Tha thứ cho nhau vì Chúa xót thương

Tha thứ cho nhau vì Chúa xót thương

Tha thứ cho nhau vì Chúa xót thương

TGPSG -- "Thầy không bảo anh em tha thứ đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt. 18, 21-22)

Những lần đi thăm viếng bệnh nhân, tôi học được nhiều điều nơi họ. Trong mùa chay này, tôi không sao quên được bài học tha thứ từ một bệnh nhân đã qua đời mà tôi thường xuyên thăm viếng. Chuyện kể như sau:

Bà Tư ở tuổi U 80, bị té gãy cổ xương đùi nhưng không thể mổ để thay khớp háng. Bà nằm liệt không tự trở mình qua lại được. Dù con cháu chăm sóc bà kỹ lưỡng nhưng vết loét sau lưng cứ ngày càng lan rộng khiến bà vô cùng đau đớn. Trên giường bệnh, bà không thích nói chuyện “tầm phào”, chỉ thích nghe thánh ca để cầu nguyện liên lĩ với Chúa.  Khi có ai đến thăm, bà ân cần hỏi han sức khỏe của người ấy chứ không nói gì nhiều về tình trạng bệnh tật của mình, rồi bà mời người ấy ra trước bàn thờ để đọc kinh cầu nguyện cho bà được ơn chết lành vì bà mắc nhiều bệnh lắm!

Lần cuối cùng tôi đến thăm bà cách đây vài năm. Sau khi đọc kinh trước bàn thờ xong, tôi đến bên giường bệnh chào bà ra về. Bất chợt bà nắm tay tôi bảo ngồi xuống và chậm rãi nói từng tiếng một: “Biểu con Năm theo đạo nha cô. Chúa thương nó! Tui cũng thương nó, vì nó với tui cũng là phận đàn bà! Ổng với tui chết rồi mà nó không theo đạo thì làm sao sum họp trên thiên đàng với nhau được!” Tôi ngỡ ngàng không nói được gì, chỉ  im lặng lắng nghe.

Năm là vợ nhỏ của ông Tư, người đã gây ra cảnh tan đàn xẻ nghé gia đình bà Tư, người đã dùng bùa ngãi ếm bà Tư nhiều lần để mong cướp tài sản của bà. Bà đau khổ sống một mình tần tảo nuôi con, không một lời than thân trách phận. Hiện nay các con bà đều thành đạt. Chưa bao giờ có ai nghe bà oán trách chồng bội bạc bỏ bà đi theo vợ bé. Cũng không thấy bà lên án người đã cướp chồng và tiền bạc của gia đình bà, khiến cho bà bao phen nhập viện vì bị tăng huyết áp. Lúc ông Tư bệnh nặng, mang thân tàn trở về nhà, bà vẫn đón tiếp, lặng lẽ chăm sóc ông và lo hậu sự cho ông thật chu đáo. Giờ đây ở giây phút cuối đời, bà Tư lại còn tha thứ cho vợ nhỏ của chồng. Lại còn mong cho người vợ nhỏ đó được biết Chúa để cả ba được sum họp trên thiên đàng! Tôi nghe mà cứ tưởng như chuyện cổ tích giữa đời thường!

Tôi nhớ câu chuyện “cổ tích” ấy trong mùa chay năm nay khi đọc Lời Chúa dạy tha thứ. Tha thứ tận đáy lòng chứ không phải chỉ ngoài môi miệng.  Mùa chay là mùa đổi mới. Đổi mới trong tương quan với Chúa và với tha nhân. Muốn đổi mới trong tương quan với tha nhân thì phải nhận ra Chúa đã đối xử nhân hậu với chính mình, Ngài luôn yêu thương và thương xót. Từ đó mới có thể tha thứ cho người đã làm ta đau khổ và thay đổi mối tương quan với họ trong yêu thương chứ không phải trong oán ghét hận thù.  Bà Tư nói “Chúa thương nó! Tui cũng thương nó vì nó với tui cũng là phận đàn bà…”. Phải rồi! Bà cảm nghiệm được Chúa yêu thương mình để từ đó bà biết thông cảm và yêu thương cô vợ nhỏ của chồng. Cùng là “Phận đàn bà” nên cùng đau khổ vì một người đàn ông! Bà muốn đưa cô ấy đến với Chúa để Chúa giải thoát cho cả 3 người nơi thiên quốc!

 “Anh em hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em, như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt” (Mt 5, 44-45).

 “Thầy không bảo anh em tha thứ đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt. 18, 21-22)

Tôi hình dung cuộc đời bà Tư là một hồng ân Chúa ban vì chắc chắn bà đã bám chặt vào Chúa trong mọi gian nan đau khổ, và cuối cùng bà đã thực hiện được điều Chúa dạy. Như xưa Chúa đã tha thứ cho kẻ dữ khi bị đóng đinh trên cây thánh giá thế nào, thì nay người bệnh mà tôi thường xuyên thăm viếng cũng đã tha thứ cho kẻ phá nát hạnh phúc gia đình của mình như vậy. Tha thứ bắt nguồn từ lòng thương xót của Chúa.

Maria Trần Thị Nhan (TGPSG)

Top