Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 7 Thường niên năm A
CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN A
(Lv19,1-2.17-18; 1Cr 3,16-23; Mt 5,38-48)
Chủ đề: YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
“Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi?” (Mt 5,46)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Chủ đề của bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay trình bày cho chúng ta một trong những mạc khải hết sức quan trọng của Tân ước, đó là yêu thương kẻ thù. Tình yêu này, theo cách thế nhân loại, có vẻ như là điều bất khả thi. Bài Tin Mừng được chuẩn bị bằng một đoạn sách Lêvi trong bài đọc thứ nhất nói về tình yêu đối với người thân cận. Trong bài đọc 2 chúng ta có thể nhận thấy một chút liên quan đến hai bài đọc kia khi bàn về sự điên rồ cần thiết của người Kitô hữu, nghĩa là ai muốn khôn ngoan thật theo cách thế Tin Mừng phải trở nên kẻ điên rồ.
1. Bài đọc 1
Quả thật, những gì chứa đựng trong lời nói của Chúa Giêsu hôm nay đã được Thiên Chúa mạc khải trong Cựu ước, nhưng ở cách thế chưa được minh nhiên. Chính Ngài đã khẳng trong sách Lêvi ở bài đọc 1: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, là Đấng Thánh” (Lv 19,2). Còn Đức Giêsu hôm nay cũng nói: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
Sự hoàn hảo của Cha trên trời là sự hoàn hảo của tình yêu. Ngay Cựu ước cũng đã hướng người Do thái theo nghĩa này, vì đã mời gọi họ không được ghét bỏ người anh em mình. Nếu có cớ nào đó gây ra mâu thuẫn với người anh em, thay vì nuôi dưỡng lòng ghen ghét, thì phải quở trách cách công khai, để cho mọi sự được tỏ tường, và như thế làm tan biến đi sự hờn giận trong lòng.
Cựu ước cũng nghiêm cấm việc trả thù hay nuôi dưỡng lòng thù oán, và đòi buộc phải yêu mến người thân cận: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19, 18). Như thế, ta thấy trong Cựu ước đã có một định hướng khuyên bảo người ta hướng về lòng yêu thương. Tuy nhiên, định hướng này vẫn còn trong giới hạn, bởi vì vẫn đang bàn về mối tương quan của những người cùng dân tộc mình: “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi” (Lv 19,17).
2. Bài Tin Mừng
Nếu nhãn quang của Cựu ước khi bàn về tình yêu đồng loại chỉ giới hạn ở một mức độ nào đó, thì ta thấy viễn cảnh của lời dạy của Chúa Giêsu lại trải rộng và thâm sâu, bởi vì không chỉ bàn về những con cái trong dân Israen, mà còn cả kẻ thù thuộc mọi nguồn gốc và chủng tộc.
Chúa Giêsu nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (Mt 5,43). Đây là một thái độ thuộc về bản năng con người, trong đó không có chỗ cho lòng bao dung. Chúa Giêsu lại muốn chúng ta mở rộng trái tim nhân hậu của mình khi nói: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).
Bên cạnh đó, Ngài cũng thay giới luật cũ “mắt đền mắt, răng đền răng” bằng một quy tắc ứng xử khác: “nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5,39). Giới luật cũ đưa ra một định lượng cho việc trả thù, và theo nghĩa này nó đã tạo nên một sự nhân đôi bạo lực. Xu hướng tự nhiên con người muốn đáp trả một bạo lực này bằng một bạo lực khác, và được xem là một quy tắc ứng xử chính đáng. Tuy nhiên Chúa Giêsu đã bác bỏ hoàn toàn bạo lực. Sự công bình được Tin Mừng rao giảng lại là một đòi hỏi cao trọng hơn, đó là chấp nhận mình là đối tượng của sự bất công thay vì trả thù nhau.
Làm sao chúng ta giải thích đòi hỏi phải yêu thương không chỉ những ai yêu mình, mà còn cả những kẻ thù, và cầu nguyện cho những người ngược đãi chúng ta? Rõ ràng là ở đây Chúa Giêsu đòi chúng ta trở thành những người phục vụ cho tình yêu và từ bỏ những quyền hạn của chúng ta khi chúng có thể cản trở hay gây nguy hại cho sự tiến triển của tình yêu thương. Và như thế chúng ta phải yêu thương kẻ thù, ngõ hầu họ có thể trở thành bạn hữu của chúng ta, và đây có thể gọi là chiến thắng của tình yêu. Chúng ta phải luôn tìm kiếm chiến thắng này dù nó luôn đòi hỏi chúng ta rất nhiều những hy sinh và mất mát. Nếu không, chúng ta sẽ có nguy cơ sống trong sự ích kỷ hay trong tình trạng tầm thường tâm linh, không xứng hợp với niềm mong ước của Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, và Ngài muốn đổ vào trong tâm hồn chúng ta tình yêu đầy khoan dung của Ngài.
3. Bài đọc 2
Lý do sâu xa của những lời dạy của Chúa Giêsu về sự thánh thiện và yêu thương của con người với nhau hệ tại ở phẩm giá của con người, vốn được Thiên Chúa đã yêu thương chọn làm nghĩa tử, làm con cái của cùng một Cha trên trời nhờ Đức Giêsu Kitô. Bởi thế mà thánh Phaolô trong bài đọc 2 đã quả quyết: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 1,17). Và kết thúc bài đọc ta còn nghe thánh Phaolô nói tiếp: “tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1Cr 3,23).
Lời dạy “hãy yêu thương kẻ thù” của Chúa Giêsu chắc chắn được người đời xem là một sự điên rồ, nhưng theo thánh Phaolô, đó là một sự khôn ngoan thật của Tin Mừng: “Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật” (1Cr 3,18-19). Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa; mặt khác, sự khôn ngoan của Thiên Chúa thì cao vời vợi hơn sự khôn ngoan của thế gian này.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Tôi có cảm nghiệm được Chúa đang yêu thương tôi, nâng đỡ tôi trong cuộc đời này, ngay cả trong những lần tôi vấp ngã không?
2. Bước ra từ tòa giải tội, tôi có chú ý đến biết bao người đang xếp hàng dài chờ đợi để được Chúa thứ tha như tôi?
3. Lời Chúa dạy tôi hôm nay, là hãy thánh thiện, hãy yêu thương hết mọi người và không oán ghét một ai. Tôi có lắng nghe và muốn đáp lại lời mời gọi này của Ngài không? Tôi phải làm gì?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Cha rất nhân từ đã cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Tin tưởng vào tình thương bao la của Thiên Chúa và với khát khao được nên trọn lành như Người, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:
1. Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Hãy làm lành cho những kẻ ghét các con.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho Hội Thánh đang phải đối diện với cáo buộc của những kẻ chống đối, để Hội Thánh luôn trung thành với giáo huấn của Thầy chí thánh hầu trở nên dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa giữa thế giới hôm nay.
2. Hận thù và bạo lực là kẻ thù của hòa bình thế giới. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các dân tộc trên thế giới biết vượt qua những khác biệt về sắc tộc hay tôn giáo, dùng con đường đối thoại và hòa giải để giải quyết những tranh chấp bất đồng, sẵn sàng liên đới hợp tác nhằm phát triển và nâng cao đời sống con người.
3. “Hãy cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các kitô hữu đang gặp khó khăn vì bị kỳ thị hay bách hại được thêm sức mạnh để đứng vững trước thử thách, luôn nêu cao tinh thần Tin Mừng, biết chinh phục những ai làm khổ mình bằng lối sống yêu thương tha thứ.
4. “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các gia đình và từng người trong cộng đoàn chúng ta luôn nỗ lực nên thánh bằng việc chuyên chăm học hỏi và sống lời Chúa, siêng năng lãnh nhận các bí tích, và tích cực thực thi bác ái trong cuộc sống.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, xin nhận lời chúng con chân thành cầu nguyện và ban ơn trợ giúp, để chúng con luôn xứng đáng là khí cụ bình an của Chúa giữa thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Đố vui Kinh Thánh trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024
-
Giáo hạt Xóm Mới cầu nguyện cho các linh hồn -
Giáo hạt Xóm Mới Huấn luyện Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ -
Thánh lễ cầu nguyện cho các vị Giám mục và Linh mục của TGP Sài Gòn đã qua đời -
Linh mục đoàn Giáo hạt Thủ Thiêm tĩnh tâm và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn tháng 11 -
Bản Ghi nhớ cho việc Chăm sóc Mục vụ Di dân -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XIV của Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Healing Night, Healing Love - Mẹ, Em & Tôi năm 2024 -
Thánh lễ Tạ ơn và Khai mạc năm Thực tập Mục vụ khóa 20 Đại Chủng Viện Sài Gòn -
Linh mục đoàn giáo hạt Gia Định tĩnh tâm tháng 10
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023