Tản mạn ngày vọng lễ kính Thánh tổ Phanxicô
Hôm thứ Tư 3.10.2012, trước lễ nhớ thánh Phanxicô Assisi, mình đi lễ trong tâm tình chuẩn bị tâm hồn sốt sắng và thành tâm kính Chúa Ba Ngôi, mong nhận được ân sủng nào đấy từ ơn Trên qua lời bầu cử của thánh nhân.
Trình thuật Phúc Âm Luca 9,51-62 kể về chuyện một người muốn đến xem nơi Chúa ở, Chúa kêu gọi hai người khác “hãy theo tôi”. Qua Bàn tiệc Lời Chúa, và sau khi đã được ăn Bánh Thiên Thần… Lễ tan, ai về, ai ở tùy mỗi người… Mình ở lại hầu chuyện với Chúa một chút. Chúa vui lắm và giải thích thêm cho mình vài ý tứ thú vị, xin ghi lại như là một lời tạ ơn Thiên Chúa và chia sẻ nhỏ to cùng quý độc giả để cùng hòa điệu tạ ơn Chúa.
Người thứ nhất thưa cùng Chúa rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Người trả lời: “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”
Suy niệm: đối chiếu với Phúc Âm theo thánh Matthêu 8,19-22, con biết thêm: người xin đi theo Chúa là một vị kinh sư, ông xin đi theo sau khi đã chứng kiến một ngày làm việc của Chúa (chữa cho tên đầy tớ của viên đại đội trưởng khỏi bịnh tê bại nằm liệt đau đớn, Chúa chữa khỏi bịnh cho nhạc mẫu của ông Phêrô đang nằm liệt và lên cơn sốt. Chiều đến, Chúa chữa cho những người bị quỷ ám và mọi kẻ ốm đau).
Vậy ông xin đi theo Chúa vì lý do gì? Ông xin theo Chúa vì lời giảng dạy của Ngài ư? Dường như không phải, vì trong trình thuật của Thánh Luca kể lại việc Chúa và các mộn đệ đang trên đường đi Giêrusalem, không thấy một diễn từ giáo lý nào rõ nét. Còn ở trình thuật của thánh Matthêu cũng vậy, từ đầu chương tám trở đi cũng chỉ nêu rõ quyền năng Thiên Chúa nơi hoạt động của Đức Giêsu. Mặt khác, là một vị kinh sư thì xem như ông đã làu thông lề-luật-lệ của đạo Do Thái rồi, cần gì phải quan tâm đến giáo lý của Đức Giêsu (ấy là suy diễn của cá nhân người viết) Ông xin đi theo Chúa vì quyền năng của Ngài ư? Chắc là vậy, bởi lẽ ông là một người có uy tín trong đạo Do Thái thời ấy, nhưng mới chỉ uy tín trong lời giảng dạy (tính chính xác của lề luật), chứ ông ta thiếu quyền năng làm phép lạ. Và vì thiếu nên lời giảng dạy của ông ta tự nhiên cảm thấy chông chênh và huyễn hoặc. Chắc nỗi khổ tâm do bản ngã đã khiến ông lắm phen bị dằn vặt chăng! Nay gặp được rabbi Giêsu có quyền năng trên cả người sống lẫn quỷ dữ, ông nghĩ đến việc “mời thầy Giêsu làm đối tác chiến lược” chăng! (kinh sư đi giảng – rabbi Giêsu làm phép lạ! Như thế chắc chắn sẽ thành công-danh!)
Lời yêu cầu: “… Thầy đi đâu, tôi cũng xin theo” như bày tỏ quyết tâm đi theo, đi theo để “ăn theo” phép lạ mà! Nhưng câu trả lời của Đức Giêsu khiến ông chưng hửng! Làm sao chấp nhận được tình trạng vô gia cư của một người nổi tiếng như “Thầy”? Đi với Thầy mà chẳng có một nơi chốn an cư thì hóa ra là lang thang, vô định…! Nếu vậy thì ông còn phải vất luôn cả vị thế giáo quyền của mình cùng những tài sản, bổng lộc, gia đình, những dự phóng của cá nhân… eo ơi! Không được đâu!!! Ông vội vàng biến mất dạng. Người viết khẳng định như thế vì trong số các Tông đồ và các môn đệ, không thấy nhắc đến vị kinh sư này nữa, ngoài ra có nhắc đến ông Nicôđêmô. Bài học đức tin rút ra được là: con xin theo Chúa vì tin-cậy-mến Chúa hay vì tin-cậy-mến chính con?
* Đức Giêsu nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Đức Giêsu bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” (Luca 10, 59)
Suy niệm: “Tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Câu này mặc nhiên cho chúng ta biết là cha anh ta chưa chết. Vì nếu cha anh ta đã chết vào thời điểm này thì anh ta phải ở nhà lo tang lễ cho cha, chứ đâu rảnh mà đi theo Chúa cả ngày. Nói đến từ “cha” là nói đến gia đình, dòng tộc (vì người cha chính là người đã sinh ra anh, khi anh được mẹ sinh ra và người ta đem anh đến đặt anh lên đùi, gần ngay ngực của cha, rồi cha anh đặt tên cho anh. Đức Giêsu khai sinh ra Giáo Hội cũng từ cạnh sườn của Người đấy thôi) Nói đến “cha” là nói đến truyền thống niềm tin Do Thái giáo từ mấy ngàn đời nay (người cha trong nhà là người chủ trì và nhắc nhớ cho cả nhà về việc sống giữ luật Môsê và cử hành lễ tưởng niệm biến cố Xuất Hành trong dịp lễ Vượt Qua). Nghĩ đến đây, người viết mới hiểu được câu trả lời của Chúa “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ” nghĩa là anh hãy tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa Nhập Thể, là Đấng Cứu Tinh muôn dân trông đợi và nghe theo lời mời gọi của Người là: Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” . Tin Mừng không nói đến kết quả, chỉ chấm lửng.
Người viết chiêm nghiệm lời mời gọi của Thầy Giêsu như một gợi ý mẫu mực cho mục vụ Đối thoại liên tôn. Bài học đức tin cho con là “Xin cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”
* Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã. “ Đức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” (Lc 10,61-62)
Suy niệm: trong trình thuật của thánh Matthêu không có tình huống thứ ba này. Tại sao? Thưa, vì thánh Matthêu viết Tin Mừng cho người Do Thái, nên ngài chỉ nêu tình huống thứ hai đã là đủ ý. Nếu ai muốn theo Thầy Giêsu thì phải sống theo tinh thần “Phúc Âm Mới” chứ không còn chỉ bo bo – chăm chăm giữ luật Môsê qua kiểu giáo huấn của các vị Thượng tế, kinh sư đương thời. Thánh Luca lại trình bày thêm tình huống thứ ba, vì ngài viết Tin Mừng cho người ngoài Do Thái giáo và dân ngoại. Mà đối với những người này thì đòi buộc của Chúa là cần họ xác định tư tưởng thật vững vàng khi theo Thầy và có cách hành xử đoạn tuyệt dứt khoát với các vị thần linh của niềm tin tôn giáo cũ của họ. Nói một lời thật ngắn và dễ, nhưng để cầm cày đi thẳng mà không có lúc nào đó cầu cứu lung tung phía là khó tránh khỏi a ! Bài học đức tin cho con là con cần và phải luôn bám sát, níu kéo Chúa lại gần con để những lúc bão táp ập đến, con vẫn nhận ra Chúa đồng hành, kẻo vực thẳm nuốt chửng con mất !
Nhân ngày vọng lễ thánh Phanxicô Assisi, những suy nghĩ của con lại chuyển hướng sang cuộc đời của thánh nhân. Con lại thấy xuất hiện ba lời hiệu triệu của Chúa Giêsu qua hoạt động và môi miệng của ngài.
* Lời thứ nhất: ngài đã hăng say đi xây dựng lại Nhà Chúa (nhà thờ bằng vật chất) sau đó ngài “ngộ” ra và đi tái thiết lại Giáo Hội.
* Lời thứ hai: Khi thế giới chìm ngập trong thế cuộc thánh chiến tang thương. Ngài đi đến bên kia chiến tuyến và nói lên lời kêu gọi “Hòa Bình” với một vị vua Hồi giáo. Và khi con người đi cổ võ, xây dựng hòa bình thì chính là đang đem Triều Đại Thiên Chúa đến rồi. “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Mt 5, 9). Cũng cần nói thêm, sự kiện này mang một dấu ấn đậm chất đối thoại liên tôn biết bao. Gương ấy sáng biết chừng nào!!!
* Lời thứ ba: ở lời kêu gọi này của Chúa, thánh nhân đã ủng hộ bằng cả cuộc đời từ bỏ: gia đình, sự nghiệp, tài sản, tình cảm… tất tần tật, đến độ ngài có danh xưng Phanxicô khó khăn. Suốt đời ngài luôn trung thành với lý tưởng theo Chúa và tái lập nền hòa bình đích thực, dựa trên linh đạo hài hòa với Thiên Chúa, với tha nhân, với vũ trụ và vạn vật.
Vài dòng tản mạn kể lại cảm nhận, người viết xin tỏ lòng cảm ơn Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh đã đoái thương tất cả nhân loại chúng con. Cũng xin cảm ơn Thánh Tổ đã cầu bầu cho chúng con và cho mọi người đang nhiệt tâm chung tay xây dựng bình an.
Xin góp lời cùng cả triều thần Thiên Quốc, cùng cả Giáo Hội hoàn cầu, cùng tất cả thành phần Giáo hội đang được thanh luyện, để kính chúc mừng thánh nhân. “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người… “ (Kinh Hòa Bình)
bài liên quan mới nhất
- Hai Chân phước trẻ Frassati và Acutis sẽ được tuyên thánh vào Năm Thánh 2025
-
Mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và những ước nguyện -
Mừng lễ Các Thánh và những ước nguyện -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Nhận diện sự thánh thiện -
Mười bài học thiêng liêng từ thánh nữ Têrêsa Avila -
Thánh Giuseppe Allamano, nhà truyền giáo không vượt trùng dương -
Têrêsa: Con đường tình nhỏ bé -
Luận về Phép Lạ của Thánh Phanxicô Assisi theo Tommaso Da Celano -
Sự thật về việc được in Năm Dấu Thánh của Thánh Phanxicô -
3 bài học từ cuộc đời của Thánh Monica dành cho các Kitô hữu hiện đại
bài liên quan đọc nhiều
- Sự khác biệt giữa Thiên thần và Tổng lãnh thiên thần
-
Thánh Phaolô: Hành trình từ Damas đến Roma -
Những câu nói của các Thánh về lòng Chúa thương xót -
Thánh Valentine thực sự là ai? -
Điều gì đã xảy ra với Mười Hai Vị Tông Đồ ? -
Danh sách Các Thánh Tử Đạo Việt Nam xếp theo ngày lễ -
5 vị thánh đã từng tan vỡ cõi lòng sẽ phù giúp bạn trong ngày Valentine -
"Cười đến phút chót với Chiara": những giây phút cuối đời của Chiara Corbella -
Phiên khai mạc cuộc điều tra Phong Chân Phước và Phong Thánh cho Đức cha Pierre Lambert de la Motte tại Tàpao -
Năm vị thánh đem lại niềm vui và hài hước cho gia đình bạn