Niềm vui thật
WGPSG -- “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.”
Câu hát của cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ngày xưa, tôi vẫn thích ngân nga, vì cứ nghĩ đó là những ca từ hay và có ý nghĩa. Tôi và bạn bè cùng đồng tình với cách chọn lựa đó của chàng họ Trịnh, vì cho đó là một chọn lựa đúng của tuổi thanh xuân, sống giữa cuộc đời đầy bon chen. Và cũng nghĩ suy như tác giả, chọn như vậy để sống vui từng ngày, để đến trong cuộc đời bằng trái tim yêu thương.
Nhưng không, bây giờ tôi đã biết tôi lầm. Ngay trong ca từ của họ Trịnh đã thấy cái bế tắc, cái mông lung của cuộc sống. Vui từng ngày để rồi không biết ngày hôm sau mình sẽ sống ra sao để đến với cuộc đời mà không oán trách. Vì cũng như khi ta đi mua sắm một cái gì đó, vào cửa hàng, không có cái mà ta ưng ý, thì ta đành phải chọn lựa để rồi chỉ để đáp ứng cái ta cần thôi chứ chưa phải là cái ta thích, và khi không cần nữa thì ta vứt bỏ không nuối tiếc. Nhưng nếu có đúng thứ ta cần và thích, thì dù giá bao nhiêu ta cũng cố mua cho bằng được... Và ta lấy làm hạnh phúc khi ta sở hữu chúng, rồi nâng niu, giữ gìn như báu vật.
Không biết các bạn thì sao chứ tôi thì có cái tính đó. Mỗi lần ra tiệm sách, tìm được cuốn sách nào hay là y như rằng tôi tìm đủ mọi cách mua cho bằng được, kể cả vay nợ bạn bè, trả góp sau. Tôi nhớ một lần tìm được cuốn “Quo vadis” bằng tiếng Pháp ở một tiệm sách cũ, không đủ tiền trong túi để mua, định về nhà lấy thêm rồi lên mua, nhưng lại sợ lỡ ai mua trong lúc mình về. Thế là, tôi năn nỉ ông chủ cho đặt cọc, rồi về nhà lấy tiền. Có sách trong tay rồi, đạp xe một mạch về nhà, bao bọc cẩn thận, vuốt ve từng góc cạnh cho thẳng, rồi leo lên giường đọc quên ăn. Bây giờ, nhớ lại vẫn còn thấy vui. Chính vì không có niềm vui thật, nên ta cứ phải đi tìm và phải chọn, tự đánh lừa mình rằng mình đã vui.
Dài dòng như thế, chỉ vì muốn chia sẻ với các bạn một niềm vui thật sự tôi đã tìm được trong Thánh lễ sáng nay, Lễ Chúa Chiên Lành (21/4/2013), bổn mạng của giáo xứ An Phú chúng tôi.
Thật vậy, tôi như con chiên lạc, vừa được trở về với đoàn chiên của mình. Với những bước chân khập khiễng vì những vết thương khi xa bầy, tôi bước đi với ánh mắt ngỡ ngàng, tròn xoe đôi mắt nhìn tứ phía, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, những con chiên trong đoàn của giáo xứ, những con chiên già với chiếc gậy trong tay, chiếc lưng còng xuống theo thời gian, những con chiên còn khỏe với đủ mọi màu sắc xanh, đỏ, trắng của Legio, của Lòng Chúa Thương Xót, của các Bà Mẹ Công Giáo và các Chiên Con của Đoàn TNTT trong những bộ sắc phục của các dòng tu. Tất cả với nét mặt vui tươi, ánh mắt rạng ngời, cùng quy tụ lại trong ngôi thánh đường khang trang và ấm cúng.
Tôi, con chiên lạc, đã từ lâu tách khỏi bầy chiên, đi tìm niềm vui riêng cho mình, tự ru ngủ mình bằng những luận suy xem ra hợp lý: “Chúa ở đâu cũng có, sinh hoạt ở đâu cũng là phụng sự, chỉ cần làm đủ nhiệm vụ những gì giáo xứ kêu gọi là đủ”. Nhưng thật chất là muốn tránh đi những bất đồng với mấy ông cha xứ, thay phiên nhau đến và đi, tránh đi những giao tiếp phức tạp hằng ngày của các đoàn thể trong giáo xứ, nói chung là tôi muốn làm “kẻ xa lạ” trong giáo xứ của tôi. Đã bao lần tôi nhủ thầm “chỉ cần Chúa là đủ”, “chỉ cần giữ luật Hội Thánh buộc là xong”, “đóng góp gì đó cho giáo xứ khi được yêu cầu là cũng làm tròn nhiệm vụ của con chiên ngoan”.
Dòng thời gian trôi và cứ trôi, tôi như một ốc đảo sống yên bình trên biển cả, và tự thỏa mãn với cách sống như vậy, không một thắc mắc, lý giải... Cho đến hôm nay, “Ngày bế mạc Năm Thánh, nhân dịp 50 năm thành lập giáo xứ, cũng là ngày lễ Chúa Chăn Chiên Lành, bổn mạng giáo xứ”, tôi như được Chúa Chiên Lành dẫn về. Không phải vì cái long trọng của buổi lễ, mà là cái bầu khí An Bình của buổi lễ. Đúng vậy, tôi thấy trong cái rập ràng của buổi lễ hôm nay, trong các nghi thức của Thánh lễ, mà cha xứ đã giải thích rõ ràng theo đúng phụng vụ Roma, có một cái gì đó rất linh thiêng, êm đềm, nhẹ nhàng, toát ra từ trên cung thánh, lan tỏa ra khắp thánh đường và thấm sâu vào lòng giáo dân.
Tôi như chợt hiểu ra rằng vì sao Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha một cách khẩn thiết: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ, để họ nên một như chúng ta... con không chỉ cầu nguyện cho các môn đệ của con, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta" (Ga 17,11b.20.21). Tôi hiểu ra rằng: Đi theo Chúa Giêsu là phải làm theo ước nguyện của Ngài: “Hiệp nhất trong Đức tin”. Hiệp nhất là bỏ đi cái hiềm khích cá nhân để lo việc chung của giáo xứ. Hiệp nhất là khiêm nhu rửa chân cho mình và cho anh em. Hiệp nhất là dù trí thức hay ít học, dù giàu hay nghèo cũng cùng chung một Đức tin, dự chung một Thánh lễ. Hiệp nhất là đấu tranh cho sự thật trong sự ôn hòa. Hiệp nhất là vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời. Hiệp nhất là cùng chung với anh em trong giáo xứ cất cao lời nguyện xin: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh cha cả sáng” thì Thiên Chúa sẽ ở trong ta, và bình an của Ngài sẽ làm ta vui sống. Đó mới chính là niềm vui thật sự. Niềm vui của sự an bình đích thật như ánh mặt trời rọi chiếu khắp nơi, xua tan màn đêm, mang sự sống đến cho mọi người; như vầng trăng phản chiếu ánh mặt trời trong đêm âm u. Niềm vui đó mãi ở lại trong ta, theo ta suốt cuộc đời và ban cho ta sự sống viên mãn. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,27-28).
Nước mắt lưng tròng, rời buổi lễ, chung vui bàn tiệc với cộng đoàn dân Chúa của giáo xứ, tôi thầm cảm tạ Chúa, Vị Mục Tử Nhân Lành, đã dẫn tôi về với đoàn chiên của Ngài, để từ đây, tôi kín múc những ân sủng mà Ngài đã hứa ban cho những ai tin theo Ngài. Tôi cũng thầm cám ơn 99 con chiên đã can đảm hy sinh ở lại, chung sức giữ ấm cho nhau để cho người mục tử đi tìm con chiên lạc. Xin ngàn lần tạ tội với Chúa và với người.
bài liên quan mới nhất
- Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại
-
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện -
Tình yêu có liên quan gì không?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19