Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần XI Mùa Thường Niên
TUẦN XI THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT 11 MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B
Mc 4, 26-34
"Nước Thiên Chúa giống như hạt cải,
lúc gieo xuống đất,
nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất."
(Mc 4,31)
Anh chị em thân mến,
Chúng ta vừa nghe một dụ ngôn vắn của Chúa Giêsu. Tuy vắn nhưng chúng ta cũng có thể tìm thấy được nhiều ý nghĩa qua dụ ngôn này. Có nhiều ý nghĩa nhưng tôi xin dừng lại ở một vài ý nghĩa chính. Phải nói ý nghĩa của dụ ngôn này rất rõ ràng.
1. Thiên Chúa bắt đầu xây dựng Nước của Ngài từ những khởi điểm hết sức nhỏ bé.
Trong ngôn ngữ Đông phương và trong Thánh kinh Cựu ước, một trong những hình ảnh thông thường nhất chỉ đế một quốc lớn là hình ảnh một cây to, và những nước chư hầu được mô tả như chim chóc nghỉ ngơi và làm tổ trên cành (Ed 31,6; Đn 4,18). Vì vậy dụ ngôn này cho thấy nước Thiên Chúa bắt đầu từ những bước khởi đầu hết sức nhỏ bé, nhưng cuối cùng nhiều nước sẽ qui tụ trong đó. Sự kiện lịch sử chứng minh rằng những điều lớn nhất luôn bắt đầu bằng những khởi điểm nhỏ nhất.
Có rất nhiều thí dụ: Muốn xây một tòa nhà thì phải bắt đầu bằng từng viên gạch; muốn viết một quyển sách thì phải bắt đầu từng trang, thậm chí từng chữ; muốn làm một chuyến viễn du thì phải bắt đầu bằng từng bước; muốn xây dựng một tình bạn thì phải bắt đầu bằng những lần gặp gỡ đổi trao; muốn thành một nhà văn thì phải bắt đầu từ con chữ; muốn hoàn thành một bức thảm nghệ thuật thì phải bắt đầu từ những mũi kim vvv..
Một tu sĩ trẻ nọ được gởi đến làm việc với một số anh em khác. Công việc của họ là dệt một khung vải rộng lớn, trên đó mỗi người ngày ngày phải dệt phần được trao phó, một việc làm xem ra rất độc điệu và vô nghĩa.
Ngày nọ, không còn chịu đựng được một công việc nhàm chán như thế, người tu sĩ trẻ thốt lên với tất cả sự giận dữ của mình:
-Trước khi tôi được sai đến đây, người ta nói với tôi về một công trình nghệ thuật cao cả mà tôi sẽ góp phần vào. Bây giờ tôi chỉ thấy rằng, tôi phải dùng kim đâm qua xỏ lại như một cái máy, tôi không thấy đâu là nghệ thuật cả.
Nghe thế, vị tu sĩ già mới nói với thầy như sau:
- Con ơi, làm sao con thấy được công trình nghệ thuật mà chúng ta đang cộng tác để thực hiện, bởi vì những gì con đang thấy là mặt trái của tấm thảm. Hơn nữa, việc con đang làm là một việc nhỏ trong công trình mà thôi.
Khi tấm thảm đã hoàn thành, người ta lật tấm thảm lại. Lúc bấy giờ, vị tu sĩ trẻ mới thấy rằng mình đã góp phần vào một tuyệt tác. Đó là bức tranh của Ba Vua triều bái hài nhi Giêsu, những đường kim mà người tu sĩ trẻ ngày ngày đút qua xỏ lại, đã vẽ lên chính hào quang sáng chói trên đầu Chúa Hài Nhi. Điều mà thầy cho là vô nghĩa nhất giờ đây hiện lên như một kỳ công.
Sự bắt đầu rất là quan trọng. Nếu bạn muốn con bạn lớn lên thành người tốt thì bạn phải bắt đầu chăm sóc dạy dỗ nó ngay từ nhỏ. Mà khi bắt đầu thì phải chú ý đến những điều rất nhỏ. Một tính tốt dần dần thành hình từ những thói quen tốt nho nhỏ. Một tính xấu cũng thành hình từ những thói quen xấu được lặp đi lặp lại.
2. Chúng ta cũng có thể nói như thế về Đạo của chúng ta. Đạo của chúng ta cũng bắt đầ từ một Người.
Một trong những chuyện cảm động nhất trong những ngày đầu của Giáo hội là chuyện về Telemachus, một ẩn sỹ đang sống trong sa mạc. Telemachus sống trong sa mạc nhưng Chúa lại thúc đẩy ông phải rời bỏ nơi hiu quạnh để đi về Lamã, một thành phố mang danh thành phố Kitô giáo, nhưng không có tinh thần Kitô Giáo, bởi vì lúc đó đang diễn ra những trò giác đấu, người ta đánh nhau có đám đông khát máu hò hét, cổ vũ. Telemanchus đi đến xem, trận đấu, tám mươi ngàn người có mặt ở đó. Những con người đang tàn sát nhau này không phải là con cái của Thiên Chúa hay sao? Khinh khiếp quá ông nhảy khỏi chỗ ngồi, chạy xuống đứng giữa những người giác đấu. Bị xô qua một bên, ông lại quay trở lại. Đám đông nổi giận, họ bắt đầu ném đá ông, nhưng ông cố vẫy vùng trở lại giữa những người giác đấu. Viên phán quan truyền lệnh, thế là một lưỡi gươm lóe lên giữa ánh nắng, Telemachus bị chém chết. Đột nhiên một sự im lặng bao trùm, đám đông nhận thức được điều đã xảy ra: một vị thánh đã chết! Sự việc đã xảy ra trong ngày đó ở Lamã để từ nay về sau không còn trò giác đấu nào nữa. Một người đã hy sinh mạng sống mình để làm sạch cho cả một đế quốc. Phải có một người bắt đầu cuộc cải cách, anh ta, gia đình anh hay nơi anh làm việc hằng ngày. Một khi anh đã bắt đầu rồi thì không ai biết điều đó chấm dứt ở đâu.
Khi Chúa Giêsu bắt đầu câu hỏi: “Ta sẽ lấy gì sánh ví nước trời” chúng ta có thể tượng tượng là các môn đệ đang chờ đợi Chúa sẽ phác họa nên một bức tranh thật vĩ đại và huy hoàng, nhưng rồi họ phải kinh ngạc mà nghe Chúa trả lời: “Nước ấy giống như hạt cải” (Mc 4,31). Chúa hoàn toàn hiểu rằng kẻ thù đánh giá sự hiện diện của Ngài và đám quần chúng nghe Ngài chẳng thấy Ngài có gì là quan trọng. Có lẽ trong đầu óc của các môn đệ bên cạnh Ngài cũng phát sinh ra những nghi ngờ. Họ chỉ vỏn vẹn là một nhóm người không quyền thế và không ai biết đến. Phong trào mà Đức Chúa Giêsu đang dẫn đầu có thể nào là nước vinh hiển mà các tiên tri đã báo trước? Họ quá nhỏ bé mà thế giới thì mênh mông, làm sao họ có thể thay đổi và chinh phục cả thế giới này.
Trong ví dụ này Chúa nói với các môn đệ và những người theo Ngài, và với chúng ta hôm nay rằng không nên ngã lòng. Chúng ta phải làm chứng cho mọi người nơi chúng ta sống, và làm việc. Mỗi chúng ta phải là khởi đầu nhỏ bé để từ đó nước trời lớn lên cho đến cuối cùng các nước trên đất nước này trở thành nước trời. Lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta phải là: “Xin cho nước Chúa trị đến, bắt đầu từ chính con”.
Đức Cha Fulton Sheen, một diễn giả nổi tiếng trên các đài truyền thanh và truyền hình Hoa Kỳ đã tưởng tượng ra một cuộc gặp gỡ như sau:
Tôi ra khỏi nhà để hưởng chút ánh sáng mặt trời, tôi gặp một người đang quằn quại trên thập giá, tôi dừng lại và đề nghị:
- Xin cho phép tôi được giúp ông xuống khỏi thập giá.
Nhưng người ấy trả lời:
- Hãy để cho tôi yên, hãy để nguyên những cái đinh trong lòng bàn tay và bàn chân của tôi, hãy để nguyên những gai nhọn trên đầu và lưỡi dòng trong trái tim tôi. Tôi không tự mình xuống khỏi Thập giá, bao lâu những người anh em tản mác khắp nơi của tôi chưa hợp nhất với nhau.
Tôi liền hỏi người ấy:
- Ông muốn tôi làm gì cho ông?.
Người ấy trả lời:
- Hãy đi khắp thế giới, và bắt gặp bất cứ ai hay nói với họ rằng: "Có một người đã chịu đóng đinh Thập giá"
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ.Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
THỨ HAI TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN
Mt 5,38-42
"Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn,
thì đừng ngoảnh mặt đi."
(Mt 5,42)
Chúa Giêsu tiếp tục bàn đến luật trả đũa.
1. Khuynh hướng tự nhiên là muốn trả đũa, và trả đũa thì thường nặng hơn mức người ta gây cho mình: "hòn đất ném đi, hòn chì ném lại". (Còn rất rừng rú)
Cựu ước hạn chế sự trả đũa đúng với mức thiệt hại người ta gây cho mình: "mắt đền mắt, răng đền răng".(Mt 5,38) (= Đã có sự công bằng hơn)
Phần Chúa Giêsu, Ngài dạy hoàn toàn không trả đũa. (=Bác ái)
Không trả đũa, đó là thái độ của kẻ mạnh. Chỉ có kẻ yếu mới không đủ can đảm để không trả đũa.
Thánh Antôn tu rừng, người khởi xướng đời sống ẩn tu trong Giáo Hội, có một lần sau khi giảng xong về đề tài bài giảng trên núi, thì có một giáo dân đến hỏi ngài:
- Thưa cha, chúng con phải làm gì để được trở nên hoàn thiện?
Thánh Antôn trả lời:
- Tin Mừng đã dạy: "Ai vả má phải ngươi, hãy đưa má trái cho họ"(Mt 5,39).
Nhóm giáo dân thưa:
- Điều này khó quá, làm sao thực hiện nổi.
Thánh Antôn nói:
- Nếu không, ít nhất hãy để nguyên má phải và đừng trả đũa, đừng báo thù, hãy tha thứ cho kẻ đã xúc phạm các con.
Nhóm giáo dân vẫn lắc đầu:
- Thưa cha, điều này vẫn quá khó khăn, thật không dễ gì để yên cho người khác xúc phạm đến mình.
Thánh Antôn nghe xong liền quay sang môn đệ và nói:
- Con đi nấu cháo cho những người này ăn đi vì họ quá yếu đuối. Thật, ta còn làm gì được cho các ngươi nữa, ngoại trừ lời cầu nguyện mà thôi.
2. Chỉ người nào rất mạnh mới chế ngự được khuynh hướng trả đũa vốn nằm sẵn trong lòng mình. Người đó còn mạnh về tình thương nữa, vì chỉ những ai có tình thương rất mạnh, mới có thể tiếp tục yêu thương và không trả đũa kẻ xúc phạm mình.
Ngày 4-4-1968, mục sư Luther King lãnh tụ da đen tranh đấu cho quyền bình đẳng của người Mỹ da đen bị bắn chết. Hàng triệu người da đen và những người da trắng hiểu biết đã thương tiếc ông.
Martin Luther King đã hy sinh cả cuộc đời mình để ôn hòa đấu tranh, chống cảnh kỳ thị chủng tộc màu da. Cũng chính vì đã dám lên tiếng đòi cho mọi người được đối xử bình đẳng như nhau trong một đại gia đình của Thiên Chúa mà ông đã bị bắn gục.
Những ai đã nghe nói về Martin Luther King đều không thể quên được tinh thần yêu thương tha thứ của ông với những bất công do nạn kỳ thị chủng tộc gây ra. Câu chuyện sau đây do ông kể lại là một bằng chứng:
Chú bé da đen tên là Tom, theo thói quen, vừa tan trường là chạy đi phân phát báo cho các trường để lấy tiền giúp đỡ gia đình. Hôm ây, chú bé bất ngờ mót tiểu quá, thay vì chạy đến một gốc cây hay là bờ tường, nó chạy ngay vào nhà vệ sinh dành riêng cho người da trắng, vừa để tiểu và cũng vừa để xem một lần cho biết.
Được vào trong nhà vệ sinh sạch sẽ, mát mẻ, em thấy sung sướng. Bất ngờ, Tom nghe có tiếng chân người bước nhanh đập trên nền nhà đi về hướng nhà vệ sinh mà em đang ở trong đó. Chưa kịp phản ứng gì thì Tom đã bị người da trắng ập tới, đánh Tom một cái làm em ngã dúi vào nhà vệ sinh. Rồi kèm theo với cái đạp lên thân thằng bé là những lời nguyền rủa nó đã dám vi phạm luật lệ của bang Alabama. Theo đó thì người da đen bị cấm không được bén mảng đến những nơi dành cho riêng người da trắng, kể cả nhà vệ sinh.
Được chứng kiến cảnh đau lòng trên, ông Martin Luther King khuyên chú bé Tom da đen:
- Cháu Tom bé nhỏ đáng thương ơi, cháu có thể lựa chọn giữa hai thái độ, hoặc là cháu chạy nhanh ra khỏi nhà vệ sinh ấy, rồi nhặt những cục đá lên mà liệng vào người da trắng đã hạ nhục cháu kia, và sau đó cháu chạy về khu vực của người da đen và đề nghị với những người da đen như thế này: Một ngày kia, chúng mình sẽ giết sạch những người da trắng.
Nhưng cũng còn một thái độ, một sự lựa chọn khác nữa cao thượng hơn, đó là cháu sẽ im lặng nhớ đến Chúa Giêsu ngày xưa, Ngài cũng đã bị người ta xô té mấy lần trên đường vác Thập Giá. Nhưng lần nào cũng thế, Ngài cũng chỉ im lặng, chỗi dậy để tiếp tục đi đến đồi Golgotha. Cháu hãy tha thứ cho người da trắng kia đã hạ nhục cháu. Cháu Tom ơi! Trả thù là điều quá dễ, nhưng yêu thương mới là khó. Chúng ta là những người da đen Hoa-kỳ, chúng ta muốn xây dựng ngày mai tươi sáng hơn nhưng chỉ có tình thương mới làm được việc đó!
Có lần Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận tâm sự: "Nhiều lúc tôi cảm thấy khó chịu trong lòng vì người ta phỏng vấn, muốn thúc giục tôi nói những chuyện giật gân, trong thời gian lao tù, v.v... Đó không phải mục đích của tôi. Nguyện vọng lớn nhất của tôi là trao lại cho các bạn trẻ một sứ điệp của tình thương và sự thật, của công lý và hòa bình, của tha thứ và hòa giải, để xây dựng."
THỨ BA TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN
Mt 5,43-48
"Vậy anh em hãy nên hoàn thiện,
như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện."
(Mt 5,48)
Hôm nay, Chúa Giêsu dạy cách đối xử với kẻ thù ghét mình:
Khuynh hướng tự nhiên là ta ghét kẻ thù ghét ta.
- Cựu ước không có khoản luật nào dạy yêu thương kẻ thù.
- Còn Chúa Giêsu dạy:
a/ Hãy yêu thương kẻ thù;
b/ Hãy làm ơn cho kẻ thù;
c/ Hãy cầu nguyện cho họ.
1. Trước kia, phim ảnh thường nói về những chuyện báo thù và còn coi việc báo thù là bổn phận thiêng liêng: con báo thù cho cha, chồng báo thù cho vợ, anh em báo thù cho nhau, bạn bè báo thù cho nhau nhưng gần đây quan điểm như thế không còn được người ta cổ võ nữa. Ngay cả những phim mang nội dung báo thù bây giờ cũng thường kết thúc bằng ý tưởng: báo thù không giải quyết được vấn đề, càng báo thù thì hận thù càng gia tăng chồng chất. Như vậy, chúng ta thấy lương tri con người ngày nay đã thay đổi. Họ đã ý thức được rằng, báo thù không phải là nhiệm vụ thiêng liêng nhưng là một thảm họa.
Dale Carnegie viết: "Thử hỏi tại sao ý muốn "báo thù" lại có hại cho bạn? Theo tờ tạp chí "Life" thì ý muốn đó có thể làm sức khoẻ bạn phải vĩnh viễn suy nhược. Tác giả một bài đăng trong tờ "Life" có viết rằng: "Tính xấu đặc biệt thường thấy trong số những người đau bệnh động mạch là tính thù vặt. Nếu tính xấu này luôn luôn biểu lộ, nó sẽ làm cho bệnh ấy thành kinh niên và có khi thành bệnh đau tim".
Ông kể tiếp: Tôi có một người bạn thân vừa bị một cơn đau tim nặng. Thầy thuốc bắt anh ta phải tĩnh dưỡng và nhất là không được nổi nóng với bất cứ một cớ nào, vì lẽ thầy thuốc nào cũng biết rằng, người đau tim rất có thể chết bất thần khi nổi giận. Chắc bạn chẳng cho là thật? Tôi xin kể một chứng minh. Cách đây mấy năm, một ông chủ hàng cơm tỉnh Spokane, thuộc tiểu bang Washington, đã ngã đùng ra chết sau một cơn thịnh nộ. Đây là bài tường thuật của viên cảnh sát trưởng, mô tả trường hợp xảy ra tai nạn: "Ông William Falkaber 68 tuổi, chủ một tiệm ăn, đã tự giết mình khi đang nổi giận, vì người bếp không nghe lời ông mà cứ uống cà phê trong đĩa chứ không uống bằng tách. Ông ấy nổi khùng vác súng lục đuổi người bếp, rồi bỗng ông ngã vật ra chết thẳng, tay hãy còn nắm chặt khẩu súng. Viên y sĩ nhà nước đến khám nghiệm tử thi, tuyên bố ông đứt mạch máu vì "thịnh nộ". (Quẳng gánh lo đi và vui sống)
Chúng ta đừng quên Lời Chúa Giêsu dạy: "Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét các con"(Mt 5,44).
2. Chúa Giêsu dạy ta 3 cấp độ đối xử với họ: yêu thương, làm ơn, cầu nguyện. Nếu ta chưa yêu thương được thì hãy cố gắng lấy ơn mà báo oán. Nếu như vẫn chưa làm thế được thì tối thiểu hãy cầu nguyện cho họ.
Quý Cao làm quan sĩ sư nước Vệ. Một lần kia, ông phải ngồi tòa và xử một phạm nhân với án toà là phải bị chặt chân. Về sau, nước Vệ có loạn, Quý Cao phải chạy trốn. Trên đường chạy trốn, không may ông lại gặp ngay kẻ ngày trước ông kết tội bị chặt chân coi cửa thành trong làng.
Kẻ ấy bảo
- Kia có chỗ tường đổ, ngài trèo lên đó mà trốn.
Quý Cao đáp:
- Người quân tử không trèo tường.
Người ấy lại chỉ:
- Kia có lỗ hổng.
Quý Cao đáp:
- Người quân tử không chui lỗ hổng.
Người ấy lại nói:
- Ở đây có cái nhà.
Quý Cao chạy vào trong nhà đó để ẩn. Vì thế giặc không bắt được.
Khi giặc đi khỏi, Quý Cao hỏi người canh thành:
- Trước kia vì phép nước, ta kết tội chặt chân ngươi, ngươi phải thù ta mới phải. Sao ngươi không trả thù, lại ba lần chỉ lối cho ta trốn như vậy ý là làm sao?
Người kia đáp:
- Tội tôi đáng chặt chân không thể tránh khỏi. Ông không kết tội tôi, thì người khác cũng kết tội tôi. Lúc ông luận tội, tôi thấy ông đã cố xoay sở pháp luật để cứu tôi mà không được. Điều ấy tôi thấy rất rõ. Lúc tôi bị đem đi chặt chân, nét mặt ông buồn rầu, tôi biết. Ông làm thế có phải vì riêng mình tôi đâu: Đó là tấm lòng bậc quân tử. Tôi cứu ông là vì thế.
Tình yêu thương là một ngọn nến, vừa chiếu sáng người khác, lại chiếu sáng cho bản thân. Cống hiến một chút tình yêu thương, thì chắc thế giới này sẽ chứa chan những tình cảm ấm áp. (Vô danh)
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một tâm hồn quảng đại.
Một quả tim tràn đầy yêu thương,
một cái nhìn khoan dung nhân hậu
để con luôn biết cảm thông thay cho chấp nhất,
tha thứ thay cho kết án,
yêu thương thay cho hận thù,
đem niềm vui nâng đỡ hy vọng
thay cho những cố chấp hẹp hòi,
xóa tan nỗi buồn tuyệt vọng đơn côi
thay cho những tị hiềm nhỏ nhoi
để trong mọi nơi mọi lúc,
cả trong những lúc nhục nhã đớn đau vì người khác,
con vẫn bình tĩnh can đảm và thưa với Chúa:
Lạy Chúa, xin tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm. (Hosanna)
THỨ TƯ TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN
Mt 6,1-6.16-18
"Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng,
chớ có phô trương cho thiên hạ thấy.
Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em,
Đấng ngự trên trời, ban thưởng." (Mt 6,1)
1. Trong số các việc đạo đức, người Do Thái rất coi trọng 3 việc này: bố thí, cầu nguyện và ăn chay.
Nhiều người làm việc đó chỉ nhằm mục đích để được tiếng là đạo đức, cho nên họ làm cho người ta thấy mà khen họ. Chúa Giêsu gọi đó là giả hình.
Ngài dạy các môn đệ khi làm việc đạo đức, chỉ nên nhắm vào việc làm vui lòng Cha trên trời mà thôi, cho nên hãy làm cách kín đáo.
Người ta kể một câu chuyện vui như sau:
Anh Guton Boris có thói quen ghi lại tất cả những việc làm tốt của mình vào sổ tay, đến ngày kết thúc cuộc đời ở trần gian, anh xuất hiện trước tòa Chúa và trình lên Ngài một cuốn sổ tay dày cộm, trong đó anh ghi được tổng cộng tất cả là 50.000 việc làm tốt. Chúa Giêsu nhìn và tỏ vẻ rất nghiêm trang nhưng Ngài không phản ứng gì. Đoạn Ngài từ từ mở sổ riêng của Ngài ra nhìn vào đó hồi lâu rồi nói với anh.
- Con nói là đã làm được 50.000 việc tốt nhưng theo sổ riêng của Ta thì chỉ có một việc duy nhất mà thôi, vì thế con chưa được ở lại đây với Ta mà phải trở lại trần gian để được thanh luyện thêm rồi mới trở lại đây để ta xét.
Anh Guton Boris vội vã thanh minh.
- Thưa Chúa, con đâu ghi láo, mỗi lần làm xong việc tốt là con ghi ngay vào sổ. Quả thật tất cả là con đã làm 50 ngàn việc lành trong suốt đời sống con ở trần gian. Tại sao Chúa lại chỉ nhận có một việc, còn 49.999 việc kia thì sao.
Bấy giờ, Chúa Giêsu chậm rãi giải thích:
- Này con, con đã làm 50 ngàn việc tốt nhưng với ý khoe khoang chứ không phải vì ý ngay lành hay vì tình yêu đối với Ta. Chỉ có một lần duy nhất con làm vì ý ngay lành mà thôi, đó là lúc con mới được rước Ta vào lòng lần đầu tiên. Ý ngay lành rất quan trọng vì nếu không có nó, những việc tốt con làm không có giá trị gì đối với Ta cả. Con đã muốn khoe khoang, muốn được mọi người khen ngợi, vì thế 49.999 việc tốt kia là những việc khoe khoang vô ích mà thôi.
Vâng, con người có thể che mắt được thiên hạ chứ làm sao giấu được Chúa.
2. "Cha của anh Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả công cho anh" (Mt 6,6b).
Trong một bài tạp bút của báo Tuổi Trẻ số ra chủ nhật đầu tháng 10/1998, tác giả Uông Thế Biển có ghi lại một kinh nghiệm như sau:
Chuyện xảy ra cách đây đã hơn mười năm. Ngày ấy, tôi làm lục lâm vượt sông Nghệ An đi buôn bè gỗ đường dài. Lần đầu và lần sau, người đưa đường cho tôi là Văn Suối, người dân tộc. Trong cuộc luồn rừng với tôi, Suối là cuốn tự điển sống về rừng. Anh thuộc tên từng loại côn trùng, thảo mộc, và với anh, rừng là cuộc sống, là máu thịt của anh.
Trời ngả sang chiều, chúng tôi dừng chân trong căn lều từ lâu đã bị bỏ hoang. Căn lều đã siêu vẹo, lưng lửng trên bếp có một ống đứa đựng muối còn sạch sẽ, trong đó vẫn còn một dúm muối khô như ai đó vừa bốc bỏ vào. Tôi và Suối mở cơm nắm ra ăn. Vì mệt, nên chúng tôi chỉ ăn hết phần nửa mo cơm. Theo thói quen, tôi định hất phần cơm còn lại đi nhưng Suối giằng lấy. Tôi nhìn anh gói ghém lại phần cơm và trèo lên bên dưới mái lều, anh không quên bốc một nắm muối mang theo cho vào ống đứa, và bỏ lại bên hòn đá năm bảy que diêm.
Thấy tôi ngạc nhiên, Văn Suối giải thích "Lần đầu tiên đi rừng, cậu không hiểu là phải. Đây là tập quán của những người quanh năm sống gắn bó với rừng: nắm cơm thừa, vài ba hạt muối, đôi lúc đã cứu được cả mạng sống người đi lạc đường, một viên ký ninh cắt tạm cơn sốt, một que diêm có thể đốt lên ngọn lựa sưởi ấm một người lạc trong rừng đang bị cô đơn và sợ hãi đe dọa. Những túp lều hoang trơ trọi giữa rừng núi trùng điệp này là nơi trú chân cho những người lỡ đường giữa mênh mông đại ngàn. Là người đi rừng, ai cũng có thể lâm vào hoàn cảnh như thế".
Bao năm đã qua, tôi vẫn không quên được lời của Văn Suối, người bạn chỉ chung một chuyến đi, và ấn tượng về mục đích đẹp dành cho những người bạn rừng vẫn mãi theo tôi...
Nét đẹp của người bạn rừng trên đây hẳn phải là sự quan tâm đến người khác. Cử chỉ anh còn đẹp hơn nữa vì được thực thi trong một nơi ẩn khuất, không chờ đợi một đáp trả nào. Cử chỉ ấy gợi lại tinh thần vô vị lợimà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các Kitô hữu.
Lạy Chúa, trong mọi sự, xin cho chúng con biết làm sáng lên hình ảnh của Chúa bằng lòng quảng đại và hy sinh vô vị lợi của chúng con.
Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy của lợi danh, nhưng dạy chúng con biết phục vụ trong khiêm hạ và yêu thương. (Hosanna).
THỨ NĂM TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN
Mt 6,7-15
Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì,
trước khi anh em cầu xin.
(Mt 6,8)
Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện:
1. Khi cầu nguyện không cần nhiều lời: lý do là Chúa Cha biết chúng ta cần gì trước khi chúng ta nói ra.
Mẹ Têrêsa nói: "Cầu nguyện không là xin xỏ, nhưng là trao thân gửi phận nơi bàn tay Thiên Chúa, để Ngài định liệu. Cầu nguyện là lắng nghe tiếng Ngài từ sâu thẳm tấm lòng chúng ta."
Mẹ Têrêsa khuyên các nữ tu của Mẹ "Hãy yêu mến việc cầu nguyện".
Hãy cầu nguyện. Hãy cầu nguyện để có thể được ân sủng của Chúa.
Đức Cha Tihamer Toth kể:
Một triết gia kia buồn vì người học trò xuất sắc của mình ngày càng ham suy tư hơn nhưng càng bớt cầu nguyện đi. Khi hỏi lý do thì người học trò đáp:
- Thứ nhất, Chúa biết hết mọi sự, không cần chúng ta nói. Thứ hai, Chúa tốt lành vô cùng, Ngài sẽ cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần. Thứ ba, Ngài là Đấng Vĩnh Cửu, lời cầu nguyện của chúng ta chẳng thay đổi được Ngài.
Triết gia không nói gì. Ông đến ngồi dưới bóng cây, mặt buồn bã. Người học trò hỏi:
- Tại sao thầy buồn thế?
- Người bạn của thầy có một thửa ruộng rất tốt, hằng năm sản xuất rất nhiều hoa màu. Nhưng bây giờ ông ta bỏ mặc không chăm sóc gì cho nó nữa .
- Bộ ông ta khùng ư ?
- Không đâu. Ông còn khôn nữa là đàng khác. Ông nói: Chúa yêu thương vô cùng. Ngài sẽ lo cho tôi mọi thứ tôi cần thế nên chẳng cần làm ruộng nữa. Chúa quyền phép vô cùng, dù tôi không cày xới, Ngài vẫn thừa sức cho nó sinh sản hoa màu.
- Như thế là thử thách Chúa rồi còn gì nữa?
- Thì con cũng thế thôi .
Hãy cầu nguyện để có thể hiểu Chúa đã yêu thương chúng ta thế nào, và để ta cũng có thể yêu thương kẻ khác giống như vậy.
2. Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa.
Đã nói chuyện thì phải có lúc nói lúc nghe. Nếu chỉ nói thì cuộc nói chuyện sẽ trở thành độc thoại.
Xin kể ra đây một ít sự kiện để chúng ta hiểu việc cầu nguyện với Chúa như thế nào.
Khi viếng Chúa, các thánh thường làm gì? Sau đây là một số câu trả lời:
Thánh Ignatiô Loyola nói: "Có khi tôi nói chuyện với Chúa như một người bạn, có khi như một người đầy tớ đối với Chúa. Tôi xin Chúa một vài ơn, thú tội đã phạm với Chúa, xin Ngài an ủi và khuyên bảo".
Còn thánh Phanxicô Xaviê trả lời: Có khi tôi thưa với Chúa: "Lạy Chúa, con khẩn cầu Chúa đừng để con thoải mái trong cuộc đời, hoặc ít ra, khi con chìm vào lòng nhân lành thương xót của Chúa, xin dẫn đưa con đến nhà thánh của Chúa".
Vua Louis IX của nước Pháp có lần hỏi vua Henry III của nước Anh:
- Tại sao bệ hạ thích dự Thánh lễ hơn là nghe giảng?
- Bởi vì, vua Henry trả lời, tôi thích nói chuyện mặt đối với Vua trên trời hơn là nghe kẻ khác nói về Ngài.
Trong tác phẩm: "Năm chiếc bánh và hai con cá" Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, trang 21 có kể câu chuyện sau đây: Câu chuyện về ông già Jim.
- Mỗi ngày cứ vào lúc 12 giờ trưa, ông ta vào nhà thờ không quá hai phút. Sự việc đó làm ông từ giữ nhà thờ rất thắc mắc nên theo dõi. Rồi một hôm ông từ mạnh dạn chặn ông Jim lại và hỏi:
- Ngày nào ông cũng vào nhà thờ làm gì vậy?
- Tôi đến để cầu nguyện.
- Không thể được! Cầu nguyện gì chỉ trong 2 phút?
- Tôi vừa già, vừa dốt. Tôi cầu nguyện theo kiểu của tôi!
- Ông nói gì với Chúa?
- Tôi cầu nguyện: "Giêsu, có Jim đây!" rồi tôi về.
Vâng! Đó là lời cầu nguyện thật đơn sơ nhưng thật cảm động.
Và đây câu chuyện ông lão nhà quê được kể lại trong hạnh thánh Gioan Maria Vianney.
Hàng ngày ngồi ở tòa giải tội, cha sở họ Ars luôn nhìn thấy một ông lão ghé vào nhà thờ mỗi chiều sau khi đã lam lũ suốt ngày ngoài đồng. Ông luôn quì ở hàng ghế ấy. Quì một chút rồi ông lại lặng lẽ đi ra, y như lúc ông vào. Một hôm, ngài gọi ông lại và hỏi:
- Ông ơi, chiều nào tôi cũng thấy ông ghé nhà thờ, quì nguyên một chỗ, ngày nào cũng vậy, mà không thấy miệng ông mấp máy đọc kinh gì cả. Ông quì đó làm gì vậy?
Ông lão tủm tỉm trả lời:
- Con nhìn Chúa, Chúa nhìn con, rồi ra về.
Đây là lời cầu nguyện của thánh Augustinô.
Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho con biết con,
Xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
Quên đi chính bản thân,
Yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.Xin cho con biết tự hạ,
Biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
Tất cả những gì xảy đến cho con
Và biết chọn theo chân Chúa luôn.Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con luôn yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con luôn được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.Thánh Augustinô.
THỨ SÁU TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN
Mt 6,19-23
"Vì kho tàng của anh ở đâu,
thì lòng anh ở đó." (Mt 6,21)
1. Hai cụm từ quan trọng trong đoạn Tin Mừng hôm nay là "Kho Tàng" và "Con mắt".
Kho tàng tượng trưng cho những giá trị mình coi trọng. Chúa dạy đừng tích trữ kho tàng dưới đất nhưng hãy tích trữ kho tàng trên trời (tức là những việc lành) vì chúng rất bền vững, an toàn, không bao giờ hư mất.
Con mắt sáng, tượng trưng cho lương tâm lành mạnh. Ai có lương tâm lành mạnh thì toàn thể cuộc sống người đó sáng ngời. Ngược lại, ai mà lương tâm hắc ám thì cả cuộc sống người đó sẽ tối đen.
Vâng! Tất cả mọi kho tàng ở dưới đất đều không an toàn.
Công Chúa Diana mang một chiếc nhẫn kim cương trị giá 205 ngàn Mỹ kim, tương đương với tiền Việt Nam là 3 tỷ 71 triệu đồng; và đám cưới của cô với hoàng tử Charles nước Anh tốn hết 3 triệu 500 ngàn Mỹ kim, tương đương với 52 tỷ 500 triệu đồng Việt Nam, với 2700 khách danh dự. Vậy mà tổ ấm đắt giá đó đã tan vỡ sau 15 năm tình lận đận. Bị tử nạn xe và được chôn cất, công Chúa Diana không mang theo nhẫn kim cương cũng không mang được một Mỹ kim nào. Trong hòm cô hôm đó, chỉ có xâu chuỗi của mẹ Têrêsa thành Calcutta đã tặng cô mà thôi. Khi chết, vua chúa hay anh ăn mày cũng đều như nhau cả. Nhà phú hộ trong Tin Mừng chỉ hưởng được mấy chục năm sung sướng, nhưng anh ăn mày Lazarô lại được sung sướng đời đời: không biết ai khôn hơn ai?
2. "Kho tàng của con ở đâu thì lòng con ở đó." (Mt 6,21)
Một trắc nghiệm giúp tôi biết kho tàng của tôi ở đâu, đó là nhớ xem những khi cầu nguyện lo ra, những khi vừa bừng mắt thức dậy và những lúc ngồi suy nghĩ vẩn vơ, tôi thường hay nghĩ tới gì? Nhớ tới ai?
Ngày kia, có một người gặp một vị tu hành đi qua làng, người này vội chạy theo và nài xin vị tu hành:
- Xin ngài cho tôi viên ngọc quí trong bị của ngài.
Vị tu hành ngạc nhiên hỏi lại:
- Sao lại hỏi xin tôi viên ngọc quí?
Người kia liền thưa:
- Tối hôm qua tôi nằm mơ thấy có một ông tiên bảo tôi là, sẽ có một vị tu hành, mang theo một viên ngọc quí đi ngang qua làng anh, nếu xin được viên ngọc quí ấy, thì anh sẽ là người sung sướng nhất trên đời này. Ngài là người tu hành, nên đâu có cần đến những thứ phàm tục này. Vậy xin ngài thương tôi và gia đình tôi, cho tôi viên ngọc quí của ngài để tôi nuôi sống vợ con tôi.
Vị tu hành đáp:
- Quả thực tôi không có viên ngọc nào cả.
Và để cho người kia tin, vị tu hành đưa bị của ông ra cho người kia xem. Mở bị ra, người kia sáng mắt lên rồi hô to:
- Đây thôi, viên ngọc quí khổng lồ như thế này mà ngài nói là không có.
Vị tu hành ngạc nhiên nói:
- Đó là cục đá mà ông nói là viên ngọc ư? Cục đá này tôi lượm được khi xuống suối uống nước. Nếu ông muốn thì tôi biếu ông.
Người kia sung sướng cầm viên ngọc trong tay, cám ơn vị tu hành rối rít, rồi chạy về nhà, trong lòng thầm nghĩ, thế là từ nay mình sẽ không còn vất vả cày sâu cuốc bẫm nữa, mà nghiễm nhiên trở thành nhà phú hộ. Ý tưởng mình sẽ được giàu sang phú quí nhờ viên ngọc, đã khiến cho người kia không biết cất giữ viên ngọc ở đâu, vì để ở chỗ nào ông ta cũng sợ bị mất. Do đó, chỉ còn cách là giữ nó trong mình. Nhưng giữ nó trong mình thì chẳng còn làm được việc gì, kể cả việc ngủ nghỉ nữa, vì ngủ thì cũng sợ người khác lấy mất.
Sau nhiều ngày đêm lo lắng, thậm chí có đêm phải thức trắng để giữ viên ngọc, người kia cảm thấy có ngọc cũng chẳng sung sướng gì, nên ông cầm viên ngọc đi tìm vị tu hành để trả lại. Người này gặp vị tu hành đang nằm ngủ thật ngon lành dưới một gốc cây. Rón rén đến bên cạnh vi tu hành, người kia lên tiếng:
- Thưa ngài, tôi xin trả lại ngài viên ngọc mà ngài đã cho tôi mấy hôm trước, vì tôi thấy có nó, tôi cũng chẳng sung sướng gì, mà còn khổ nữa là khác nữa. Xin ngài cho tôi viên ngọc mà ngài đang dùng, viên ngọc đã làm cho ngài được thảnh thơi, ngủ rất ngon lành, dù chỉ là ở dưới một gốc cây, viên ngọc đã làm cho ngài được siêu thoát, sự siêu thoát đã khiến cho ngài sẵn sàng cho tôi viên ngọc quí kia, mà không một chút tiếc xót.
Mẩu chuyện trên đây giúp chúng ta hiểu phần nào lời căn dặn của Chúa Giêsu: "Các con đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất... nhưng các con hãy tích trữ cho mình một kho tàng ở trên trời." (Mt 6,19-20)
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước nhìn lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời. Amen.
THỨ 7 TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN
Mt 6,24-34
"Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai:
ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy."
(Mt 6,34)
Bài Tin Mừng này có hai ý lớn:
1. Ý thứ 1: Không ai có thể làm tôi hai chủ (Mt 6,24). Vậy, phải chọn một là làm tôi Thiên Chúa hai là làm tôi Tiền Của.
Abraham từ ngày được Thiên Chúa chọn, ngày càng sống thân tình với Thiên Chúa hơn và xa cách các thần tượng. Thấy thế, ông thân sinh dẫn ông Abraham đến trước mặt vua Ramos, nhà vua hỏi Abraham:
- Tại sao ngươi lại không tôn thờ các thần tượng của vương quốc?
Abraham trả lời với giọng cương quyết không hề sợ hãi:
- Tâu hoàng thượng, bởi vì lửa thiêu rụi các thần tượng ấy.
- Như vậy thì hãy tôn thờ lửa - Vua trả lời. Nhưng Abraham đáp:
- Nếu thế, hạ thần tôn thờ nước tốt hơn, vì nước dập tắt được lửa.
- Thế thì hãy tôn thờ nước.
Tâu hoàng thượng, không. Hạ thần tôn thờ mây thì tốt hơn, bởi nước từ mây mà ra.
- Thế thì hãy tôn thờ gió.
Nghe thế, Abraham trả lời vua Ramos:
- Nếu gió là thần thì ta hãy tôn thờ con người, vì con người có hơi thở.
Vua Ramos kiên nhẫn:
- Vậy thì hãy tôn thờ con người.
Abraham trả lời:
- Tâu hoàng thượng, không. Vì con người phải chết.
Nhà vua giận dữ quát lên.
- Vậy thì hãy tôn thờ sự chết đi.
Sau cùng Abraham nói: - Đấng duy nhất tôn thờ là chủ tể của cả sự sống và sự chết, đó là Thiên Chúa, Chúa của hạ thần.
Sau cuộc cãi nhau với vua Ramos, Abraham trở thành ngôn sứ của Thiên Chúa bởi vì ông vén mở cho nhà vua thấy sự thật và sứ điệp của Chúa muốn nhắn gởi.
2. Ý thứ hai: Đừng quá lo lắng về những nhu cầu của cuộc sống thể xác (của ăn, áo mặc, tuổi thọ) vì đã có Chúa lo cho ta những thứ đó. Điều cần lo trước hết là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.
Sở dĩ con người lo lắng thái quá mà mất đi cả hạnh phúc trong cuộc sống, là vì con người không tin ở sự hiện diện và quan phòng của Thiên Chúa. Chim trời không gieo vãi mà vẫn có ăn, hoa cỏ đồng nội không canh cửi mà vẫn xinh đẹp rực rỡ. Con người còn hơn chim trời cũng như hoa cỏ đồng nội bội phần. Nếu con người biết tin ở tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, biết đón nhận từng giây phút hiện tại Ngài ban cho, thì con người sẽ tìm được niềm vui và hạnh phúc cho cuộc sống của mình. Ngược lại, con người sẽ phải vất vả cực nhọc và cuối cùng, cũng chỉ là người bắt bóng.
Một thương gia giàu có nọ đi dạo trên bờ biển, tình cờ ông thấy có những ngư phủ nằm ngủ một cách ngon lành trên thuyền, mặc cho sóng nước chòng chành. Tò mò ông đến hỏi một ngư phủ:
- Sao anh không đi đánh cá?
Chàng ngư phủ trả lời:
- Tôi đã đánh bắt số cá đủ cho ngày hôm nay rồi.
Thấy câu trả lời chưa được thỏa mãn, thương gia hỏi tiếp:
- Sao anh không tiếp tục đi đánh, để bắt thêm nhiều cá hơn nữa?
Thay vì trả lời, chàng ngư phủ hỏi lại:
- Nhưng thưa ông để làm gì?
Với đầu óc kinh doanh sẵn có, thương gia kia như muốn vạch đường chỉ hướng làm ăn cho chàng ngư phủ, nên đã trả lời:
- Càng đánh bắt được nhiều cá, anh càng kiếm được nhiều tiền. Có nhiều tiền anh có thể mua được chiếc thuyền lớn hơn, để có thể ra xa hơn, bắt được nhiều cá hơn. Rồi từ một thuyền, anh sẽ có thể có hai, ba, bốn chiếc... và như thế anh sẽ là một người giàu có.
Chàng ngư phủ xem chừng như không thiết tha với kế hoạch làm giàu của thương gia kia nên hỏi tiếp:
- Giàu có rồi làm gì nữa?
Thấy như người đối thoại với mình quá chất phác, nên thương gia trả lời.
- Rồi anh sẽ được vui hưởng cuộc sống.
Nghe vậy, chàng ngư phủ mỉm cười nói:
- Thế tôi nằm đây để ngắm nhìn trời biển như thế này không phải là vui hưởng cuộc sống hay sao?
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa nói với chúng ta: "Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa"(Mt 6,33). Phải chăng khi khuyên chúng ta, đừng lo về miếng cơm manh áo, là Chúa đã muốn gieo vào trong đầu óc chúng ta tư tưởng ươn lười, chỉ muốn sống dựa dẫm vào người khác? Chắc chắn là không.
Đây là lời cầu nguyện trích từ sách Gương Chúa Giêsu:
Lạy Chúa, Xin ban cho con ơn Chúa Thánh Thần, để con được vững chí.
Xin ban sức mạnh củng cố con người nội tâm trong con. Xin giải thoát tâm hồn con khỏi những lo lắng, sầu muộn vô ích. Đừng để nó bị quyến rũ theo đuổi một của gì bất luận sang hèn, một hãy làm cho con coi tất cả như là của mau qua.
Lạy Chúa! Xin ban cho con ơn khôn ngoan của trời, để con biết đi tìm cho được Chúa trước hết, cảm mến Chúa trên hết và nhận định mọi cái khác theo trật tự mà Thượng trí Chúa định liệu cho con.
Vì ai đứng vững được trước những giọng nói ngả nghiêng, ai bưng tai được trước những lời phỉnh nịnh, người đó mới thực là khôn. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
-
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo -
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô -
Ngày 02/11: Lễ các đẳng linh hồn -
Ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Ngày 28/10: Thánh Simon và Thánh Giuđa, Tông đồ - lễ kính
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi