NSTM 03-2017: Ơn gọi của Tình yêu

NSTM 03-2017: Ơn gọi của Tình yêu

NSTM 03-2017: Ơn gọi của Tình yêu

ĐẦM DẠ TRẠCH, GỐC GIEXÊ VÀ ƠN GỌI CỦA TÌNH YÊU

…Ơn gọi huyền nhiệm của Tình Yêu - chủ đề của sách Nhịp Sống Tin Mừng số 3 này - được nhìn thấy thoáng qua trong truyện cổ Việt Nam “Sự tích đầm Dạ Trạch”, và được minh họa cách đặc biệt nơi 4 bức tranh ở bìa 1, bìa 2 và trang 3.

Cả 4 bức tranh đều diễn tả lại truyền thuyết về cuộc hôn nhân của Đức Trinh nữ Maria, được gợi ý từ câu Tin Mừng Luca 1,27 (Một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Maria) và từ Isaia 11,1 (Từ gốc tổ Giexê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ; từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non).

Truyền thuyết này kể rằng: Từ nhỏ, Đức Maria đã được dâng cho Chúa và sống trong đền thờ với một số bé gái khác. Khi đến tuổi cập kê, theo luật Do Thái, các thiếu nữ này phải về quê để lập gia đình, nhưng Đức Maria không muốn về vì đã thề hứa sống đồng trinh suốt đời hầu dâng mình cho Chúa cách trọn vẹn.

Để giải quyết vấn đề này, sau khi hỏi ý Chúa, vị thượng tế cho mời một số thanh niên thuộc dòng dõi Đavít đến; mỗi người mang theo một cây gậy vào đền thờ cầu nguyện. Cầu nguyện xong, họ giơ cây gậy trước bàn thờ; cây gậy nào nẩy ra được một chồi lá non như sách Isaia 11,1 mô tả thì sẽ trở thành bạn đời của Đức Maria. Kết quả: Chẳng có cây gậy nào đâm chồi cả! Riêng Thánh Giuse cũng có mặt và giấu cây gậy của mình đi vì nghĩ mình không thích hợp với việc này. Bị thượng tế ra lệnh giơ cây gậy ra, Giuse hết sức ngạc nhiên khi thấy cây gậy của mình nở hoa và có chim bồ câu ngự bên trên. Giuse đã được chọn làm bạn đời của Trinh nữ Maria để xây dựng nên Thánh gia Nadarét.

Đây chỉ là một truyền thuyết mang dấu ấn ngụy kinh, không có trong Kinh Thánh, nhưng lấy ý từ Kinh Thánh, và đã tạo được cảm hứng mãnh liệt cho nhiều nghệ sĩ để thực hiện thành nhiều tác phẩm có giá trị như các bức tranh nói trên của Caminade (1783 – 1862), Giovanni Venanzi (1627–1705), Raphael (1483 – 1520), Pedro Ramírez (1638-1679)... Những tác phẩm này xác định rằng: Các cuộc hôn nhân đều xuất phát từ ý muốn của Thiên Chúa, và các cặp hôn phối đến được với nhau là do sức mạnh của một Ơn gọi huyền nhiệm: Ơn gọi của Tình Yêu…

GIA ĐÌNH CHÁU NỘI TÔI

…Con trai tôi đưa người yêu lên gặp Cha xứ và “con bé” xin học đạo. Tôi yên tâm phần nào khi biết Cha nhờ một nữ tu dạy giáo lý hôn nhân cho hai đứa. Giáo lý học chưa xong thì tôi được biết con dâu tương lai đã mang bầu hơn hai tháng. Tôi chưa biết phải làm sao thì chính Cha xứ báo với tôi: cho phép hai đứa làm lễ cưới sớm. Tôi đành phải bắt tay vào việc này, nhưng chồng và con gái lớn phản đối. Chồng tôi bảo: “Để từ từ rồi cưới, không cần nôn nóng!” Con gái lớn thì bảo: “Mẹ biết gì về nó chưa mà cưới? Nếu có bầu rồi thì để sinh xong, hãy xét nghiệm ADN trước đã… ”

Tôi sững sờ. Sau một hồi suy nghĩ, tôi phản đối: “Có người con gái nào chịu để như thế? Nếu bị phản đối như hai người nói, biết đâu ngay ngày mai, nó sẽ đi phá thai! Cứ suy nghĩ thử xem, có đúng thế không? Như vậy, chính mình là người giết cháu mình chứ không phải ai khác. Tôi không làm theo ý hai người đâu! Tôi sẽ hỏi thằng út một lần nữa, nếu nó xin cưới, tôi sẽ cưới cho nó!”

Con trai tôi nhất định xin cưới, nó nhìn tôi với cặp mắt… khó hiểu. Nó buồn nhiều vì ba và chị phản đối, còn anh lớn của nó thì không nói gì. Vì thương con, tôi tiếp tục tiến hành mọi thủ tục.

Khi mọi sự đâu vào đó thì tôi lại nghe thêm một tin như sét đánh ngang tai: con dâu tôi đã có một đời chồng và có một con gái lên 6 tuổi. Trời ơi! Tôi phải làm sao đây? Con trai tôi là đứa chi li từng chuyện một, sao lại chọn người đàn bà một con làm vợ? Rồi cuộc đời nó sẽ ra sao? Tôi chỉ còn biết nhìn con mà nước mắt chảy vào trong!

Tìm nơi vắng vẻ mà suy nghĩ về mình, về sự kém cỏi không biết chọn dâu của mình, về lòng tin bị phản bội, tôi kêu cầu cùng Chúa: “Chúa ơi! Sao lại như thế? Con đã phạm tội phải không Chúa? Con đã để con cái tự do quá trớn chăng? Xin cứu con, Chúa ơi!”…

KỂ CHUYỆN ĐỂ GIẢI ĐÁP THẮC MẮC

Trong một buổi chia sẻ Lời Chúa với hai ni-cô ở Bạc Liêu, một ni cô thắc mắc với mình:

-    Đức Giêsu không Tham, không Si nhưng Ngài Sân quá. Ngài thua Đức Phật tới bảy điểm.

-    Tại sao ni cô lại nói vậy?

-    Tại vì Đức Giêsu đã nổi nóng cực kỳ khi Ngài xua đuổi bọn thương buôn ra khỏi khuôn viên đền thờ, Ngài lấy roi quất chiên, dê, bò để chúng chạy tán loạn. Ngài đá lồng chim lăn long lóc. Ngài xô đổ bàn đổi tiền, khiến tiền kẽm rơi vung vãi và kêu leng keng. Đức Phật thì ngược lại, không bao giờ mất tự chủ như thế. Cụ thể là một lần kia Ngài đang ngồi thiền, thì có một tên lưu manh cầm dao đến chém Ngài. Máu đỏ phun ra ướt đẫm áo cà sa. Ngài vẫn ngồi im lặng, không nhúc nhích, không thay đổi nét mặt. Đức Phật không Tham, không Si và không Sân. Thế mới là chân tu.

-    Đức Giêsu không Sân đâu. Ngài hiền lắm, hiền đến mức độ một cây sậy giập, cũng không nỡ bẻ bỏ; một tim đèn đã tắt chỉ còn sợi khói bay bay, Ngài cũng không nỡ dập bỏ. Matthêu kể lại như vậy.

Để làm sáng tỏ ý tưởng này, tôi xin tặng ni cô một câu chuyện: “Trong một làng kia, có một người đàn bà mà ai cũng khen là ‘hiền như bụt’. Không bao giờ to tiếng và nặng lời với ai. Lúc nào cũng ôn tồn, dịu dàng, nhẹ nhàng và khoan thai. Bố mẹ chồng coi bà như một ‘con dâu vàng Trời cho’… Thế rồi, bỗng một ngày kia, bà la hét ầm lên: ‘Trời ơi là Trời’. Tiếng la của bà làm rung chuyển cả xóm. Xóm giềng lân cận đều chạy tới xem có chuyện gì. Cứ tưởng là bà lên cơn điên. Ai ngờ đến nơi mới thấy bà vẫn cứ dịu dàng, nhỏ nhẹ như mọi ngày. Mọi người hiểu chuyện thì ra về, vừa đi vừa mỉm cười với nhau. Thì hóa ra câu chuyện chỉ giản đơn như sau: Bà đang mổ cá, lặt rau, thì thằng cu Tí bốn tuổi đá trái banh bay ra đường phố. Nó cắm đầu chạy theo trái banh. Đường phố thì xe cộ nườm nượp. Nếu bà cứ ôn tồn nhẹ nhàng: ‘con ơi, đứng lại đi kẻo xe cán chết con đấy’, thì thằng cu Tí đã bị cán nát thây rồi. Nhưng vì tiếng la hét của bà, thằng cu Tí giật mình đứng lại. Êm!” Như vậy, thì tôi xin hỏi ni-cô rằng: “Người đàn bà ấy có ‘sân’ không?”.

Ni-cô không nói một lời, chỉ cười tươi như hoa.

- Thời Đức Giêsu, đền thờ Giêrusalem bị thương mại hóa hoàn toàn. Đó là một tội phạm thánh cực kỳ lớn lao. Đức Giêsu phải nổi nóng như thế mới mặc khải được ý của Chúa Cha. Nếu Ngài cứ hiền từ thân thưa với lãnh đạo Do Thái rằng: “Kính thưa quý vị, thương mại hóa nơi thờ tự như thế là tội nặng lắm đấy”, thì lời giáo huấn ấy chẳng gây được ấn tượng nào hết

Trên đây là trích đoạn của 3 bài đặc sắc được đăng trong sách Nhịp Sống Tin Mừng tháng Ba 2017 có chủ đề ‘ƠN GỌI CỦA TÌNH YÊU’ - do Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn thực hiện và Truyền Thông Công Giáo Việt Nam biên soạn - với các nội dung phong phú, đặc biệt là các phần sau đây: 

Bối cảnh Tin Mừng
Đầm Dạ Trạch, Gốc Giexê và Ơn gọi của Tình Yêu
Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân
Tông huấn Niềm vui Tình Yêu: Gọi tên nhau mãi!
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội  
Sứ điệp Mùa Chay 2017
Thời sự Công Giáo đáng nhớ
Gia đình cháu nội tôi
Những kỷ niệm trên đường truyền giáo
Những Người Thầy
Ơn Gọi Tình Yêu

Kính mời mọi người đón xem và rất mong đón nhận được những ý kiến đóng góp, những bài viết, cùng sự ủng hộ của Quý Độc Giả.
Kính chúc Quý Độc Giả luôn được tràn đầy ân lộc của Thiên Chúa.
Ban Biên tập NSTM

Liên lạc:

  1. Toà Tổng Giám mục TP.HCM
    180 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM
    ĐT: (028)3930.0492, (028)3930.4523
    Email: nhipsongtinmung@gmail.com
  2. Trung tâm Mục vụ TGP.TPHCM,
    6bis Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM
    ĐT: 0909 495 222 (Cô Thăng), 0908 103 157 (Cô Nga)
    (028)3600.7654, (028)3911 8864

Top