Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, năm A

Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, năm A

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

(Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)

Chủ đề: THÁNH THẦN, NGUỒN SỨC MẠNH NỘI TÂM

“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Đức Giêsu đã hứa ban Thánh Thần đến để trợ lực và hướng dẫn cho các môn đệ. Chúa Thánh Thần đã làm thay đổi cuộc sống của các môn đệ. Từ những con người sợ sệt nhút nhát, các môn đã trở nên mạnh mẽ, can trường. Từ những con người “đóng kín” trong chính mình, các môn đệ trở nên những người “ra đi” loan báo Tin Mừng của Đức Kitô Phục Sinh.

1. Bài đọc I (Cv 2,1-11)

Trước khi bước vào cuộc thương khó, Đức Giê-su đã hứa với các môn đệ rằng Người sẽ ban Chúa Thánh Thần xuống trên họ (x. Ga 14,16.26). Sách Công Vụ hôm nay kể lại biến cố lễ Ngũ Tuần. Lễ Ngũ Tuần là một trong những lễ lớn của người Do Thái. Trước đây, lễ này được xem là lễ thu hoạch mùa màng; nhưng sau này nó được mừng để tưởng nhớ việc Thiên Chúa ban Lề Luật cho Môsê trên núi Sinai, 50 ngày sau lễ Vượt Qua.

Thánh Luca mô tả biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ của Đức Giêsu trong ngày lễ Ngũ Tuần như để muốn nói rằng: Chúa Thánh Thần thay thế cho Lề Luật cũ và Ngài trở nên Lề Luật mới cho các Kitô hữu. Các biểu tượng về Chúa Thánh Thần được mô tả như là tiếng gió, lửa, ơn ngôn ngữ: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau.”

Ví Chúa Thánh Thần như tiếng gió mạnh, Luca muốn diễn tả rằng Thánh Thần là nguồn sức mạnh để biến đổi các Kitô hữu. Họ không còn phải sợ hãi nhưng can đảm để sẵn sàng làm chứng cho Đức Kitô. Chúa Thánh Thần là lửa, ngọn lửa tình yêu. Ngài là sức mạnh của nội tâm đốt cháy tâm hồn của các Kitô hữu trong đời sống phục vụ vì Nước Trời. Thánh Thần ban ơn để giúp các môn đệ nói các thứ tiếng khác nhau. Sứ vụ rao giảng của các môn đệ giờ đây được loan tới khắp nơi trên hoàn vũ. Thánh Thần đã làm cho tất cả mọi dân trở nên một trong Đức Giêsu, khác với biến cố xây dựng tháp Baben trong Cựu Ước (x. St 11,1-9).

2. Bài đọc II (1 Cr 12,3b-7.12-13)

Thánh Phaolô nói về những đặc sủng khác nhau trong đời sống cộng đoàn Kitô giáo, nhưng xuất phát từ Chúa Thánh Thần: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí”. Chính Thần Khí của Thiên Chúa hợp nhất muôn người lại và làm phong phú những đặc ân trong Giáo Hội. Quả thật, tất cả mọi Kitô hữu đều lãnh nhận hồng ân đức tin trong cùng một phép rửa, cùng một Thánh Thần để tạo nên một thân thể hiệp nhất và duy nhất: “Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể”.

Có lẽ các Kitô hữu thuộc cộng đoàn Côrintô gặp nhiều khó khăn trong sự hiệp nhất, vì thế Phaolô mời gọi và nhắc nhở họ về nguồn mạch duy nhất là đức tin mà họ nhận lãnh qua bí tích rửa tội. Ngài lấy ví dụ rất cụ thể của thân thể để nói về sự hiệp nhất của các Kitô hữu: “Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể”.  

3. Tin Mừng (Ga 20,19-23)

Tin Mừng Gioan thuật lại biến cố quan trọng mà đã làm thay đổi cuộc sống của các môn đệ Đức Kitô. Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và trao ban Thánh Thần cho họ. Các cánh cửa nơi họ tụ tập đều được đóng kín vì sợ hãi. Quả thật, cuộc khổ nạn của Đức Giêsu là biến cố khủng khiếp và buồn đau.  Các môn đệ vẫn chưa hoàn toàn bình phục sau biến cố này. Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và lời đầu tiên mà Người nói với họ đó là lời bình an: “Bình an cho anh em”. Đây là lời an ủi, yêu thương của Đức Giêsu dành cho các môn đệ của mình. Người không trách mắng họ vì sự nhát gan, vì sự bội phản của họ, nhưng vẫn luôn luôn yêu thương, tha thứ và tín nhiệm họ.  Người đi bước trước và muốn bắt đầu lại với họ trong mối tương giao Thầy - trò thuở nào. Như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Thiên Chúa không bao giờ biết mệt khi tha thứ” (Gaudium Evangelii, số 3).

Đức Giêsu đã cho các môn đệ xem thấy những vết thương của cuộc khổ nạn: “Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn”. Đức Giêsu muốn cho các môn đệ cảm nhận sự phục sinh vinh hiển và hồng ân lớn lao mà họ sẽ nhận được nhờ cuộc thương khó của Người.

Người trao ban cho họ Thánh Thần như một cuộc tạo dựng mới. Như xưa, Thiên Chúa đã nhào nắn nên con người từ bụi đất và Ngài thổi hơi vào tạo vật của Ngài để thông truyền sức sống, thì nay các môn đệ và những ai tin vào Đức Giêsu Phục Sinh cũng được Người thổi vào họ sức sống mới: “Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Các môn đệ giờ đây trở nên mạnh mẽ và can trường, lòng tràn đầy niềm vui khi gặp lại Đức Kitô Phục Sinh. Họ không còn phải ẩn trốn vì sợ hãi, nhưng là những chứng nhân và những người rao giảng về sứ điệp của Đức Giêsu cho muôn người với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau”. Các môn đệ trở nên mạnh mẽ sau khi lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Giờ đây họ “mở tung” mọi cánh cửa đang khép kín để “ra đi” loan báo sứ điệp Tin Mừng của Đức Kitô Phục Sinh đến mọi người và mọi nơi. Tôi đã cảm nghiệm niềm vui Phục Sinh của Đức Giêsu trong cuộc đời mình? Tôi có sẵn sàng “ra đi” để loan báo cho người khác về kinh nghiệm đức tin?

2. “Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể”. Sự hiệp nhất và yêu thương là dấu chỉ của những người môn đệ của Đức Kitô. Tôi có thể hiện sự hiệp nhất và yêu thương trong cuộc sống của mình?

3. “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Như Đức Giêsu được Chúa Cha sai đến thế gian để thi hành sứ vụ cứu độ loài người. Giờ đây Người cũng sai chính mỗi người Kitô hữu đến với những người khác để loan truyền ơn cứu độ. Tôi có ý thức nhiệm vụ cao cả này không?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã ban tặng Thánh Thần cho Hội Thánh như lời Chúa Giêsu đã hứa. Trong Chúa Thánh Thần, chúng ta cùng tin tưởng dâng lời cảm tạ và chân thành nguyện xin.

1. Chúa Phục Sinh nói với các môn đệ: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần Hội Thánh, được đầy tràn Thánh Thần của Đấng Phục Sinh, luôn can đảm và trung thành diễn tả khuôn mặt của Đức Kitô cho con người hôm nay.

2. Bình an là quà tặng của Chúa Giêsu Phục Sinh dành cho nhân loại. Chúng ta cùng cầu xin cho những nhà lãnh đạo các quốc gia cùng các tổ chức quốc tế, biết yêu chuộng và mưu cầu hoà bình đích thực cho thế giới, bằng con đường đối thoại và tôn trọng sự thật.

3. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu, cách riêng các nhà truyền giáo ở khắp nơi, biết ý thức sứ mạng cao quí do Thiên Chúa ủy thác, luôn nỗ lực loan truyền Tin Mừng và chia sẻ niềm vui cứu độ cho mọi người.

4. Thánh Phaolô khẳng định: “Có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn sống xứng đáng với ân huệ Thánh Thần đã lãnh nhận, hầu trổ sinh nhiều hoa trái trong cuộc sống hằng ngày.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, Chúa đã ban Thánh Thần để thánh hóa và dạy dỗ chúng con trong đời sống đức tin. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn hăng hái nhiệt tình vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top