Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 23 Thường Niên - Năm C

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 23 Thường Niên - Năm C

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 23 Thường Niên - Năm C

CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN NĂM C

(Kn 9,13-18; Plm 9b-10.12-17
Lc 14,25-33)

CHỦ ĐỀ:
TỪ BỎ MỌI SỰ để LÀM MÔN ĐỆ CHÚA

Ai trong anh em
không từ bỏ hết những gì mình có,
thì không thể làm môn đệ tôi được

(Lc 14,33)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Các bài đọc hôm này nói về ý định cứu độ của Thiên Chúa, với những cách thế cụ thể con người cần làm, sự chọn lựa tận căn và cái giá cần trả đến mức từ bỏ mọi sự để được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa.

1. Bài đọc I (Kn 9,13-18)

Bài đọc 1 trích từ sách Khôn Ngoan cho thấy tình trạng con người đứng trước chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Con người yếu đuối và giới hạn, chưa thể hiểu được những gì xảy ra ở hạ giới thì làm sao hiểu nổi ý định của Thiên Chúa để nhận được ơn cứu độ. Mặc dù ý định và chương trình cứu độ của Thiên Chúa nằm trong bối cảnh của con người và con người có thể nắm bắt được bằng trí khôn ngoan của mình, nhưng để thấu hiểu được điều đó, phải nhờ vào Đức Khôn Ngoan và Thần Khí Thánh của Người.

Thật vậy, khả năng tự nhiên của con người không thể nắm bắt được ý định cứu độ của Thiên Chúa. Điều này được diễn tả ra bằng năm điểm cụ thể. Trước hết, suy tư của con người rất giới hạn nên không thể có sự hiểu biết thần linh, nếu không được mặc khải cho. Thứ hai, chính vì thế, Thiên Chúa sẽ gửi Đức Khôn ngoan và Thần Khí tới để soi sáng cho con người. Thứ ba, Đức Khôn Ngoan và Thần Khí sẽ chỉ dạy cho con người con đường, sự thật và sự sống, như Đức Giêsu sẽ hứa trong thời của Người rằng Người sẽ sai Thần Khí đến để dạy con người mọi sự và giúp thông hiểu những gì Người đã nói và đã làm. Thứ tư, nhờ Thần Khí hướng dẫn, con người  biết cách thế làm đẹp lòng Thiên Chúa. Cuối cùng, nhờ Đức Khôn Ngoan và Thần Khí Thánh của Thiên Chúa, con người sẽ biết cách sửa đổi đời sống và nhờ đó mà được cứu độ.

Hình ảnh và vai trò của Đức Khôn Ngoan ở đây chính là hình ảnh và vai trò của Đức Giêsu, Ngôi Lời và Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa; và Thần Khí Thánh ở đây chính là Chúa Thánh Thần trong thời Tân Ước.

2. Bài đọc II (Plm 9b-10.12-17)

Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô cho thấy rằng nhờ Phép Rửa, người Kitô hữu đã có một sự thay đổi tận căn, biết tha thứ và đón nhận nhau để thiết lập một tương quan mới nhân danh Đức Giêsu Kitô. Thật vậy, thánh Phaolô đã nâng đỡ cho người tân tòng Ônêximô, và nhân danh lòng bác ái Kitô giáo mà xin ông chủ cũ của anh là Philêmôn tha thứ cho anh. Ônêximô trước đây là nô lệ của Philêmôn, đã trốn đi vì làm thiệt hại tài sản và mắc nợ ông chủ (x. Plm 18). Sau khi anh này trở thành Kitô hữu, thánh Phaolô đã gửi anh ta về cho chủ và xin ông hãy đón nhận anh không phải như một nô lệ, mà là như một người anh em trong Đức Kitô.

Thánh Phaolô xin Philêmôn thực hiện điều đó, không phải dựa trên uy quyền, nhưng dựa trên tình người và tình anh em đồng đạo trong Chúa. Hơn nữa, thánh Phaolô cũng tin rằng với sự hoán cải và được trở thành người Kitô hữu, Ônêximô đã thực sự thay đổi lối sống, không còn giả dối, tham lam hay trộm cắp, mà đã trở thành một con người mới khả tín, có thể cộng tác trong công việc và thiết lập tương quan mới: trở nên anh em rất thân mến trong gia đình Giáo Hội. Đáp lại, vì trở nên người anh em, dù Ônêximô vẫn quay lại công việc thường ngày là phục vụ ông chủ, nhưng không phải tinh thần của một người nô lệ, nhưng là tinh thần của người anh em trong một gia đình mới.

Như thế, nhờ được trở nên Kitô hữu, con người được Thiên Chúa cứu độ, được biến đổi mọi mặt: cả tư cách, tương quan và nhất là có lối sống xứng hợp với hoa trái của Thần Khí; đồng thời, có thể có khả năng đáp trả những đòi hỏi từ Tin Mừng của Đức Giêsu, Ngôi Lời Khôn Ngoan thượng trí của Thiên Chúa.

3. Bài Tin Mừng (Lc 14,25-33)

Bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh về cái giá phải trả để trở thành môn đệ Đức Giêsu, hay nói rộng hơn là để trở thành người Kitô hữu. Trong bối cảnh có rất nhiều người đi theo Đức Giêsu, nhưng không phải tất cả đều vượt qua được ngưỡng cửa cuối cùng để gia nhập vào “gia đình” của Người. Ngưỡng của cuối cùng và cũng là điều kiện tiên quyết để trở thành môn đệ Đức Giêsu là sự “từ bỏ”: “Ai đến với Tôi mà không ghét [ghét ở đây là cách nhấn mạnh của hành động từ bỏ; xem đoạn văn song song trong Mt 10,37tt: yêu cha mẹ,… nhiều hơn yêu Chúa] cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Tôi được. Ai không vác thập giá mình mà theo Tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,25-33). Để có thể làm môn đệ Đức Giêsu, người đó phải sẵn sàng từ bỏ mọi sự, ngay cả những tương quan mật thiết nhất và ngay cả “chính mình”. Điều này được thể hiện qua việc “vác thập giá mình” nghĩa là sẵn sàng chịu đau khổ và chết, nhất là chết cho cái tôi của mình, như cái giá phải trả cho việc đi theo Đức Giêsu. Đó là điều rất khó, và điều sau cùng trở nên khó nhất vì người ta có thể từ bỏ được nhiều thứ, nhưng rất khó bỏ “cái tôi” của mình. Như thế, mọi giá trị trần thế trở nên tương đối trước sự chọn lựa theo Đức Giêsu, vì vậy cần đặt Đức Giêsu lên trên mọi giá trị khác, qua việc chọn lựa và từ bỏ.

Đức Giêsu đã ví việc nhận thức và chọn lựa điều cốt yếu để kiến thiết đời sống Kitô hữu với hai dụ ngôn: xây tháp và đi chinh chiến. Dụ ngôn thứ nhất cho thấy cần phải tính trước cái giá phải trả cho việc xây cất tháp. Người môn đệ cũng thế, cần phải thấy trước cái giá mình phải trả trong việc kiến thiết đời sống của mình trên con đường bước theo Đức Giêsu, và có thể ngầm hiểu cái giá cao nhất đó là từ bỏ mọi sự, ngay cả mạng sống mình. Dụ ngôn thứ hai cho thấy vị vua ra đi chinh chiến phải lường trước năng lực của mình, kể cả cái giá phải trả khi bước vào cuộc chiến, nơi mà chỉ có một khả năng xảy ra: chiến thắng vinh quang hoặc chiến bại, đồng nghĩa với mất mạng sống. Nếu ý thức được điều đó, vị vua đó sẽ có chọn lựa thích đáng: chiến đấu hay cầu hòa; nghĩa là sẽ có một chọn lựa chính xác để bảo toàn sự sống của mình. Vị vua này không thể xem vua kia vừa là bạn (cầu hòa) vừa là thù (chiến đấu) được. Người môn đệ cũng vậy, không thể theo Đức Giêsu cách nửa vời được.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

 1.Con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài [Thiên Chúa], và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ. Có khi nào chúng ta quá cậy dựa vào sức mình qua những suy tư và hiểu biết về kiến thức Kinh Thánh, Thần học hay giáo lý, để nghĩ rằng mình đã thông hiểu được ý định của Thiên Chúa hay không? Đức Khôn Ngoan là Đức Giêsu Kitô và Thần Khí Thánh là Chúa Thánh Thần có vai trò như thế nào đối với tôi trong đời sống đạo?

2. Xin hãy đón nhận Ônêximô, không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến. Khi đã chịu Phép Rửa để trở thành Kitô hữu, mọi người trở nên anh em với nhau trong một gia đình Giáo Hội có Đức Giêsu Kitô làm đầu. Vậy có khi nào chúng ta nhìn về quá khứ đau buồn của một người nào đó để khinh miệt, hoặc có sự phân biệt đối xử giai cấp, chủ tớ, sang hèn, giàu nghèo,… trong cộng đoàn, trong giáo xứ của chúng ta hay không?

3. Ai không từ bỏ hết những gì mình có thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu, hoặc một Kitô hữu thực sự, thì cần phải biết các điều kiện được đặt ra, và xét xem mình có khả năng đáp ứng được hay không. Đức Giêsu muốn người ta đi theo Người cách ý thức và có cân nhắc, nếu không sẽ dừng lại bỏ cuộc giữa đường thì chẳng được ích gì, thậm chí có hại cho bản thân mình. Một trong những điều kiện tiên quyết, đó là từ bỏ ngay cả những gì cao quý nhất: tương quan gia đình và cả bản thân mình. Đức Giêsu đã dạy người ta yêu thương mọi người và thảo kính cha mẹ, nhưng điều này cho thấy mối tương quan với Đức Giêsu phải được đặt ưu tiên hơn mọi tương quan khác. Vậy đối với tôi, Đức Giêsu là ai và tôi đã đặt Người ở vị trí nào trong cuộc đời và trong các mối tương quan của tôi?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Từ bỏ mọi sự và vác thập giá hằng ngày là đòi hỏi tiên quyết đối với những ai muốn trở nên môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Với niềm xác tín và quyết tâm theo Chúa, chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu xin.

1. Thiên Chúa luôn ban Thánh Thần để soi sáng và hướng dẫn Hội Thánh của Người. Chúng ta cùng cầu xin cho Đức Giáo hoàng Phanxicô và các Đức Giám mục của chúng ta luôn chu toàn vai trò lãnh đạo trong Hội Thánh theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

2. Hạnh phúc đích thực của con người là được sống đúng với phẩm giá của mình. Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhà cầm quyền các quốc gia trên thế giới biết tôn trọng tự do và phẩm giá con người, luôn dành mọi ưu tiên cho lợi ích và hạnh phúc của người dân.

3. Chúa nói: “Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu, cách riêng những người trẻ, luôn can đảm trước mọi thử thách, biết dùng khả năng và nhiệt huyết Chúa ban để dấn thân phục vụ Tin Mừng.

4. Trong Đức Kitô, tất cả các Kitô hữu đều hiệp thông với nhau trong tình huynh đệ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn đồng tâm nhất trí và tích cực cộng tác với nhau trong những hoạt động nhằm xây dựng và mở mang Nước Trời.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa luôn soi sáng và hướng dẫn chúng con bằng Thánh Thần của Chúa, xin đoái thương nhận lời con cái khẩn cầu mà nâng đỡ chúng con trong nỗ lực từ bỏ để trở nên môn đệ đích thực của Đức Giêsu Kitô, Con Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top