Phẩm giá con người sẽ ra sao nếu Kitô giáo suy thoái?

Phẩm giá con người sẽ ra sao nếu Kitô giáo suy thoái?

Phẩm giá con người sẽ ra sao nếu Kitô giáo suy thoái?

TGPSG / CatholicExchange -- “Không có thế lực nào trên trái đất này có thể hủy diệt được khát vọng về phẩm giá con người” - Nelson Mandela.

Từ những ngày đầu của nền văn minh phương Tây, phẩm giá con người đã luôn là một giá trị cốt lõi, được gìn giữ và nâng niu. Và thật đúng đắn khi nhận ra rằng, chính Kitô giáo luôn nuôi dưỡng và phát triển giá trị cao cả của con người.

Nhà triết học Jürgen Habermas, tuy không thuộc Kitô giáo, vẫn khẳng định mạnh mẽ:

“Ý niệm mọi người đều bình đẳng với nhau - từ đó phát sinh ra các tư tưởng về tự do, nhân quyền và dân chủ - là di sản trực tiếp của đạo đức Do Thái giáo và Kitô giáo... Chúng ta vẫn đang sống nhờ di sản ấy.”

Khi Kitô giáo hiện diện trong bất kỳ xã hội nào, điều đó không chỉ mang đến ánh sáng Tin Mừng, mà còn khơi dậy một cái nhìn mới về con người: mỗi người đều có giá trị bất khả xâm phạm, vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và được cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô.

Tuy nhiên, những thập niên gần đây đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể số người rời xa niềm tin Kitô giáo, đặc biệt tại Hoa Kỳ cũng như tại Anh Quốc.

Điều này không chỉ là vấn đề thống kê, mà còn là một hồi chuông cảnh báo, vì như Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, George Washington, đã từng nói:

“Không thể có một nền tự trị vững bền nếu thiếu đạo đức, và không thể có đạo đức nếu thiếu tôn giáo.”

Vậy điều gì sẽ xảy ra với phẩm giá con người nếu ánh sáng của Đức Kitô không còn chiếu soi các nền văn hóa?

Trong niềm tin Công giáo, phẩm giá con người không dựa trên công trạng, quyền lực hay địa vị xã hội, mà hệ tại nơi sự thật vĩnh cửu: mỗi người đều được Thiên Chúa dựng nên với mục đích yêu thương, được mời gọi sống hiệp thông với Ngài qua ân sủng. Nếu con người bị tách rời khỏi mối tương quan này, phẩm giá sẽ bị hiểu sai và cuối cùng tan biến trong chủ nghĩa cá nhân và duy tương đối.

Triết gia Nietzsche, dù phê phán Kitô giáo gay gắt, vẫn vô tình thừa nhận sự thật này khi ông viết:

“Con người tự nó không sở hữu phẩm giá, quyền lợi hay nghĩa vụ.”

Chính từ thái độ phủ nhận Thiên Chúa, Nietzsche đã dẫn đến hình ảnh một nhân loại không còn nền tảng đạo đức, không còn điểm tựa cho giá trị sống. Những gì ông mô tả không phải là giải thoát, mà là một vực thẳm.

Và thật đáng buồn, một thế giới hậu Kitô giáo hôm nay đang dần phản ánh thực trạng đó. Những trào lưu cực đoan như phá thai, an tử, chủ nghĩa giới mơ hồ, sự tôn vinh công nghệ như một “vị thần mới”... tất cả không đơn thuần là vấn đề xã hội, mà là dấu hiệu của một nền văn hóa đang đánh mất ý thức siêu việt về con người.

Nếu phẩm giá không còn được đặt trên nền tảng của Thiên Chúa - Đấng là Sự Thật và là Tình Yêu - thì phẩm giá ấy sẽ bị quyết định bởi thế lực trần gian, bởi sở thích, bởi số đông... và như thế, không còn là phẩm giá đích thực nữa.

Chúng ta, những người Kitô hữu, không thể đứng ngoài cuộc. Chúng ta được mời gọi trở nên men, muối và ánh sáng giữa lòng thế giới. Hơn bao giờ hết, cần phải loan báo Tin Mừng cứu độ, không chỉ bằng lời nói, mà bằng đời sống thánh thiện, công chính và dấn thân cho công ích. Vì chỉ trong Đức Kitô, phẩm giá con người mới được tỏ lộ cách trọn vẹn:

“Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình... Nhờ Người, muôn vật được tạo thành” (Cl 1,15-16).

Chúng ta hãy tiếp tục công việc của Chúa, không với tâm thế bi quan, nhưng bằng đức tin kiên vững, đức cậy hy vọng và đức mến nồng nàn.

Tác giả: F. Andrew Wolf Jr.

Giuse Nguyễn Huy Hoàn (TGPSG) lược dịch từ CatholicExchange

 

Top