Ta nói gì khi đau khổ?
Người bạn: “Mình đang khủng hoảng, bạn à. Cái cảm giác cách đây 2 năm lại ùa về. Cũng trong khoảng thời gian này.”
Tôi: “Có chuyện gì vậy bạn?”
Người bạn: “Mình vừa về quê mãn tang Bố. Cha nghĩa phụ của mình mới….”
Tôi: (im lặng một lúc) “chia sẻ với bạn nhé”.
Người bạn: “Mình đang hỏi Chúa tại sao lại là mình? Bạn đừng nói với mình là mình đủ sức vác thập giá nha. Bạn đừng nói rằng Chúa đang chuẩn bị cho mình những điều lớn lao ở phía trước nha”…
Đó là đoạn tin nhắn cách đây chưa lâu với một người bạn cũng là một nữ tu khấn trọn. Một nữ tu cá tính, mạnh mẽ; hăng say, nhiệt thành. Với học lực giỏi thời phổ thông, là chị cả trong gia đình với đàn em đang tuổi ăn tuổi học. Khi bạn bảo “mình đang khủng hoảng”, tôi biết sức chịu đựng của bạn đã tới giới hạn. Và tôi cũng biết mọi ngôn từ lúc này trở nên vô dụng; mọi sự chia sẻ về đau khổ, về thập giá, về một Thiên Chúa tốt lành, về một Đấng yêu thương, giàu lòng thương xót… rất khó được đón nhận nếu không muốn nói là không thể.
Có người sẽ chia sẻ rằng: “Chúa đang chuẩn bị một tương lai nào đó cho bạn, Chúa đang thực hiện một điều gì đó lớn lao trong cuộc đời bạn…”. Nhưng đó là chuyện của tương lai. Sau khi đã quằn quại trong đau khổ, không lối thoát, khi nhìn lại, ta mới nhận được những điều “lớn lao”. Với hiện tại, ngay lúc này, đau khổ đang xâm chiếm bạn ấy. Đức Tin, Cậy, Mến nơi bạn ấy đang được thử thách liều cao. Có lẽ, bạn ấy vẫn tin vào Đấng mà mình bước theo nhưng lòng Tin, Cậy, Mến đã vơi đi nhiều. “Mình có cảm giác không muốn cố gắng, không muốn phát triển, tóm lại hiện tại rất lơ lửng... Không muốn làm gì, làm cho xong, không có tâm, không tập trung như trước. Dường như mất cảm giác”. Bạn ấy mô tả tình trạng đang trải qua như thế. Hoài nghi. Thất vọng. Chán nản. Dửng dưng. Chai sạn. Rất đúng với những lời của ĐHY Robert Sarah: Đứng trước đau khổ, con người trở nên phản loạn.
Vậy, ta nói gì khi nói về đau khổ? Có lẽ ta chỉ biết thinh lặng.
Có những người đã dày công nghiên cứu để cho xuất bản thành cuốn sách vài trăm trang. Có những tiến sĩ bảo vệ luận án với đề tài về đau khổ. Nói theo ngôn ngữ triết học của Gariel Marcel, ta xem đau khổ như một “vấn đề”, nhưng không phải thế, đau khổ là một “huyền nhiệm”. Cha Tổng quyền dòng Đa minh, Timothy Radcliffe, đã chia sẻ rằng: “Trong những năm qua, ở Anh Quốc, tôi đã tham gia các chiến dịch chống chiến tranh, chiến tranh nguyên tử, chiến tranh ở quần đảo Malouines, chiến tranh vùng Vịnh. Tôi đã nói nhiều về chiến tranh, đã trình bày nhiều về chủ đề này. Nhưng ở châu Phi, mới đây, tôi đã chứng kiến cảnh tượng đó, và tôi chỉ biết thinh lặng.”
Như tôi đã nhắn cho bạn, trước “hoàn cảnh giới hạn” bạn đang trải qua, thật sự, tôi không biết phải nói gì. Một việc tôi có thể giúp bạn là ngồi yên và lắng nghe hết tâm tư, nỗi lòng cùng bạn. Hy vọng khi bày tỏ nỗi lòng, bạn sẽ vơi đi phần nào những cảm xúc tiêu cực đang dồn nén, chất chứa, có lúc cào xé, có lúc gặm nhắm trong bạn. Ta không thể chạy trốn, ta không thể tránh. Có lẽ khả dĩ nhất là đương đầu. Tâm lý con người khi gặp phải điều trái ý, không mong muốn, đặc biệt là những đau khổ, mất mát, ta thường xuất hiện phản kháng, muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao.
Nhà tâm lý Viktor Frank cũng phát biểu điều tương tự: “người ta không có tự do để khước từ bất hạnh hay chạy trốn khỏi bi kịch, nhưng có tự do chọn lựa thái độ của mình trước những gì xảy ra”. Triết gia Karl Jasper đã suy tư rất hay về đau khổ và cho ta một hướng “giải quyết”. Thường đứng trước đau khổ, gọi đó là hoàn cảnh giới hạn, chúng ta có 2 thái độ: thái độ phản kháng và thái độ suy tư trầm ngâm. Dưới khía cạnh của triết học, tâm lí học, việc của ta là chọn lựa thái độ. Nhưng đối với một Kitô hữu, trong đau khổ dù muốn dù không ta vẫn phải đối diện với mầu nhiệm về một Thiên Chúa thinh lặng. Một mầu nhiệm vượt quá trí hiểu của con người.
Có một nghịch lý, đặt niềm tin vào Thiên Chúa toàn năng, tốt lành ta trở nên hoảng loạn khi đối diện đau khổ. Nhưng khi đau khổ xảy đến ta biết bám víu vào đâu, khi mọi thực tại trần gian đều quay lưng, ngoài một Thiên Chúa thinh lặng? Quanh quẩn với mớ cảm xúc hoảng loạn, cuối cùng, ta cũng đi tới xác quyết: “Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho con người sức mạnh để đương đầu và chấp nhận đau khổ”.
Mẹ Maria là khuôn mẫu cho cho ta khi đối diện với đau khổ. Mẹ đứng vững trong thinh lặng dưới chân thập giá. Mẹ không hoảng loạn, không la hét. Mẹ chịu đựng đau khổ nhờ sự thanh thản đón nhận và lời cầu nguyện. Cầu nguyện trong thinh lặng là hành vi mạnh mẽ nhất và chắc chắn nhất khi đối diện với đau khổ.
Ngoài ra, khi nói về đau khổ, Đức Phanxicô nói đến sự hiện diện của anh chị em. Ngài nói: “Khi có một lời nói chạm vào trái tim con, khi có một cái ôm khiến con cảm thấy được thấu hiểu, khi có một sự vỗ về khiến con cảm thấy được yêu thương, khi có một lời cầu nguyện cho phép con mạnh mẽ hơn… Tất cả những điều đó là biểu hiện của sự gần gũi của Thiên Chúa yêu thương qua sự an ủi của anh chị em”.
Như vậy khi đối diện với đau khổ, ta nhận ra giá trị về sự hiện diện. Hiện diện với chính mình, hiện diện với Thiên Chúa và hiện diện của tha nhân. Khi đối diện với đau khổ ta nhận ra giá trị của sự thinh lặng. Khi đối diện với đau khổ, một Đức tin “hâm hẩm bởi thời gian và bởi bầu khí tục hóa sẽ trở nên tinh tuyền và sâu sắc” hơn nếu ta biết cách chọn lựa “thái độ”.
Bài: ĐặngTiến (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Hành hương thời Cựu ước - Phần 1: Tiếng gọi lên đường
-
Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn -
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19