Những phụ nữ đem dầu thơm: Những chứng nhân đầu tiên của Chúa Phục Sinh

Những phụ nữ đem dầu thơm: Những chứng nhân đầu tiên của Chúa Phục Sinh

Những phụ nữ đem dầu thơm: Những chứng nhân đầu tiên của Chúa Phục Sinh

TGPSG/CatholicExchange ---- Mỗi năm vào Chúa Nhật Phục Sinh, toàn thể Giáo hội - cả Công giáo lẫn Chính Thống - long trọng cử hành mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết với niềm vui và lòng tôn kính. Mùa Chay thánh đã chuẩn bị tâm hồn các tín hữu qua tinh thần sám hối, chiêm niệm và tham dự vào các biến cố thánh thiêng của Tam Nhật Vượt Qua.

Điều đáng chú ý là việc loan báo đầu tiên về mầu nhiệm trung tâm này đã được trao phó cho các phụ nữ đã từng theo Chúa Giêsu và làm chứng cho Người - như được thuật lại trong các sách Tin Mừng. Những “phụ nữ tại mộ” đã trở thành các chứng nhân đầu tiên của Chúa Phục Sinh. Đây là một chi tiết đầy ý nghĩa, bởi trong xã hội cổ đại, phụ nữ thường không được xem là nhân chứng đáng tin, thậm chí bị loại trừ khỏi các ghi chép lịch sử.

Quan niệm cổ xưa về phụ nữ

Trong nhiều nền văn hóa cổ, phụ nữ thường bị xem là kém cỏi hơn nam giới về lý trí và đạo đức. Aristotle cho rằng phụ nữ thua kém nam giới về bản chất. Các thi sĩ Hy Lạp như Hesiod và Hipponax thậm chí còn mô tả phụ nữ như những kẻ xảo quyệt, dễ gây tai họa cho đàn ông.

Thế nhưng, các sách Tin Mừng và thư của thánh Phaolô lại dành cho phụ nữ một vị trí đáng kính trong đời sống đức tin, đặc biệt trong biến cố Phục Sinh. Đây là dấu chỉ rõ ràng cho thấy tính cách tân sâu xa mà Kitô giáo mang lại: một đức tin đề cao phẩm giá và vai trò của người nữ trong chương trình cứu độ.

Truyền thống Kitô giáo - cả Công giáo và Chính Thống - đều có những cách diễn tả riêng về vai trò của phụ nữ trong biến cố Phục Sinh.

Truyền thống Công giáo

Trong Giáo hội Công giáo Rôma, các sách Tin Mừng Mác-cô và Gio-an đều thuật lại sự kiện Phục Sinh với sự hiện diện nổi bật của các phụ nữ.

Tin Mừng Mác-cô (16,1-7) kể rằng ba phụ nữ - Maria Mađalêna, Maria mẹ ông Giacôbê, và Salômê - đã mang dầu thơm đến mộ Chúa vào sáng sớm để xức xác Người, vì việc mai táng hôm thứ Sáu đã diễn ra vội vã. Họ thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi cửa mộ, và một thiên thần mặc áo trắng hiện ra, loan báo: “Đừng sợ! Đức Giêsu Nazareth, Đấng chịu đóng đinh, đã sống lại rồi.” Thiên thần còn truyền cho họ hãy báo tin cho các môn đệ và ông Phêrô rằng Chúa sẽ đi trước họ đến Galilê.

Tin Mừng Gio-an (20,1-9) thì thuật lại rằng chính Maria Mađalêna đã đến mộ trước tiên và thấy mộ trống. Bà liền chạy về báo tin cho Phêrô và Gioan. Cả hai ông chạy đến mộ, thấy các khăn liệm còn đó, và Gioan đã “thấy và tin”, dù lúc ấy các ông vẫn chưa hiểu rằng Người phải sống lại từ cõi chết.

Truyền thống Chính Thống

Trong Chính Thống Giáo Đông phương, truyền thống về “Những Thánh Nữ Đem Dầu Thơm” (Myrrh-bearing Women) được phát triển phong phú và sống động hơn. Các phụ nữ này được kính nhớ cách trọng thể vào Chúa Nhật thứ Ba Phục Sinh theo lịch Chính Thống (năm nay là ngày 4 tháng 5).

Ngay từ khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ tại Galilê, nhiều phụ nữ đã theo Người, và nhiều người trong số họ đã dùng tài sản riêng để phụng sự Người. Sau khi Chúa chịu chết và được mai táng, họ đã đến mộ để xức dầu thơm cho xác Chúa - vì thế họ được gọi là “Những Thánh Nữ Đem Dầu Thơm”.

Theo truyền thống Chính Thống, có tám phụ nữ được tôn kính trong danh sách này: Đức Trinh Nữ Maria, Maria Mađalêna (lễ kính ngày 22/7), Maria vợ ông Clêôpát, Gioanna vợ ông Chouza, Maria Salômê, hai chị em Maria và Mátta (em ông Ladarô), và bà Susanna. Dù các sách Tin Mừng không liệt kê đầy đủ tên tất cả, nhưng các phụ nữ này đều hiện diện trong những biến cố trọng đại: dưới chân thập giá, lúc mai táng, và vào sáng sớm Phục Sinh.

Vai trò của họ trong mầu nhiệm Phục Sinh

Dù có những khác biệt về chi tiết giữa các truyền thống, cả hai đều khẳng định một điều quan trọng: chính các phụ nữ này là những người đầu tiên chứng kiến và loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Trong khi nhiều môn đệ bỏ trốn hoặc chưa nhận ra Chúa, các phụ nữ ấy vẫn trung tín, hiện diện và tin tưởng nơi Người là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6). Họ không chỉ là những nhân chứng đầu tiên của biến cố vĩ đại nhất trong lịch sử cứu độ, mà còn là những nhà truyền giáo tiên khởi của Tin Mừng Phục Sinh.

Tác giả: F. Andrew Wolf Jr

Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ CatholicExchange

 

Top