Sự thật đưa ta đến hạnh phúc
WGPSG -- Bạn thân mến,
Đã mấy lần trong cuộc đời chúng ta sống thật: thật với gia đình, người thân; thật với thầy cô, bạn bè; và thật với chính bản thân mình? Vậy, sống thật dễ hay khó? Ngày nay, con người ta sống sự thật như thế nào? Là những Kitô hữu, sự thật quan trọng như thế nào đối với cuộc đời chúng ta? Phải chăng chúng ta hạnh phúc khi sống đúng sự thật?
Sự thật sẽ giải phóng các con
Trước hết, Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Sự thật sẽ giải phóng các con” (Ga 8,32). Những lời giáo huấn sâu sắc này đã được Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II chọn làm câu Kinh Thánh mà ngài thích nhất. Quả thật, mỗi Kitô hữu chúng ta thường bị giam hãm trong sự giả dối: giả dối với người khác, giả dối với Chúa và giả dối với chính bản thân. Chúng ta ngại nói thật, sống thật. Mỗi lần bước vào tòa giải tội, chúng ta có dám nói hết với cha giải tội những tội lỗi tày trời của chúng ta? Những lần đi linh hướng, những người đi tu có thật sự trải lòng mình ra từ những điều sâu thẳm nhất trong tâm hồn mình? Hay trong công chuyện mua bán làm ăn, có phải chúng ta thường hay nói dối? Bởi vậy mới có câu: “Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt. Lươn lẹo luồn lách lẹ lên lương.” Như vậy, hệ quả của những thái độ sống mờ ám, giả dối ấy là gì? Phải chăng đó là sự bất an giằng xé nội tâm chúng ta? Vì thế, Chúa Giêsu đã giúp chúng ta nhận ra cái lõi của sự bất an, bất hạnh đó chính là chúng ta không dám sống đúng sự thật.
Kế đến, xã hội và con người đô thị hiện đại hôm nay sống sự thật như thế nào? Nhà triết học hiện sinh Albert Camus đã để lại cho chúng ta câu nói trứ danh: “Sự thật, giống như ánh sáng, làm người ta chói mắt. Sự giả dối thì ngược lại, là ánh chiều hôm tươi đẹp bao trùm lên mọi vật.” Thật vậy, phần đông con người hôm nay thường bị mù lòa trước giá trị của sự thật. Ngược lại, họ thường thích nói dối, sống gian dối: gian dối trong thi cử, gian dối trong kinh doanh mua bán (hàng giả), gian dối trong hợp đồng, tiền bạc, gian dối trong hôn nhân v.v… Thế nhưng, kết quả cuối cùng của những thái độ, lối sống như vậy là gì? Họ có thật sự hạnh phúc hay không? Vì vậy, các phương tiện truyền thông đã lên tiếng về những hậu quả tai hại khi người ta sống không đúng sự thật. Bạn cứ thử hình dung những kết quả của những cặp sinh viên sống chung sẽ như thế nào? Kết quả của những việc làm mờ ám, trái lương tâm như: trộm cướp, ngoại tình, tham nhũng, hối lộ sẽ ra sao?
Tiếp theo, phải chăng điều cốt lõi dẫn chúng ta đến hạnh phúc là khi chúng ta dám sống thật với chính mình? Thế nhưng, thực tế thường éo le. Chúng ta không dám sống thật với lòng mình. Chúng ta có quá nhiều ước muốn tham vọng nhưng chúng ta không biết mình thật sự đang muốn cái gì. Chúng ta không hiểu được chính mình. Quả thật, không ai hiểu rõ chúng ta hơn bản thân chúng ta. Thế nhưng, chúng ta thường sợ áp lực của dư luận. Chúng ta giao cuộc đời của mình cho người khác dẫn dắt. Vì thế, cuộc đời chúng ta không hạnh phúc. Vậy, hạnh phúc là gì? Có phải hạnh phúc dựa trên tiền bạc, nhà lầu xe hơi, quyền cao chức trọng? Không phải như thế. Hạnh phúc hệ tại ở cảm nhận của mỗi người. Hạnh phúc là khi chúng ta sống sự thật.
Cuối cùng, mỗi Kitô hữu chúng ta cần quy cái nhìn về Chúa Giêsu. Chính Người đã nói: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga 14,6). Càng chiêm ngắm, gắn bó với Chúa Giêsu bao nhiêu chúng ta càng dễ sống thật bấy nhiêu. Ngoài ra, Chúa Giêsu còn dạy chúng ta: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra.” (Mt 5,37). Vậy, hạnh phúc là khi chúng ta sống đúng sự thật. Sự thật sẽ giải phóng chúng ta khỏi những bất an giằng xé tâm hồn. "Nếu các ngươi ở trong lời Ta, thì các người đúng thật là môn đệ Ta; nếu các ngươi biết sự thật, thì sự thật sẽ giải phóng các ngươi.” (Ga 8,31-32).
Ước gì, mỗi Kitô hữu chúng ta có những phút hồi tâm để chất vấn lòng mình: Thời gian qua tôi đã sống như thế nào? Đâu là những sai lầm của tôi? Tôi cần phải điều chỉnh những gì để thích hợp với những lời Chúa dạy?
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19