Phó Chánh án Tòa Ân giải Tối cao: Tòa giải tội, Cửa thánh cho tâm hồn

Phó Chánh án Tòa Ân giải Tối cao: Tòa giải tội, Cửa thánh cho tâm hồn

Phó Chánh án Tòa Ân giải Tối cao: Tòa giải tội, Cửa thánh cho tâm hồn

Đức cha Krzysztof Józef Nykiel, Phó Chánh án Tòa Ân giải Tối cao, suy tư về thời điểm đổi mới tâm linh, hoán cải và hòa giải được Năm Thánh mang lại. Ngài nhấn mạnh rằng các Cửa Thánh lần lượt được mở ra là biểu tượng của cánh cửa cứu rỗi do Chúa Kitô mở ra.

Đức cha Krzysztof Józef Nykiel giải thích rằng “ân xá là biểu hiện hữu hình của lòng thương xót của Thiên Chúa, vốn vượt qua và biến đổi các giới hạn của công lý con người”. Trong cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Vatican, Phó Chánh án Tòa Ân giải Tối cao nhấn mạnh rằng chúng ta học được ý nghĩa của nó khi nghiên cứu cuộc đời của các thánh, đồng thời nói thêm rằng “nhìn vào gương sáng của các ngài, chúng ta thấy rằng ân sủng của Thiên Chúa có thể biến đổi ngay cả những điểm yếu lớn nhất. Ân sủng mang lại cho chúng ta niềm hy vọng về sự tha thứ tội lỗi của chúng ta và giúp chúng ta đi theo con đường thánh thiện.” Ngài nói thêm: “Một ân xá giải giải thoát tâm hồn khỏi gánh nặng tội lỗi để việc đền tạ có thể được thực hiện một cách dễ dàng”.

Điều kiện để được hưởng ân xá

Ngài nhắc lại rằng “để được hưởng ơn toàn xá trong Năm Thánh 2025, các tín hữu phải tuân thủ các điều kiện cụ thể do Giáo hội đặt ra: xưng tội, rước lễ, tuyên xưng đức tin, cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng, các việc làm của lòng thương xót, hành hương đến các nơi thánh, quyết định nội tâm từ bỏ hoàn toàn tội lỗi, kể cả tội nhẹ.

Những người hành hương của Chúa Kitô

Đề cập đến sắc chỉ công bố Năm Thánh thường lệ năm 2025, Đức cha Nykiel nhận xét rằng hành hương là sự kiện trung tâm của bất kỳ Năm Thánh nào. “Về bản chất, hành hương là cuộc hành trình cá nhân của một Kitô hữu theo bước chân của Đấng Cứu Thế. Nó tóm tắt ý nghĩa của đời người; như Thánh Gioan Phaolô II đã chỉ ra, toàn bộ đời sống Kitô hữu giống như một cuộc hành hương vĩ đại về nhà Chúa Cha (Tertio millennio adveniente, 49). Thực hiện một cuộc hành hương, bắt đầu cuộc hành trình, không chỉ hàm ý một sự thay đổi về địa điểm vật lý, mà còn là một sự biến đổi chính mình. (…) Theo nghĩa này, cuộc hành hương Năm Thánh bắt đầu trước chính cuộc hành trình, trước khi thực hiện bước đầu tiên. Nói cách khác, nó bắt đầu bằng quyết định ra đi, một quyết định vì Chúa Kitô. (…) Không có nó, sẽ khó mà sống được kinh nghiệm về sự hoán cải, về thay đổi cuộc sống để hướng nó tới sự thánh thiện của Thiên Chúa”.

Xưng tội, một yếu tố thiết yếu của cuộc hành hương

Hơn nữa, Phó Chánh an Tòa Ân Giải Tối cao chỉ ra rằng việc xưng tội là một yếu tố thiết yếu của một cuộc hành hương được coi như một kinh nghiệm hoán cải. Khi xưng tội, “chúng ta nhận ra tội lỗi của mình và dâng chúng cho Thiên Chúa, cầu xin sự tha thứ của Ngài”, Đức cha Nykiel nhắc lại và đồng thời nói thêm rằng “linh mục là người quản lý, nghĩa là tôi tớ, đồng thời là người phân phát khôn ngoan lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài được giao trách nhiệm nặng nề là ‘tha hay cầm giữ tội lỗi’ (xem Ga 20, 23).

Ý nghĩa của Cửa Thánh

Nhắc lại tầm quan trọng của việc đi qua Cửa Thánh trong các vương cung thánh đường giáo hoàng ở Rôma, Đức Cha cũng giải thích rằng các Vương cung thánh đường này là biểu tượng của cánh cửa dẫn đến ơn cứu rỗi linh hồn và đã được Chúa Kitô mở ra.

Chúng thể hiện lời kêu gọi biến đổi cuộc sống, hòa giải với Thiên Chúa và với người lân cận. Do đó, việc đi qua chúng gợi lên hành trình từ tội lỗi đến ân sủng, điều mà mọi Kitô hữu đều được mời gọi thực hiện. Chỉ có một lối vào duy nhất mở ra cánh cửa sự sống hiệp thông với Thiên Chúa, đó là Chúa Giêsu, con đường cứu rỗi duy nhất”.

(theo Dorota Abdelmoula Viet, Krzysztof Bronk – Vatican News)

Nguồn: xuanbichvietnam.net

Top