Sự đánh mất các giá trị Kitô giáo trong nền văn hóa đương đại

Sự đánh mất các giá trị Kitô giáo trong nền văn hóa đương đại

Sự đánh mất các giá trị Kitô giáo trong nền văn hóa đương đại

WHĐ (21/02/2025) - Thế tục hóa và những hệ luỵ đối với xã hội hiện nay.

Trong những thập niên gần đây, xã hội đã trải nghiệm một sự chuyển biến đáng kể về các giá trị và niềm tin. Ảnh hưởng của các nguyên tắc Kitô giáo, vốn là trụ cột của nền văn hóa phương Tây suốt nhiều thế kỷ - dường như đang suy yếu, nhường chỗ cho quá trình thế tục hóa và chủ nghĩa tương đối đạo đức ngày càng gia tăng. Hiện tượng này đặt ra nhiều câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến sự mất mát này và những tác động của nó đối với sự chung sống của con người.

Thế tục hóa và sự đánh mất cảm thức về Thiên Chúa

Quá trình thế tục hóa đã dẫn đến việc tôn giáo ngày càng bị gạt ra bên lề trong cả lãnh vực công cộng lẫn đời sống riêng tư. Xu hướng này khiến cảm thức về sự thánh thiêng suy giảm và con người ngày càng thờ ơ với các giá trị siêu việt. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cảnh báo rằng, trong bối cảnh mất mát các giá trị chân thực này, những bổn phận bất khả xâm phạm như tình liên đới và tình huynh đệ - cả nhân loại lẫn Kitô giáo - cũng dần bị phai nhạt.

Sự tách rời khỏi Thiên Chúa đã tạo ra một cuộc khủng hoảng về căn tính và mục đích sống nơi con người hiện đại. Khi thiếu vắng điểm tựa siêu việt, đạo đức trở nên mang tính chủ quan, và các quyết định luân lý thiếu đi nền tảng vững chắc. Đức Giám mục José Gea Escolano từng nhận định rằng việc đánh mất cảm thức về Thiên Chúa và tội lỗi, cùng với sự thiếu hụt trong giáo dục Kitô giáo, là những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng suy thoái đạo đức trong xã hội ngày nay.

Chủ nghĩa tương đối đạo đức và văn hóa vứt bỏ

Sự vắng bóng của các giá trị tuyệt đối đã góp phần thúc đẩy chủ nghĩa tương đối đạo đức, trong đó khái niệm thiện và ác bị điều chỉnh theo hoàn cảnh và sở thích cá nhân. Quan điểm này làm nảy sinh một "văn hóa vứt bỏ", nơi giá trị của con người và phẩm giá sự sống bị đánh giá dựa trên tiêu chí về tính hữu dụng và hiệu quả. Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng một xã hội thực sự văn minh là xã hội biết phát triển những kháng thể chống lại văn hóa vứt bỏ này và nhìn nhận giá trị thiêng liêng của sự sống con người.

Chủ nghĩa tương đối này cũng thể hiện rõ qua sự xói mòn của các thiết chế truyền thống như gia đình và hôn nhân, vốn là những thành trì quan trọng của các giá trị Kitô giáo trong lịch sử. Việc tái định nghĩa các cấu trúc này và sự cổ vũ cho những lối sống xa rời luân lý Kitô giáo phản ánh một xã hội ngày càng đặt quyền tự do cá nhân lên trên công ích.

Tác động đến giới trẻ và giáo dục

Giới trẻ là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh đánh mất các giá trị đạo đức. Việc thiếu những chuẩn mực mang tính đạo đức rõ ràng cùng với ảnh hưởng từ các trào lưu tư tưởng đề cao chủ nghĩa khoái lạc vô độ đã khiến nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng bối rối và mất phương hướng. Đức Thượng phụ Kirill đã bày tỏ mối lo ngại về sự mai một các tiêu chuẩn đạo đức trong giới trẻ và sự lan truyền những giá trị đáng nghi vấn trong giáo dục cũng như truyền thông.

Giáo dục, vốn phải là phương tiện truyền tải các giá trị và đức hạnh, hiện đang phải đối diện với thách đố từ một nền văn hóa thường xuyên tương đối hóa hoặc thậm chí chế giễu các nguyên tắc Kitô giáo. Thực trạng này đòi hỏi một cuộc đổi mới trong phương pháp sư phạm và sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng tôn giáo nhằm mang lại cho thế hệ trẻ một nền giáo dục toàn diện, bao gồm cả chiều kích tâm linh.

Vai trò của Giáo hội và niềm hy vọng vào sự canh tân

Trong bối cảnh này, Giáo hội được mời gọi trở thành ánh sáng và kim chỉ nam, đưa ra những câu trả lời cho những thách đố đương đại dựa trên kho tàng phong phú của truyền thống Kitô giáo. Điều này đòi hỏi một nỗ lực canh tân trong công cuộc loan báo Tin mừng và hội nhập văn hóa, để sứ điệp vĩnh cửu của Chúa Kitô có thể thích nghi với thực tế hiện nay mà không làm phai nhạt bản chất cốt lõi của nó. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Ecclesia in Europa, đã nhấn mạnh sự cấp bách của việc Giáo hội cần mang sứ điệp giải thoát của Tin mừng trở lại với các dân tộc châu Âu.

Niềm hy vọng nằm ở khả năng các Kitô hữu sống đức tin một cách chân thực và trở thành những chứng nhân kiên định trong mọi lĩnh vực của đời sống. Thông qua các cộng đồng sống động và dấn thân, xã hội có thể chống lại xu hướng thế tục hóa và phục hồi những giá trị đã từng gìn giữ phẩm giá con người và sự gắn kết xã hội trong suốt chiều dài lịch sử.

Tóm lại, sự đánh mất các giá trị Kitô giáo trong văn hóa đương đại là một thách đố phức tạp, đòi hỏi một giải pháp toàn diện. Việc phục hung đức tin, giáo dục về các đức tính và sự hiện diện tích cực của Giáo hội trong đời sống xã hội chính là những yếu tố then chốt để tái thiết một nền văn hóa biết tôn trọng và đề cao phẩm giá vốn có của mỗi con người, dựa trên các nguyên tắc của Phúc âm.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: exaudi.org (19/02/2025)

Top