Những điều trông thấy

Những điều trông thấy

Mỗi ngày quanh ta có biết bao sự kiện xảy ra. Có những sự kiện vui, nhưng cũng có những biến cố buồn. Buồn vui đã cùng nhau dệt nên cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Cũng chính từ những buồn vui ấy mà chúng ta rút ra những bài học sâu sắc để thực sự sống “làm người”. Trong xã hội Việt Nam hôm nay, những thông tin trên các phương tiện xã hội cho thấy cuộc sống này buồn nhiều hơn vui, đau khổ nhiều hơn hạnh phúc. Phải chăng các phương tiện thông tin đã không khai thác hết những khía cạnh tích cực của cuộc sống, mà lại chỉ chú ý đến khía cạnh tiêu cực? Có lẽ những người viết báo dựa theo tâm lý người đọc,thích những tin giật gân hơn nên đã lãng quên những người tốt việc tốt đang hiện hữu rất nhiều trong cuộc sống chúng ta? Bất cứ vào trang mạng nào, chúng ta đều thấy trên trang nhất những thông tin liên quan đến giết người, cướp của, hãm hiếp và bạo lực. Những điều trông thấy trong những ngày vừa qua khiến mọi người đều cảm thấy lo lắng cho tình trạng một xã hội đang tổn thương trong nhiều lãnh vực.

Trong những ngày vừa qua, người dân cả nước đều bàng hoàng trước thông tin Bà Trần Thị Liễu chính là thủ phạm đốt chồng là nhà báo Hoàng Hùng trong đêm 18 rạng ngày 19-1-2011 tại nhà riêng ở Long An. Hàng ngàn câu hỏi được đặt ra để tìm hiểu do động lực nào mà Bà Liễu đã làm một việc táng tận lương tâm như vậy. Tại sao một người đàn bà có thể làm điều đó với một người chồng đã 20 năm chung sống, với biết bao kỷ niệm? Phải chăng con người đã mất hết nhân tính, chỉ còn lại sự man rợ vô lương? Những trường hợp khác như chồng giết vợ khá phổ biến trong những ngày qua. Còn đâu những nét tự hào về truyền thống gia đình Việt Nam “trên thuận dưới hoà”. Một trong những lý do dẫn đến những cuộc tàn sát man rợ là ngoại tình. Sự thiếu chung thuỷ trong tình cảm vợ chồng được coi là “chuyện thường tình” trong xa hội hôm nay. Những cuộc chia tay càng ngày càng nhiều. Số trẻ em bụi đời càng ngày càng tăng. Hạnh phúc gia đình Việt Nam đang đứng bên bờ vực thẳm.

Con người đang mất niềm tin vào cuộc sống. Có những người được người khác nâng đỡ, thay vì trả ơn họ lại đang tâm lạnh lùng giết hại cả gia đình ân nhân của mình, mặc cho chủ nhà van xin. Những vụ lừa đảo, cướp bóc càng ngày càng nhiều và tinh vi hơn, gây đau khổ cho biết bao dân nghèo. Người ta coi mạng sống quá đơn giản, có thể giết người chỉ vì 200 ngàn đồng bạc, một số tiền quá nhỏ trong thị trường bão giá hôm nay.

Nguyên nhân do đâu? đã có nhiều ý kiến về tình trạng hiện nay. Người ta đổ lỗi cho gia đình, cho nhà trường và cho xã hội. Nhưng gia đình là ai? Nhà trường là ai? Xã hội là ai nếu không phải là chính chúng ta. Như thế, thay vì lên án, chúng ta hãy cùng nhau góp phần để xã hội bớt đi những thương đau. “Muộn còn hơn không”, hy vọng mỗi người chúng ta có thể làm được một chút gì để cải thiện tình hình xã hội hôm nay. Theo thiển ý người viết, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hỗn độn này:

*Nguyên nhân thứ nhất: lợi nhuận. Nhiều người đã quá chú trọng đến lợi nhuận mà bất kể tiếng nói lương tâm. Buôn bán ma tuý, xây dựng nhiều vũ trường, dịch vụ băng hình và trò chơi bạo lực… là gì nếu không phải là những cuộc chạy đua theo lợi nhuận mà quên tình người. Một đại gia của thời kinh tế thị trường đã tuyên bố: “Cái gì không thể mua được bằng tiền thì lại có thể mua được bằng rất nhiều tiền”. Nói đến nguy hiểm của một thứ lợi nhuận bằng bất cứ giá nào, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI đã viết: “Một khi lợi nhuận trở thành mục tiêu duy nhất, nếu lợi nhuận được làm ra bằng những phương thế không thích hợp và không nhắm đến công ích như mục đích tối hậu, thì lợi nhuận có nguy cơ huỷ diệt sự giàu có và tạo ra nghèo đói” (Thông điệp Bác ái trong Chân lý số 21). “Quả là một thảm hoạ mà các nước “siêu phát triển gây ra do việc phát triển đích thực, nếu tình trạng siêu phát triển về kinh tế đi kèm theo sự “chậm phát triển về luân lý” (Sách đã dẫn, số 29).

*Nguyên nhân thứ hai: một nền giáo dục biến chất. Khái niệm giáo dục ở đâyt phải được hiểu là giáo dục từ gia đình đến nhà trường, từ Giáo Hội đến xã hội. Một nền giáo dục chỉ chạy theo bằng cấp mà không để ý đến chất lượng. Có những phụ huynh học sinh chỉ lo làm ăn, phó mặc con cái cho nhà trường và xã hội. Nhiều cha mẹ lại dùng tiền để chạy chọt cho con cái mình trong việc học hành. Họ không ngờ khi lo lót chạy chọt như vậy là họ đã gieo vào lòng con cái họ những thói quen và nếp nghĩ phản giáo dục. Cổ nhân dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhưng xem ra phần “lễ” trong ngành giáo dục của chúng ta còn quá mỏng thậm chí còn bị lãng quên. Cuối cùng thì phần “văn” cũng mất nốt! Những kết quả thi cử vừa qua đã cho thấy điều đó. Hậu quả là học sinh đánh cô giáo ngay giữa thanh thiên bạch nhật (trường hợp cô giáo Thu Sương ở Ninh Thuận, bị học sinh Nguyễn Như Thành, lớp 11, chặn đánh ngày 25-2-2011).

*Nguyên nhân thứ ba: giá trị tâm linh nơi các tôn giáo bị coi thường. Một xã hội không chỉ được điều hành bằng luật pháp (pháp trị) hay khoa học kỹ thuật (kỹ trị), nhưng còn bằng đạo đức (đức trị). Khía cạnh đạo đức này có sự đóng góp không nhỏ của các tôn giáo, vì các tôn giáo nói chung đều giúp con người hướng thiện. Nhờ đạo đức, một người lái xe không vượt đèn đỏ, không chỉ vì sợ anh cảnh sát đứng ở ngã tư, nhưng còn xấu hổ với lương tâm. Nhờ đạo đức tôn giáo, một người định ra tay sát hại đồng loại sợ bị quả báo, sợ có tội đối với Chúa, với Trời, Phật. Trong một xã hội mà tôn giáo bị coi là “thuốc phiện mê dân” thì luân lý sẽ bị băng hoại, suy đồi. Người ta có nguy cơ cào bằng mọi giá trị và chỉ sống theo vật chất mà thôi.

Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI đã quả quyết:“Một nền nhân bản loại trừ Thiên Chúa là một nền nhân bản phi nhân” (Thông điệp Bác ái trong Chân lý số 78). Quả vậy, nhiều người phàn nàn kêu trách Chúa khi thấy bạo lực học đường, bất công xã hội và tan vỡ gia đình, nhưng ít khi họ nghiêm túc tìm hiểu xem nguyên nhân tại đâu. Những mối họa đó là kết quả của việc con người muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi trường học, khỏi xã hội và gia đình. Chủ trương “Thiên Chúa đã chết” chính là nguyên nhân gây ra biết bao tội ác như chúng ta đang thấy hôm nay.

Chúng ta hãy chắp tay cầu nguyện cho thế giới bớt đi bạo lực, cho con người biết lắng nghe tiếng nói của lương tâm và cho xã hội biết chú trọng đến những giá trị của tôn giáo. Xin mượn lời Thánh Phalô thay cho lời kết của những dòng suy tư này: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12,9-10

Hải Phòng, ngày 26-2-2011

+Giuse Vũ Văn Thiên

Giám Mục Hải Phòng

Top