Suy tư tháng Mười Một
Tháng Mân Côi sắp qua, Tháng Cầu Hồn đang đến. Tháng Cầu Hồn dành riêng cầu cho các linh hồn, nhưng không chỉ cầu nguyện cho những người đã vào cõi vĩnh hằng mà còn là lời nhắc nhở chính mình “là bụi tro và chắc chắn sẽ trở về bụi tro” – dù trẻ hay già, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, dù quyền thế hay cô thân, dù tài hoa hay bình thường, dù xinh đẹp hay xấu xí, dù bề trên hay bề dưới… Đó là định-luật-muôn-thuở!
Vẫn biết “sinh ký, tử qui” (sống là GỬI, chết là VỀ). Có ai lại không muốn “về” sau những ngày “lưu vong”? Nhưng có lẽ nhiều người vẫn ngần ngại khi đến lúc “lên đường về quê”. Đó là lẽ thường tình của nhân sinh.
Cố Ns Trịnh Công Sơn đã trăn trở: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai tôi về làm cát bụi?” Và hạt đó cũng có lúc thấy “mệt nhoài”, khó hiểu, vì không biết “tiếng động nào gõ nhịp trong tôi”.
Bất kỳ ai cũng một lần đối diện Tử thần, dù đang ở độ tuổi nào, có sinh ắt có tử, có khởi đầu thì cũng có kết thúc. Tháng Mười Một không chỉ cầu cho các linh hồn mà còn mời gọi chúng ta suy tư về sự chết, nhìn lại thân phận bất túc, nhỏ bé, yếu đuối và mỏng dòn của mình để nỗ lực “hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”, không được quên “mình là cát bụi và sẽ trở về cát bụi”.
Cuộc sống không nên tính bằng chiều dài mà bằng chiều sâu và chiều rộng. Có cái chết vô ích và có cái chết ý nghĩa. Có người chết trẻ mà được khâm phục và nhớ mãi, nhưng có người chết già mà không được ai quan tâm hoặc nhắc đến. Têrêsa Hài đồng Giêsu chỉ sống 24 tuổi. Lm. M. Kolbe đã sẵn sàng chết thay một bạn tù ở Đức, vì ngài thương anh ta còn vợ con. Chính cựu tù nhân đó đã đến dự lễ phong thánh cho ngài do cố GH Gioan-Phaolô II cử hành. Chiara Luce Badona chỉ sống 19 năm (1971-1990) nhưng đã sống trọn Ý Chúa, ĐGH Benedict XVI đã tôn phong chân phước cho Chiara ngày 25/9/2010. Đức Kitô đã xác định: “Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15, 13).
Trần gian cho đó là ngu dại, là điên khùng, là thua thiệt. Nhưng chính Đức Giêsu đã tiên phong nêu gương khi thực hiện như vậy. Với con người là ngu xuẩn thì với Thiên Chúa lại là khôn ngoan.
Thánh Phaolô nói: “Chết là giải thoát, là một mối lợi”. Có sống tốt thì cái chết mới thực sự lợi ích. Nói dễ, làm khó. Sống tốt không chỉ là tránh điều ác mà còn phải tích cực làm điều thiện. Thật không hề đơn giản! Trong thư gởi cho cha, thiên tài âm nhạc Mozart đã viết: “Con không bao giờ đi ngủ mà không nghĩ rằng có thể con không còn thấy ngày mai nữa. Sự chết là mục đích thực sự của đời sống. Từ vài năm qua, con đã quen với người bạn tuyệt vời đó. Hình ảnh người bạn đó không làm con sợ mà còn cảm thấy người bạn đó hiền lành và cởi mở”.
Là con người, có lẽ ai cũng từng hơn một lần khắc khoải về thân phận mình. Thánh Augustinô có kinh nghiệm: “Hồn con luôn bồi hồi xao xuyến cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”. Thánh Catharine so sánh: “Đời sống là cây cầu, hãy đi qua chứ đừng dừng lại trên đó”. Cuộc đời là tạm bợ, Nước Trời mới là Quê Thật của những ai theo Chúa, thuộc về Chúa và hành động đúng Ý Chúa. Quả thật: Bỏ Ngài thì con biết theo ai? Vì không có Ngài thì con không làm được gì!
Cụ thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều: “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Đó cũng là trăn trở về thân phận con người, người Công giáo chân nhận đó là Thánh Ý Chúa. Khó là chúng ta có can đảm vui nhận hay không.
Trong Kinh Hòa Bình, thánh Phanxicô Assisi nhận định: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Chết không là thua thiệt, chết không là hết, mà chết chỉ là chấm dứt cuộc đời dương thế để chuyển bước vào cuộc sống vĩnh hằng, tận hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, chiêm ngưỡng Tôn Nhan Thiên Chúa và thuộc về Ngài vĩnh viễn.
Lạy Thiên Chúa Phục sinh, xin xót thương cho các linh hồn về hưởng Tôn Nhan Chúa muôn đời, xin cho chúng con thêm vững mạnh ba đức đối thần (Tin, Cậy, Mến) và phát triển các đức đối nhân (yêu thương, nhịn nhục, chịu lụy, đại lượng, nhân hậu, cảm thông, tha thứ, chia sẻ,…) để sống trọn Thiên Ý theo lệnh Ngài truyền dạy: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại
-
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện -
Tình yêu có liên quan gì không?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19