Nữ tu tham gia vào đời sống Giáo hội và xã hội

Nữ tu tham gia vào đời sống Giáo hội và xã hội

Nữ tu tham gia vào đời sống Giáo hội và xã hội

WHĐ (21/02/2025) – Trong diễn văn dành cho các Tham dự viên Hội nghị Quốc tế với chủ đề “Phụ nữ trong Giáo hội: Những nghệ nhân của nhân loại”, Đức Giáo hoàng Phanxicô chia sẻ: “Giáo hội cần ghi nhớ điều này, bởi vì chính Giáo hội là một người nữ: là thiếu nữ, là hiền thê, và là mẹ. Và liệu ai có thể biểu lộ khuôn mặt của Giáo hội tốt hơn là phụ nữ?”[1] Và còn nhiều lần khác nữa, Đức Thánh Cha tiếp tục đề cao vai trò, sự đóng góp của phụ nữ trong việc tô điểm cho thế giới này mỗi ngày một hoàn thiện, đẹp hơn, ngài nói: “Không thể đạt đến một thế giới tốt đẹp, công bằng, toàn diện và bền vững hơn nếu không có sự đóng góp của phụ nữ”.

Những lời trên của Đức Thánh Cha, vừa là lời khen tặng, lời động viên, khích lệ và cũng như một lời nhắc nhớ đến những nét nổi bật nơi người nữ mà Thiên Chúa đã phú bẩm cho họ, để trở thành quà tặng cho Giáo hội. Thiên phú nơi người nữ là khả năng phản ánh sự thánh thiện của Thiên Chúa trong Giáo hội, và ngoài xã hội theo một cách thức độc đáo nơi họ hiện diện và hoạt động.

Những gì nơi Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ 16, từ trong tiến trình chuẩn bị, diễn tiến và kết thúc, hình ảnh những nữ tu có mặt tại Thượng Hội đồng cho thấy vị trí, sự đóng góp của các nữ tu trong Giáo hội ngày càng được nhìn nhận như Đức Hồng Y Bộ trưởng Bộ Giám mục ghi nhận: “Tôi nghĩ sẽ có một sự tiếp tục nhìn nhận rằng phụ nữ có thể đóng góp nhiều cho đời sống Giáo hội ở nhiều bình diện”.[2]

Như một nhịp nối từ cái nhìn về người phụ nữ nói chung mà Giáo hội quan tâm, tác giả chuyển dòng chảy suy tư đến đề tài “Người nữ tu tham gia vào đời sống Giáo hội và xã hội” khi dựa trên những thuộc tính liên hệ gần gũi về người nữ sống đời thánh hiến.

Trong chủ ý xây dựng ý tưởng của bài viết, ngoài dẫn nhập, phần thứ nhất của bài sẽ đưa độc giả đi đến một cái nhìn sơ lược về Giáo hội trong thế giới ngày nay, để thấy ngay cả trong quá khứ và hiện tại, Giáo hội và con người thời đại vẫn đang rất cần sự hiện diện và hoạt động của người tu sĩ. Phần tiếp theo của bài viết sẽ được tác giả đặt nền mang tính nghiên cứu dựa trên các văn kiện của Giáo hội bàn về đến đời sống thánh hiến của người tu sĩ cùng với những tham gia đóng góp của họ trong Giáo hội và xã hội. Tuy nhiên, thay vì trình bày từng văn kiện Giáo hội, người viết chọn lựa trình bày cách sắp xếp theo nội dung mà ở nhiều tài liệu văn kiện nói đến. Phần thứ ba của bài viết sẽ gửi đến độc giả nội dung Giáo hội đề cao vai trò, sự đóng góp của nữ tu trong Giáo hội và xã hội. Và phần cuối cùng sẽ là những bức tranh minh họa về những nẻo đường hiện diện, hoạt động của các nữ tu trong Giáo hội, xã hội, qua truy tìm thực tế dựa trên các bài báo quốc tế và trong nước (báo chí Công giáo) về những hoạt động của nữ tu trong Giáo hội và xã hội, mang tính toàn cầu hoặc địa phương. Những minh họa được xem là cụ thể này, chủ yếu được truy cập trên các website như https://www.globalsistersreport.org/ (Phóng sự/báo cáo của các nữ tu trên toàn cầu), https://betrenthuongcap.org/ với tập hợp thông tin liên hiệp các dòng tu, tu đoàn, tu hội, các trang đáng tin cậy như https://www.vaticannews.va/en.htm, https://sfccharity.com/...

Cũng cần xác định rằng, để có thể dẫn quý độc giả đi theo dòng suy tư của người viết, ngay cả khi dùng từ “tu sĩ” nói chung, thì ở đó, tác giả đã muốn nói đến các “nữ tu”- đối tượng của đề tài - mà không cần mở rộng thêm.

Các phần của đề tài suy tư gồm:

1) Giáo hội trong thế giới ngày nay;

2) Các văn kiện Giáo hội nói về đời sống, hoạt động của người tu sĩ, cũng như sự đóng góp lớn lao của họ cho Giáo hội và xã hội;

3) Giáo hội đề cao vai trò, sự đóng góp của nữ tu trong Giáo hội và xã hội;

4) Những nẻo đường hiện diện, hoạt động của nữ tu trong Giáo hội và xã hội.

 

I. Giáo hội trong thế giới ngày nay – “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10)

II. Các văn kiện Giáo hội nói về đời sống, hoạt động của người tu sĩ, cũng như sự đóng góp lớn lao của họ cho Giáo hội và xã hội

1. Giáo hội mong mỏi người tu sĩ cùng ra khơi truyền giáo

2. Giáo hội mong mỏi các tu sĩ kéo dài sự hiện diện của Đức Kitô giữa lòng thế giới

3. Giáo hội mong mỏi người tu sĩ góp phần vào sự thánh thiện của Giáo hội

4. Giáo hội mong mỏi người tu sĩ trở nên những ngôn sứ của thời đại

5. Giáo hội mong đợi sự canh tân của người tu sĩ để phục vụ Giáo hội với những đòi hỏi của thế giới ngày nay

6. Giáo hội đề cao và mời gọi sự phục vụ của tu sĩ trong Giáo hội và xã hội

III. Giáo hội đề cao vai trò, sự đóng góp của nữ tu trong Giáo hội và xã hội

IV. Những nẻo đường hiện diện, hoạt động của nữ tu trong Giáo hội và xã hội

1. Trên thế giới

2. Tại Việt Nam

Kết

 

I. Giáo hội trong thế giới ngày nay – “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10)

Như Đức Kitô đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau cho đến cuối chặng hành trình (x. Lc 24,14-35), Giáo hội ngày hôm nay cũng đang đồng hành với thế giới, với toàn thể nhân loại trong những lo lắng, ưu sầu, tính bấp bênh, mong manh của thế giới chông chênh này. Giáo hội biết mình phải ở “trong” thế giới, chứ không phải là ở “bên cạnh”, hay chỉ là “đứng trước” hoặc “đứng sau”, hoặc chọn lựa tình trạng đối đầu với thế giới này.[3]

Thế giới mà Giáo hội “ở trong” là nơi mà lịch sử nhân loại đang hành trình, mang đầy những dấu ấn của biết bao nỗ lực hành động của con người, trong cả thành công và thất bại, cả niềm vui lẫn nỗi buồn, hy vọng và thất vọng.[4] Thế giới đó bao hàm toàn thể nhân loại, vũ trụ, trái đất và cả lịch sử nhân loại, độc nhất và duy nhất, hàm chứa luôn cả những bất hòa, chia rẽ, chiến tranh, … những gì mà con người tạo nên một thế giới theo cách họ muốn.

Vì thế, Giáo hội biết mình phải trở nên chuyên viên, đồng hành với con người trên mọi nẻo đường. Điều này cho thấy Giáo hội trong vai trò người mẹ có nghĩa vụ chăm lo cho con cái về tinh thần và đời sống xã hội, dẫn dắt họ đi trong Chân Lý và Ánh Sáng của Chúa Kitô, Đấng Hằng Sống và là cứu cánh duy nhất của con người.[5]

Chính trong bối cảnh thế giới hiện nay đó, Giáo hội ngày càng phải hiện diện nhiều hơn, thi hành sứ mạng mục vụ “trong giai đoạn mới của Loan báo Tin Mừng” mà Giáo hội được mời gọi phải thúc đẩy”[6] cho con người trong mọi môi trường họ sống, mọi cảnh vực đời người, và bất luận họ thuộc tầng lớp xã hội nào, để cuối cùng, Tin Mừng được loan báo và Chúa Kitô được biết đến.

“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không có âm hưởng trong lòng họ... Họ phải cảm thấy thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại.”[7]

Nhưng ai sẽ đảm nhận những công việc của Giáo hội trong thế giới này cũng như đồng hành với con người ngày nay? Đó là tất cả những ai đã được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, bởi họ được mời gọi để cộng tác, hiệp thông với Giáo hội trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, trong sự chuyên biệt ở một chiều kích dấn thân tông đồ cách hiệu quả, những nam nữ tu sĩ là một trong những “chuyên viên” của Giáo hội được sai đến trong thế giới này để hoạt động, đỡ nâng những người đau khổ, thất vọng, bị đói khát nhiều lãnh vực, để Chúa Kitô hiện diện giữa nhân loại và cho họ đời sống mới. “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Thế nên, con người và thế giới hôm nay đang chờ đợi những tu sĩ sẽ có những cách thế để phản ánh cụ thể cách thức hành động của Đức Giêsu, mà trong trái tim và tình yêu Người, không có ai bị loại trừ, không có ai bị phân biệt.[8]

Do nhận ra những dấu chỉ thời đại, những đòi hỏi cấp bách để tham gia phục vụ Giáo hội trong ơn gọi với đoàn sủng riêng biệt khi thi hành sứ mạng, các nữ tu được mời gọi “biết tìm kiếm và vun trồng một sự hiện diện luôn mới mẻ, thích hợp với óc sáng tạo của các đấng lập dòng và với những mục tiêu nguyên thuỷ của tu hội mình.”[9] Họ, người nữ tu trong Giáo hội, không ngừng bị thúc bách phải tham gia ngày càng hiệu quả trong sứ mạng của mình, những sứ mạng gắn kết với đoàn sủng riêng biệt, nên họ không ngừng dấn thân vào các hoạt động nhằm thăng tiến toàn diện con người.”[10] Vì là “những chuyên viên Tin Mừng”, trong tư cách đảm nhận, những nữ tu có khả năng làm cho họ “trở nên hữu dụng để hàn gắn và kiến tạo xã hội.”[11]

Vì sự hiện diện và nhiệt thành dấn thân hoạt động tông đồ trong nhiều lãnh vực của Giáo hội và xã hội, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tạ ơn Chúa và khen ngợi những các tu sĩ vì sứ mạng họ đảm nhận và hoàn thành. “Chúng con tạ ơn Cha vì món quà đời sống thánh hiến. Họ hằng tìm kiếm Cha trong đức tin và mời gọi mọi người đến gần Cha, nhờ sứ mạng của họ trên khắp hoàn vũ.”[12]

II. Các văn kiện Giáo hội nói về đời sống, hoạt động của người tu sĩ, cũng như sự đóng góp lớn lao của họ cho Giáo hội và xã hội

 “Thế giới ra sao nếu không có các tu sĩ?”[13]

Một câu hỏi được đặt ra không phải bởi ai khác, mà là từ chính Giáo hội, khi khẳng định vai trò quan trọng của đời sống thánh hiến, với những đóng góp đa dạng và lớn lao của các tu sĩ trong Giáo hội.[14] Bởi đời thánh hiến mà các tu sĩ sống với là một thực tại liên hệ đến toàn thể Giáo hội, ở giữa lòng Giáo hội như một yếu tố quyết định đối với sứ mạng của Giáo hội.[15] Do đó, những người nam nữ sống đời thánh hiến được Giáo hội quan tâm, yêu thương nâng đỡ, cũng như khích lệ, khen ngợi vì những gì họ đã đóng góp cho Giáo hội.

Sự quan tâm, lo lắng của Giáo hội dành cho đời sống thánh hiến của các tu sĩ được trình bày qua rất nhiều văn kiện, tông thư, tông huấn, giáo huấn của Giáo hội, các thư của nhiều vị Giáo hoàng.

Trong ngọn gió mới của Chúa Thánh Thần tại Công đồng Vatican II, người ta thấy Giáo hội quan tâm rất nhiều đến đời sống thánh hiến của người tu sĩ. Với 16 văn kiện của Công đồng ra đời, đã có đến 14 văn kiện đề cập đến người tu sĩ cũng như đời sống thánh hiến của họ. Hai trong số các văn kiện không đề cập đến đời tu là “Tuyên ngôn về Liên lạc của Giáo hội với các Tôn giáo ngoài Kitô giáo (Nostra Aetate)” và “Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo (Dignitatis Humanae)”.

Sau Công đồng Vatican II, nhiều văn kiện hướng dẫn của Bộ Tu sĩ, các tông huấn, tông thư của các Đức Giáo hoàng dành cho các dòng tu cũng đã ra đời dựa trên những hoàn cảnh chuyên biệt nào đó. Những tài liệu này, là kết quả của những suy tư trong Giáo hội, chẳng hạn như sau Thượng Hội đồng Giám mục bàn về đời tu, hay khi vì Giáo hội cần các tu sĩ cộng tác trong những nhu cầu mục vụ của Giáo hội, hoặc khi Giáo hội muốn các tu sĩ canh tân đời sống, thúc đẩy họ tham gia vào sứ mệnh của Giáo hội trong thế giới ngày nay.

Một số văn kiện, trong ngữ cảnh và chủ đích người viết, có thể được xem như là những tài liệu hữu ích, gần gũi để tra cứu, tham khảo cho việc tìm ra những điểm liên quan đến đề tài đang trình bày.

Từ kết quả của Công đồng Vatican II trong cái nhìn về sứ mạng của Giáo hội đối với con người, cũng như của Thượng Hội đồng Giám mục (1971) về công bằng xã hội, Văn kiện “Tu sĩ với sự thăng tiến con người - Religious and Human Promotion”, 1980, muốn các tu sĩ dấn thân tiên phong trong lãnh vực thăng tiến con người, sau khi họ cần tham chiếu những tiêu chuẩn cho sự phân định mà Giáo hội đưa ra, cùng với ý thức bản thân là những người loan Tin Mừng của Đức Kitô.

Tông huấn “Đời sống Thánh hiến - Vita Consecrata” ban hành ngày 25/3/1996, là kết quả của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới vào tháng 10/1994 về chủ đề “Đời sống thánh hiến và sứ mệnh của đời sống này trong Giáo hội và trong thế giới.” Chứa đựng trong Tông huấn là tất cả những gì được đúc kết từ các văn kiện Giáo hội, cũng như những suy tư thần học về đời sống thánh hiến từ Công đồng Vatican II với hai chiều kích: thánh hiến và sứ mạng của đời thánh hiến.

Huấn thị “Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô - Starting Afresh from Christ: A Renewed Commitment to Consecrated Life in the Third Millennium”, 19/5/2002, trình bày những mục tiêu giúp đời sống thánh hiến canh tân cam kết sống thánh thiện. Bên cạnh đó, Huấn thị trình bày mục tiêu khác nữa trong việc người tu sĩ phải tập trung vào linh đạo, theo đường hướng mục vụ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, để làm mới lại đời tu và việc phục vụ, vì họ là những cộng tác viên tích cực trong việc làm cho tình yêu Chúa Kitô được cụ thể hóa trong thế giới này.

“Giáo hội đặt kỳ vọng nơi sự dâng hiến liên tục của đoàn con cái nam nữ được tuyển chọn, niềm khao khát nên thánh và lòng nhiệt thành phục vụ nhằm cổ võ và nâng đỡ nỗ lực sống thánh thiện nơi mọi Kitô hữu, và nhằm gia tăng việc tiếp đón người thân cận, nhất là những người túng thiếu. Làm như thế, tình yêu Chúa Kitô sẽ được chứng thực giữa mọi người”.[16]

1. Giáo hội mong mỏi người tu sĩ cùng ra khơi truyền giáo

Trong Sắc lệnh về “Hoạt động Truyền giáo - Ad Gentes”, Công đồng tiếp tục nhìn nhận những đóng góp lớn lao của các dòng tu, dù là tu sĩ hoạt động hay chiêm niệm, cho việc loan báo Tin Mừng, một sứ mạng thuộc về bản chất của Giáo hội.

“Các Hội Dòng sống đời chiêm niệm hay hoạt động, cho đến nay đã và đang góp phần rất lớn vào việc rao giảng Tin Mừng cho thế giới. Thánh Công đồng vui mừng nhìn nhận công lao của họ và cảm tạ Thiên Chúa vì biết bao nỗ lực đã được thực hiện để làm vinh danh Chúa và phục vụ các linh hồn. Thánh Công đồng khuyến khích họ hãy cứ hăng say theo đuổi công việc đã khởi sự, vì biết rằng sức mạnh của đức ái mà họ muốn thực thi cách hoàn hảo hơn theo ơn gọi, đang thúc đẩy và đòi buộc họ phải có tinh thần và hành động thực sự mang tính cách công giáo”[17]

Cũng vẫn trong dòng chảy các tài liệu của Giáo hội về đời tu và sứ mạng của người tu sĩ, Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô” mạnh mẽ xem việc loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ đầu tiên của những người sống đời thánh hiến.

“Nhiệm vụ đầu tiên mà ta phải nhiệt tâm đảm nhận là loan báo Đức Kitô cho mọi người. Nhiệm vụ này đặc biệt dành cho những người nam nữ sống đời thánh hiến đang dấn thân mang sứ điệp đến cho số đông những người chưa biết Chúa.”[18]

Sứ mạng quan trọng đó, với tu sĩ, là những cơ hội đặc biệt họ đưa con người thời đại mình, nhất là những ai chưa biết Chúa, được hưởng ơn cứu độ, cùng với việc thăng tiến phẩm giá của con người, đặc biệt với những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi, bị bóc lột, chà đạp nhân phẩm…

“Sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại ad gentes cống hiến những cơ hội đặc biệt hăng say dấn thân làm việc tông đồ cho những phụ nữ tận hiến, những tu huynh và những thành viên các tu hội đời. Những thành viên các tu hội đời, do sự có mặt của họ trong nhiều lãnh vực khác nhau dành cho ơn gọi giáo dân, có thể thực hiện một công cuộc cao quý nhằm Phúc Âm hoá các môi trường, các cơ cấu và ngay cả các luật lệ chi phối đời sống xã hội. Ngoài ra, họ có thể làm chứng về các giá trị Tin Mừng cho những người chưa biết Đức Giêsu; bằng cách đó họ đóng góp đặc biệt cho sứ mạng truyền giáo.”[19]

Cũng trong Văn kiện “Tu sĩ và sự thăng tiến con người”, Giáo hội nhìn nhận những hoạt động của các tu sĩ trong nhiều lãnh vực mà họ tham gia theo đoàn sủng dòng, là một trong những phương thế để họ có thể hoàn trọn sứ mạng loan truyền Tin Mừng trong thế giới.

“Những hoạt động và công cuộc đa diện, trong sự khác biệt của các đoàn sủng, thường là đặc điểm sứ mệnh của các tu sĩ, đã trở thành một trong những phương thế chủ yếu nhất để thực hiện sứ mạng Phúc Âm hoá và thăng tiến mà Giáo hội phải thi hành trong thế giới.”[20]

Một khi đã có Đức Kitô, người tu sĩ sẽ có những năng lượng mới, sẵn sàng để ra khỏi sự an toàn của bản thân, để phục vụ tha nhân và đi loan báo Tin Mừng bằng tình yêu đủ lớn được Người trao truyền.

“Đời thánh hiến cho thấy cách hùng hồn rằng, càng sống trong Đức Kitô, người ta càng phục vụ người khác tốt hơn, sẵn sàng đi tới những tiền trạm truyền giáo và dám đương đầu với những nguy cơ lớn nhất.”[21]

Và rồi, Giáo hội đánh giá rất cao vai trò quan trọng của những người nữ tận hiến trong sứ mạng truyền giáo hay tái loan báo Tin Mừng, mà nếu không có họ, tương lai của công cuộc truyền giáo, hay tái truyền giảng Tin Mừng sẽ không mang đến kết quả.

“Không thể nào nghĩ đến tương lai của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, cũng như của tất cả hình thái hoạt động truyền giáo khác, nếu không có phần đóng góp mới mẻ của các phụ nữ, đặc biệt của những phụ nữ tận hiến.”[22]

2. Giáo hội mong mỏi các tu sĩ kéo dài sự hiện diện của Đức Kitô giữa lòng thế giới

Trong ơn gọi của mình, người tu sĩ kéo dài sự hiện diện của Đức Kitô giữa lòng nhân loại, qua các hoạt động thăng tiến con người, đề cao các giá trị nhân bản, góp phần vào việc kiến thiết một xã hội nhân đạo hơn.

“Các tu sĩ phải đem hết tâm lực làm cho Giáo hội, qua chính con người của họ, ngày càng thực sự giới thiệu Đức Kitô cách hoàn hảo hơn cho các tín hữu cũng như cho lương dân, hoặc là Đức Kitô đang chiêm niệm trên núi, hoặc đang loan báo Nước Thiên Chúa cho dân chúng, đang chữa lành những kẻ đau yếu tàn tật, hay hoán cải các tội nhân trở lại với cuộc sống thiện hảo, hoặc đang chúc phúc cho trẻ em, thi ân cho mọi người, và trong mọi sự luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha, Đấng đã sai Người đến.”[23]

3. Giáo hội mong mỏi người tu sĩ góp phần vào sự thánh thiện của Giáo hội

Dù không nằm trong cơ cấu phẩm trật của Giáo hội, nhưng đời sống tu trì của người tu sĩ, trong cách thế riêng biệt, trong sự hiện diện và hoạt động phục vụ, họ góp phần vào sự thánh thiện của Giáo hội, làm cho Giáo hội thánh thiện hơn nhờ chứng tá đời sống.

Tông huấn “Đời sống Thánh hiến” nhấn mạnh đến sự nên thánh của các tu sĩ. Với sự tự do tuyên khấn và sống ba lời khuyên phúc âm: khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời, người tu sĩ họa lại nếp sống của Chúa Kitô với Chúa Cha, cho Giáo hội và nhân loại. Các tu sĩ dâng hiến toàn thân để phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em, được thánh hiến trong tương quan với Chúa Kitô, với Thiên Chúa Ba Ngôi và với Giáo hội.[24] Do vậy, sự nên thánh của người tu sĩ cũng là sự nên thánh của chính Giáo hội, mà họ là phần tử đặc biệt.

Trong sự đóng góp, làm cho Giáo hội thêm thánh thiện, của các tu sĩ làm cho sự thánh thiện nơi Giáo hội được tỏa sáng bằng cả đời sống của mình, trong thinh lặng chiêm niệm, hay cả khi hoạt động, bằng việc “dâng lên Thiên Chúa của lễ ngợi khen siêu việt, họ làm vẻ vang cho dân Chúa bằng những công nghiệp dư dật bởi sự thánh thiện.”[25] Cùng lúc, không chỉ làm cho Giáo hội thêm thánh thiện, nhưng các tu sĩ còn làm chứng cho sự thánh thiện và sự khao khát thánh thiện của Giáo hội mà họ thuộc về.

4. Giáo hội mong mỏi người tu sĩ trở nên những ngôn sứ của thời đại

Dưới tác động của Chúa Thánh Thần và trong hướng dẫn của Giáo hội, bằng kinh nghiệm biện phân trong cầu nguyện, người tu sĩ được mời gọi sống chiều kích ngôn sứ giữa một xã hội đầy dẫy những bấp bênh, vấn nạn của bạo lực, chiến tranh, bất công, một thế giới muốn chứng minh Thiên Chúa đã chết... “Trong thế giới của chúng ta, những dấu vết của Thiên Chúa dường như bị xoá nhoà, nên người ta cảm thấy nhu cầu khẩn trương của một chứng tá ngôn sứ thật mãnh liệt từ phía những người thánh hiến.”[26]

Để sống chiều kích ngôn sứ, các tu sĩ luôn phải có đôi mắt tinh anh để đọc những dấu chỉ thời đại, có khả năng truy tầm lịch sử và giải thích biến cố trong sự phân định với Chúa Thánh Thần.[27] Để rồi, cùng Giáo hội, họ có những dự phóng xa hơn cho việc đem Tin Mừng đến cho người đương thời bằng những phương thức đặc biệt trong hoạt động của mình. “Đời thánh hiến sẽ không chỉ tìm đọc các dấu chỉ thời đại mà còn góp phần soạn và đem ra thi hành những dự phóng mới cho việc truyền giảng Phúc Âm ở những hoàn cảnh hiện tại.”[28]

Do vậy, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã mời gọi các tu sĩ, “Các con hãy đánh thức thế giới”, bằng chiều kích ngôn sứ của đời sống thánh hiến, cái làm nên đặc trưng đời sống thánh hiến. 

“Tôi ước mong rằng anh chị em sẽ “đánh thức thế giới”, bởi vì đặc trưng của đời sống thánh hiến là tính ngôn sứ. Như tôi đã nói với các bề trên tổng quyền: “Tính cách triệt để của Tin Mừng không chỉ dành riêng cho các tu sĩ, nhưng là điều đòi hỏi hết mọi người. Nhưng các tu sĩ đi theo Chúa một cách đặc biệt, đó là cách thức ngôn sứ”. Đây là điều đòi hỏi ưu tiên: “những ngôn sứ chứng tá cho Đức Giêsu đã sống ở thế giới này … Một tu sĩ không bao giờ được khước từ tính ngôn sứ” (29-11-2013).”[29]

5. Giáo hội mong đợi sự canh tân của người tu sĩ để phục vụ Giáo hội với những đòi hỏi của thế giới ngày nay

Từ cơn gió mới của Công đồng Vatican II, trong luồng canh tân của Giáo hội, đời tu cũng được mời gọi cách quyết liệt đi tới sự canh tân cách triệt để qua việc trở về nguồn gốc của đời tu là bước theo Đức Kitô, và trung thành với đoàn sủng của dòng (ý định của đấng sáng lập), cũng như thích nghi với hoàn cảnh hiện tại.

Để có thể đáp ứng những đòi hỏi của thế giới ngày nay, làm cho sứ vụ của họ sinh kết quả, Sắc lệnh “Đức Ái Trọn hảo” mở lời “Công đồng rất lưu ý đến bậc này, xác nhận các tu sỹ ở trong ơn thiên triệu ấy, và khuyến khích họ cố thích nghi đời sống họ với đòi hỏi thế giới ngày nay.”[30] Vì thế, việc nỗ lực canh tân những đường lối dấn thân, phục vụ của các dòng tu là một đòi hỏi cấp thiết để cùng với Giáo hội phục vụ.

Bên cạnh đó, vì mang trong mình sứ mạng của Chúa Giêsu trên trần gian, tu sĩ phải thay đổi bản thân khiến họ trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, làm cho Người hiện diện cách sống động hơn trong thế giới hiện tại.

Sự canh tân, được tham chiếu dựa trên những nguyên tắc trong “Sắc lệnh về Canh tân Thích nghi Đời sống dòng tu” của Công đồng Vatican II “một trật bao gồm sự liên tục trở về nguồn mạch của đời sống Kitô hữu và ơn linh ứng nguyên thủy của hội dòng cũng như sự thích nghi hội dòng với những hoàn cảnh đổi thay qua các thời đại.”[31]

Chính trong sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần và hướng dẫn của Giáo hội,[32] các tu sĩ có được những tiêu chuẩn chung cho sự phân định trong lãnh vực tham gia hoạt động thăng tiến con người mà Giáo hội và con người ngày nay đang nhắm tới.

Giáo hội dạy rằng, những tiêu chuẩn chung để phân định cho sự canh tân mà dòng, cũng như các tu sĩ cần quy chiếu, đó là sự trung thành: trung thành với con người và với thời đại của mình, trung thành với Đức Kitô và với Tin Mừng, trung thành với Giáo hội và sứ mạng của Giáo hội trong thế giới, và với đời tu và với đoàn sủng riêng của dòng.[33]

Một khi có sự canh tân đời sống và sứ vụ, thì sự dấn thân hoạt động mà người tu sĩ tham gia trong Giáo hội và xã hội, sẽ là dấu chỉ của Nước Trời, bởi mọi hoạt động sẽ hướng đến việc “nhằm thăng tiến con người và phát triển những mối tương quan xã hội dựa trên những nguyên tắc liên đới và hiệp thông huynh đệ.”[34]

6. Giáo hội đề cao và mời gọi sự phục vụ của tu sĩ trong Giáo hội và xã hội

Từ văn kiện Hiến chế “Tín lý về Giáo hội”, Công đồng Vatican mở ra cái nhìn đề cao sự tham gia hoạt động của người tu sĩ trong nhiều lãnh vực. Họ không chỉ ở đó trong Giáo hội, nhưng bước ra ngoài, vào xã hội, phục vụ cách vô vị lợi trong ơn gọi đoàn sủng riêng mình.

“Thánh Công đồng công nhận và khen ngợi các tu sĩ nam nữ, vì dù sống trong tu viện, trường học, bệnh viện hoặc trong các vùng truyền giáo, họ đang trang điểm Hiền Thê Đức Kitô bằng sự kiên trì và khiêm tốn trung thành với hồng ân thánh hiến và bằng thái độ quảng đại phục vụ mọi người dưới nhiều hình thức.”[35]

Vì sống trong Giáo hội, như một nhiệm vụ, sứ mạng của người đã được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, trở thành phần tử của Giáo hội, người tu sĩ mang trong mình trọng trách hiến thân cho Giáo hội như Sắc lệnh “Đức Ái Trọn hảo (Perfectae Caritatis)”, số 18 nói “Vì việc họ hiến thân như thế được chính Giáo hội nhận, nên họ cũng phải biết rằng: họ đã buộc mình phục vụ Giáo hội nữa.”[36] Bổn phận nhiệt thành và chuyên chăm cộng tác vào việc xây dựng Giáo hội, với người tu sĩ, là những gì họ ý thức trong mình sự thuộc về Giáo hội, với trách nhiệm phải phát triển toàn bộ Nhiệm Thể Chúa Kitô, mưu cầu lợi ích cho Giáo hội hoàn vũ, cụ thể tại Giáo hội địa phương họ hiện diện.

“Tất cả các tu sĩ … kể cả thành viên của những Tu Hội có tuyên khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, mỗi người tùy theo ơn gọi riêng của mình, có bổn phận phải nhiệt thành và chuyên chăm cộng tác vào việc xây dựng và phát triển toàn bộ Nhiệm Thể Chúa Kitô, và mưu cầu lợi ích cho các Giáo hội địa phương.”[37]

Trước những đòi hỏi mục vụ của Giáo hội địa phương, người tu sĩ được mong đợi ngày càng đóng góp nhiều hơn cho Giáo hội vì nhu cầu tông đồ ngày càng nhiều và khẩn thiết.

“Phần các nam nữ tu sĩ, những người thuộc về gia đình giáo phận theo một ý nghĩa đặc biệt, cũng đang hỗ trợ rất nhiều cho Hàng Giáo Phẩm; và vì các nhu cầu tông đồ ngày càng gia tăng, nên họ có thể và phải trợ lực càng ngày càng nhiều hơn.”[38]

Tham gia đào tạo, giáo dục trong viễn tượng Phúc Âm hóa

Với Giáo hội, giáo dục là thành phần thiết yếu của sứ mệnh loan báo Tin Mừng, do đó, ở khắp mọi thời, mọi nơi, Giáo hội luôn dấn thân, nỗ lực tích cực vào việc giáo dục cho mọi thành phần mà Giáo hội có trách nhiệm.

Trong Tuyên ngôn “Giáo dục Kitô giáo - Gravissimum Educationis”, số 2, Công đồng Vatican II đã đề cập đến các mục đích của giáo dục.

“Việc giáo dục của Giáo hội không chỉ nhằm mục đích “phát triển sự trưởng thành của con người… mà còn đặc biệt hướng đến việc đảm bảo rằng những người đã chịu phép rửa trở nên biết trân quý hơn món quà đức tin mà họ lãnh nhận.”

Cũng trong mục đích đó, Giáo hội quan tâm hướng đến khía cạnh nhân vị, mong muốn việc đào tạo, giáo dục con người phải hướng đến tính toàn diện, giúp đối tượng được giáo dục đạt tới sự toàn diện về xác hồn, tính xã hội, tính độc đáo và tính siêu việt.

“Anh chị em cần cung cấp cho học viên một nền giáo dục toàn diện và đào tạo con người toàn diện, tức là đào tạo cả cái đầu, đôi tay và trái tim: bảo tồn và phát triển mối liên kết giữa học vấn, hành động, và cảm nhận theo nghĩa cao quý nhất. Bằng cách đó, anh chị em không những cống hiến chương trình học tuyệt vời mà còn cung cấp một tầm nhìn vững vàng về đời sống được cảm hứng từ Đức Kitô”.[39]

Vì là những thành phần được tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện, Giáo hội mong chờ các tu sĩ đáp lại lời mời gọi của Giáo hội tham gia vào trong tiến trình đào tạo giáo dục cho những thế hệ tương lai về cả tu đức và tri thức. “Các linh mục, tu sĩ và giáo dân được tuyển chọn và huấn luyện kỹ càng, sẽ thường xuyên giúp đỡ giới trẻ sinh viên về tu đức và tri thức.”[40]

Được mời gọi để hiện diện và hoạt động trong môi trường giáo dục, các tu sĩ là những con người “có khả năng tiến hành một công trình giáo dục đặc biệt hữu hiệu, đóng góp một cách chuyên biệt vào công trình mà những nhà giáo dục khác đã thực hiện.”[41] Do vậy, lời thôi thúc của Giáo hội dần trở thành khát vọng của các tu sĩ, cùng Giáo hội lưu tâm và đưa ra những dự án về giáo dục cho những đối tượng, môi trường mà sứ mạng giáo dục đòi hỏi. “Thượng hội đồng khẩn khoản khuyến khích những người tận hiến hãy quyết tâm trở về với sứ mạng giáo dục, […], trong những loại trường khác nhau, cho nhiều cấp lớp, các trường đại học và các viện cao học”.[42]

Dành ưu tiên cho người nghèo và cổ võ công lý

Trong quá khứ và cả hiện tại, thế giới hôm nay thực sự có quá nhiều những bất công lớn nhỏ, tạo nên những vấn đề của thời đại. Vì thế, khi đối diện với những bất công mà người chịu thiệt thòi vẫn là người nghèo, người không có khả năng bảo vệ mình…, qua Giáo hội, người tu sĩ biết mình “phải sẵn sàng đảm nhận những trách nhiệm và những công việc phục vụ mới trong mọi lĩnh vực của sinh hoạt nhân loại, và đặc biệt là trong lãnh vực của xã hội toàn cầu này, nếu chúng ta thật sự muốn công bằng trở nên hiện thực”.[43]

Không chỉ đáp lại tiếng gọi mời, nhưng người tu sĩ biết mình sẽ phải chọn lựa để sống như người nghèo và bảo vệ người nghèo. “Việc thành thật đáp lại tình yêu của Đức Kitô sẽ dần dần đưa họ tới chỗ sống như người nghèo và bênh vực chính nghĩa của người nghèo.[…] để phục vụ Chúa hiện diện nơi người nghèo.”[44] Dành ưu tiên phục vụ người nghèo, với người sống đời tu trì cũng là lời mời gọi hoán cải bản thân để loan báo Tin Mừng như Giáo hội mong chờ.[45]

Với khao khát không ngừng tìm kiếm vẻ đẹp của Thiên Chúa, người nữ tu không ngại đi tìm những “Lazarô” đói khổ, những người bị tổn thương bên vệ đường, những con người đang thất vọng vì bất công, chiến tranh, bạo lực… để đồng hành, chữa lành họ bằng tình yêu mà Chúa đã đặt để trong trái tim của họ. Họ sẽ tìm, để “chăm sóc hình ảnh Thiên Chúa đã bị bóp méo trên bộ mặt anh chị em mình, những bộ mặt hốc hác vì đói khổ, những bộ mặt thất vọng vì những lời hứa hẹn chính trị, những bộ mặt tủi hổ vì thấy văn hoá của mình bị chà đạp, những bộ mặt kinh đảm vì bạo lực mù quáng xảy ra thường ngày, những bộ mặt lo âu của người trẻ, những bộ mặt của những phụ nữ bị xúc phạm và hạ giá, những bộ mặt mệt mỏi của những người di dân không được ai tiếp nhận, những bộ mặt u buồn của những người có tuổi không có những điều kiện tối thiểu để sống cho ra sống.”[46]

Trong Thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Thế”, Giáo hội tiếp tục khuyến khích các dòng tu, những người sống đời thánh hiến cần tận dụng nhiều cơ hội để thì hành việc bác ái Kitô giáo qua việc giúp đỡ những người nghèo khổ, cùng khốn, không được ai quan tâm, những anh chị em bị coi thường, phẩm giá bị chà đạp. Do vậy, khi thi hành bác ái xã hội cũng là lúc người tu sĩ đem Chúa đến cho nhiều người, loan truyền Tin Mừng cho thế giới hôm nay.

“Đối với các Tu Hội Hoạt Động, Tôi đề nghị họ hãy lợi dụng rất nhiều cơ hội để làm việc bác ái, để loan truyền Phúc Âm, để thực hiện việc giáo dục Kitô giáo, thực hiện những nỗ lực về văn hóa Kitô giáo và thực hiện tình đoàn kết Kitô giáo với người nghèo khổ và những người bị kỳ thị, bỏ rơi và đàn áp.”[47]

Như trong những ngày gần đây, hôm thứ Hai ngày 12/8/2024, khi tiếp và chia sẻ với các tham dự viên Tổng tu nghị của một số dòng nữ và dòng nam, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi họ hãy thường xuyên chú ý đến người nghèo và luôn sống động lực yêu thương cách vô vị lợi. Bởi, như Đức Thánh Cha nói, Chúa nói với chúng ta qua người nghèo, họ chính là quà tặng Thiên Chúa, và trong chính quà tặng ấy, họ đều phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa.[48]

Góp phần vào việc thăng tiến con người

Các tu sĩ qua các thời đại đã đóng góp rất nhiều cho việc thăng tiến các dân tộc về mặt nhân bản cũng như thiêng liêng.”[49]

Văn kiện “Tu sĩ và sự Thăng tiến Con người” (Religious and Human Promotion) xác định các tu sĩ là những người tiên phong trong việc thăng tiến con người mà Giáo hội mong chờ. Ngay từ nhập đề, tài liệu này cho thấy tầm quan trọng và sự cấp bách của việc các tu sĩ tham gia cách thích hợp vào việc thăng tiến toàn diện con người, vì họ là những người được mang một tước hiệu mới và đặc biệt nhờ vào sự tận hiến của họ cho Thiên Chúa và cho kế hoạch của Người trong lịch sử nhân loại.”[50] Văn kiện này khuyến khích các tu sĩ dấn thân phục vụ với ý thức họ là những người loan báo Tin Mừng, khi phân định rõ ràng với những tiêu chuẩn mà văn kiện đề ra.

Vì được Đức Kitô sai đến để phục vụ con người, Giáo hội biết mình cần phải thi hành sứ mạng thăng tiến con người, qua việc “huấn luyện các thanh thiếu niên, giúp họ trở thành những người kiến tạo việc thăng tiến con người và xã hội”.[51]

Cả với những phụ nữ, việc thăng tiến họ trong những môi trường xã hội, trong thiên tính người nữ, để họ có nhiều cơ hội hội nhập vào những lãnh vực phù hợp với bản tính và khả năng của họ, trong cả Giáo hội và xã hội.

“Cũng trong chiều hướng này, các nữ tu được khuyến khích bắt tay vào những sáng kiến góp phần thăng tiến phụ nữ, giúp cho phụ nữ hội nhập cách thoả đáng vào những lãnh vực phù hợp với bản tính và khả năng của họ hơn, không những trong đời sống xã hội mà cả trong đời sống Giáo hội nữa.”[52]

Nhìn vào thực tế, Giáo hội chân nhận rằng, có rất nhiều tu sĩ “đã can đảm tham gia vào việc nâng đỡ những kẻ hèn kém và bảo vệ quyền con người đã là tiếng vang hữu hiệu của Tin Mừng và tiếng nói của Giáo hội.”[53] Tuy vậy, để đạt đến nỗ lực chung là loan báo Tin Mừng ngang qua việc thăng tiến con người, Giáo hội hướng dẫn họ phải có những chọn lựa ưu tiên cho sứ mạng tông đồ này bao gồm: đứng về phía người nghèo và công lý ngày nay, những hoạt động và công cuộc xã hội của tu sĩ, hội nhập vào thế giới lao động, và dấn thân trực tiếp vào các cơ chế chính trị.[54]

Dấn thân trong các bệnh viện, trung tâm y tế, bảo vệ sự sống: bục giảng loan báo Tin Mừng

Phục vụ các bệnh nhân, những anh chị em đau khổ và nghèo khó theo gương người Samari nhân lành, là những hình ảnh tốt đẹp của các tu sĩ khi phục vụ các bệnh nhân, chăm sóc họ theo linh đạo, hoặc sứ vụ riêng biệt, để họa lại khuôn mặt của Đức Kitô, người thầy thuốc nhân lành trong lãnh vực này, như Giáo hội mong đợi.

“Giáo hội nhìn, với lòng cảm phục và biết ơn, đông đảo những người tận hiến đang chăm sóc các bệnh nhân và những người đau khổ. Họ đóng góp vào sứ mạng của Giáo hội một cách có ý nghĩa: họ kéo dài sứ vụ nhân lành của Đức Kitô, Đấng ‘đi tới đâu thì thi ân giáng phúc và chữa lành tới đó’ (Cv 10,38)”.[55]

Như một khẳng định, Giáo hội đề cao những nữ tu hăng say làm việc tông đồ trong các cơ sở y tế lớn nhỏ, thậm chí những nơi chứa đầy những bất ổn, nguy hiểm cho sức khỏe của người phục vụ.

“Một số đông người tận hiến, nhất là nữ giới, đã làm việc tông đồ trong các cơ sở y tế, theo đoàn sủng riêng của tu hội. Theo dòng thời gian, nhiều người thánh hiến đã hy sinh mạng sống khi chăm sóc những người mắc bệnh truyền nhiễm, cho thấy việc hiến mình tới độ anh hùng nằm trong tính ngôn sứ của đời thánh hiến.”[56]

Bên cạnh việc tôn vinh và biết ơn các tu sĩ, nữ tu đã thi hành sứ mạng tông đồ đặc biệt này, Giáo hội luôn nhắc nhớ các tu sĩ cần nhớ đến sứ mạng phục vụ Tin Mừng sự sống, nhân đạo hóa y học, bảo vệ đạo đức sinh học tại các môi trường này. Phục vụ, bảo vệ sự sống, nhân đạo hóa y học… là những lãnh vực liên quan mà Giáo hội mong đợi các tu sĩ phải thi hành trong một thế giới mà đạo đức luân lý sự sống, nhân vị và phẩm giá con người đang bị loại trừ, lược bỏ dưới nhiều hình thức, với những thứ chủ nghĩa, luân lý sai trái như nhân danh quyền tự quyết sinh mạng…

“Họ có bổn phận phải nhân đạo hoá y học và đào sâu ngành luân lý sinh học, nhằm phục vụ Tin Mừng sự sống. Tiên vàn họ hãy cổ võ cho mọi người tôn trọng con người và sự sống, từ lúc thụ thai cho tới lúc cuộc sống chấm dứt một cách tự nhiên, phù hợp với giáo huấn luân lý của Giáo hội, bằng cách lập ra các trung tâm đào tạo và bằng cách hợp tác huynh đệ với những tổ chức của Giáo hội chuyên lo mục vụ y tế.”[57]

Đồng thời, vì biết những thách đố, khó khăn của những tu sĩ phục vụ trong lãnh vực y tế, Giáo hội luôn động viên và đồng hành với họ, để những bệnh nhân, những con người bị tước đoạt quyền sống, an sinh xã hội, vẫn thấy được chứng tá yêu thương từ nơi những tu sĩ đang dấn thân vì sự sống của họ. Để rồi, như Giáo hội mong đợi, sẽ có một cuộc gặp gỡ đích thực giữa lòng tin của những bệnh nhân đang hy vọng và người được kêu gọi để chăm sóc. Cho dẫu khi không thể chữa lành, những tu sĩ dấn thân vì sự sống của tha nhân, của bệnh nhân sẽ làm cho hy vọng nảy sinh nơi những bệnh nhân, vì họ chạm được lòng thương xót của Đức Kitô bị đóng đinh.

“Hãy bền đỗ trong chứng tá yêu thương đối với những người đau ốm, phục vụ họ với một lòng cảm thông sâu xa và chia sẻ nỗi đau khổ của họ. Chớ gì trong các chọn lựa của họ, chỗ ưu tiên được dành cho những bệnh nhân nghèo khổ và bị bỏ rơi nhất, như những người già cả, những kẻ tật nguyền, những người phải sống bên lề, những người bệnh chờ chết, những nạn nhân của ma tuý và những bệnh truyền nhiễm mới. Hãy giúp những người bệnh dâng nỗi đau khổ của mình, hiệp cùng Đức Kitô bị đóng đinh và được tôn vinh cho mọi người được cứu độ, hãy ý thức rằng họ là những chủ thể tích cực của mục vụ, nhờ đoàn sủng riêng của thập giá, khi họ cầu nguyện và làm chứng bằng lời nói và lối sống.”[58]

Đóng góp cho việc hội nhập văn hóa, đối thoại liên tôn

Trong những vùng đất đa dạng văn hóa, tôn giáo, người tu sĩ trong cách sống triệt để vì Tin Mừng qua các lời khuyên Phúc Âm đã trở nên lời đối thoại đầy hiệu năng với các nền văn hóa và tôn giáo xung quanh, cũng như với những người không có khả năng tự vệ, và cả người nghèo trong xã hội.

Gương âm thầm của họ về sự nghèo khó và bỏ mình, về sự khiết tịnh và chân thành, về sự từ bỏ mình trong vâng phục, có thể trở nên một chứng tá hùng hồn có khả năng đánh động mọi người thiện chí và đưa tới một đối thoại mang lại kết quả với các nền văn hóa và tôn giáo xung quanh, và với người nghèo cùng với kẻ không thể tự vệ. Điều đó làm cho đời sống thánh hiến trở nên một phương tiện đặc biệt để rao giảng Tin Mừng cho hữu hiệu.”[59]

Đồng thời, bằng việc trở về nguồn gốc đoàn sủng dòng, người tu sĩ có khả năng ra đi và gặp gỡ những nền văn hóa khác, tạo nên được sự nối kết với các dân tộc, nhờ đó, con đường cứu độ duy nhất của Chúa Giêsu được biết đến.

“Được nâng đỡ bởi đoàn sủng của các đấng sáng lập, nhiều người tận hiến đã đến gặp gỡ những nền văn hoá khác nhau với thái độ của Đức Giêsu là Đấng “huỷ mình đi, mang lấy thân phận tôi đòi” (Pl 2,7). Nhờ cố gắng đối thoại kiên trì và táo bạo, họ đã tạo được những quan hệ hữu ích với các dân tộc khác nhau, loan báo cho mọi người con đường cứu độ.”[60]

III. Giáo hội đề cao vai trò, sự đóng góp của nữ tu trong Giáo hội và xã hội

“Ngỏ lời với các phụ nữ tận hiến với khả năng tận tâm phi thường của họ, tôi nói lên một lần nữa sự thán phục và lòng biết ơn của toàn thể Giáo hội; Giáo hội nâng đỡ họ bởi vì họ đang sống viên mãn và vui tươi ơn gọi của họ và họ đang cảm thấy được kêu mời chu toàn một nhiệm vụ cao cả, đó là huấn luyện người phụ nữ hôm nay.”[61]

Trong Văn kiện “Mối Tương quan giữa các Giám mục với các Tu sĩ (Mutuae Relationes)”, ngoài nội dung chính yếu đề cập đến mối tương quan giữa các giám mục và tu sĩ, tài liệu này nhắc đến vai trò của các nữ tu trong công việc mục vụ rộng lớn của Giáo hội, cũng như mong chờ họ đưa ra những hình thức tông đồ phục vụ mới theo tính cách riêng của người nữ mà Thiên Chúa ban cho.

“(Vai trò của các nữ tu). Trong cánh đồng mục vụ rộng lớn của Giáo hội, một chỗ đứng mới và rất quan trọng được dành cho phụ nữ… Các phụ nữ ngày nay phải hội nhập sinh hoạt tông đồ của họ vào cộng đồng Giáo hội, bằng cách thể hiện trung tín mầu nhiệm chân tính người phụ nữ như Thiên Chúa đã tạo dựng và mạc khải (x. St 2; Ep 5,1; 1 Tm 3 ; v.v…) và lưu tâm tới việc tăng gia sự hiện diện của họ trong xã hội trần thế.

Vì vậy, nhờ trung tín với ơn gọi đặc thù của mình, đồng thời phù hợp với tính cách riêng của người phụ nữ, cũng để đáp lại các đòi hỏi cụ thể của Giáo hội và thế giới, các nữ tu sẽ tìm kiếm và đưa ra những hình thức tông đồ phục vụ mới.”[62]

Trong Tông huấn “Đời sống Thánh hiến”, Giáo hội đã đề cao vai trò của người nữ, cách họ sống và hoạt động trong Giáo hội và xã hội, cũng như bày tỏ lòng biết ơn với những phần đóng góp chuyên biệt của các nữ tu. “Không thể chối cãi tính cách hợp lý của nhiều đòi hỏi liên quan đến vị trí của người nữ trong nhiều môi trường xã hội và Giáo hội.”[63] Từ đó, Giáo hội nói đến những người nữ tận hiến trong Giáo hội.

“Người phụ nữ tận hiến có thể khởi đi từ kinh nghiệm của mình về Giáo hội và từ đời sống phụ nữ của mình trong Giáo hội, mà góp phần loại trừ một số quan niệm một chiều không giúp nhìn nhận trọn vẹn phẩm giá của người nữ, nhìn nhận phần đóng góp chuyên biệt của họ vào đời sống, vào hoạt động mục vụ và truyền giáo của Giáo hội. Như thế, thật là hợp pháp khi người nữ tận hiến khao khát muốn thấy căn tính của mình, khả năng chuyên môn, sứ mạng và trách nhiệm của mình được nhìn nhận rõ ràng hơn, cả trong tâm thức của Giáo hội lẫn trong đời sống hằng ngày.”[64]

Cũng trong cùng sự cảm kích về sự đóng góp to lớn của phụ nữ, trong Tông huấn “Niềm Vui của Tin Mừng”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết:

“Hội Thánh nhìn nhận sự đóng góp quan trọng của phụ nữ đối với xã hội, bởi sự nhạy cảm, trực giác và một số khả năng của họ… Tôi vui mừng vì biết bao phụ nữ chia sẻ trách nhiệm mục vụ với các linh mục, đang góp phần vào việc giúp đỡ các cá nhân, gia đình hoặc các nhóm và có các đóng góp mới về sự suy tư Thần học… Bởi vì thiên tư của phụ nữ là điều cần thiết trong tất cả các hình thức của đời sống xã hội…”[65]

Do có sẵn những phẩm chất và thiên chức của người nữ, các nữ tu vun trồng cho mình một linh đạo vững chắc về hành động, và thấy Thiên Chúa trong mọi sự.[66] Vì thế, họ có khả năng tinh tế, nhạy bén trong việc đọc các dấu chỉ thời đại, đưa ra những dự phóng để cùng với Giáo hội đưa con thuyền ra chỗ sâu để thả lưới Tin Mừng.[67] Các nữ tu cũng mang trong mình những trực giác trong việc nắm bắt những nhu cầu của tha nhân và tìm ra những giải pháp cụ thể giúp đỡ người khác.[68] Thế nên, trong cái nhìn trân trọng, Giáo hội nhìn nhận sự đóng góp, cống hiến, phục vụ của nữ tu trên toàn thế giới trong Giáo hội và xã hội, trong cả quá khứ lẫn hiện tại là những gì đáng trân quý và là những kho tàng cho Giáo hội.[69]

Và cho đến hôm nay, Giáo hội đang ngày càng chú ý hơn đến vai trò của người nữ, của các nữ tu, các người nữ sống đời tận hiến trong Giáo hội, được thể hiện qua chương trình thăng tiến phụ nữ tại Vatican. Trong thống kê mới nhất, người ta đã thấy sự gia tăng về số lượng nữ giới làm việc tại Vatican, đặc biệt trong các cơ quan trung ương của Tòa Thánh, cũng như nắm giữ vị trí cấp cao chưa từng thấy. Ngày 4/11/2021, lần đầu tiên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một nữ tu làm Tổng Thư ký Phủ Thống Đốc Quốc gia thành Vatican, Sơ Raffaella Petrini, Dòng Nữ Phan Sinh Thánh Thể (F.S.E). Một nữ tu khác, Sơ Alessandra Smerili, dòng Con Đức Mẹ phù hộ, cũng được Đức Thánh Cha Phanxicô đưa vào vị trí cao cấp: Quyền Tổng Thư ký Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện. Một chức vụ khác cũng khá quan trọng cũng được Đức Thánh Cha bổ nhiệm cho nữ tu Nathalie Becquart, người Pháp, Dòng Thánh Xavie vào 6/2/2021: Phó Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám mục (HĐGM), giúp Đức Hồng Y Mario Grech. Chương trình thăng tiến phụ nữ tại Vatican ngày càng phát triển khi có đến 5 trên 22 cơ quan quan trọng nhất của Tòa Thánh có phụ nữ đứng vào vị trí cấp lãnh đạo.[70]

Cũng tại Thượng HĐGM Thế giới lần thứ 16 với chủ đề “Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”, nhiều người đã hài lòng vì diễn tiến của Thượng Hội đồng, mà trong đó, vấn đề thăng tiến vai trò phụ nữ trong Giáo hội được tỏ lộ. Đức Hồng Y Bộ trưởng Bộ Giám mục nói: “Tôi nghĩ sẽ có một sự tiếp tục nhìn nhận rằng phụ nữ có thể đóng góp nhiều cho đời sống Giáo hội ở nhiều bình diện”.[71]

Là 1 trong số 54 phụ nữ tham gia Thượng HĐGM và có quyền bỏ phiếu, nữ tu Nora Kofognotera Nonterah, một giáo sư thần học ở Ghana, chia sẻ trong cuộc họp báo về tính hiệp hành tại Thượng HĐGM khi cho biết, bản thân Sơ cảm thấy được lắng nghe như một giáo dân, như một phụ nữ, và như một người Phi châu trong Giáo hội. “Tôi xác tín mạnh mẽ trong những ngày này rằng Giáo hội chúng ta phải sẵn sàng ngồi học từ phụ nữ, đặc biệt các nữ giáo dân đến từ Nam bán cầu, để học cách thức canh tân trí tưởng tượng sáng tạo của Giáo hội”.[72] Cũng trong Thượng HĐGM lần này, có đến 2 phụ nữ trong số 9 vị luân phiên đảm nhận vai trò thay Đức Thánh Cha điều khiển các phiên họp khoáng đại. Hai phụ nữ vinh dự này, là nữ tu Dolores Palencia Gomez người Mexico, Bề trên Tổng quyền dòng Thánh Giuse thành Lyon, và chị Momoko Nishimura, thuộc Tu hội đời thừa sai Phục vụ Tin Mừng Lòng Chúa Thương Xót.[73]

Cho dẫu có những lợi thế khi tham gia hoạt động trong Giáo hội và xã hội, nhưng Giáo hội biết rằng các nữ tu luôn phải đối diện với những thách đố, khó khăn của thế giới, hoặc ngay trong chính Giáo hội địa phương, các nhóm, đoàn hội mà họ hiện diện và dấn thân phục vụ. Vì thế, Giáo hội khuyến khích các nữ tu cần tập và thực hành phân định, tìm kiếm ý Chúa trong cầu nguyện để có thể có chọn lựa điều tốt nhất cho sứ vụ, như Đức Thánh Cha Phanxicô giáo huấn: “Tất cả những người nữ sống đời thánh hiến hãy phân định và chọn lựa điều gì là tốt nhất cho sứ vụ của mình.”[74] Cũng trong ngữ cảnh của lời động viên trên, Đức Thánh Cha cảm ơn sứ mạng và lòng can đảm của các nữ tu và mong mỏi họ “tiếp tục làm cho sự tốt lành của Thiên Chúa được biết tới qua những công việc tông đồ mà họ đang làm, nhưng trên hết là qua chứng tá đời sống thánh hiến” cũng như có thể “tiếp tục tìm ra những cách thế đáp lại những thách đố của thời đại.”[75]

IV. Những nẻo đường hiện diện, hoạt động của nữ tu trong Giáo hội và xã hội

1. Trên thế giới

Trong một clip minh họa cho ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 02/2022 “Cầu nguyện cho các nữ tu và những người nữ sống đời thánh hiến”[76] trên trang https://www.vaticannews.va (tiếng Anh và tiếng Việt), cả thế giới có lẽ đã xúc động với những gì được trình chiếu trong clip video này. Với sự hỗ trợ và cộng tác của các Liên hiệp Bề trên Tổng quyền, quy tụ hơn 1.900 hội dòng, và đại diện cho 630.000 nữ tu trên toàn thế giới, clip video đặc biệt này được dàn dựng công phu và để lại ấn tượng thật sâu sắc. Chỉ với thời lượng chưa đầy hai phút, nhưng những video và hình ảnh trong clip đã thuật lại sự dấn thân của các nữ tu giữa những người bản xứ, bên cạnh trẻ em đường phố, ở những ngôi làng đói nghèo, thiếu lương thực và thuốc men, giữa những người di cư và thất nghiệp, những người bị gạt ra bên lề xã hội, và ở bên cạnh nạn nhân của nạn buôn người. Không chỉ có thế, những hình ảnh về sự đóng góp to lớn của các nữ tu trong xã hội về mặt dân sự và trí tuệ, đảm nhận việc giảng dạy tại các trường đại học, tham gia các hội nghị thượng đỉnh quốc tế về môi trường, thậm chí, họ còn đóng vai trò trung gian trong các tình huống khủng hoảng chính trị nổ ra.

Bên cạnh việc đưa ra ý cầu nguyện cho các nữ tu để họ có thể “tiếp tục tìm ra những cách thế đáp lại những thách đố của thời đại,” Đức Thánh Cha chân thành bày tỏ lời cám ơn với các nữ tu vì sứ mạng và lòng can đảm của họ, vì những gì họ đã làm cho Giáo hội và xã hội. Ngài cũng khuyến khích, mong đợi các nữ tu “tiếp tục làm cho sự tốt lành của Thiên Chúa được biết tới qua những công việc tông đồ, nhất là qua chứng tá đời sống thánh hiến.”[77]

Quả thật, trong cái nhìn hiện tại, ở bất cứ đâu, trong môi trường nào, ở cấp độ hoàn vũ hay địa phương, chúng ta không thể nào không nhận ra những đóng góp rất nhiều và lớn lao của các nữ tu –trong các sứ vụ chuyên biệt thuộc nhiều lãnh vực cho Giáo hội cho xã hội.

Họ, các nữ tu, có mặt và hiện diện trên những vùng truyền giáo xa xôi, quê mùa hay tại những đô thị, thành phố lớn[78] … để loan báo Tin Mừng hoặc tái loan báo Tin Mừng cho con người thời đại;

Họ có mặt trong nhiều vai trò lãnh đạo khác nhau của Giáo hội, tham gia trong những ủy ban thần học, Kinh Thánh…[79]

Họ tham gia hoạt động trong các nhu cầu mục vụ của Giáo hội hoàn vũ và nơi từng Giáo hội địa phương bằng sự “hiện hữu” và việc làm của họ như dạy giáo lý, giáo dục đào tạo, mục vụ giới trẻ…[80]

Họ hoạt động không biết mỏi mệt vì sự thăng tiến con người, để phục vụ người nghèo, trẻ em nghèo khốn khổ,[81] đứng về phía người nghèo[82] và bảo vệ công lý;[83]

Họ tìm kiếm một bục giảng Tin Mừng trên các giảng đường lớn nhỏ, hay trong lớp học nóng bức tham gia vào việc giáo dục, đào tạo tri thức[84] cho nhiều thành phần mà họ tìm kiếm và được trao gửi;

Họ không nề hà để lăn xả tham gia vào những chương trình lớn nhỏ của bác ái xã hội, chỉ để xoa dịu những đau khổ của tha nhân, cho người nghèo được thấy, nhận ra tình yêu Đức Kitô ở trong họ và bên cạnh họ;

Họ nhạy bén, sáng tạo trong những dự án, cho việc phục vụ công ích[85] bằng sự quảng đại của người nữ;

Họ can đảm, mạnh mẽ không sợ hãi để chống lại nạn buôn người,[86] tìm kiếm nạn nhân cũng như giáo dục tăng hiểu biết, ý thức cho những giới trẻ, người nghèo… để anh chị em tránh được những nhà tù của các tổ chức, cá nhân buôn người thời hiện đại;

Họ đồng hành với những phụ nữ, chị em, trẻ em bị lạm dụng,[87] bị bạo lực … cố gắng chữa lành những tổn thương tha nhân đang chịu;

Họ sẵn sàng để tham gia vào các vấn đề di cư, hỗ trợ những người nhập cư, di dân mới,[88] những người phải di tản vì chiến tranh[89]…;

Họ chẳng nề hà để cúi xuống chữa lành, băng bó vết thương… cho các bệnh nhân trong lãnh vực y tế;[90]

Họ tham gia vào công việc bảo vệ sự sống[91] bảo vệ phẩm giá của thai nhi, trẻ nhỏ, người lớn…

Họ tích cực hoạt động để bảo vệ môi sinh như Thông điệp Laudato Si’ mời gọi, cũng như kêu gọi người khác cùng bảo vệ “ngôi nhà chung” dựa trên đức tin và cam kết cụ thể, để giải quyết các thách đố về môi trường tùy vào những sáng kiến, cách thức hoạt động cụ thể vùng miền nơi họ dấn thân.[92]

Họ đảm nhận hoạt động tông đồ bằng các phương tiện truyền thông,[93] và sẽ kể những câu chuyện dưới lăng kính cứu độ, tạo ra một cách truyền thông mới tập trung vào công ích của xã hội”,[94] cũng như “vì một truyền thông kỹ thuật số hiệu quả và mang tính Tin Mừng”.[95]

2. Tại Việt Nam

Một thoáng sơ lược về những hoạt động của các nữ tu tại Việt Nam.

Sự hiện diện và hoạt động trong Giáo hội và xã hội của các nữ tu tại Việt Nam đang có một vị trí quan trọng trong các Giáo hội địa phương vì sự đóng góp của họ cho sứ mạng truyền giáo của Giáo hội thật lớn lao. Trong phần này, người viết chỉ dẫn chứng một vài địa chỉ liên quan đến những hoạt động trình bày, mà không cần trưng dẫn tất cả. Quý độc giả có thể truy cập vào trang https://betrenthuongcap.org/, phần “tin liên hiệp”, https://sfccharity.com/ (SFC- Share for change Charity)… cho những nội dung được đề cập sau.

– Truyền giáo

Hầu hết các dòng đều có sứ vụ truyền giáo trực tiếp hay gián tiếp, bởi đặc sủng/sứ vụ của mỗi hội dòng luôn hướng đến việc truyền giáo. Các nữ tu thi hành sứ mạng truyền giáo trực tiếp tại những vùng xa, vùng sâu, nơi có rất nhiều anh chị em thuộc tôn giáo khác, người dân tộc thiểu số. Hoặc họ cũng có thể góp phần vào truyền giáo cho Giáo hội ngay tại những nơi họ hiện diện và hoạt động, trong mọi môi trường và mọi công việc, một cách truyền giáo gián tiếp.

– Cộng tác trong một số công việc mục vụ trong giáo phận, giáo hạt, giáo xứ

Trong giáo phận, có những dòng nữ với đoàn sủng do đấng sáng lập đề ra, các nữ tu dành thời gian cầu nguyện để hỗ trợ mục vụ cho các linh mục. Một số nữ tu đảm nhận phục vụ tại các tòa giám mục, nhà hưu dưỡng, đại chủng viện, tiểu chủng viện…

– Tham gia mục vụ cộng đoàn giáo xứ

Tại nhiều giáo xứ, các nữ tu cộng tác với các linh mục trong nhiều việc mục vụ của giáo xứ như đồng hành với các hội đoàn, các giới trẻ, hướng dẫn ca đoàn, cắm hoa, các việc bác ái.

– Tham gia mục vụ huấn giáo

Tại các giáo xứ, khi được sai đến để hiện diện và phục vụ, các nữ tu vẫn ưu tiên chọn công việc huấn giáo: đào tạo giáo lý viên, dạy giáo lý cho thiếu nhi, người dự tòng, những người đang chuẩn bị hôn nhân (trong một số bài) …

– Tham gia mục vụ bác ái xã hội

Phục vụ người nghèo

Tại Việt Nam, ở nơi đâu cũng thấy những khung hình đẹp người nữ tu trong các hoạt động giúp đỡ người già, người lớn và trẻ em đang sống trong cảnh đói nghèo… một công việc đem lại nhiều hiệu năng cho sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Họ xây dựng các nhà tình thương cho những gia đình nghèo, xây cầu tình thương, thậm chí làm đường chung… cho những cộng đồng nghèo ở vùng sông nước có được sự thuận lợi trong khi đi lại...

Tổ chức những bữa ăn không đồng, bữa ăn tình thương, cháo tình thương… dành cho người nghèo, bệnh nhân. Trong đại dịch Covid vừa qua, các nữ tu đã lăn xả tìm kiếm nguồn thực phẩm để chia sẻ với những gia đình trong các khu phố bị phong tỏa, hoặc cho những bệnh nhân bị nhiễm trong các khu cách ly, bệnh viện dã chiến…

Thiết lập và thực hiện các dự án hỗ trợ công việc cho người qua các khóa tập huấn, cho các gia đình nghèo vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi… nhằm giúp họ cải tiến đời sống qua việc tăng thu nhập.

Chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, sức khỏe người nghèo[96]

Mang trong mình “ơn gọi kép”, những nữ tu vừa sống ơn gọi mình, họ vừa đảm nhận vai trò là một bác sĩ đối với các bệnh nhân tại các bệnh viện, trung tâm đa khoa, phòng khám, chữa trị… Với các nữ tu hoạt động trong lãnh vực này, y học và đời tu không mâu thuẫn với nhau.

Không hiếm thấy những khuôn mặt nữ tu trong chiếc áo blouse trắng là bác sĩ, hay trong vai trò là điều dưỡng, y tá, nhân viên y tế trong các bệnh viện, phòng khám của nhà nước hay tư nhân.

Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, đặc biệt tại Việt Nam, đã có những “bục giảng loan báo Tin Mừng” tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly… nơi mà có rất nhiều nữ tu can đảm tự nguyện dấn thân, liều mạng sống để chăm sóc sức khỏe, an ủi, động viên các bệnh nhân bị nhiễm Covid, trao hy vọng và sự sống thiêng liêng, cũng như ở bên họ cho đến phút cuối đời.[97]

Ngoài những công việc tại bệnh viện, trạm xá theo lịch làm việc cố định, bên cạnh đó còn có những thời điểm, các nữ tu còn tổ chức hoặc tham gia cùng với các nhóm y bác sĩ thiện nguyện khác để đến những vùng bà con đói nghèo để khám bệnh, phát thuốc miễn phí, hoặc hướng dẫn sức khỏe cho người nghèo tại những vùng miền mà người dân không được hưởng những phúc lợi an sinh xã hội. Bên cạnh đó, nhiều dòng nữ còn có chương trình hỗ trợ sức khỏe của người nghèo qua việc mua bảo hiểm y tế cho họ.

Những bữa ăn miễn phí thường xuyên, hoặc định kỳ cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, trung tâm y tế.

Tổ chức các mái ấm dành cho trẻ mồ côi, người già, bệnh nhân bị bỏ rơi

Các nữ tu không ngại ngần tìm kiếm, đón lấy các trẻ nhỏ, người già,[98] bệnh nhân bị bỏ rơi, không người thân, để đưa về để chăm sóc, nuôi dưỡng và phục vụ tại mái ấm của mình.[99]

Nuôi dạy trẻ khuyết tật,[100] trẻ mồ côi, đồng hành và giáo dục các em[101]

Trợ giúp khẩn cấp những nạn nhân của thiên tai, hoặc tai nạn nghiêm trọng

Trong những thời điểm thiên tai gây thiệt hại lớn lao cho nhiều người, đặc biệt với người nghèo, các nữ tu luôn nhanh chóng tìm kiếm những nguồn hỗ trợ, những quỹ nhân đạo để nhanh chóng trợ giúp cho những nạn nhân này với những điều kiện sống tối thiểu trong thời điểm khó khăn đó.

Tham gia mục vụ di dân

Những chương trình mục vụ di dân được các nữ tu triển khai như trợ giúp trẻ con di dân được học hành, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, đồng hành thiêng liêng,[102] chia sẻ những vấn đề tinh thần, khó khăn của anh chị em di dân tại các thành phố; khu công nghiệp, hoặc đang sống tạm tại các vùng mà họ di chuyển đến để làm việc.

Xây dựng làng lập cư cho những người vô gia cư đến từ các vùng sâu vùng xa.[103]

– Hoạt động trong giáo dục- đào tạo tri thức

Ngày nay, các nữ tu đang đóng góp cách phong phú và hiệu quả trong việc giáo dục, đào tạo tri thức trong Giáo hội và ngoài xã hội trong nhiều lãnh vực:

Thần học, hoặc giảng thuyết tĩnh tâm

Ngày càng có nhiều các nữ tu tham gia giảng dạy nhiều bộ môn, chuyên đề tại các đại chủng viện, tiểu chủng viện, học viện thần học, các trung tâm mục vụ giáo phận, giáo xứ, hoặc các khóa đào tạo có chứng chỉ của Giáo phận. Bên cạnh đó, các nữ tu cũng trở thành vị giảng thuyết trong các chương trình tĩnh tâm, hồi tâm cho các giới, các giáo xứ, giáo hạt, giáo phận vào những dịp đặc biệt.

Tri thức xã hội

Ngoài xã hội, các nữ tu tham gia giáo dục, dạy học nhiều cấp bậc trong trình độ đào tạo từ mầm non đến tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học.

Đối tượng của giáo dục mà nữ tu đảm nhận có thể là học sinh, sinh viên, và cả những trẻ khuyết tật, trẻ thuộc giáo dục đặc biệt. Tuy nhiên, tại Việt Nam do đặc thù thể chế về giáo dục, các dòng nữ, cộng đoàn nữ tu hoạt động chủ yếu ở bậc học mầm non.

Sự đa dạng trong môi trường giáo dục mà các nữ tu hiện diện tùy theo bậc đào tạo bao gồm trường đại học, trung học, tiểu học, các trung tâm giáo dục ngành nghề, trung tâm thăng tiến phụ nữ, trung tâm hướng nghiệp cho các thiếu nữ, hoạt động giáo dục thăng tiến con người qua các lưu xá, nội trú…

Không chỉ hiện diện trên các giảng đường, bục giảng tại thành phố, nhưng các nữ tu còn lăn xả đến những miền thôn quê, tiếp cận với những thanh thiếu niên, trẻ nhỏ người dân tộc thiểu số tại những vùng cao nguyên, những giáo phận có đông anh chị em người dân tộc như Gia Lai–Kontum, Cao Bằng Lạng Sơn, miền Tây…

Hỗ trợ sinh viên, học sinh nghèo bằng quỹ học bổng

Bên cạnh đó, nhờ qua những nhóm tổ chức, hoặc chính dòng nữ trích khoản thu nhập để chia sẻ cho các học sinh nghèo, các nữ tu thành lập các quỹ học bổng để hỗ trợ cho các sinh viên, học sinh nghèo có thêm cơ hội theo học, hoàn thành chương trình học, được nâng cao trình độ.

– Thiết lập và thực hiện chương trình “Thăng tiến con người”

Các nữ tu thiết lập các chương trình thăng tiến con người cho thanh thiếu nữ, hoặc cho các trẻ em, cho người nghèo… tại những vùng quê, vùng sâu vùng xa. Chẳng hạn như các nữ tu nỗ lực ngăn chặn tảo hôn cho các trẻ em ở cộng đồng người H’Mông, qua việc giáo dục thanh thiếu niên về giá trị hôn nhân và giới tính, giúp các em ý thức và chọn lựa ưu tiên việc học tập cũng như những kỹ năng sống hơn là đời sống hôn nhân trong giai đoạn tuổi các em.[104]

Hướng dẫn văn hóa, kỹ năng sống, tinh thần sống cho người dân tộc thiểu số, nâng cao trình độ cho các trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường nhà nước qua các lớp tình thương mà các nữ tu tổ chức.

– Bảo vệ sự sống

Bảo vệ sự sống cho các thai nhi mà những thiếu nữ, phụ nữ mang thai lỡ lầm, ngoài ý muốn và có ý định phá thai… qua những chương trình như xây dựng, tổ chức hoạt động các mái ấm, nhà tạm lánh giúp thai phụ giữ lại thai nhi và sinh hạ đứa trẻ.[105]

– Tham gia chống nạn buôn người

Tại Việt Nam cũng có tình trạng buôn người qua những hình thức như dụ dỗ các nạn nhân đi làm việc ở nước ngoài, hoặc kết hôn với người ngoại quốc. Tuy nhiên, sau đó các nạn nhân bị đem bán, hoặc bị ép buộc tham gia vào các hình thức lừa đảo trực tuyến, bị cưỡng ép kết hôn, bị bóc lột tình dục hoặc bị phải vận chuyển ma túy, thậm chí bị thu hoạch nội tạng… Để giúp các thanh thiếu niên, trẻ nữ không bị rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người, các nữ tu “nâng cao nhận thức và thiết lập các con đường tạo việc làm, giáo dục và sinh kế bền vững cho những người dễ bị tổn thương.” [106]

– Tham gia bảo vệ “Ngôi nhà chung” - Laudato Si’”, tạo môi trường sạch cho dân

Tại Việt Nam, có những chương trình giúp người dân địa phương cách sống thích ứng với biến đổi khí hậu do các nữ tu thực hiện. Các nữ tu mang đến cho những con người dễ bị tổn thương “nhiều lựa chọn sống thích ứng với khí hậu để họ có thể đảm bảo thu nhập ổn định tại quê nhà thay vì phải rời đi những nơi khác […] cũng như tôn trọng môi trường và giúp đỡ lẫn nhau sau những thảm họa thiên nhiên”[107]

Nhiều chương trình cải tạo nguồn nước, cung cấp nước sạch cho bà con tại những vùng miền bị ngập mặn hoặc ô nhiễm.

Kết

Những gì vừa trình bày với độc giả, có thể nói, chỉ như chuyện sắp xếp lại có hệ thống - theo chủ đích người viết - những tài liệu liên quan, cũng như truy tìm những hoạt động, đóng góp của người nữ tu trong Giáo hội và xã hội, như đề tài đề cập.

Chắc chắn còn rất nhiều và rất nhiều công việc, những hoạt động lớn nhỏ mà các nữ tu trong các hội dòng, tu đoàn, tu hội đã, đang đóng góp cho Giáo hội, cho xã hội mà tác giả không thể trình bày đủ.

Nhưng trên hết và tất cả, trong cái nhìn và hướng đi của Giáo hội, niềm vui lúc này và hy vọng trong tương lai, các nữ tu đã, đang và sẽ có được kinh nghiệm hiện diện và hoạt động “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”, khi nhận ra mình là mắt xích nhỏ trong một xâu chuỗi dài của các nữ tu khác đã, đang tích cực tham gia sứ vụ của Giáo hội, bởi vì họ biết mình thuộc về Giáo hội và cần phải làm gì cho Giáo hội hôm nay và ngày mai.

Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 143 (Tháng 9 & 10 năm 2024)

_______

[1] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn văn dành cho các Tham dự viên Hội nghị Quốc tế “Phụ nữ trong Giáo hội: Những nghệ nhân của nhân loại”, 7/3/2024

[2] Vấn đề vai trò phụ nữ trong Thượng Hội đồng Giám mục 16: www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2023-10/vai-tro-phu-nu-trong-giao-hoi-thuong-hoi-dong-giam-muc-16.html, 28/10/2023; truy cập 8/8/2024.

[3] Cf. Công đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, 7/12/1965

[4] Công đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, s.2

[5] Cf. Công đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes

[6] Bộ Giáo sĩ, Huấn thị Cải tổ mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ vụ Loan báo Tin Mừng, 27/6/2020, s.3.

[7] Công đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, s.1.

[8] Cf. Bộ các Hội dòng Đời Sống Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ, Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô (Starting Afresh from Christ: A Renewed Commitment to Consecrated Life in the Third Millennium), 19/5/2002.

[9] Văn kiện Tu sĩ với sự thăng tiến con người (Religious and Human Promotion), 1978, s.6.

[10] Ibid.

[11] Ibid., s.12.b.4.

[12] Bộ các Hội dòng Đời Sống Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ, Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, s.5.

[13] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, 25/3/1996, s.105

[14] Cf. Ibid., s.2.

[15] Cf. Ibid., s.3.

[16] Bộ các Hội dòng Đời Sống Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ, Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, 19/5/2002, s.1.

[17] Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, 7/12/1965, s.40

[18] Bộ các Hội dòng Đời Sống Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ, Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, 19/5/2002, s.37.

[19] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, s.78.

[20] Văn kiện Tu sĩ với sự thăng tiến con người, 1978s.5.

[21] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, s.76.

[22] Ibid.s.57.

[23] Công đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, 21/11/1964, s.46.

[24] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, s.31.17.18 và 32.

[25] Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Sắc lệnh Đức Ái trọn hảo (Perfectae Caritatis), 28/10/1965, 6.

[26] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, s.85.

[27] Cf. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông thư Dịp cử hành Năm Đời sống Thánh hiến, 21/11/2014, s.II.2.

[28] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, s.73.

[29] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông thư Dịp cử hành Năm Đời sống Thánh hiến, s.II.2.

[30] Cf. Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Sắc lệnh Perfectae Caritatis, s.32.

[31] Ibid.

[32] Ibid., s.2.

[33] Cf. Văn kiện Tu sĩ với sự thăng tiến con người, 1978, s.13.

[34] Văn kiện Tu sĩ với sự thăng tiến con người, 1978, s.18.

[35] Công đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, s.46.

[36] Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis, s.18.

[37] Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về nhiệm vụ mục tử (Christus Dominus), 28/10/1965, s.33.

[38] Ibid.s.34.

[39] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Diễn văn dành cho các Thành viên dự án Giáo dục Công Giáo: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bai-dien-van-cua-dtc-phanxico-cho-thanh-vien-du-an-giao-duc-cong-giao-45893, 20/4/2022, truy cập 14/8/2024.

[40] Công đồng Vatican II, Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo (Gravissimum Educationis), 28/10/1965, s.10.

[41] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, s.96

[42] Ibid., s.97.

[43] Thượng Hội Đồng Giám mục Thế giới, Tài liệu Thăng tiến công bằng trên thế giới, 30/11/1971, s. 21

[44] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, s.82.

[45] Cf. Ibid., s.82.

[46] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, s.75.

[47] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio), 7/12/1990, s.69.

[48] Cf. Đức Thánh Cha Phanxico khuyến khích các tu sĩ quan tâm đến người nghèo và yêu thương vô vị lợi: www.vaticannews.va/vi/pope/news/2024-08/dtc-phanxico-daminh-san-sisto-thanh-tam-chua-giesu-on-goi.html, 12/8/2024; truy cập 14/8/2024.

[49] Cf. Văn kiện Tu sĩ với sự thăng tiến con người, 1978, Nhập đề.

[50] Văn kiện Tu sĩ với sự thăng tiến con người, 1978, Nhập đề.

[51] Ibid., s.12.b,2.

[52] Ibid.

[53] Ibid.s.3.

[54] Cf. Ibid.

[55] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, s.83.

[56] Ibid.

[57] Ibid.

[58] Ibid.

[59] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia), 6/11/1999, s.44.

[60] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, s.79.

[61] Ibid.s.58.

[62] Văn kiện Mối tương quan giữa các Giám mục với các tu sĩ (Mutuae Relationes), 14/5/1978, s.49.

[63] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, s.57.

[64] Ibid.

[65] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangeli Gaudium, s.103.

[66] Cf. Giáo hội cảm phục và biết ơn những người sống thánh hiến: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-hoi-cam-phuc-va-biet-on-nhung-nguoi-song-thanh-hien-23215, 18/3/2010; truy cập 10/8/2024

[67] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, s.73.

[68] Cf. Ibid., s.58-59. 

[69] Cf. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-hoi-cam-phuc-va-biet-on-nhung-nguoi-song-thanh-hien-23215, 18/3/2010; truy cập 10/8/2024

[70] Thăng tiến phụ nữ tại Vatican: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-11/thang-tien-phu-nu-tai-vatican.html, 7/11/2021; truy cập 14/8/2024

[71] Vấn đề vai trò phụ nữ trong Giáo hội tại Thượng Hội đồng Giám mục 16: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2023-10/vai-tro-phu-nu-trong-giao-hoi-thuong-hoi-dong-giam-muc-16.html, 28/10/2023; truy cập 14/8/2024

[72] Ibid.

[73] Ibid.

[74] Ý cầu nguyện trong tháng 2 của Đức Thánh Cha: Cầu cho các nữ tu và những người nữ sống đời thánh hiến: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-02/dtc-Phanxicô-y-cau-nguyen-thang-2-cau-cho-cac-nu-tu.html,01/02/2022, truy cập 10/8/2024.

[75] Ibid.

[76] Pope’ Febuary prayer intension: For consecrated women: https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2022-02/pope-francis-february-2022-prayer-intention-women-religious.html, 01/2/2022, truy cập 13/8/2024

[77] Ý cầu nguyện trong tháng 2 của Đức Thánh Cha: Cầu cho các nữ tu và những người nữ sống đời thánh hiến: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-02/dtc-Phanxicô-y-cau-nguyen-thang-2-cau-cho-cac-nu-tu.html, 01/02/2022, truy cập 10/8/2024.

[78] Các người nữ truyền giáo trong thế giới hôm nay : https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cac-nguoi-nu-truyen-giao-trong-the-gioi-hom-nay-50342,25/2/2023, truy cập 11/8/2024

[79] Sơ Wakim người Libăng - giáo sư triết học tại bốn trường đại học: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-06/sisters-project-suzanne-wakim-libang-giao-su-triet-hoc.html, 19/5/2024; truy cập 14/8/2024

[80] Bộ Giáo sĩ, Huấn thị Cải tổ mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ vụ loan báo Tin Mừng, s.84.

[81] Through Vatican initiative, sisters help vulnerable children in El Salvador: https://www.globalsistersreport.org/news/through-vatican-initiative-sisters-help-vulnerable-children-el-salvador,25/7/2024; truy cập 14/8/2024

[82] Misson for the poor: https://www.houstondominicans.org/mission-office, truy cập 13/8/2024

[83] Nữ tu đáp lại lời mời gọi thực thi công bằng xã hội: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-03/sisters-project-doi-song-thanh-hien-nu-thanh-gia.html, 3/3/2024; truy cập 14/8/2024

[84] Sơ Wakim người Libăng - giáo sư triết học tại bốn trường đại học: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-06/sisters-project-suzanne-wakim-libang-giao-su-triet-hoc.html,2/6/2024; truy cập 14/8/2024

[85] Nữ tu đáp lại lời mời gọi thực thi công bằng xã hội: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-03/sisters-project-doi-song-thanh-hien-nu-thanh-gia.html, 3/3/2024; truy cập 14/8/2024

[86] Sisters across globe work eradicate human trafficking: https://www.globalsistersreport.org/news/sisters-across-globe-work-eradicate-human-trafficking, 30/7/2024, truy cập 13/8/2024

[87] Philippines Salvatorians pioneering program protects children abuse: https://www.globalsistersreport.org/news/philippine-salvatorians-pioneering-program-protects-children-abuse,11/7/2024;; Renascer: A home in Brazil for pregnant women and victims of abuse: https://www.vaticannews.va/en/church/news/2023-10/sisters-project-brazil-renascer-pregnant-women-victims-abuse.html, 27/10/2023; truy cập 15/8/2024

[88] Chicago Mercy sisters deliver peace mercy and shelter migrants: https://www.globalsistersreport.org/news/chicago-mercy-sisters-deliver-peace-mercy-and-shelter-migrants,21/12/2023; truy cập 13/8/2024

[89] Đan viện ở Przemysl: mái ấm cho người di tản Ucraina: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2023-05/progetto-sisters-dan-vien-przemysl-mai-am-nguoi-di-tan-ucraina.html, 28/5/2023; truy cập 14/8/2024

[90] Bệnh viện của các nữ tu Jeanne Antida Thouret ở Camerun: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-04/sisters-project-benh-vien-nu-tu-jeanne-antida-thouret-camerun.html, 29/4/2024; truy cập 14/8/2024

[91] Dominican Sisters of Grand Rapids: March for our lives: https://domlife.org/2018/04/09/dominican-sisters-of-grand-rapids-march-for-our-lives/ 9/4/2018; https://houstondominicans.org/photoalbums/march-for-life, truy cập 14/8/2024

[92] Ways Women Congreations take action protect God’s creation: https://www.globalsistersreport.org/news/ways-womens-congregations-take-action-protect-gods-creation, July 29, 2024; truy cập ngày 9/8/2024

[93] Các nữ tu đảm nhận hoạt động tông đồ bằng các phương tiện truyền thông: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2023-09/sisters-project-nu-tu-tong-do-phuong-tien-truyen-truyen-thong.html, 17/9/2023; truy cập 14/8/2024

[94] Các nữ tu Công Giáo với sáng kiến phục vụ công ích: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cac-nu-tu-cong-giao-voi-sang-kien-phuc-vu-cong-ich

[95] Các nữ tu nhìn về tương lai với các nhà truyền giáo của đại lục kỹ thuật số: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2023-12/nu-tu-tuong-lai-truyen-giao-dai-luc-ky-thuat-so.html,5/12/2023; truy cập 14/8/2024

[96] https://www.betrenthuongcap.org/cac-dong-nu-giao-phan.html?page=3

[97] Hàng trăm tu sĩ Công giáo tham gia tuyến đầu phòng chống dịch: https://plo.vn/hang-tram-tu-si-cong-giao-tham-gia-tuyen-dau-chong-dich-post638567.html, 23/7/2021; truy cập 14/8/2024

[98] Mái ấm nhân hậu: https://sfccharity.com/thong-tin/mai-am-nhan-hau/, truy cập 14/8/2024

[99] Mái ấm Thiên An Pleichuet- Gia Lai: https://sfccharity.com/thong-tin/mai-am-thien-an-pleichuet-gia-lai/, truy cập 15/8/2024

[100] Trung tâm khiếm thị Thiên Hòa: https://sfccharity.com/thong-tin/trung-tam-khiem-thi-thien-hoa/, truy cập 14/8/2024

[101] Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật mồ côi Nhân Ái- Cà Mau: https://sfccharity.com/thong-tin/trung-tam-nuoi-da%cc%a3y-tre-khuyet-tat-mo-coi-nhan-ai-ca-mau/, truy cập 15/8/2024

[102] Mục vụ di dân vùng Long Điền- Phước Long: https://dbtgvn.net/sumang/detail/636, truy cập 16/8/2024

[103] Tu đoàn Nữ tử Bác ái Vinh Sơn: https://www.betrenthuongcap.org/tu-doan-nu-tu-bac-ai-vinh-son-dc.html, truy cập ngày 10/8/2024

[104] Vietnamese sisters work prevent child marriage in Hmong communities: https://www.globalsistersreport.org/news/vietnamese-sisters-work-prevent-child-marriage-hmong-communities, March 11,2024, truy cập 9/8/2024

[105] Mái ấm đơn thân Hội dòng Mến Thánh Giá Vinh: https://mtgvinh.com/?x=3662/muc-vu/mai-am-me-don-than-hoi-dong-men-thanh-gia-vinh,10/7/2021https://sfccharity.com/thong-tin/mai-am-tinh-me-1-cong-doan-betania/, truy cập 14/8/2024

[106] Vietnamese nuns work end human trafficking: https://www.globalsistersreport.org/news/vietnamese-nuns-work-end-human-trafficking, July 1,2024; truy cập ngày 9/8/2024

[107] In Vietnam province, sisters teach how adapt to climate change: https://www.globalsistersreport.org/news/vietnam-province-sisters-teach-how-adapt-climate-change, April 22,202; truy cập 9/8/2024.

Top