Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Phục Sinh - Năm C
CHÚA NHẬT IV MÙA PHỤC SINH
NĂM C
LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH
Cv 13,14.43-52; Kh 7,9.14b-17
Ga 10,27-30
“Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta;
Ta biết chúng và chúng theo Ta”
(Ga 10,27)
I. CÁC BÀI ĐỌC:
Thiên Chúa Giavê được biết đến trong Kinh Thánh Cựu Ước như Vị Mục Tử nhà Israel, như Đấng chăn giữ nhà Giuse. Hình ảnh người mục tử và đàn chiên có thể còn xa lạ đối với nhiều người Việt chúng ta, nhưng đối với những dân tộc đã trải qua lối sống du mục như dân Israel, thì đây lại là những hình ảnh thường xuyên đập vào mắt họ, gần gũi và thân thương đến độ có thời đã trở nên “kinh điển” trong văn chương Kinh Thánh, khiến không ít tác giả Kinh Thánh (nhất là những vị đã được ơn linh hứng để nói ra hay viết lại các áng văn trong các thánh vịnh, và trong sách ngôn sứ Giêrêmia và Êdêkien) đã không ngần ngại dùng hai hình ảnh này để nói về tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa và dân Người.
Trong lúc loan báo Tin Mừng Nước Trời, chính Chúa Giêsu cũng đã dùng hình ảnh người Mục Tử Nhân Lành để nói về chính mình, để bày tỏ chính mình cho chúng ta, hôm qua cũng như hôm nay. Người cũng dùng hình ảnh đàn chiên để nói về những ai đi theo Người, những ai thuộc về Người.
Trong Cựu Ước, một số thánh vịnh và các bản văn tiêu biểu trong sách ngôn sứ Giêrêmia và Êdêkien đã trình bày cho chúng ta một số nét chính quan trọng về Thiên Chúa như Vị Mục Tử Nhân Lành. Những nét tiêu biểu này có thể được tóm lược lại như sau:
1/ Thiên Chúa Giavê là Vị Mục Tử nhà Israel, là Đấng chăn giữ nhà Giuse (x. Tv 80,1). Còn Israel là đoàn chiên do tay Người dẫn dắt (x. Tv 79,13). Trong tư cách Vị Mục Tử Nhân Lành, Thiên Chúa là Đấng đã làm cho dân Israel được no thỏa, họ chẳng thiếu thốn gì; Người dẫn dắt họ tới nguồn nước trong lành và bổ sức cho họ. Người làm cho dân Israel không còn phải khiếp sợ trước quân thù, hay rơi vào cảnh hãi hùng khi đối diện với những bước thăng trầm của lịch sử. Người dẫn dắt Israel bước vào nẻo chính đường ngay, bước đi trên con đường cứu độ của Người (x. Tv 23,2-3).
2/ Thiên Chúa Giavê là Vị Mục Tử Nhân Lành nhà Israel vì Người không bao giờ loại bỏ dân Người. Với những con chiên lạc nhà Israel, Vị Mục Tử Nhân Lành đưa về, thâu nhận họ lại, và canh giữ họ như mục tử canh giữ đàn chiên (x. Gr 31,10).
3/ Trước một dân Israel đang sống xa cách Thiên Chúa của mình, Thiên Chúa không ngừng kêu gọi họ hoán cải, trở về với Người, đồng thời Người hứa ban cho họ những vị mục tử đẹp lòng Người; những vị mục tử này sẽ khôn ngoan sáng suốt chăn dắt dân Người (x. Gr 3,14-15).
4/ Khi dân Israel đang sống trong cảnh lưu đày tại Babylon, Thiên Chúa ưu ái hứa với họ: Người sẽ đưa họ trở về quê cha đất tổ, đồng thời Người sẽ ban cho họ một Vị Mục Tử Mới, một Đavit mới, để hướng dẫn họ (x. Ed 34,23-24).
Người tín hữu Công Giáo chúng ta tin nhận Chúa Giêsu Kitô chính là Vị Mục Tử mà ngôn sứ Êdêkien đã nói tới. Người không phải chỉ là một trong số những vị mục tử sống đẹp lòng Thiên Chúa, nhưng Người là Vị Mục Tử Tối Cao, làm đẹp lòng Thiên Chúa mọi đàng. Được kể là Con Vua Đavit, nhưng Đức Giêsu đích thực là Đức Chúa của chính vua Đavit, là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật. Người đồng thời là thủ lãnh của các vị mục tử nhân loại khác, vốn đảm nhận sứ mạng mục tử từ nơi Người.
Qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh, Đức Giêsu Kitô đã hoàn toàn chiến thắng tử thần, qua đó, Người giải thoát chúng ta là đoàn chiên của Người khỏi bóng đêm của tội và sự chết, để chúng ta cùng được vinh thắng với Người. Đây cũng là những sứ điệp chính mà ba bài đọc Chúa Nhật thứ IV Mùa Phục Sinh, cũng là Chúa Nhật Lễ Chúa Chiên Lành, muốn nêu bật. Thật vậy, Bài Tin Mừng theo thánh Gioan (x. Ga 10,27-30) cho chúng ta nhận ra hai điểm quan trọng:
1/ Chúa Giêsu dùng hình ảnh “Vị Mục Tử” và “đoàn chiên” để nói đến tương quan mật thiết giữa Người và những ai theo Người. Theo đó, Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành, Người biết từng con chiên trong đàn. Người ban sự sống đời đời cho đoàn chiên. Những ai biết nghe tiếng Người và theo Người thì lãnh nhận được sự sống đời đời từ nơi Người.
2/ Đàn chiên là quà tặng Chúa Cha ban cho Người. Người luôn trân trọng món quà quý giá này. Ngài luôn gìn giữ và bảo vệ đàn chiên mà Chúa Cha trao ban cho Người, và không ai có thể cướp đàn chiên từ tay Ngài và cũng như từ Chúa Cha.
Còn trong Bài đọc 1, trích từ sách Tông Đồ Công Vụ (x. Cv 13,14.43-52), tác giả Sách Thánh cho chúng ta thấy sức mạnh và ơn cứu độ của Chúa Kitô Phục Sinh không hề bị giới hạn vào một biên giới hữu hình nào. Người không chỉ là Vị Mục Tử của một số các môn đệ đầu tiên, vốn đa phần là những người Do-thái. Người còn là Vị Mục Tử của tất cả những ai mở lòng ra đón nhận Người, cho dù họ thuộc về một nền văn hóa hay sắc dân nào đi nữa. Không ai vì lý do sắc tộc, văn hóa, hay tôn giáo mà bị loại trừ khỏi lòng xót thương và ơn cứu độ của Người. Cũng như không ai có thể ngăn cản Người tỏ lòng xót thương và ơn cứu độ cho muôn người.
Thật vậy, khi nhiều người Do-thái tại Antioch miền Pisidia, vì sinh lòng ghen tức, mà tự đóng sập cửa lòng mình lại trước sứ điệp cứu độ mà hai tông đồ Barnabas và Phaolô loan báo, thì công cuộc loan báo Tin Mừng của hai vị tông đồ không vì thế mà chựng lại. Trái lại, hai vị tông đồ quyết định hướng về phía dân ngoại, mở ra những vùng đất truyền giáo mới đầy hứa hẹn cho Giáo Hội thời sơ khai, làm cho nhiều người trở nên môn đệ của Chúa Kitô Phục Sinh, trở thành đoàn chiên của Vị Mục Tử Nhân Lành.
Cuối cùng, bài đọc 2, trích từ Sách Khải Huyền (x. Kh 7,9.14b-17), cho chúng ta thưởng nếm cảnh giới hạnh phúc trên Thiên Quốc dành cho những ai được ân thưởng ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, sau khi họ đã trải qua nhiều gian nan thử thách lớn lao trong hành trình sống đức tin của mình. Trong đoạn Sách Thánh này, Chúa Giêsu Phục Sinh, Vị Mục Tử Nhân Lành của chúng ta, lại được trình bày qua hình ảnh “Con Chiên” đang ngự giữa ngai với Thiên Chúa. Trước ngai Thiên Chúa và trước Con Chiên có một đoàn người đông đảo không tài nào đếm nổi đang “mặc áo trắng”, tay cầm nhành lá thiên tuế.
Tấm áo trắng mỗi người đang mặc trên mình chính là tấm áo “họ đã giặt sạch và tẩy trắng trong máu Con Chiên”. Cành thiên tuế họ cầm trên tay là dấu hiệu của cuộc chiến thắng, cuộc vượt qua từ sự chết để đi vào sự sống mới với Thiên Chúa và với Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh. Sau khi trải qua bao gian nan thử thách lớn lao trên đời, giờ đây trên thiên quốc, họ được ân thưởng đứng “chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người”, cất cao tiếng ngợi khen tung hô Thiên Chúa, Đấng đã cứu độ họ.
Những vị này không còn phải sống trong cảnh đau khổ và bị bách hại nữa, vì Con Chiên đang ngự giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh, nghĩa là, Con Chiên, trong vai trò của Vị Mục Tử như chính Thiên Chúa Giavê trong Cựu Ước (x. Tv 23, 2-3), sẽ ban cho họ sự sống muôn đời bên Thiên Chúa.
II. GỢI Ý SUY TƯ PHẢN TỈNH
1/ Ngôn ngữ Kinh Thánh dùng hình ảnh Vị Mục Tử và đàn chiên để nói về tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa và Dân Người. Theo bạn, hai hình ảnh này có ý nghĩa gì? Là người tín hữu Công Giáo Việt Nam, vốn thuộc một nền văn hóa và ngôn ngữ khác với dân Israel, bạn nghĩ chúng ta có thể dùng hình ảnh nào khác để nói về tương quan thiết thân giữa Thiên Chúa và người tín hữu?
2/ Chúa Giêsu là Vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng hiến mạng sống mình vì đoàn chiên, để chúng ta được sống và sống dồi dào. Theo bạn, các vị mục tử của chúng ta cần thể hiện những đặc tính nào để đoàn chiên được Thiên Chúa trao phó cho các ngài có thể tăng trưởng và tiến triển theo lòng Chúa mong ước?
3/ Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu làm linh mục, tu sĩ nam nữ trong Giáo Hội. Bạn đã, đang và sẽ làm gì cho những ai đang sống và sẽ sống ơn gọi cao quý này trong Giáo Hội? Nếu cảm nhận mình cũng được Chúa kêu gọi trở nên vị mục tử cho đoàn chiên của Chúa, bạn sẽ làm gì?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã sai Đức Giêsu Kitô đến trần gian như vị mục tử tốt lành để quy tụ nhân loại thành một đoàn chiên duy nhất. Trong ngày cầu nguyện cho ơn gọi hôm nay, chúng ta hân hoan cảm tạ Chúa và tha thiết dâng lời nguyện xin:
1. Chúa Giêsu, vị mục tử tốt lành đã hiến mạng sống mình vì đoàn chiên. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các vị mục tử trong Hội Thánh luôn sẵn sàng quên mình, tận tình phục vụ đoàn chiên Chúa trao phó, và đem đến cho họ sức sống dồi dào.
2. Trên thế giới hiện nay còn rất nhiều người chưa thuộc về ràn chiên của Chúa. Chúng ta cùng cầu xin cho những ai chưa tin nhận Chúa Kitô được đón nhận hồng ân đức tin, qui tụ về một đoàn chiên duy nhất trong Hội Thánh hầu được hưởng ơn cứu độ muôn đời.
3. “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít.” Chúng ta cùng cầu xin cho có nhiều người trẻ biết lắng nghe và quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi, dấn thân trong đời sống tu trì và nỗ lực trở nên những thợ gặt lành nghề cho cánh đồng truyền giáo bao la.
4. Cỗ võ và nâng đỡ ơn gọi là trách nhiệm chung của mọi người. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết tích cực đóng góp vào công cuộc đào tạo linh mục tu sĩ, bằng lời cầu nguyện và sự nâng đỡ cả tinh thần lẫn vật chất.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là cha rất nhân từ, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn nhận biết tiếng của Đức Kitô Mục Tử, cùng hăng say sống theo gương yêu thương phục vụ của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Đêm nhạc Giáng sinh 2024 “Ngợi Ca Tình Yêu Nhập Thể” của giáo hạt Thủ Thiêm
-
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng Sinh 2024 tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Chủ tịch MTTQVN Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng giám mục TPHCM -
Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024) -
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025 -
Tĩnh huấn Mùa Vọng 2024 của giáo hạt Tân Sơn Nhì -
Giờ lễ Giáng sinh 2024 cho các cộng đoàn nước ngoài (Christmas Schedule 2024) -
Thánh lễ mừng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn -
Một chút tâm tình Mùa Vọng -
Tuần tĩnh tâm thường niên 2024 của linh mục đoàn Sài Gòn
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023