Những bất hạnh của Thánh Gioan Kim Khẩu, chứng tá bất khuất của sự thật
TGPSG / Aleteia -- Gioan Chrysostome, thường được gọi là "Kim Khẩu (lời vàng)" vì ngài nói rất hay, là một nhà truyền giáo không mệt mỏi. Ngài chẳng sợ ai cũng chẳng sợ điều gì, sẵn sàng nói thẳng thắn với những kẻ thách thức luật Đức Chúa Trời, dù là kẻ quyền thế ngất trời. Giáo Hội mừng lễ kính ngài ngày 13 tháng Chín.
Trời nóng như nung vào những ngày đầu tháng Chín năm 407 tại khu vực núi Taurus, miền Tiểu Á. Bị thiêu đốt qua mùa Hè khô hạn, màu xanh cây cỏ đã biến mất, những dòng nước cạn khô, không một bóng râm trong cái khung cảnh gần như hoang mạc này. Từ bình minh, phải bước chân ra ngoài là điều thật khó khăn và trong lúc mặt trời từ từ lên đến đỉnh, dân cư thành Comane chỉ muốn một điều: về nhà tìm chút hơi mát đàng sau những cánh cửa khép kín. Còn chuyện lang thang trên những con đường nhỏ uốn lượn qua những hẻm núi, phải là điên mới dám liều như thế.
Tù nhân quốc gia
Thế mà, ngay cửa ngõ thị trấn, những khách bộ hành hiếm hoi lại bắt gặp một bộ ba khác lạ: hai sĩ quan mặt mũi khó ưa đẩy trên đường một người đàn ông trông già hơn tuổi 63 của ông - gầy nhom, đầu trần phơi ra trước những cơn say nắng. Nhìn thấy họ, người ta tưởng đang thấy một tên tội phạm trên đường đi chiụ hình phạt nặng nề nhất; quả vậy đây đúng là một tù nhân quốc gia người ta giải về nơi thụ hình mới, mà trước đó những người giải tù đã được dặn dò rằng cấp trên sẽ rất hài lòng nếu tù nhân tới nơi mà không còn sống...
Con người đó, mà số phận là phải chết, chính là Đức Thượng phụ Gioan thành Constantinople, biệt danh Chrysostome, "Kim khẩu", vì ngài có tài hùng biện phi thường, khiến ngay từ khi ngài còn trẻ, mọi người đến nghe ngài đều phải khâm phục. Lý do khiến ngài bị kết án? Vì gây nên sự ghen ghét của nữ hoàng Eudoxie, người đàn bà quyền lực mà người ta không nên làm trái ý...
Năm 397, sau cái chết của thượng phụ Constantinople là Nectaire, Giáo Hội và người dân đã chọn ngài làm người kế vị linh mục thành Antioche - người được người ta ca tụng khắp thế giới kitô giáo lúc đó.
Những người bầu chọn đã quên đúng một chi tiết: Gioan là một vị thánh và sự thánh thiện hiếm khi đi đôi với những thỏa hiệp trần tục và ngoại giao; những trò hối lộ, dối trá và tội ác thường đi đôi với việc thể hiện quyền lực. Sớm hay muộn, những đối nghịch thánh thiêng và gian tục ấy sẽ xung đột với nhau...
Hứa hẹn một sự nghiệp lừng lẫy
Sinh ở Antioche (nay là Antakya, Thổ Nhĩ kỳ), Syria (cổ), vào khỏang năm 344, Gioan là con trai của vị tư lệnh quân đội Constantinople tên Secundus.
Người cha mất chỉ mấy tuần sau khi sinh cậu. Gioan và chị gái của mình được mẹ, Anthusa, nuôi dưỡng; bà góa bụa ở tuổi hai mươi nên phải chiến đấu cật lực để giữ lại tài sản cho các con.
Là Kitô hữu rất đạo đức, tuy vậy Anthusa vẫn không rửa tội cho con trai. Thời đó làm như vậy rất phổ biến vì việc giải tội chỉ ban một lần đi kèm những việc đền tội nặng nề kinh khủng, nên người ta đẩy lùi lễ rửa tội càng trễ càng tốt mà theo công thức thánh hiến, sẽ "rửa sạch mọi thứ". Hiện lúc này, Gioan được hứa hẹn sẽ có sự nghiệp tuyệt vời trong chính quyền hoàng gia cao cấp, nên không quan tâm đến chuyện ấy lắm.
Sau những năm tháng học hành nổi nang về hùng biện, triết và luật, anh khiến mọi người phải chú ý vì năng khiếu đặc biệt về diễn thuyết, nên đã đăng ký làm luật sư tại pháp đình Antioche.
Ở tuổi 25, anh lao vào làm việc và hưởng thụ, trước sự không hài lòng của người bạn thân là Basile, thánh giám mục tương lai của xứ Césarée, người nhìn thấy anh trượt dài xuống hố sâu đọa đầy.
Gioan không đến nỗi hư hỏng như Basile nghi ngại, vì chỉ cần vài tháng là đủ để Basile thuyết phục Gioan xin được rửa tội và đi với anh vào sa mạc sống đời tu trì.
Nói như thế là chưa kể đến bà Anthusa: ý nghĩ mất đi người con trai sẽ là một hy sinh mà bà không chịu đựng nổi.
Bị áp lực từ mẹ, Gioan, dù đã được rửa tội năm 370, phải từ bỏ ý định đi tu và gia nhập vào giới giáo sĩ của địa phận như thầy giảng, bậc đầu tiên tiến đến chức tư tế.
Đức Giám mục của anh, Mélèce, buộc phải rời khỏi Antioche vì sự bách hại đạo Công giáo do hoàng đế Valens, người theo dị giáo Arien phát động.
Anh giáo sĩ trẻ tuổi tham gia ngay vào việc quản lý một trong những giáo phận lớn nhất Đế chế La Mã, lôi kéo sự chú ý về phía mình. Rất mau chóng anh được một thành phố lân cận mời sang làm giám mục; việc anh không phải là linh mục vào thời đó không phải là một chướng ngại.
Lương tâm của thế giới kitô giáo
Trong lúc cố thúc đẩy Basile chấp nhận làm giám mục theo lời cầu xin của một giáo phận khác, bản thân Gioan lại chạy trốn.
Cái chết của mẫu thân cho phép anh lui về ở ẩn trong sa mạc, nhưng anh đành phải bỏ vì kém sức khỏe không chịu nổi sự khắc nghiệt.
Trở về Antioche, Gioan thụ phong linh mục năm 386. Ngài đã có thể sống cuộc đời bình dị nếu không nổ ra vụ nổi dậy chống quyền lực hoàng gia năm 387.
Những lời giảng thuyết của ngài, kêu gọi tín hữu chấp nhận những hình phạt nếu có của hoàng đế Théodose để chuộc lại những tội lỗi và cứu rỗi linh hồn họ, càng khiến chính quyền chú ý đến ngài.
Mười năm là khoảng thời gian Gioan được chú ý. Người ta khâm phục những bài nói chuyện, những bài viết, những năng khiếu diễn thuyết và quản trị của ngài mà không nhìn thấy sự cứng rắn của một người đứng lên chống lại bất công và tội lỗi, sẵn sàng nói thẳng thắn với những kẻ thách thức luật Đức Chúa Trời, dù họ có giàu sang, quyền lực và sẵn sàng gây hại đến đâu.
Thập niên này biến Gioan thành một người nổi tiếng, như lương tâm của thế giới kitô giáo. Đó là cách ngài sống trong tư cách thượng phụ Constantinople. Đức Thượng phụ đứng ngay ở vị trí trung tâm quyền lực, và cần phải quan tâm duy trì quyền lực này. Nhưng Gioan lại không làm như thế được. Trong con người bé nhỏ này, người chỉ ngủ nằm dưới đất mỗi đêm 3 giờ, nuốt vội bất kỳ thứ gì, lại có sự hùng tâm tráng khí của thánh Gioan Baotixita, quan thầy của ngài, khi ngài nghĩ đến điều đó mỗi ngày một lần. Như vị Thánh Tiền Hô này, ngài không thể giữ im lặng trước những vụ bê bối khi có liên quan đến Thiên Chúa và sự cứu rỗi linh hồn. Hiểm nguy luôn rình rập ngài...
Nổi tiếng nhưng ít người theo
Ngay lập tức, Gioan bị một số giáo sĩ xa lánh, những người này có lối sống đồi bại và xa hoa xúc phạm ngài khiến ngài quyết tâm cải tổ điều đó; và cả cặp đôi hoàng gia, Arcadius, một con người vô tích sự không thừa hưởng được những phẩm chất của người cha Théodose, và Eudoxie, người đàn bà điều khiển toàn đế chế trong bóng tối. Ham muốn quyền lực, danh vọng và còn ham của cải hơn nữa, nữ hoàng không ưa thích gì cái ông thượng phụ dám công khai sửa lưng bà, nhưng trước sự nổi tiếng của Gioan, bà không dám đụng chạm đến ngài ngay lúc đó.
Quả nhiên Gioan mau chóng trở nên nổi tiếng. Ngài dùng hết tâm lực nhằm làm giảm bớt toàn bộ những đau khổ của thành phố mênh mông này, nơi ngài dựng nên nào là bệnh viện, dưỡng lão viện, cô nhi viện, nào là chỗ ở miễn phí cho những "người người nghèo tủi hổ" và gởi những giáo sĩ truyền giáo đến vùng người Goths theo dị giáo arien và người Scythes ngoại đạo, với sự hỗ trợ quảng đại của một quý bà sang cả, có liên hệ họ hàng với hoàng gia xứ Arménie, góa bụa ở tuổi đôi mươi, nay đã trong khoảng năm mươi, tên là Olympias, vừa là tín đồ vừa là bạn của ngài.
Người ta đổ xô đến thánh đường Thánh Sophia để nghe ngài giảng. Người ta khóc lóc khi ngài cử hành thánh lễ, choáng ngợp trước sự sùng kính Thánh Thể của ngài. Tiếng đồn lan ra rằng thiên thần vây quanh ngài trước bàn thờ. Người ta vỗ tay khi ngài đưa những bài thơ ca ngợi Chúa và thánh ca vào nhạc lễ.
Than ôi, người Constantinople lại có tính bất nhất; dù biết thưởng thức những bài diễn thuyết hay ham mê thần học, họ lại không trở lại đạo và tiếp tục vắng mặt trong những buổi lễ tôn giáo dù đang giữa Tuần Thánh, để đi trường đua hay đi xem hát.
Năm 400, một trận động đất cực mạnh giáng vào thành, tiếp theo là là một cơn sóng thần. Một tháng sau, người dân đã trở lại với những thói xấu của mình và Gioan, phải thốt lên, choáng váng: "Ta rất buồn vì không có gì sửa đổi được anh em..."
Thế mà ngài đã từng nói ngày nào đó, ngài chấp nhận chịu mù mắt nếu ngài có thể "bằng cái giá đó thuyết phục mọi người trở lại". Ngài cũng dùng những lời lẽ đó với đôi vợ chồng hoàng gia.
Eudoxie mà ngài đã nhiều lần giúp giải vây khỏi những rắc rối chính trị mà bà có biệt tài mắc phải, chỉ ghét ngài thêm vì lẽ đó. Người phụ nữ trẻ này, lập lại hành động của Jézabel, chỉ vì ý thích đỏng đảnh mà chiếm đọat một vườn nho của một bà goá tội nghiệp; Gioan công khai yêu cầu bà phải trả lại của ăn cắp; nên bà sẽ không bao giờ tha thứ cho ngài nữa. Bà cấm cửa ngài vào dinh hoàng gia; Gioan cấm cửa bà vào nhà thờ Thánh Sophia...
Với sự trợ giúp của các giám mục ghét ngài, trong đó có Théophile thành Alexandrie, vị này đang tức giận vì ngài theo phe các thầy tu, trong cuộc tranh cãi với những tu viện ở Nitrie, Eudoxie dựng nên một hồ sơ chống lại ngài dựa vào những lời chứng giả dối và điều vu khống, để rồi sau một phiên tòa đi ngược lại tất cả điều luật của giáo luật, đạt được sự phế truất ngài.
Sống là Kitô
Điều đó chưa đủ : bà còn muốn nhìn thấy ngài bị biệt xứ kìa. Gioan, sau khi kháng cáo lên Đức Giáo hoàng Innôxenti 1, đã tự giam mình trong vương cung thánh đường. Từ nơi này, ngài vạch trần tội lỗi của "Hérodiade, là kẻ muốn lấy đầu Gioan một lần nữa!"
Eudoxie, một Hérodiade khác, giận dữ điên cuồng, đưa lực lượng công quyền tới bắt ngài. Để tránh gây đổ máu, ngài đầu hàng.
Lần lưu đày đầu tiên này ngắn thôi: sợ hãi trước cơn thịnh nộ của người dân, nữ hoàng phải đưa ngài trở về.
Thực ra bà đang chờ một cơ hội khác. Ngày 20-6-404, Gioan lại bị bắt, cùng lúc với Olympias, là người bị tịch thu gia sản và lìa đời ngày 27-12 khi đang bị lưu đày ở Nicomédie.
Ngài đã có thể lặp lại với bà, như một lời nhắn nhủ, những gì ngài đã nói với những người cảnh báo ngài về cơn giận hoàng gia: "Chết ư? Sống đối với tôi là Đức Kitô. Và chết là một mối lợi. Đi đày ư? Có hề chi! Toàn thể địa cầu đều thuộc về Chúa. Lấy hết của cải tôi có ư? Tôi có đem gì đến trần gian này đâu và cũng chẳng đem được gì xuống mồ cả..."
Ngài bị đưa đến Cucuse, một thành nhỏ vùng núi Taurus xa xôi. Ở đó, ngài tiếp tục sứ vụ tông đồ sôi nổi.
Eudoxie không muốn như vậy. Bà ra lệnh gởi ngài đến vùng nào xa xôi cách trở nhất và làm sao để ngài không thể đi đến nơi mà còn sống. Điều này thì hai sĩ quan mẫn cán, được giao nhiệm vụ dẫn giải người làm tốt bằng cách biến chuyến đi thành hành trình về cõi chết.
Ngày 14-9-407, họ buộc phải nhìn nhận rằng tù nhân của họ đã gục vì kiệt sức cách Comane hai dặm, không thể đi thêm nữa.
Phải đưa ngài trở lại cái thị trấn nhỏ, nơi hôm trước ngài đã cầu nguyện trước mộ của Đức giám mục tử đạo Basilisque, van xin có được sức mạnh như thánh nhân để noi gương ngài trong cuộc khổ nạn. Đêm đó, Basilisque hiện ra với ngài và nói: "Can đảm lên, người anh em của ta! Chỉ vài giờ nữa thôi, chúng ta lại được đoàn tụ cùng nhau đến muôn đời".
Lời tiên tri trở thành hiện thực. Những lời cuối của Gioan Kim Khấu là: "Vinh danh Chúa trong mọi sự!"
Anne Bernet (Aleteia) / Lê Hưng (TGPSG) chuyển ngữ
bài liên quan mới nhất
- Tân chân phước Merlini
-
Thánh tích của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đến Rôma nhân Năm Thánh -
Một nhân viên hải quan Congo sẽ được phong chân phước -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp sẽ được phong chân phước -
Thư của cha Tổng Quyền Dòng Giảng Thuyết về việc tuyên hiển thánh cho chân phước Pier Giorgio Frassati, O.P -
Một vị thánh an bình giữa cơn bách hại -
Hai Chân phước trẻ Frassati và Acutis sẽ được tuyên thánh vào Năm Thánh 2025 -
Mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và những ước nguyện -
Mừng lễ Các Thánh và những ước nguyện -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Nhận diện sự thánh thiện
bài liên quan đọc nhiều
- Sự khác biệt giữa Thiên thần và Tổng lãnh thiên thần
-
Thánh Phaolô: Hành trình từ Damas đến Roma -
Những câu nói của các Thánh về lòng Chúa thương xót -
Thánh Valentine thực sự là ai? -
Điều gì đã xảy ra với Mười Hai Vị Tông Đồ ? -
Danh sách Các Thánh Tử Đạo Việt Nam xếp theo ngày lễ -
5 vị thánh đã từng tan vỡ cõi lòng sẽ phù giúp bạn trong ngày Valentine -
"Cười đến phút chót với Chiara": những giây phút cuối đời của Chiara Corbella -
Mộ Thánh Phêrô: Khi khoa học xác nhận Truyền thống -
Phiên khai mạc cuộc điều tra Phong Chân Phước và Phong Thánh cho Đức cha Pierre Lambert de la Motte tại Tàpao