Suy tư của một số giám mục, linh mục và tu sĩ về Đại hội Thánh Thể Toàn quốc Hoa Kỳ
Đại hội Thánh Thể Toàn quốc Hoa Kỳ lần thứ 10 diễn ra tại thành phố Indianapolis từ ngày 17 đến 21/7/2024 đã quy tụ hơn 50.000 tín hữu Công giáo, trong đó có hơn 1.170 linh mục, 1.200 nam nữ tu sĩ, 610 chủng sinh và 200 giám mục. Đối với nhiều tham dự viên, Đại hội là một sự kiện đầy ấn tượng, gây xúc động, với bầu khí tràn đầy lòng tôn kính Chúa Giêsu Thánh Thể.
Hãng tin Công giáo CNA đã trò chuyện với một số người trong số các Giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ về những khoảnh khắc và suy tư thay đổi cuộc sống và đáng nhớ nhất.
Bầu khí tràn đầy lòng tôn kính Chúa Giêsu Thánh Thể tại Đại hội
Mọi người bị cuốn vào mầu nhiệm của vẻ đẹp của Thiên Chúa”
Trước hết là lòng tôn kính Thánh Thể tràn ngập trong Đại hội. Đức Cha James Conley, Giám mục của Lincoln, Nebraska, nhớ lại: “Những giây phút mạnh mẽ đánh động nhất là những giờ phút chầu Thánh Thể tại Sân vận động Lucas Oil, khi mọi người quỳ xuống, tôn thờ Chúa trong lời ngợi khen và trong sự thinh lặng”. Ngài nhớ lại cảnh mọi người, bao gồm cả các giám mục, “bị cuốn vào mầu nhiệm của vẻ đẹp của Thiên Chúa” trong lúc chầu Thánh Thể.
Ngài chia sẻ tiếp: “Mẫu số chung xuyên suốt toàn bộ cuộc gặp gỡ phụng vụ là sự tôn kính; chúng ta đang nhận ra Thiên Chúa là Chúa của chúng ta, trong sự thinh lặng và trong bài hát. Thánh Augustino đã được trích dẫn một cách nổi tiếng khi nói, ‘Chỉ có người yêu mới hát,’ và phản ứng đúng đắn duy nhất đối với tình yêu của Thiên Chúa là hát bằng cả trái tim mình”.
Mọi người đều có cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô
Aidan Aguero, một chủng sinh 19 tuổi thuộc Tổng giáo phận Seattle, nhớ lại rằng trong sự thinh lặng chầu Thánh Thể, thầy đã xúc động khi “nhìn thấy mọi người đều có cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô”.
“[Với] tất cả 60.000 người ở đó tôn thờ Chúa của chúng ta trong Thánh Thể, mọi người gặp gỡ Chúa của chúng ta trong Thánh Thể, có điều gì đó đang chuyển động ở đó. Không ai có thể phủ nhận rằng có điều gì đó đang chuyển động trong sân vận động đó, và là người Công giáo, chúng tôi tin rằng đó là Chúa Thánh Thần. Chúng tôi tin rằng đó là Chúa Kitô trong Thánh Thể”.
50.000 người thinh lặng trước Chúa Giêsu Thánh Thể
Sơ Mary Aloysius Kim, Bề trên Tổng quyền của Hội Đức Mẹ Chúa Ba Ngôi, cũng nhớ lại “bầu khí cầu nguyện” của giờ chầu Thánh Thể; sơ gọi đó là “điều tuyệt vời”. Sơ chia sẻ: “Hãy tưởng tượng sân vận động bóng đá này chật kín người, và khi Chúa chúng ta xuất hiện, đèn tắt, trời tối, và chỉ có ánh sáng chiếu vào mặt nhật đựng Mình Thánh, và nơi này thật yên tĩnh. 50.000 con người này đang tôn thờ Chúa chúng ta trong thinh lặng. Điều đó thật cảm động, thật đẹp, thật tuyệt vời, đến nỗi khiến chúng ta rơi nước mắt. Và ngay cả bây giờ, khi tôi nhìn lại, tôi vẫn cảm động đến rơi nước mắt”.
Đại hội Thánh Thể là cuộc gặp gỡ của toàn thể thân mình Chúa Kitô
Không giống như nhiều cuộc tĩnh tâm hay hội nghị tập trung vào một nhóm tuổi, Đại hội đã quy tụ những người Công giáo ở mọi lứa tuổi và ơn gọi. Đức Cha Conley nhận xét: “Toàn thể thân mình của Chúa Kitô, từ những bà mẹ mang thai với những đứa con nhỏ cho đến những người ông người bà, cụ cố ngồi xe lăn,” đều có mặt ở đó. Ngài nói: “Đó là trải nghiệm của toàn thể thân mình Chúa Kitô cùng nhau hợp nhất. Mọi ơn gọi và mọi chiều kích của Giáo hội, Thân thể Chúa Kitô”.
Sự thân thiện tự nhiên giữa các tham dự viên
Hơn 100 nữ tu Dòng Đaminh Đức Mẹ Maria Thánh Thể đã tham dự đại hội. Sơ Mary Michael Carlton, Phó Tổng quyền của dòng, nhớ lại rằng có một sự thân thiện tự nhiên của những người tham dự đối với bất kỳ ai họ gặp - công nhân, người dân địa phương, người vô gia cư. Sơ chia sẻ: “Một nữ tu của chúng tôi hát trên đường phố với một trong những người vô gia cư, và cuối cùng anh ấy đã đến Đại hội - có người đã đăng ký cho anh tham dự Đại hội, và sau đó anh đã tham gia đoàn rước. Họ không ở vùng ngoại vi. Họ cũng là một phần của phong trào này”.
Mục vụ cho người nghèo và người vô gia cư
Đức cha Conley cho biết: “Có rất nhiều hoạt động mục vụ dành cho người nghèo và người vô gia cư trong những ngày đó”.
Christ in the City, một tổ chức Công giáo sử dụng các mối quan hệ để tiếp cận phục vụ người vô gia cư, tổ chức các cuộc đi bộ trên phố để phục vụ người nghèo và người vô gia cư. Đức cha Conley giải thích thêm: “Đó không chỉ là kinh nghiệm nội tâm, mà là vượt ra khỏi chính mình và ra đường phố để tuyên bố rằng Chúa Kitô đã phục sinh, Người vẫn sống, Người yêu thương bạn và giới thiệu Người cho tất cả những ai muốn lắng nghe”.
Đưa Chúa Giêsu xuống đường phố
Sau đó, Mình Thánh Chúa Kitô đã được rước qua các đường phố của Indianapolis. Đức Cha Conley nhớ lại: “Tôi thấy [cuộc rước] đó như việc đưa Chúa Kitô ra đường phố và tuyên bố thành phố này thuộc về Chúa. Mang Chúa Giêsu ra đường và tuyên bố rằng Chúa Giêsu Kitô là Vua và Người là vua của thế giới. Người là trung tâm của mọi thứ, và Người không chỉ ở trong các nhà thờ của chúng ta - Người còn ở ngoài đường với những người nghèo”. Đức cha lưu ý: “Những người ở trong các tòa nhà văn phòng và những người ở trong các cửa hàng và nhà hàng của họ; họ đã chứng kiến điều này xảy ra”.
Cuộc rước tự phát trong trung tâm hội nghị
Bất kỳ ai đã tham dự Đại hội sẽ kể cho bạn nghe về cuộc rước đông đảo qua các đường phố của Indianapolis với hơn 60.000 người. Nhưng cũng có một cuộc rước tự phát ở trung tâm hội nghị, mà theo một linh mục, là điều “rất xúc động.”
Cha Patrick Briscoe, một linh mục dòng Đaminh và là người tổ chức phụng vụ cho sự kiện này giải thích rằng nhóm phụng vụ cần di chuyển Mình Thánh Chúa khắp trung tâm hội nghị cho các khoảng thời gian chầu Thánh Thể khác nhau, nhưng không có đủ lối đi phía sau và các hội trường chật cứng người di chuyển giữa các phiên họp riêng. Vì vậy, các linh mục đã đưa Chúa Giêsu đi xuyên qua đám đông trong mặt nhật đựng Mình Thánh. Khi các ngài vội vã di chuyển giữa các phiên họp, mọi người dừng lại và quỳ xuống trong thinh lặng khi Chúa Giêsu đi qua.
Cha kể lại: “Mọi người trong những hành lang chật cứng này, cố gắng chen chúc từ phiên họp này sang phiên họp khác, đã quỳ xuống. Họ la lên, ‘Chúa Giêsu đang đến,’ và quỳ xuống, chờ đợi và cầu nguyện cho đến khi Mình Thánh Chúa đi ngang qua họ”.
Cha Briscoe nói tiếp: “Lòng sùng kính của người dân của chúng ta thật đặc biệt. Và một phần của điều đó là tư thế mới mà họ đã được dạy sau cuộc Hành hương Thánh Thể toàn quốc, nơi đã dạy và làm gương về lòng tôn kính chúng ta cần có đối với Bí tích Thánh Thể, nhưng tinh thần của sự kiện cũng khiến nó trở thành một điều rất tự nhiên.”
Ngài nói thêm: “Thật xúc động mãnh liệt bởi vì trong một bối cảnh khác, điều đó có thể bất tiện hoặc bất ngờ. Và vì vậy, việc chứng kiến người dân của chúng ta đáp lại bằng sự tôn kính cách kiên nhẫn và phi thường thực sự chạm đến trái tim tôi với tư cách là một linh mục”.
Sự tôn kính Thánh Thể chứng minh cho mọi người thấy rằng Giáo hội vẫn còn sống động
Cha Briscoe nhận định: “Sự tôn kính Thánh Thể thể hiện sức mạnh của truyền thống của chúng ta, và chứng minh cho mọi người thấy rằng Giáo hội vẫn còn sống động. Nó cho phép mọi người bày tỏ tình yêu của họ đối với Giáo hội. Việc xuất hiện trong một kỳ lễ không mang tính chính trị, không mang bầu không khí căng thẳng và phân cực như rất nhiều hoạt động và sự kiện khác hiện nay, là sự giải phóng tuyệt đối”.
Sự kiện có tác động tích cực trong thời gian dài
Theo Sơ Mary Michael, giống như Ngày Giới trẻ Thế giới ở Denver, Đại hội Thánh Thể sẽ là một trong những khoảnh khắc mà chúng ta nhìn lại và nhớ, và mọi người sẽ tìm thấy ơn gọi của mình hoặc nghe Thiên Chúa nói với họ trong những buổi nói chuyện này, rồi nói, ‘Khi tôi đã ở Indianapolis vào năm 2024, đó là lúc cuộc đời tôi thay đổi’”.
Sơ nói thêm: “Tôi thực sự nghĩ rằng những cuộc hoán cải mạnh mẽ đã diễn ra ngay tại Đại hội. Và những người tham dự sẽ quay trở lại giáo xứ của họ và bắt đầu cuộc phục hưng của riêng họ. Họ sẽ bắt đầu thu hút mọi người quay trở lại với đức tin trong gia đình hoặc cộng đồng địa phương của họ, những người đã lâu không tham dự Thánh lễ”.
Phụng vụ là nơi chúng ta gặp được Chúa hằng sống
Về phần Đức Cha Conley, ngài nhận xét rằng sự kiện này rất có kết quả bởi vì nó “được dẫn dắt bởi phụng vụ”. Ngài nói: “Tôi tin chắc rằng việc Tân Phúc âm hóa sẽ không bao giờ diễn ra, không bao giờ thực sự có kết quả nếu không có kinh nghiệm về phụng vụ và sự siêu việt. Bạn có thể có tất cả những lời hộ giáo trên thế giới. Bạn có thể nhận được tất cả sự hướng dẫn, nghiên cứu Kinh Thánh và tất cả những thứ đó, nhưng trừ khi bạn có trải nghiệm về vẻ đẹp này - vẻ đẹp của Thiên Chúa trong kinh nghiệm thờ phượng cầu nguyện siêu việt, điều thực sự đưa bạn ra khỏi chính mình để đi vào mầu nhiệm tình yêu của Chúa qua cầu nguyện và qua bí tích - đó là nơi chúng ta thực sự gặp được Chúa hằng sống”.
“Chúng ta gặp Người, và chúng ta có cuộc gặp gỡ chân tình này, điều thực sự vượt trên lý trí để thờ phượng. Khi chúng ta được cuốn hút vào vẻ đẹp, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa qua lời cầu nguyện và bí tích. Và đó là những gì chúng tôi đã có. Đó là những gì chúng tôi đã trải nghiệm”.
Đưa thông điệp về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu về gia đình, về cộng đoàn
Sơ Aloysius chia sẻ thêm: “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là, vâng, nó thật tuyệt vời, nhưng cuối cùng, chúng ta phải trải nghiệm sự hồi sinh của chính mình và tôi nghĩ đó là điều thực sự tạo nên sự khác biệt”.
“Đối với tôi, tôi có thể nói rằng nó thực sự đã chạm đến trái tim tôi và làm sâu sắc thêm tình yêu của tôi dành cho Chúa Giêsu Thánh Thể. Vì vậy, chắc chắn có một sự hồi sinh cá nhân trong tôi. Từ đó, thông điệp, đặc biệt là vào ngày cuối cùng, là ra đi và chia sẻ những gì chúng ta đã nếm hưởng, nghe và thấy tận mắt, cho người khác. Và đó sẽ là sự tác động. Chúng ta phải trải qua sự phục hưng cá nhân của mình thông qua sự ăn năn”.
Đức Cha Conley nói: “Thông điệp [của hội nghị] bây giờ là hãy đón lấy kinh nghiệm mà các bạn đã có được về sự hiệp nhất, về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể - trải nghiệm thực sự sâu sắc và mạnh mẽ này về tình yêu và lòng thương xót của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Hãy đón lấy nó ngay bây giờ và mang nó về nhà của bạn”.
“Hãy tiếp cận với những người đã bỏ đạo hoặc không còn đi nhà thờ nữa hoặc những người vẫn đang thắc mắc và tìm kiếm câu trả lời: đây là điều tôi hy vọng sẽ là kết quả, và đây chính là nội dung của thông điệp”.
Nguồn: vaticannews.va/vi
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem
-
Giáng sinh trong thời chiến -
Bừng sáng Tình Yêu -
Niềm vui Giáng Sinh là niềm vui nào? -
Mầu nhiệm Nhập Thể - Mầu nhiệm Chữa Lành -
Đức Giê-su Ki-tô - Đường hiện diện -
Những người thợ thầm lặng bên máng cỏ Hài Nhi Giêsu -
Chuẩn bị hang đá tâm hồn để đón chờ Chúa Giáng sinh -
Cầu nguyện như thánh Augustinô -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ ba Năm Sự Vui - Chúa Giêsu Kitô giáng sinh
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19