Phỏng vấn Đức Tân Giám mục Chính toà Phan Thiết

Phỏng vấn Đức Tân Giám mục Chính toà Phan Thiết

 ĐỨC GIÁM MỤC GIUSE VŨ DUY THỐNG, TÂN GIÁM MỤC PHAN THIẾT: 

“Tương đồng giúp hiểu nhau, những nét khác biệt là để yêu thương và hợp tác với nhau”
 
Đức cha Giuse Vũ Duy Thống (ĐC.VDT), 57 tuổi, sau 8 năm làm Giám mục Phụ tá Giáo phận TPHCM, vừa được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Chánh tòa Phan Thiết ngày 25.7.2009. Đây là vị Giám mục Chánh tòa thứ 3 của giáo phận non trẻ sắp đầy 35 năm tuổi này. Mới đây, ngài đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo CGvDT trước ngày lên đường ra Phan Thiết nhậm chức. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả. 
CGvDT: Xin Chào mừng Đức cha vừa được Tòa Thánh đặt vào cương vị mới là Giám mục Chánh tòa Phan Thiết. Sự kiện này, với nhiều người Công giáo thường xuyên quan tâm đến tình hình Giáo hội trong nước, không phải là bất ngờ lớn. Còn với “người trong cuộc” thì thế nào, thưa Đức cha ?
ĐC.VDT: Người trong cuộc cũng không thấy bất ngờ lắm, vì lộ trình của việc bổ nhiệm đã được Tòa Thánh cho biết từng bước. Ngày 20.10.2008 : Tòa Thánh thông báo ý định bổ nhiệm cho Chính phủ Việt Nam; ngày 03.3.2009 : Bộ Truyền giáo báo cho biết ĐTC Bênêditô XVI đã bổ nhiệm; ngày 06.7.2009, dịp đi Ad Limina: Bộ Truyền giáo lại cho biết việc bổ nhiệm sẽ được công bố vào ngày lễ thánh Giacôbê Tông Đồ 25.7.2009. Tuy nhiên, khi nghe tin Tòa thánh công bố, vẫn có một chút bất ngờ : thứ bất ngờ của người đứng trước một việc từ khả thể chuyển sang hiện thực.
CGvDT: Công việc của một Giám mục Phụ tá mà Đức cha đang đảm nhận chắc chắn khác nhiều so với công việc sắp tới của một Giám mục chánh tòa, Đức cha có hình dung ra những khó khăn có thể có trong bước đầu ?
ĐC.VDT: Tôi không quen đeo đá vào mình, nên cũng ít nghĩ tới những khó khăn, có chăng là hình dung ra những mới lạ. Khó khăn đòi phải đương đầu giải quyết, còn mới lạ gọi mời khám phá chinh phục. Đi nhận một giáo phận mới cũng đồng nghĩa với việc dấn bước vào cuộc sống mới với những công việc mới. Những điều mới ấy khiến tôi phải dành thời giờ tìm hiểu để có thể nhập cuộc dễ dàng. Trước khi được bổ nhiệm, giáo phận Phan Thiết đối với tôi là một vùng đất lạ với những danh xưng lạ, nhưng một khi được trao cho mình trách nhiệm, những nét lạ ấy cũng dần dần trở thành thân quen, vì xét cho cùng, từ nay, đơn giản tôi là người Phan Thiết!
CGvDT: Lớn lên và tu học tại Sài Gòn, rồi trong cương vị linh mục và Giám mục vân tiếp tục phục vụ tại GP.TPHCM, bây giờ được đặt làm chủ chăn của một giáo phận xa. Điều này có khiến Đức cha có những lo lắng ?
ĐC.VDT: Mỗi giáo phận đều có những nét đặc thù gắn liền với địa phương mình, nên đây là một trong những điều tôi nghĩ là cần quan tâm hơn để phục vụ tốt hơn. Không thể đem những định hướng của địa phương này để áp dụng cho địa phương khác, nhưng người ta vẫn có thể học hỏi được ở chính những định hướng ấy một số kinh nghiệm làm tiền đề cho những chọn lựa mục vụ sau này. Tám năm làm Giám mục Phụ tá tại GP.TPHCM, đối với tôi, là một thời gian đẹp để có một số trải nghiệm nhất định làm hành trang dấn bước lên đường. Còn những lắng lo, nhất là những lắng lo mục vụ, ở đâu mà chẳng có, và phải có thì bước đi mới bớt chênh vênh. Đúng không?
CGvDT: Xin Đức cha vui lòng cho độc giả CGvDT biết đôi nét về giáo phận Phan Thiết hiện nay ?
ĐC.VDT: Giáo phận Phan Thiết may mắn nằm gọn trong tỉnh Bình Thuận, với số dân khoảng 1.033.000 người, trong đó số tín hữu là trên 155.000, được phân bổ trong 65 giáo xứ và 35 giáo họ cũng như giáo điểm, dưới sự chăm sóc mục vụ của khoảng 90 linh mục. Cũng có 15 cộng đoàn dòng tu nam nữ hiện diện và phục vụ tại các giáo xứ và giáo họ trong giáo phận. Ngoài ra, còn có Chủng viện Thánh Nicôla cho những lớp tiền-chủng viện, những trạm khám bệnh cho người nghèo, những nhà nuôi dạy trẻ thiểu năng và ở hạt Đức Tánh cũng có cơ sở nhận nuôi người già cả. (Theo tài liệu của Ban nghiên cứu lịch sử GP Phan Thiết).
CGvDT: Về địa lý, giáo phận Phan Thiết ngoài miền đồng bằng còn có những giáo xứ vùng biển và vùng rừng núi, đó là chưa kể, đây cũng là vùng đất được xem là có nhiều giáo dân từ khắp nơi hội về. Tất cả những khác biệt về địa lý, vùng miền...chắc chắn sẽ tạo ra những khác biệt về văn hóa, sinh hoạt, kinh tế, quan niệm sống...Theo Đức cha, vị chủ chăn phải làm gì khi hoạch định các chương trình mục vụ để đảm bảo cân đối giữa các vùng, sao cho hợp nhất thành một đại gia đình chan hòa, vững mạnh..., nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng riêng của từng mảng ?
ĐC.VDT: Câu trả lời đã hàm chứa trong câu hỏi rồi. Tuy nhiên, cũng có thể đưa ra một lối nhìn mang tính gặp gỡ. Về địa lý, giáo phận Phan Thiết là một miền đồng bằng (chừng 30% diện tích), nơi gặp gỡ giữa núi rừng và biển cả; về giáo sử, lại là nơi gặp gỡ giữa Tổng giáo phận Huế và Tổng giáo phận TPHCM (trước kia Phan Thiết thuộc giáo phận Nha Trang, trong TGP Huế, và khi tách ra (30.01.1975) lại thuộc phía Nam trong TGP Sài Gòn); về nhân văn, còn là nơi gặp gỡ của nhiều nhân sự tại chỗ và nhiều lớp người đến từ các cuộc di cư. Những yếu tố gặp gỡ ấy chắc chắn sẽ đem đến sự giao thoa về mọi mặt, nhưng quan trọng là biết tôn trọng cái “khác” và đừng bao giờ chuyển thể thành cái “khắc”. Những nét tương đồng sẽ giúp hiểu nhau, còn những nét khác biệt lại cần để yêu thương và hợp tác với nhau.
CGvDT: Đức cha là người đứng đầu UBVH/HĐGMVN, cũng là người khai sinh ra Trung Tâm Văn Hóa Công Giáo đặt tại ĐCV Thánh Giuse TP.HCM. Nay Tòa Thánh bổ nhiệm Đức cha về Phan Thiết, những công việc ở Trung tâm này liệu có bị ảnh hưởng ?
ĐC.VDT: Tôi là người chịu trách nhiệm tổng quát, nhưng sinh hoạt của Trung tâm lại được đặt dưới sự điều phối của một ban quản trị bao gồm một số linh mục và tu sĩ hiện diện tại TP.HCM, nên dù không có mặt tại chỗ, mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Vả lại, Phan Thiết chỉ cách TP.HCM có 186 km, nên theo lời dạy của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, chắc tôi còn có nhiều dịp đi đi về về để tham gia các sinh hoạt của Trung tâm, nhất là trong dịp Kim Khánh Hàng Giáo Phẩm Việt Nam 2010 sắp tới.
CGvDT: Những am hiểu về văn hóa-nghệ thuật Công giáo của Đức cha có lẽ là kinh nghiệm tốt để Đức cha áp dụng cho việc tổ chức Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Tà Pao tại giáo phận Phan Thiết ?
ĐC.VDT: Tôi chưa một lần hân hạnh dâng lễ tại Trung tâm này, nhưng nghe khách hành hương thuật lại, nơi đây từng ngày đã được xây dựng, nhất là những bậc thang hai bên Đài Đức Mẹ, thuận tiện cho việc lên xuống cầu nguyện kính viếng; tuy nhiên có lẽ còn nhiều việc đang được làm. Hy vọng, với sự cộng tác nhiệt tình của mọi người, Trung tâm này sẽ trở nên địa chỉ gặp gỡ của những tín hữu thành tâm với Đức Mẹ.
CGvDT: Là người có nhiều năm làm giáo sư ĐCV, nhân năm linh mục, xin Đức cha chia sẻ một vài nhận xét về việc đào tạo linh mục ngày nay và những vấn đề thời đại mà các linh mục cần quan tâm ?
ĐC.VDT: Việc đào tạo linh mục thì thời nào cũng thế, luôn bao gồm nhiều chiều kích: thiêng liêng, tri thức, nhân bản và mục vụ. Nhưng tại Việt Nam hôm nay, ngoài việc hoàn thiện bản thân để lãnh nhận tác vụ, còn chú ý đến việc loan báo Tin Mừng. Nhân năm linh mục, tôi có ba điều ước. Một là ước sao mọi linh mục trong Năm Thánh dành cho mình, biết thực hiện một cuộc hành hương nội tâm “xuất phát lại từ Đức Kitô”, khơi thắm lại tình yêu đã một lần đạt tới đỉnh cao trong ngày nhận lãnh chức thánh, để tìm lại tình đầu và thể hiện lối sống thuộc về Đức Kitô mỗi ngày một trọn vẹn hơn. Hai là ước sao mọi linh mục sẽ theo gương thánh bổn mạng JM Vianney, để sống sứ mạng mục tử “vì phần rỗi các linh hồn” một cách chân thành, nhiệt thành và trung thành. Ba là ước sao mọi linh mục thể hiện sống động hơn nữa tình huynh đệ linh mục do thánh chức, do Giáo luật và do điều kiện mục vụ.
CGvDT: Khi nào Đức cha chính thức về giáo phận mới của mình?
ĐC.VDT: Theo chương trình thống nhất giữa GP.TPHCM và giáo phận Phan Thiết, thì ngày 31.8.2009 tôi sẽ được đón về giáo phận mới và lễ nhận tòa sẽ diễn ra sáng ngày 03.9.2009 tại nhà thờ Chánh tòa Phan Thiết.
CGvDT: Đức cha có điều gì muốn nhắn gửi với bạn đọc CGvDT và bà con giáo dân xa gần trước khi về nhận giáo phận Phan Thiết?
ĐC.VDT: Phục vụ tại GP.TPHCM suốt một thời gian dài, được hân hạnh quen biết và gặp gỡ bà con giáo dân qua trang báo hoặc trực tiếp qua những lần viếng thăm các giáo xứ, xin cám ơn tấm thịnh tình của quý vị thể hiện qua lời kinh hay qua tiếp xúc. Những tấm lòng ấy đã nâng đỡ tôi thật nhiều trên bước đường sứ vụ. Nay về nhận giáo phận mới, nếu điều kiện công việc cho phép, có thể sẽ được gặp lại quý vị cách này cách khác. Một lần nữa, xin cám ơn và xin Chúa chúc lành cho mọi người chúng ta.
CGvDT: Xin cảm ơn Đức cha và kính chúc Đức cha cùng giáo phận Phan Thiết gặt hái được nhiều thành công trong thời gian sắp tới.
                                                                                                                                                                                                               LÊ HỮU TUẤN thực hiện

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top