Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XVII Thường Niên - Năm C

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XVII Thường Niên - Năm C

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN C

St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13

KIÊN TRÌ CẦU KHẨN

Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu
mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành,
phương chi Cha trên trời
lại không ban Thánh Thần

cho những kẻ kêu xin Người sao?”

(Lc 11,13)

I. CÁC BÀI ĐỌC:

Dù cầu nguyện là một việc đạo đức truyền thống trong bất kỳ tôn giáo nào, nhưng không phải ai cũng biết cầu nguyện đúng cách. Các bài đọc lời Chúa hôm nay không những đề cao tầm quan trọng của cầu nguyện, mà còn dạy người ta cách cầu nguyện thế nào cho phải đạo.

1. Bài đọc 1:

Câu chuyện ông Ápraham “thương lượng” với Thiên Chúa để Ngài không giáng phạt tội lỗi của kẻ dữ cho thấy Thiên Chúa là Đấng dễ động lòng thương xót trước lời cầu khẩn chân thành và bền bỉ của người công chính.

Trước hết, sự bền bỉ khẩn cầu của ông Ápraham có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Dù biết mình “chỉ là thân tro bụi”, ông Ápraham không ngừng khẩn cầu xin Thiên Chúa bỏ ý định giáng phạt Xơđôm và Gômôra. Cuộc “thương lượng” của ông Ápraham với Thiên Chúa cho thấy rằng Thiên Chúa không phải là Đấng bất di bất dịch, cứng nhắc trong ý định của Ngài, nhưng vì lòng thương xót, Ngài có thể thay đổi. Trong sáu lần khẩn cầu với Thiên Chúa, ông Ápraham đều được Ngài chấp nhận. Quả thật, lời cầu khẩn của người công chính luôn có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Ngài thay đổi ý định giáng phạt vì lời khẩn cầu của Ápraham.

Sau nữa, Thiên Chúa là Đấng không muốn bỏ sót bất cứ người lành nào. Cuộc “thương lượng” của ông Ápraham với Thiên Chúa xoay quanh lý lẽ rằng “chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? (St 18,23). Phẩm giá của “người lành” luôn có giá trị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa, đến nỗi Ngài không muốn bỏ sót bất cứ người nào. Dù cuộc thương lượng của ông Ápraham cuối cùng chỉ dừng lại ở con số “mười người lành”, nhưng có lẽ câu chuyện muốn cho thấy rằng Thiên Chúa không những không tiêu diệt người lành cùng với kẻ dữ, mà còn vì một số ít người lành mà sẵn sàng thứ tha và cứu vớt một số đông kẻ dữ.

Câu chuyện một mặt đề cao giá trị của lời khẩn cầu của người công chính trước mặt Thiên Chúa, mặt khác cho thấy phẩm giá vô song của “người lành” đến nỗi Thiên Chúa không nỡ trừng phạt một số đông “kẻ dữ” chỉ vì thương một số ít “người lành”.

2. Bài đọc 2:

Qua đoạn thư gởi các tín hữu Côlôxê, thánh Phaolô cho thấy tầm quan trọng của phép rửa trong Đức Kitô.

Trước hết, nhờ phép rửa, con người được mai táng với Đức Kitô và được trỗi dậy với Người. Quả vậy, một khi được dìm vào trong nước qua phép rửa, con người như chết đi cho tội lỗi, được mai táng với Đức Kitô, để khi bước ra khỏi nước, con người như được trỗi dậy với Người, được mặc lấy sự sống mới của Người. Qua phép rửa, con người được biến đổi, từ tình trạng tội lỗi đến tình trạng được thánh hóa nhờ ân sủng; từ con người cũ thành con người mới trong Chúa Kitô, Đấng đã chết, nhưng đã sống lại để tha tội và ban sự sống cho những ai tin và chịu phép rửa nhân danh Người.

Sau nữa, nhờ phép rửa, con người được “xóa sổ nợ bất lợi” do các giới luật gây ra (x. Cl 2,14). Thật vậy, lề luật Môsê cố gắng ngăn cản người ta phạm tội, nhưng lại trở thành dịp tội khi người ta không thể giữ trọn vẹn lề luật, dẫn đến án phạt là sự chết (x. Rm 7,7-25). Lề luật trở nên như cuốn sổ ghi nợ những khi người ta không giữ trọn. Qua phép rửa, Đức Kitô “xoá sổ nợ bất lợi” và cho con người sống trong tình trạng tự do của con cái Thiên Chúa, thoát khỏi tình trạng nô lệ cho tội lỗi.

Như thế, phép rửa trong Đức Kitô vừa “xóa sổ nợ bất lợi” do các giới luật gây ra, giải thoát khỏi cái chết do tội, vừa cho tham dự vào sự sống mới của Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng sự chết.

3. Bài Tin Mừng

Đoạn Tin Mừng vừa làm nổi bật sự cần thiết của việc cầu nguyện, vừa cho thấy thái độ cần có khi cầu nguyện và nội dung của việc cầu nguyện.

Trước hết, đoạn Tin Mừng cho thấy sự cần thiết của việc cầu nguyện. Cầu nguyện, theo truyền thống Do thái, là một trong ba việc đạo đức truyền thống. Ông Gioan Tẩy Giả, một người sống nhiệm nhặt và đạo đức theo truyền thống Do thái, hẳn rất đề cao việc cầu nguyện, đồng thời dạy các môn đệ cách thức cầu nguyện. Chúa Giêsu cũng là bậc thầy trong việc cầu nguyện. Người thường dành thời gian riêng để cầu nguyện với Chúa Cha. Hẳn các môn đệ đã nhìn thấy nơi Chúa Giêsu như là gương mẫu cầu nguyện và muốn học theo Người. Trong khi theo Tin Mừng Mátthêu, chúa Giêsu chủ động dạy các môn đệ cách thức cầu nguyện thì Tin Mừng Luca lại cho thấy các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cầu nguyện.

Sau nữa, đoạn Tin Mừng cho thấy nội dung của lời cầu nguyện. Dù nội dung của lời cầu nguyện trong Tin Mừng Luca ngắn hơn so với Mátthêu nhưng vẫn cho thấy những điểm quan trọng thiết yếu.Cầu nguyện trước hết là hướng về Thiên Chúa là Cha mà thân thưa với Ngài, xin Ngài làm cho danh thánh của Ngài được mọi người nhận biết và tôn thờ; đồng thời, xin cho Triều Đại của Ngài được mau hiển trị. Sau đó lời cầu nguyện mới hướng đến các nhu cầu của con người về lương thực, về ơn tha thứ và được gìn giữ khỏi chước cám dỗ. Như thế, lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa phải là lời cầu nguyện ưu tiên trước hết cho việc tôn vinh Thiên Chúa, rồi mới đến những điều giúp con người sống tốt lành và bình an.

Cuối cùng, đoạn Tin Mừng nhấn mạnh thái độ cầu nguyện. Thái độ cầu nguyện cần có trước tiên phải là sự kiên trì. Như người bạn “cứ lì ra đó” cho đến khi nhận được điều mình mong muốn (Lc 11,8), thì Thiên Chúa đâu nỡ chối từ lời cầu xin tha thiết của con người. Điều Ngài chờ đợi nơi con người là sự kiên trì trong lời cầu xin. Thêm nữa, cần có thái độ tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha trên trời rằng những gì“xin thì sẽ được, tìm thì sẽ gặp, và gõ cửa thì sẽ mở cho”, vì Thiên Chúa là cha tốt lành, Đấng hằng “ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Ngài(Lc 11,13).

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Câu chuyện ông Ápraham “thương lượng” với Thiên Chúa để xin Ngài hãy vì một số ít người lành mà đừng đánh phạt những kẻ dữ cho thấy lòng khoan dung của một Thiên Chúa, Đấng sẵn sàng thay đổi quyết định trước lời khẩn cầu tha thiết của người công chính. Sự kiên trì cầu khẩn của ông Ápraham đã làm Thiên Chúa động lòng mà tha thứ cho kẻ tội lỗi. Tôi có đang kiên trì cầu khẩn với một Thiên Chúa giàu lòng khoan dung và sẵn sàng tha thứ?

2/ Thánh Phaolô nhấn mạnh tầm quan trọng của phép rửa. Quả vậy, phép rửa trong Đức Kitô vừa “xóa sổ nợ bất lợi” do các giới luật gây ra mà giải thoát con người khỏi cái chết do tội, vừa cho con người tham dự vào sự sống mới của Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Tôi có ý thức về sức mạnh của phép rửa trong Đức Kitô mà tôi đã lãnh nhận? Tôi có để cho sự sống mới của Đức Kitô biến đổi con người tội lỗi của tôi?

3/ Nhân cơ hội các môn đệ của Đức Giêsu xin Người dạy các ông cầu nguyện, Người đã cho các ông thấy tầm quan trọng của cầu nguyện, đồng thời dạy các ông rằng lời cầu nguyện xứng hợp nhất là lời cầu xin ưu tiên trước hết cho việc tôn vinh Thiên Chúa và sự hiển trị của Nước Trời, rồi mới đến những điều giúp con người sống tốt lành và bình an. Khi cầu nguyện, hai thái độ cần phải có là kiên trì và tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha nhân lành, Đấng hằng lắng nghe lời cầu xin tha thiết của con người. Tôi có đang cầu nguyện đúng cách? Tôi có đang kiên trì cầu nguyện và hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa là Cha nhân lành?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải cầu nguyện kiên trì, vì cầu nguyện là phương thế giúp ta duy trì tương quan thân tình Cha–con với Thiên Chúa. Xác tín vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa là Cha, chúng ta hãy thành tâm dâng lời cầu xin:

1. Một môn đệ thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức giá trị của việc cầu nguyện, trong khi thực thi sứ mạng làm vinh danh Thiên Chúa giữa thế giới hôm nay.

2. “Xin làm cho Danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến.” Chúng ta cùng cầu xin cho lời rao giảng của Hội Thánh được nhiều người đón nhận và thực thi, để Danh Chúa được cả sáng và ý Chúa ngày càng được thể hiện trong mọi môi trường xã hội.

3. “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi Kitô hữu luôn xác tín và siêng năng chạy đến với Chúa trong mọi hoàn cảnh và với trọn niềm phó thác nơi lòng thương xót của Người, để được Chúa ủi an nâng đỡ.

4. “Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tận tụy thi hành thánh ý Chúa với tâm tình của người con thảo.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha hằng yêu thương chăm sóc chúng con, xin thương nhận những ước nguyện của chúng con dâng lên Chúa, và ban ơn trợ giúp để chúng con biết sống ngày càng xứng đáng hơn với tư cách là con cái Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top