã trốn chạy, cũng như sự bất công đã đưa chị đến con đường cùng của cuộc đời. Nhất là, khi mọi người đã bỏ đi hết, chị vẫn ở lại bên Chúa Giêsu, để cảm nhận được tình yêu và lòng khoan dung của Chúa. Vì thế, sau những ngày tháng vất vả bon chen trong cuộc sống, giây phút sống chiêm niệm và cầu nguyện, sẽ giúp ta có những khoảng lặng để hồi tâm trở về với chính mình và với Thiên Chúa. Ngài trao cho ta tự do, nên Ngài không thể tha thứ và đỡ nâng ta, nếu ta không muốn hoán cải, giơ tay ra để Ngài nắm lấy và cứu vớt ta.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng hãy noi gương Chúa Giêsu, luôn “tha thứ để được thứ tha” bằng cách:

- Hãy mở cánh cửa tương lai cho người khác.

- Hãy tha thứ cho nhau để được Thiên Chúa và người khác thứ tha.

- Hãy sống tinh thần tha thứ, yêu thương và ghi ơn ngay với những người gây đau khổ cho mình.

Sống đức tin bằng tinh thần yêu thương và phục vụ

Cũng vậy, để thực hiện được các điều trên, Cha Giuse Phan Trọng Quang đã chia sẻ đề tài: “Sống đức tin bằng tinh thần yêu thương và phục vụ”. Qua hình ảnh và đoạn video clip trình chiếu về sự gần gũi và hy sinh cho người nghèo khổ của Đức Giáo hoàng Phanxicô và Mẹ Têrêsa Calcutta, Cha Giuse đã nhắc nhở các thành viên hãy siêng năng, liên lỉ cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa, để hun đúc đức tin còn yếu kém của mình hầu đáp lại tình Chúa yêu thương. Như thế, là chúng ta đang sống đức tin bằng cách thể hiện đức ái với mọi người.

Dựa vào câu Tin Mừng “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Ga 20,28), Cha Giuse mong muốn mọi người noi gương Chúa Giêsu, sống tinh thần phục vụ thể hiện qua bốn khía cạnh: Trách nhiệm - Liên đới - Tổ chức - Từ bỏ. Với tinh thần trách nhiệm, chúng ta sẵn sàng xả thân phục vụ anh em trong tình liên đới, sống không chỉ cho chính mình nhưng vì hạnh phúc của mọi người. Chỉ khi xác tín rằng: tất cả sự nỗ lực phục vụ anh chị em của chúng ta đều do Chúa Thánh Thần dẫn dắt, chúng ta mới xác định được tinh thần phục vụ đúng đắn, chúng ta mới có những hoạt động, tổ chức phù hợp với Tin Mừng, là từ bỏ chính mình, sẵn sàng dâng hiến lại cho Chúa những gì thuộc về Ngài. Vì thế, nếu có tự hào thì chúng ta chỉ tự hào trong Chúa, và chìm sâu trong cầu nguyện không ngừng để gặp gỡ Đức Giêsu là Đấng phục vụ, để đem niềm vui và hạnh phúc đích thực đến cho mọi người.

“Yêu trong sự thật”

Để đào sâu tinh thần yêu thương, Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn đã chia sẻ với các thành viên đề tài: “Yêu trong sự thật”. Yêu trong sự thật là yêu trong chân lý. Nó mang 2 chiều kích: cá nhân và xã hội. Nghĩa là, nếu chúng ta yêu mà không sống trong sự thật thì chúng ta không chỉ gây đau khổ cho chính mình mà còn liên đới đến những người khác. Chẳng hạn, khoa học ngày nay rất tân tiến, con người sáng chế ra thuốc ngừa thai, vòng xoắn… để rồi người ta dùng nó mà lỗi luật Chúa. Cha khẳng định: “Không phải cái gì làm được là được làm”.

Hơn nữa, “Yêu trong sự thật” còn là “Yêu không sợ hãi” và “Yêu không loại trừ”. Nghĩa là khi đã yêu, chúng ta can đảm dấn thân, và sẵn sàng tha thứ cho tha nhân, không loại trừ ai. Đó chính là “Yêu trong sự thật”. Chỉ khi chúng ta biết “Yêu trong sự thật”, đức tin của chúng ta mới trưởng thành, để sẵn sàng đón nhận những niềm vui và nỗi buồn trong sự tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, cũng như trải rộng con tim để yêu thương mọi người như Chúa hằng thương yêu.
Tưởng niệm Cuộc Thương Khóa Chúa Giêsu

Trong ánh nến lung linh của buổi tĩnh nguyện “Đêm sám hối” 23/3/2013, mọi người đã đặt dưới chân Thánh giá những viên đá lỗi lầm của bản thân, để xin Thiên Chúa tha thứ những lỗi phạm của mình, cũng như mong anh chị em bỏ qua những xúc phạm mình đã làm cho người khác… Sau khi đã sám hối ăn năn và xin Chúa thứ tha, mọi người đã chìm vào giấc ngủ thật bình an và hạnh phúc, để lúc 06g15 sáng Chúa nhật 24/3/2013, trong tĩnh lặng, các thành viên tiến ra khuôn viên Dòng Nữ Đan viện Biển Đức Việt Nam tại Thủ Đức tham dự Thánh lễ Chúa nhật Lễ Lá năm C, do Cha Tôma Aquinô Phùng Bá Luận, O.S.B chủ tế.

Dựa vào bài Thương Khó Chúa Giêsu, Cha Tôma Aquinô diễn giảng:

- Qua Tin Mừng Lc 22, 14-23,56, chúng ta nhận thấy, ngày nay, vẫn còn đó những con người như Giuđa, tác giả nụ hôn phản trắc. Sự so đo, tính toán và sự hèn nhát của quan tổng trấn Philatô và vua Hêrôđê. Vì sợ sệt mà ba lần chối Chúa của Phêrô. Thượng tế, Lãnh binh cùng Kỳ mục thì cười nhạo Chúa Giêsu. Dân chúng thì gào thét đòi giết Người…

- Thế nhưng, trong bản án bất công này, vẫn còn đó sự xót thương của các phụ nữ thành Giêrusalem và sự cảm thông của Bà Veronica, can đảm tiến lại gần lau mặt cho Chúa. Bên cạnh đó, Ông Simon đã sẵn sàng vác đỡ thánh giá cho Chúa Giêsu. Hơn thế nữa, Đức Maria và thánh Gioan đã đứng dưới chân thập giá đến giây phút cuối cùng để thông phần đau khổ với Người…

- Chúa Giêsu đã vượt qua cuộc khổ nạn để sống lại, mở ra cho chúng ta một con đường mới, và Ngài mời gọi chúng ta cùng tiến bước theo Ngài đến sự phục sinh, vào hưởng vinh quang Nước Trời. Vì thế, mỗi người chúng ta cần chất vấn lương tâm, để hoán cải đời sống, trở nên môn đệ đích thực của Chúa Giêsu từ trong suy nghĩ, lối sống… làm chứng cho Tin Mừng của Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.

Định hướng tương lai

Sau Thánh lễ, các thành viên đã họp bàn và định hướng cho các sinh hoạt sắp đến, huấn luyện đào tạo lớp kế thừa... Mọi người rất vui và tin tưởng nơi người trẻ, vì các bạn đã trình bày nội dung “Bước theo Thánh quan thầy Gioan Phaolô II” thật súc tích với nhiều sáng tạo.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức đã trình bày nội dung Chương trình Ngày Gia đình Việt Nam với chủ đề: “Mãi mãi là gia đình” sẽ được tổ chức vào tối Chúa nhật 23/6/2013 tại Trung tâm Mục vụ TGP.TPHCM để mọi người suy nghĩ và góp ý bổ sung.

Chương trình tĩnh tâm được khép lại bằng giờ cầu nguyện riêng. Trong tĩnh lặng, mọi người đã tâm sự cùng Chúa, đón nhận tình yêu thương của Chúa qua bí tích Hòa Giải, để mạnh dạn tiến bước trên con đường phục vụ tha nhân trong yêu thương.

Sau bữa cơm trưa, mọi người chia tay ra về, tâm hồn bình an, thanh thản vì đã được Thiên Chúa và anh chị em thứ tha cho mình, cũng như mình đã tha thứ cho mọi người. Bởi lẽ, hãy “Tha thứ để được thứ tha”. Vâng, chính sự tha thứ đem lại cho tâm hồn chúng ta mùa Xuân mới, để kẻ tha thứ và người được thứ tha lại nở rộ mùa hoa nhân ái, cho lá vẫn xanh, cho hoa vẫn nở, trong mưa hiền hòa, trong nắng thênh thang.

Top