Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XI Thường Niên - năm B
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN B
(Ed 17,22-24; 2Cr 5,6-10; Mc 4,26-34)
Chủ đề:
SỨC MẠNH TỰ THÂN CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA
“Nước Thiên Chúa giống như hạt cải,
lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất.
Nhưng khi gieo rồi,
thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ”
(Mc 4,31-32a)
Nước Thiên Chúa là một đề tài rất trừu tượng, là mầu nhiệm, nên Đức Giêsu phải dùng các dụ ngôn với những hình ảnh của đời sống thường nhật để giúp các môn đệ hiểu phần nào các chiều kích cao sâu của mầu nhiệm này. Các bài đọc hôm nay đã dùng cặp phạm trù nghịch đảo “lớn thành nhỏ”, “nhỏ thành lớn” để nói lên sức mạnh tự thân của Nước Thiên Chúa và tính hợp lý trong chương trình hành động của Người.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Ed 17,22-24):
Lấy hình ảnh về cây hương bá, bài đọc I nhấn mạnh: Chính Đức Chúa “sẽ hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp” (Ed 17,24b). Trong Cựu Ước, cây hương bá được dùng để diễn tả sự to lớn và biểu tượng của uy quyền. Cây hương bá cao chót vót có thể là biểu tượng của Aicập với Pharaô ngạo nghễ và quyền thế mà Israel một thời đã dựa vào đó (Ed 31), thay vì dựa vào Đức Chúa. Trong bài đọc này, cây hương bá tượng trưng cho Israel hoặc vương triều Đavít mà Đức Chúa đã hạ thấp, rồi sau đó chính Người lại nâng lên.
Một mặt, xét theo chiều kích lịch sử, từ cây hương bá bị hạ thấp là Israel đó, chính Đức Chúa sẽ ngắt một chồi non trên ngọn và đem trồng trên đỉnh núi cao để từ chồi non đó sẽ lại xuất hiện một cây hương bá sum suê. Đó là hình ảnh mà ngôn sứ Êdêkien dùng để tiên báo việc Đức Chúa sẽ cho Israel được hồi hương từ miền đất lưu đày Babylon và vương quốc của họ sẽ được tái lập rồi phát triển thịnh vượng. Quả thật, Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch phục hồi Dân của Người, nhưng bắt đầu từ sự khiêm tốn và nhỏ nhắn của một “số còn sót lại” được gọi là “người nghèo của Đức Chúa”.
Mặt khác, cây hương bá cao chót vót có thể là biểu tượng một thời đầy quyền thế của Vương triều Đavít-Salomon. Chính Đức Chúa sẽ “ngắt một chồi non” từ ngọn hương bá cao chót vót này và làm cho nó thành một cây hương bá huy hoàng. Điều này gợi lại hình ảnh mà ngôn sứ Isaia loan báo về Đấng Mêsia: “Từ gốc tổ Giesê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ” (Is 11,1). Nhánh nhỏ này sẽ được Đức Chúa đem “trồng trên núi cao của Israel. Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành” (Ed 17,23). Chương trình của Thiên Chúa được thể hiện bắt đầu bằng những sự khiêm tốn và bình thường, nhưng sẽ trở thành điều phi thường trong ngày hoàn thành viên mãn. Hình ảnh này đưa chúng ta gặp hình ảnh của hạt cải tượng trưng cho Nước Thiên Chúa trong bài Tin Mừng.
2. Bài đọc II (2Cr 5,6-10):
Hạt giống Nước Thiên Chúa được gieo có tương quan với người gieo. Nói rõ hơn, Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo đòi hỏi những hy sinh vất vả của người tông đồ. Do đó, bài đọc 2 nhấn mạnh đến tầm mức cao cả và những thăng trầm của sứ vụ loan báo Tin Mừng của các tông đồ, với lòng tin mãnh liệt và niềm hy vọng lớn lao nơi họ về kết cục tốt đẹp của Nước Thiên Chúa. Với lòng tin tưởng và niềm hy vọng như thế, người loan báo Tin Mừng sẵn sàng tiến bước hướng về tương lai, luôn mạnh dạn, dù sống hay chết (2Cr 5,8-9a) và chăm lo thực hành các việc tốt (2Cr 5,10b) với một tham vọng duy nhất là làm đẹp lòng Chúa (2Cr 5,9b).
3. Bài Tin Mừng (Mc 4,26-34):
Trong khi đi rao giảng, Đức Giêsu không sử dụng những ngôn từ cao siêu hay những tư tưởng uyên bác để mạc khải mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, nhưng dùng những hình ảnh “bình thường” để diễn tả điều “phi thường”, sử dụng các “thực tại trần thế” để bày tỏ “mầu nhiệm cao siêu”. Bài Tin Mừng bao gồm 2 dụ ngôn về Nước Thiên Chúa và một kết luận về vai trò của các dụ ngôn trong việc diễn tả sứ điệp Tin Mừng.
Dụ ngôn 1: nói về hạt giống được gieo xuống lòng đất, nhằm diễn tả sức mạnh nội tại của Nước Thiên Chúa khi được loan báo. Hạt giống có sức mạnh ẩn giấu bên trong. Nhờ đó, hạt giống có thể tự phát triển tiệm tiến theo quy luật nội tại của nó cho đến khi sinh hoa kết quả dồi dào trong mùa gặt. Hạt giống này là ẩn dụ về Nước Thiên Chúa. Cũng như hạt giống được gieo tự tăng trưởng thành cây và đơm hạt, Nước Thiên Chúa có sức mạnh nội tại, ẩn giấu và phát triển tiệm tiến cho đến lúc thành tựu trong mùa gặt, tức là ngày viên mãn của Nước Thiên Chúa. Hạt giống này có tương quan với người gieo, nhưng đó chỉ là mối tương quan liên hệ, chứ không phải tùy thuộc. Người gieo hạt giống chỉ là tác nhân tại một thời điểm nhất định: thời điểm gieo. Vì thế, cần rút ra những lưu ý:
- Với hạt giống: sự tăng trưởng và sinh kết hoa trái của nó không phụ thuộc vào người gieo vì nó có sức mạnh tự thân, nhưng cần người gieo tại thời điểm khởi đầu.
- Với người gieo: ông cứ gieo hạt giống và sau một thời gian ông lại xuất hiện kịp thời và đúng lúc để thu hoạch mùa gặt do hạt giống đã được gieo mang lại.
Dụ ngôn 2: nói về hạt cải, cũng được gieo xuống lòng đất. Nếu dụ ngôn thứ nhất nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại, thì dụ ngôn thứ hai lại nhấn mạnh đến sức mạnh ngoại tại của Nước Thiên Chúa. Hình ảnh hạt cải được gieo và phát triển này gợi nhớ lại lời ngôn sứ Êdêkien trong bài đọc I: “Ta sẽ trồng nó (Israel) trên núi cao, thành một cây hương bá huy hoàng. Muôn chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng là cành” (Ed 17,23). Hạt cải được xem là hạt giống nhỏ nhất. Vì thế, khi muốn nói đến điều gì rất nhỏ, người Dothái nói: “không lớn hơn hạt cải”. Thế nhưng hạt cải rất nhỏ đó khi được gieo xuống đất, sẽ trở thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ, và chim trời bay về làm tổ trên nó. Nước Thiên Chúa có khởi sự giống như thế: bắt đầu rất nhỏ và khiêm tốn, nhưng sau đó sẽ trở thành cây lớn để “muôn dân” bay về làm tổ và trú ẩn dưới bóng của nó. Lịch sử Giáo hội cho thấy Đức Giêsu thiết lập Nước Thiên Chúa bằng một khởi điểm rất khiêm tốn từ một nhóm nhỏ tại một miền đất cũng rất nhỏ là Palestine. Thế nhưng hạt giống nhỏ bé mà Đức Giêsu đã gieo đó đã trở thành một cây lớn là Giáo Hội để cho muôn dân quy tụ về.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Đức Giêsu “dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tùy theo mức họ có thể nghe”, thay vì những giáo huấn mang tính giáo điều lý thuyết. Đó là cũng một khía cạnh cần lưu ý trong tiến trình Tân Tin Mừng hóa. Trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng, ĐGH Phanxicô nói rằng ngài “mơ ước một lựa chọn truyền giáo có sức biến đổi mọi sự, để những thói quen, những phong cách, thời gian, ngôn ngữ, và tất cả các cơ cấu Giáo Hội trở thành một kênh thích hợp cho việc truyền giáo cho thế giới ngày nay” (s. 27) hoặc “cần phải có một cách truyền giáo có thể chiếu sáng những cách thức mới của sự liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân và với môi trường” (s.74). Chúng ta có tìm kiếm hay đón nhận những cách thế mới để loan báo Tin Mừng sao cho phù hợp với bối cảnh hiện tại hay không?
2. “Nước Thiên Chúa cũng giống như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất”. Là người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi trở thành một hạt giống Nước Thiên Chúa, cho dù đó là một hạt cải nhỏ bé, để được gieo vào một môi trường cụ thể nào đó mà mình đang sống. Đó có thể là gia đình, giáo xứ, khu phố, xóm làng, trường học, đoàn thể, công sở... Với sức mạnh nội tại của đức tin, đức mến và đức cậy, và nhất là sự can thiệp của Thiên Chúa, đời sống thiêng liêng của mỗi người chúng ta sẽ tăng trưởng và đem lại hoa trái cho mọi người xung quanh, nhờ đó “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”, như lời kinh chúng ta vẫn dâng lên Thiên Chúa mỗi ngày. Chúng ta có ý thức các điều đó là cần thiết trong đời sống đạo hay không?
3. “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải”. Nước Thiên Chúa được khởi sự từ những điều bình thường và nhỏ bé khiêm tốn như hạt cải, nhưng thực tại của Nước ấy có sức mạnh nội tại, cứ âm thầm tăng trưởng và tự phát triển tiệm tiến theo thời gian. Phải chăng để góp phần vào việc xây dựng Nước Thiên Chúa, chúng cứ bắt đầu bằng những điều nhỏ nhặt trong tầm tay, hay chờ lên một kết hoạch thật lớn rồi cứ hội đủ điều kiện mới ra tay thực hiện? Nên chăng chúng ta cứ thắp một que diêm, rồi sẽ có những que diêm khác được thắp tiếp nối để xua đuổi bóng đêm, còn hơn là chờ có đủ điều kiện để xây một nhà máy thủy điện rồi mới chiếu sáng?
4. Hạt cải “Khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ”. Hạt giống nước Thiên Chúa sẽ thành cây và tăng trưởng tiệm tiến, không nóng vội hay sinh hoa kết quả ngay, mà phải chờ đến ngày gặt. Vì thế, người gieo giống cần kiên nhẫn đợi chờ. Chúng ta có ý thức rằng người làm việc tông đồ cứ gieo, cứ vun trồng, cứ chăm sóc và cứ đợi chờ, chứ không nên nóng lòng khi thấy việc rao giảng Tin Mừng không đem lại kết quả tức thời, mà cần kiên trì trong niềm tin và hy vọng vào thành quả sẽ đến theo một cách thế và vào một thời điểm mà người ta không ngờ tới?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Nước Thiên Chúa với sức mạnh nội tại luôn âm thầm phát triển và đem lại những kết quả ngoại tại phi thường giữa thế giới hôm nay. Chúng ta cùng ngợi khen cảm tạ Chúa và tin tưởng dâng lời cầu xin.
1. Hội Thánh có sứ mạng xây dựng Nước Thiên Chúa ở trần gian. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị mục tử trong Hội Thánh luôn nhiệt thành chu toàn sứ mạng cao cả ấy bằng lời rao giảng, gương sống thánh thiện và các hoạt động bác ái.
2. Hạt giống Tin Mừng được Chúa Thánh Thần gieo vãi nơi các truyền thống và các nền văn hóa khác nhau. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết trân trọng và bảo vệ những di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc.
3. Xung đột tôn giáo đang xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta cùng cầu xin cho các Kitô hữu ở những nơi đó biết tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa và sức mạnh nội tại của Nước Trời, hầu luôn trung thành bền đỗ trong đức tin.
4. Kitô hữu là những người gieo giống Nước Trời. Chúng ta cùng cầu xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta biết sẵn sàng trở nên khí cụ mở mang Nước Chúa, qua việc tích cực tham gia các hoạt động tông đồ, cùng với đời sống gương mẫu hằng ngày.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện và biến đổi chúng con trở nên những tông đồ nhiệt thành, đóng góp hữu hiệu vào công cuộc loan báo Nước Trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Khai mạc năm Thánh 2025 tại hạt Thủ Thiêm
-
Khai mạc Năm Thánh 2025 tại Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Lễ Đêm Giáng sinh tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn 24-12-2024 -
Đêm nhạc Giáng sinh 2024 “Ngợi Ca Tình Yêu Nhập Thể” của giáo hạt Thủ Thiêm -
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng Sinh 2024 tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Chủ tịch MTTQVN Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng giám mục TPHCM -
Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024) -
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025 -
Tĩnh huấn Mùa Vọng 2024 của giáo hạt Tân Sơn Nhì -
Giờ lễ Giáng sinh 2024 cho các cộng đoàn nước ngoài (Christmas Schedule 2024)
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023