Osin thời nay
“ Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm ” (Lc.17,10)
Hiện nay tại các thành phố lớn, trên các trục đường chính ta thấy những trung tâm giới thiệu việc làm mọc lên như nấm, người tìm việc, kẻ tìm người ra vào như trẩy hội, để có việc làm hay tìm được người làm, cả hai đối tượng đều phải mất một ít thù lao theo sự thỏa thuận giữa người có nhu cầu và dịch vụ môi giới. Một trong những ngành nghề đơn giản nhất, đó là “ Osin ”, gọi cho “ tây ”, thực chất là giúp việc nhà cho những gia đình khá giả, nhưng với công việc tưởng chừng đơn giản này, cũng làm cho lắm kẻ dở khóc, dở cười vì “ Osin ” thời nay.
Công việc của Osin cũng rất đơn giản như: Giữ em, chăm người già, bệnh tật, cho những cặp vợ chồng trẻ, những gia đình thành đạt, luôn bận bịu công việc kinh doanh hay công sở; đi chợ, nấu ăn, lau dọn nhà cửa, giặt đồ; trông coi nhà cửa, chờ cửa ban đêm mỗi khi chủ nhà có công việc phải về khuya…..Thường là nữ giới tuổi từ 18 đến ngoài 40, xuất thân từ ngoại thành hay ở những tỉnh lẻ, mức thù lao tùy thuộc vào công việc và sự thỏa thuận giữa hai bên. Trong quá trình quan hệ công việc, có những Osin từ người xa lạ trở thành người thân, nhưng không ít “ Osin ” trở thành gánh nặng vì lười biếng, làm việc không trách nhiệm, thực hiện công việc thuần túy vì lương tháng chứ không có lương tâm, thậm chí trở thành tội phạm như gây thương tích cho người mình có trách nhiệm săn sóc, thành kẻ sát nhân vì lòng tham, nhưng cũng có những “ Osin ” bị chủ hành hạ và vắt kiệt sức của họ, điều này báo chí phản ảnh thường xuyên. Nghề “ Osin ” rất cần thiết cho cuộc sống hiện nay, sự hiện diện và công việc của “ Osin ” cũng giúp ích nhiều cho người già, bệnh tật, trẻ em, khi mà người thân của họ không đủ thời gian săn sóc vì nhiều lý do khác nhau. Nếu Lời Chúa hôm nay được cất lên từ những “ Osin ”: “ Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm ”(Lc.17,10) thì thật là phúc cho cả chủ lẫn “ Osin ”.
Dưới nhãn quan của Thiên Chúa, Ngài không coi ta là đầy tớ, là “ Osin ”, như lời của Dức Giêsu: “ Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết ” (Ga.15,15). Nhưng với ta là những thụ tạo do tình yêu Ngài sinh dựng, bổn phận của chúng ta là nhìn nhận mình chỉ là những đầy tớ, đầy tớ vô dụng, điều mà Mẹ Maria đã nêu gương khi Mẹ thưa với Sứ Thần trong ngày truyền tin “ Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói ” (Lc.1,38).
Nhưng làm sao ta thực sự trở thành những “ Osin ”, là “ Osin ” vô dụng của Thiên Chúa, Ngài đâu là một Thiên Chúa bằng xương bằng thịt như Đức Kitô ở giữa ta như thời các thánh Tông Đồ. Vậy thì ta làm đầy tớ cho Chúa bằng cách nào và hình thức ra sao? Lần giở lại Tin Mừng ta thấy lời của Đức Giêsu nhắn nhủ với các môn đệ và những người Do Thái khi xưa và cũng cho cả thời ta đang sống: “ Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy ”(Mt.25,40). Hóa ra, Chúa ở trong những con người bé nhỏ tầm thường như ta, anh em ta và đang ở quanh ta, có những con người theo cách nhìn của thế gian thì không là gì với ta. Ái chà! Làm “ Osin ” cho Chúa, là ta làm “Osin ” cho nhau, điều này khó và cực kỳ khó…! Vì làm “ Osin ” cho những người hơn ta về mọi mặt đã đành, còn những người thấp bé cả về tri thức, chức vụ, vật chất, là vợ, chồng, con ta, Chúa nói là bé nhỏ, vậy là ta vẫn là “ Osin ” của họ. Chao ơi! Nói thì dễ nhưng khi thực hành thì quả là một vấn đề. Nhất là khi ta có một địa vị nhất định trong gia đình, xã hội và Giáo Hội.
Để giải quyết vấn để nan giải này, và dần trở thành những “ Osin ” của Thiên Chúa, với con người luôn yếu đuối mỏng dòn, luôn kiêu ngạo của ta. Ta chỉ có cách:
1. Hướng và học nơi Đức Giêsu người Thầy Chí Thánh của ta, Người Thầy như tiên tri I-sai-a đã tiên báo và diễn tả ba lần trong: “Bài Ca Người Tôi Trung ” (x, Is. Chương 42,49,53), hình ảnh rõ nét nhất của Thầy Giêsu như trong bữa tiệc ly: “ Trong một bữa ăn, Đức Giêsu đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau ” (Ga.13, 4-5), kế đến là Mẹ Maria, khi nhận mình là nữ tỳ của Thiên Chúa, Mẹ cất tiếng xin vâng, sau lời xin vâng, Mẹ đã đón nhận trọng trách mang thai và trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế. Thế nhưng, Mẹ đã quên mình đi khi vội vã lên đường thăm viếng và phục vụ người chị họ (Lc.1,26-45), ta cũng không thể nào quên được vị Ngôn Sứ cuối thời cựu ước, đó là Gioan Tiền Hô, nơi bờ sông Gio-dan khi người Do Thái hỏi về vai trò của ông, ông đã trả lời: “ Tôi là tiếng người hô trong hoang địa….. Ông Gio-an trả lời: Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người ” (Ga.1,23-27). Đây là những tấm gương “ Osin ” sống động cả về lời nói lẫn hành động, cho ta hướng và học hỏi.
2. Nhờ Đức Giêsu và Trong Đức Giêsu. Ngày 22/10/1978, ngày lễ đăng quang Ngôi Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, nơi bao lơn cửa sổ của tòa thánh Vatican trước quảng trường thánh Phêrô, dưới sự chứng kiến của trên dưới bốn trăm ngàn con chiên từ khắp nơi trên thế giới, Ngài đã lớn tiến kêu gọi: “ Hỡi tất cả các con, hỡi tất cả các thể chế chính trị, kinh tế, hỡi tất cả nam phụ lão, ấu, hãy mở cửa lòng, cửa nhà, cửa quốc gia để cho Giêsu tiến vào, chỉ có Ngài, Ngài mới biết chúng ta cần gì, thiếu gì, chỉ có từ nơi Ngài chúng ta mới có tất cả ”, sau lời kêu gọi đó, một biền người đã vỗ tay hoan nghêng Ngài một cách vang dội, tưởng chừng những tiếng vỗ tay đó vang đi khắp các lục địa, chân trời góc bể. Quả thật, chính nhờ Đức Giêsu, Vị Cha chung của Giáo Hội toàn cầu đã thực dự trở thành “ Đầy tớ của các đầy tớ ”. Đây là khẩu hiệu Ngài đã chọn khi lên ngôi Giáo Hoàng.
Vâng! Để thực dự trở thành “ Osin ” cho Thiên Chúa, qua những người anh em, ngoài việc noi gương Đức Giêsu, Mẹ Maria. Điều quan trọng hơn hết, là ta ở lại với Đức Giêsu trong đời sống cầu nguyện, trong lời của Ngài nơi Kinh Thánh, trong tình yêu của Ngài nơi bí tích Thánh Thể, qua đó ta xin Đức Giêsu giúp ta có đức khiêm nhường, vì có khiêm nhường ta mới có thể trở thành “ Osin ” của Chúa và của nhau, lời Chúa vẫn luôn mời gọi ta: “ Anh em hãy học cùng Ta, vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường ” (Mt.11,29), kế đến là ta xin Ngài tháp nhập tình yêu của Ngài vào tình yêu của ta, nhờ tình yêu của Ngài giúp ta thực sự trở thành “ Osin ” tận tâm, tận lực, thực hiện công việc trong tình yêu, thực hiện công việc của một “ Osin ” vì lương tâm, chứ không vì lương tháng. Đặc biệt trong thời đại này thời đại mà người có tiếng nói, có chức quyền, có tiền tài, luôn lấn áp kẻ cô thân cô thế, người bé nhỏ, từ trong mái ấm gia đình trở đi.
Lạy Chúa Giêsu! Xin Chúa ở lại trong con, xin tháp nhập Trái Tim Chúa vào trái tim con, nhờ đó mà con mới có thể trở thành đầy tớ của Chúa qua những người anh em hèn mọn chung quanh, trong mối tương quan gia đình, xã hội và Giáo Hội.
Xin cho con có nhân đức khiêm nhường, đây là nhân đức đứng hàng đầu trong các nhân đức, có nhân đức khiêm nhường con mới tự hạ mình trước Chúa và với nhau trong cuộc sống. Từ đó con mới thực sự là con cái trong gia đình nhà Chúa và qua con hình ảnh Chúa mới được tỏ hiện cho những người anh em. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Ba đạo sĩ là ai?
-
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ hai Năm Sự Vui - Đức Mẹ đi viếng bà Êlisabét -
Phó Chánh án Tòa Ân giải Tối cao: Tòa giải tội, Cửa thánh cho tâm hồn -
Bức thư năm 2025 từ Taizé: Hy vọng vượt trên mọi hy vọng -
Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem -
Giáng sinh trong thời chiến -
Bừng sáng Tình Yêu -
Chút suy tư mùa Giáng sinh 2024 -
Niềm vui Giáng Sinh là niềm vui nào? -
Mầu nhiệm Nhập Thể - Mầu nhiệm Chữa Lành
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19