Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên năm A
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN A
Is 58, 7-10; 1 Cr 2, 1-5; Mt 5, 13-16
LAN TOẢ ÁNH SÁNG CHÚA
“Ánh sáng của anh em
phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ,
để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm,
mà tôn vinh Cha của anh em,
Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I:
Ngôn sứ Isaia cảnh báo dân Chúa về kiểu ăn chay cách hình thức bên ngoài; đồng thời, đưa ra cách ăn chay đẹp lòng Chúa là sống công bình, bác ái đối với những người bất hạnh.
Trước hết, ngôn sứ cho biết cách ăn chay mà Chúa ưa thích là bày tỏ lòng thương xót đối với những người đang cần sự trợ giúp: chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không có chỗ trú ngụ, trao áo cho người mình trần… Như thế, cách ăn chay đẹp lòng Chúa không chỉ là tâm tình ăn năn sám hối, là “cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi” (Is 58,5) mà trên hết là bày tỏ lòng bác ái đối với tha nhân, nhất là những người đang cần sự trợ giúp.
Sau nữa, nếu dân Chúa ăn chay với lòng thương xót và tình bác ái đối với tha nhân thì khi cầu xin sẽ được Thiên Chúa nhậm lời. Đồng thời, đời sống bác ái đối với tha nhân là ánh sáng bừng lên như rạng đông, chiếu toả và xua tan bóng tối. Cách ăn chay như thế vừa đẹp lòng Thiên Chúa vừa làm lan toả gương lành của một đời sống công chính; và đời sống công chính chính là ánh sáng giúp người khác nhận ra vinh quang của Chúa.
Tóm lại, cách ăn chay đẹp lòng Chúa không chỉ là hình thức sám hối bên ngoài nhưng là sự biến đổi bên trong, thể hiện qua đời sống thương xót và bác ái đối với tha nhân. Cách ăn chay như thế là gương sáng giúp người ta nhận ra vinh quang của Thiên Chúa.
2. Bài đọc II:
Viết cho các tín hữu Côrintô, những người vẫn tự hào là khôn ngoan và luôn đề cao tài hùng biện, thánh Phaolô cho thấy sự khiêm tốn của ngài để qua đó đề cao quyền năng của Thiên Chúa, nhờ lời xác thực của Thần Khí và sự khôn ngoan của mầu nhiệm thập giá Đức Kitô.
Thật vậy, thánh Phaolô thừa nhận rằng ngài không dùng những lời lẽ hùng hồn và triết lý cao siêu theo kiểu con người để thuyết phục các tín hữu Côrintô tin vào mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trái lại, ngài tự thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy khi đứng trước sự khôn ngoan của mầu nhiệm thập giá Đức Kitô. Chính Đức Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái cho là ô nhục, còn người Hy Lạp cho là điên rồ, mới là sự khôn ngoan đích thực của Thiên Chúa (x. 1 Cr 1,22-25).
Hơn nữa, thánh Phaolô không dùng lời lẽ khôn khéo để hấp dẫn người ta vì ngài dựa vào một bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng của Thiên Chúa. Quả vậy, chính Thần Khí và quyền năng của Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô phục sinh từ cõi chết. Đó thật sự là bằng chứng thuyết phục về quyền năng và sự khôn ngoan đích thực của Thiên Chúa qua mầu nhiệm thập giá và phục sinh của Đức Kitô.
3. Bài Tin Mừng:
Chúa Giêsu dùng hai hình ảnh muối và ánh sáng để nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của người môn đệ trong việc lan toả những giá trị của Tin Mừng ở giữa thế gian.
Nhờ đặc tính mặn, muối giúp gìn giữ và làm thăng hoa những phẩm chất tốt đẹp của những gì nó ướp. Nếu muối mà nhạt đi thì muối không còn là muối vì nó đánh mất bản chất của mình; nó trở thành vô dụng. Cuộc sống của các môn đệ Đức Giêsu ở giữa thế gian cũng phải như muối để ướp cho đời, làm cho những giá trị của Tin Mừng lan toả trong môi trường họ sống, những người họ gặp gỡ. Nếu đời sống của các môn đệ không có sức lan toả những giá trị tốt đẹp, không làm chứng cho Tin Mừng ở giữa thế gian thì các môn đệ đánh mất bản chất đích thực của đời mình là làm chứng cho Đức Kitô; họ trở thành như những kẻ vô dụng.
Cũng vậy, bản chất của ánh sáng là chiếu sáng. Nếu ánh sáng mất đi đặc tính chiếu sáng thì ánh sáng không còn là ánh sáng. Vì thế, người ta không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng nhưng để trên đế để chiếu sáng cho mọi người trong nhà. Đời sống của người môn đệ Đức Giêsu cũng được ví như ánh sáng ở giữa thế gian; ánh sáng đó phải chiếu sáng để lan toả những công việc tốt đẹp, những giá trị của Tin Mừng, để thiên hạ nhận thấy những điều đó mà tôn vinh Thiên Chúa. Như thế, ánh sáng của đời sống người môn đệ đích thực phải dẫn người ta đến để tôn vinh và thờ phượng Thiên Chúa.
Như muối ướp mặn cho đời, như ánh sáng chiếu soi trần gian, người môn đệ Đức Giêsu có trách nhiệm làm lan toả những giá trị cao đẹp của Tin Mừng để mọi người nhận ra mà tôn vinh Thiên Chúa.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG:
1/ Ngôn sứ Isaia cho thấy cách ăn chay đẹp lòng Chúa không chỉ là hình thức sám hối bên ngoài nhưng là tấm lòng bên trong, thể hiện qua đời sống bác ái đối với tha nhân, nhất là những người nghèo hèn, khốn khổ. Đời sống bác ái của dân Chúa chính là ánh sáng, là lời chứng giúp người khác nhận ra khuôn mặt của một Thiên Chúa yêu thương. Biết bao người trong xã hội hôm nay đang cần được chia cơm sẻ áo, cần được đón tiếp vào nhà, cần được nâng đỡ ủi an. Tôi có sẵn sàng mở lòng ra với họ, trở nên ánh sáng dọi vào cuộc đời tăm tối của họ để họ nhận ra và tôn thờ Thiên Chúa yêu thương?
2/ Đứng trước mầu nhiệm về sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thánh Phaolô khiêm tốn nhìn nhận rằng ngài không dựa vào sự khôn khéo hay tài hùng biện để rao giảng nhưng dựa vào ơn Thiên Chúa. Chính Thần Khí và quyền năng của Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô phục sinh từ cõi chết, qua đó tỏ lộ sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Là môn đệ Đức Giêsu, tôi cũng được mời gọi loan báo về mầu nhiệm Đức Kitô cho những người khác. Tôi đang sống chứng tá cho sự khôn ngoan của Thiên Chúa hay tôi đang cho thấy sự khôn khéo của tôi?
3/ Như muối ướp mặn cho đời, như ánh sáng chiếu soi trần gian, người môn đệ Đức Giêsu có trách nhiệm làm lan toả những giá trị cao đẹp của Tin Mừng để mọi người nhận ra mà tôn vinh Thiên Chúa. Tôi đang làm gì để Thiên Chúa được nhận biết và tôn thờ? Tôi phải sống thế nào để người khác nhận ra được khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa nơi tôi? Tôi cần sống ra sao để trở nên ánh sáng dẫn người khác đến nguồn ánh sáng đích thực là Thiên Chúa?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi trở nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian qua các việc lành thánh, để làm vinh danh Thiên Chúa và làm chứng cho Đức Kitô. Chúng ta cùng chung lời cảm tạ Chúa và tha thiết cầu xin:
1. Chúa Giêsu nói: “Các con là sự sáng thế gian.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn là những mục tử tận tụy, nêu cao gương sáng, hầu dẫn đưa mọi con chiên trong ràn cũng như ngoài ràn về qui phục Thiên Chúa là chủ chiên duy nhất.
2. Xã hội hiện đại đang bị đe dọa bởi những trào lưu trái với tinh thần Tin Mừng. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người thành tâm thiện chí ở khắp nơi trên thế giới biết can đảm khước từ bóng tối, luôn kiên trì tìm kiếm và quảng đại bước đi trong ánh sáng Đức Kitô.
3. “Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các Kitô hữu luôn ý thức thực thi tinh thần yêu thương phục vụ của Đức Kitô, trở nên gương sáng cho mọi người, nhằm khơi dậy lòng tin - cậy - mến nơi nhiều tâm hồn.
4. Người môn đệ của Chúa Kitô phải thấm nhuần tinh thần nhập thể của Thầy mình. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi gia đình và từng người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết sống hòa đồng với mọi người, và góp phần lành mạnh hóa môi trường chung quanh.
Chủ tế: Lạy Chúa là nguồn mạch Chân - Thiện - Mỹ, xin thương chúc lành cho những ý nguyện chân thành của chúng con, và ban ơn trợ giúp để chúng con luôn biết làm sáng danh Chúa qua bổn phận hằng ngày. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Đố vui Kinh Thánh trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024
-
Giáo hạt Xóm Mới cầu nguyện cho các linh hồn -
Giáo hạt Xóm Mới Huấn luyện Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ -
Thánh lễ cầu nguyện cho các vị Giám mục và Linh mục của TGP Sài Gòn đã qua đời -
Linh mục đoàn Giáo hạt Thủ Thiêm tĩnh tâm và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn tháng 11 -
Bản Ghi nhớ cho việc Chăm sóc Mục vụ Di dân -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XIV của Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Healing Night, Healing Love - Mẹ, Em & Tôi năm 2024 -
Thánh lễ Tạ ơn và Khai mạc năm Thực tập Mục vụ khóa 20 Đại Chủng Viện Sài Gòn -
Linh mục đoàn giáo hạt Gia Định tĩnh tâm tháng 10
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023