Tại sao Thánh lễ ngày Thứ Năm Tuần Thánh được cử hành vào buổi tối?

Tại sao Thánh lễ ngày Thứ Năm Tuần Thánh được cử hành vào buổi tối?

Tại sao Thánh lễ ngày Thứ Năm Tuần Thánh được cử hành vào buổi tối?

TGPSG/Aleteia.org --- Thánh lễ Tiệc Ly của Chúa vào Thứ Năm Tuần Thánh luôn được cử hành vào buổi tối vì những lý do đặc biệt gắn liền với phụng vụ và ý nghĩa thiêng liêng của ngày này.

Tam Nhật Vượt Qua Thánh là thời điểm trung tâm và cao điểm của năm phụng vụ Hội Thánh, tập trung vào cuộc Thương Khó, cái chết và sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô (x. GLHTCG số 1168-1171). Trong khi phần lớn năm phụng vụ diễn ra theo một nhịp điệu quen thuộc, Tam Nhật Thánh có nhiều quy định và đặc điểm riêng biệt, làm nên một thời gian “linh thánh” thực sự trong đời sống Hội Thánh (x. Sacrosanctum Concilium, số 5-6, 77-81).

Thông thường, Thánh lễ được cử hành vào buổi sáng, và tại nhiều giáo xứ có thêm các Thánh lễ buổi tối để tạo điều kiện cho giáo dân tham dự. Tuy nhiên, riêng với Thứ Năm Tuần Thánh, truyền thống và quy định phụng vụ lại ngược lại: Thánh lễ Tiệc Ly của Chúa phải được cử hành vào buổi tối.

Cũng trong ngày Thứ Năm, có thể có một Thánh lễ vào buổi sáng - đó là Thánh lễ Dầu, nơi giám mục làm phép các Dầu Thánh dùng trong năm phụng vụ sắp tới (x. Sách Lễ Rôma, Nghi thức Thánh lễ Dầu). Nhiều giáo phận chuyển Thánh lễ Dầu này sang một ngày sớm hơn trong Tuần Thánh để linh mục có thể tham dự Thánh lễ Tiệc Ly cùng cộng đoàn giáo xứ vào buổi tối. Riêng tại Vatican, cả Thánh lễ Dầu (sáng) và Thánh lễ Tiệc Ly (tối) đều được cử hành đúng vào Thứ Năm Tuần Thánh, như mẫu mực lý tưởng.

Sách Lễ Rôma quy định:

“Thánh lễ Tiệc Ly của Chúa được cử hành vào buổi tối, vào giờ thuận tiện, với sự tham dự đầy đủ của cộng đoàn địa phương, cùng với các linh mục và thừa tác viên... Nếu vì lý do mục vụ chính đáng, Đấng Bản quyền địa phương có thể cho phép cử hành thêm một Thánh lễ khác vào buổi tối hoặc, trong trường hợp thực sự cần thiết, vào buổi sáng - nhưng chỉ dành cho những tín hữu hoàn toàn không thể tham dự Thánh lễ tối...” (Sách Lễ Rôma, Hướng dẫn ngày Thứ Năm Tuần Thánh)

Tưởng niệm Bữa Tiệc Ly - Căn nguyên của bí tích Thánh Thể và chức linh mục

Lý do chính yếu khiến Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh được cử hành vào buổi tối là vì đây là thời điểm tưởng niệm Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu với các Tông đồ - một biến cố trọng đại trong chương trình cứu độ: Đức Kitô đã lập Bí tích Thánh Thể và đặt nền tảng cho chức linh mục thừa tác trong cùng một đêm (x. GLHTCG số 1323, 1337-1340, 1566).

Sách Nghi thức Giám mục (Ceremonial of Bishops) nhấn mạnh:

“Với Thánh lễ này, được cử hành vào buổi tối Thứ Năm Tuần Thánh, Hội Thánh khai mạc Tam Nhật Vượt Qua và tưởng niệm Bữa Tiệc Ly. Trong bữa tiệc đêm hôm bị nộp, Đức Giêsu, Đấng đã yêu thương những kẻ thuộc về Người trong thế gian cho đến cùng, đã dâng Mình và Máu Người lên Chúa Cha dưới hình bánh và rượu, trao ban cho các tông đồ dùng làm của ăn, và truyền cho các ông cùng những người kế vị trong chức linh mục tiếp tục dâng hiến của lễ ấy.”

Các sách Tin Mừng cũng xác định rõ thời điểm:

“Chiều đến, Người vào bàn ăn với mười hai môn đệ.” (Mt 26,20)

“Vào buổi tối hôm ấy, Người cùng ngồi ăn...” (Mc 14,17; Lc 22,14)

Trong truyền thống Do Thái, ngày mới bắt đầu từ lúc hoàng hôn. Vì vậy, Bữa Tiệc Ly diễn ra vào đầu ngày thứ Sáu (theo lịch Do Thái), nhưng vẫn thuộc Thứ Năm Tuần Thánh trong phụng vụ Hội Thánh. Việc cử hành Thánh lễ vào buổi tối là điều tự nhiên và mang chiều sâu thiêng liêng - vừa trung thành với trình thuật Kinh Thánh, vừa giúp tín hữu dễ dàng hiệp thông.

Sau Thánh lễ: Hành trình vào Vườn Cây Dầu

Một lý do phụng vụ sâu xa khác: sau Thánh lễ Tiệc Ly, Mình Thánh Chúa được kiệu trọng thể sang Nhà Tạm phụ (gọi là bàn thờ chầu hay bàn thờ tạm), tượng trưng cho hành trình của Chúa Giêsu đến Vườn Cây Dầu sau Bữa Tiệc Ly.

Sau đó, bàn thờ chính được tháo trần - biểu tượng sự trút bỏ, khởi đầu cuộc khổ nạn.

Nhiều giáo xứ tổ chức giờ chầu Thánh Thể kéo dài, thinh lặng và sốt sắng, để đáp lại lời mời của Đức Kitô: “Anh em không thể thức với Thầy một giờ sao?” (Mt 26,40).

Hội Thánh khuyến khích giờ chầu Thánh Thể buổi tối Thứ Năm, như một cách canh thức thiêng liêng cùng Chúa:

“Từ lúc kết thúc Thánh lễ cho đến nửa đêm, nên dành thời gian thích hợp để tín hữu chầu Thánh Thể, có thể dưới hình thức suy niệm chung hoặc riêng tư.” (Sách Lễ Rôma, Hướng dẫn ngày Thứ Năm Tuần Thánh)

Kết luận

Thánh lễ buổi tối Thứ Năm Tuần Thánh không chỉ là một lựa chọn phụng vụ, mà là một truyền thống sâu sắc mang giá trị thần học, Kinh Thánh và mục vụ. Đó là thời khắc Hội Thánh:

  • Khai mạc Tam Nhật Vượt Qua - trung tâm của đức tin Kitô giáo (x. GLHTCG 1169),
  • Tưởng niệm việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể và chức linh mục (x. GLHTCG 1323-1339, 1566),
  • Đồng hành với Chúa trong hành trình Thương Khó, bắt đầu từ Vườn Cây Dầu.

“Chúa Kitô đã yêu thương những kẻ thuộc về Người trong thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1) - đó là tâm tình mà Hội Thánh muốn khơi dậy nơi mỗi tín hữu khi bước vào đêm Thứ Năm Thánh, với lòng yêu mến, biết ơn và sẵn sàng bước theo Chúa đến tận Thập Giá - để cùng Người bước vào sự sống mới.

Tác giả: Philip Kosloski

Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Aleteia.org

 

Top