Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Phục Sinh - năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Phục Sinh - năm B

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH B
LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH

Cv 4,8-12; 1 Ga 3,1-2; Ga 10,11-18

TÌNH YÊU HIẾN DÂNG CỦA MỤC TỬ NHÂN LÀNH

“Tôi chính là Mục Tử nhân lành.
Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình
cho đoàn chiên”

(Ga 10,11)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1

Lời chứng hùng hồn của Phêrô trước các vị thủ lãnh Do Thái cho thấy niềm xác tín của Giáo Hội sơ khai về Đức Kitô Phục Sinh và tác động của biến cố đó trên đời sống các tín hữu.

Trước hết, lời chứng của Phêrô, đại diện cho các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai, về Đức Kitô Phục Sinh nhấn mạnh vai trò của Chúa Thánh Thần. Phêrô được “đầy Thánh Thần” mạnh dạn lên tiếng làm chứng về Chúa Kitô Phục Sinh (Cv 4,8). Từ khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,1-4), các tín hữu luôn xác tín về sức mạnh của Thánh Thần trong lời chứng của họ: họ nhận được đầy Thánh Thần nên mạnh dạn nói lời Thiên Chúa (Cv 4,31); lời chứng của họ là lời chứng cùng với Thánh Thần (Cv 5,32); Têphanô, một người đầy Thánh Thần (Cv 6,5), và cũng nhờ được đầy tràn Thánh Thần mà sẵn sàng dùng chính mạng sống của mình để làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh (Cv 7,1-60).

Sau nữa, Phêrô xác tín rằng việc ngài chữa lành cho một người què không hề do quyền năng riêng hay lòng đạo đức của mình, mà do lòng tin vào danh của Đức Kitô Phục Sinh (x. Cv 3,11-16). Chính nhờ danh Đức Giêsu Kitô, người Nadarét, Đấng đã chịu đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người què được lành mạnh (x. Cv 4,9-10). Đức Kitô Phục Sinh không chỉ là một xác tín suông, mà niềm xác tín đó mang lại ơn chữa lành cho những ai có lòng tin. Chính Đức Kitô Phục Sinh hành động qua những người đặt niềm tin nơi Người.

Cuối cùng, Phêrô tuyên xưng mạnh mẽ rằng Đức Kitô Phục Sinh, Đấng đã bị loại bỏ và giết chết như tảng đá bị thợ xây loại ra ngoài, lại trở nên tảng đá góc tường vì dưới gầm trời này, ngoài Người ra, không có danh nào khác đã được ban để nhờ đó mà nhân loại được cứu độ (x. Cv 4,11-12). Niềm xác tín căn bản này của Giáo Hội sơ khai, qua lời chứng hùng hồn của Phêrô, vẫn là con đường cứu độ duy nhất cho nhân loại, con đường đi qua khổ đau của khổ giá để đến vinh quang phục sinh.

Nhờ ơn Thánh Thần mà Giáo Hội sơ khai mạnh dạn làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh, Đấng là sức mạnh chữa lành cho những ai có lòng tin, và là Đấng Cứu Độ duy nhất cho nhân loại dưới gầm trời này.

2. Bài đọc 2

Đoạn thư thứ nhất Gioan trình bày những chân lý cao sâu về tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa có sức biến đổi kỳ diệu, làm thay đổi thân phận của người được yêu thương.

Tình yêu Thiên Chúa làm cho những người được yêu thương ra như không còn thuộc về thế gian. Tình yêu diệu kỳ đó làm cho người được yêu không chỉ được gọi là con Thiên Chúa mà thực sự là con Thiên Chúa. Tình yêu đó biến đổi họ, thay đổi thân phận của họ, ban cho họ những quyền lợi thật sự của kẻ làm con đến nỗi thế gian không còn nhận ra họ nữa, vì thế gian không biết Thiên Chúa.

Tình yêu Thiên Chúa không chỉ làm thay đổi thân phận của người được yêu, mang họ ra khỏi những ô nhơ, tội lụy của thế gian và ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa, mà còn hướng họ đến một chân trời mới, cao xa hơn, huyền nhiệm hơn phía trước. Chân trời mới đó hiện nay vẫn chưa được tỏ hiện cách rõ ràng và trọn vẹn, nhưng sẽ được mạc khải cách tròn đầy khi Đức Kitô xuất hiện. Đức Kitô sẽ xuất hiện thế nào, hiện nay vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ, nhưng có điều chắc chắn là những người được Thiên Chúa yêu thương sẽ được nên giống như Người.

Tình yêu Thiên Chúa quả diệu kỳ: Tình yêu ban cho người được yêu thân phận làm con Thiên Chúa và được trở nên giống Chúa Kitô khi người lại đến.

3. Bài Tin Mừng

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa được xem là mục tử của dân Israel (St 48,15; Is 40,11; Tv 80,2), nhưng các vị mục tử được Thiên Chúa trao trách nhiệm chăn dắt chiên của Ngài không phải lúc nào cũng là những mục tử tốt (x. Gr 23,1-2; Ed 34,1-6), nên Thiên Chúa hứa ban vị mục tử đẹp lòng Ngài để dẫn dắt dân (x. Gr 3,1; Ed 34,23). Đoạn trích Tin Mừng thứ tư trình bày Chúa Giêsu như là mục tử tốt lành có thể được xem như hiện thực hóa điều Thiên Chúa hứa xa xưa. Tác giả nhấn mạnh tính “tốt lành” của vị mục tử bằng cách làm nổi bật những phẩm chất cao quý, lý tưởng cho mọi mục tử.

Trước hết, phẩm chất đầu tiên của mục tử Giêsu là sự hy sinh đến tận cùng. Theo lẽ thường thì mục tử phải ra sức bảo vệ đàn chiên vì sự an toàn, khỏe mạnh của đàn chiên cũng chính là lợi ích của mục tử. Xét cho cùng, mục tử bảo vệ đàn chiên là bảo vệ lợi ích của mình. Còn kẻ làm thuê chỉ tính toán cho lợi lộc riêng nên khi gặp khó khăn sẽ bỏ đàn chiên mà chạy. Trái lại, mục tử Giêsu không chỉ bảo vệ, mà còn hy sinh cả mạng sống cho đàn chiên. Dù hình ảnh mục tử - đàn chiên rất phổ biến trong Cựu Ước, nhưng không có nơi nào trong Cựu Ước trình bày bất kỳ mục tử nào dám chết cho đàn chiên. Như thế, sự chăm sóc, bảo vệ và hy sinh bằng cả tính mạng mà mục tử Giêsu dành cho đoàn chiên là vì chính lợi ích của đoàn chiên chứ không vì lợi ích riêng của mình.

Hơn nữa, phẩm chất thứ hai của vị mục tử Giêsu là “biết chiên” và “chiên biết”. Theo lẽ thường, các mục tử tiếp xúc hàng ngày với đàn chiên nên mối tương quan giữa mục tử và chiên là mối tương quan hai chiều: mục tử biết chiên và chiên biết mục tử. Ở đây, cái “biết” của mục tử Giêsu đối với đàn chiên, một đàng, cũng không nằm ngoài qui luật bình thường đó, đàng khác, được làm nổi bật qua phép so sánh: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,14-15). Mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha gần gũi, thân thiết, sâu sắc đến nỗi hai mà như một: “Ta và Chúa Cha là một” (Ga 10,30), đến độ “Ai thấy thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Sự “biết” giữa Đức Giêsu và đàn chiên cũng gần gũi, thiết thân đến nỗi sự sống của đàn chiên cũng chính là sự sống của mục tử Giêsu, Đấng sẵn sàng hy sinh mạng sống cho đàn chiên.

Sau cùng, phẩm chất thứ ba của mục tử Giêsu là sự tập hợp những đàn chiên khác nữa để chỉ có một đàn chiên và một mục tử. Mục tử Giêsu không chỉ quan tâm, chăm sóc, lo lắng cho đàn chiên của mình, những người đã đón nhận đức tin, mà còn mở rộng sự lưu tâm đến những đàn chiên khác, những người chưa tin. Sự hy sinh tính mạng của mục tử Giêsu có giá trị cho cả những đàn chiên khác lúc này chưa nhận ra tiếng Người. Mục đích tối hậu của mục tử Giêsu là đưa những con chiên đó về với Người, để “chỉ có một đàn chiên và một người mục tử” (Ga 10,16).

Đức Giêsu thực là mục tử tốt lành, Đấng biết rõ đàn chiên, gần gũi với từng con chiên và sẵn sàng hy sinh mạng sống cho đàn chiên. Người không chỉ chăm lo cho đàn chiên của mình, cho những người tin, mà còn mở rộng lòng kêu mời những con chiên thuộc đàn khác, những con còn đi lạc, những người chưa tin để chúng cũng trở về hợp thành một đàn chiên duy nhất, dưới sự chăn dắt của mục tử tốt lành, mục tử Giêsu.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG

1/ Phêrô, đại diện cho các tín hữu sơ khai, tuyên tín về Đức Kitô Phục Sinh. Tôi có thật sự xác tín về mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô? Đức Kitô Phục Sinh có ảnh hưởng gì trên cuộc đời tôi? Tôi có sẵn sàng làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh bằng những phương tiện và trong khả năng mà tôi có?

2/ Thư thứ nhất Gioan xác tín về sức biến đổi diệu kỳ của tình yêu Thiên Chúa. Tôi có tin rằng Thiên Chúa yêu thương tôi? Tôi có dám để cho tình yêu Thiên Chúa biến đổi cuộc đời tôi? Tôi có sẵn sàng sống địa vị làm con Thiên Chúa? Tôi có muốn trở nên giống Đức Kitô, Đấng là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa?

3/ Đức Giêsu chính là vị mục tử tốt lành, Đấng biết rõ mỗi người chúng ta, sẵn sàng chết cho chúng ta, để quy tụ chúng ta về một đoàn chiên duy nhất dưới sự dẫn dắt của Người. Tôi có tìm kiếm để biết Chúa Giêsu như Chúa Giêsu vẫn hằng biết tôi? Tôi có để cho Chúa Giêsu mục tử chăn dắt và hướng dẫn cuộc đời tôi? Tôi có sống tinh thần hiệp nhất mà mục tử Giêsu khởi xướng và mời gọi?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Trong ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ hôm nay, chúng ta cùng hướng lòng lên Đức Kitô, vị Mục Tử nhân lành, để chân thành dâng lời cảm tạ và tha thiết nguyện xin:

1. Đức Kitô đến để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn biết noi gương Chúa: tận tình quan tâm chăm sóc mọi nhu cầu của đoàn chiên, sẵn sàng trở nên như tấm bánh bẻ ra vì sự sống của mọi người.

2. “Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này.” Chúng ta cùng cầu xin cho những người ở khắp nơi trên thế giới chưa đón nhận đức tin chân thật, biết khát khao tìm kiếm chân lý và mở lòng cho tin mừng cứu độ, để họ cũng được thuộc về một đoàn chiên duy nhất.

3. Chúa Giêsu nói: “Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta.” Chúng ta cùng cầu xin cho có nhiều người trẻ nhận ra và quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi, hiến thân trong đời sống tu trì và tích cực trở nên những thợ gặt lành nghề cho cánh đồng truyền giáo hôm nay.

4. Cỗ võ và khích lệ ơn gọi là trách nhiệm chung của các tín hữu. Xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức và tích cực đóng góp vào công cuộc đào tạo linh mục - tu sĩ, bằng lời cầu nguyện hằng ngày cùng với những nâng đỡ tinh thần lẫn vật chất.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành, Chúa hằng yêu thương chăm sóc tất cả mọi người. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban ơn trợ giúp để mỗi ngày chúng con trở nên xứng đáng thuộc về đàn chiên của Chúa hơn. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top