Nhà thờ An Vân - Giáo phận Huế
PHỤ LỤC 1 : ĐÔI NÉT VỀ KIẾN TRÚC
(do cha sở An Vân Phêrô Phan Xuân Thanh ghi chép)
Nhà thờ An Vân có 6 gian, mỗi gian rộng 3m. Gian cung thánh được nới rộng thêm 1m xây lên thành vách tường cung thánh. Gian giữa cung thánh là thánh giá, tủ thờ nhà tạm Mình Thánh Chúa. Gian bên trái là tủ thờ và khám thờ các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Gian bên phải là tủ thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Các vòm hoa văn chạm trên các gian được cảm hứng từ hoa văn trên khám thờ các Thánh Tử Đạo, được thợ Kim Long làm tháng 10 năm 2001. Hai bức chạm lớn bằng gỗ kiền dựng sát vách, hai gian hai bên được xin từ nhà thờ của Viện Dục Anh Kim Long Huế cũng là nhà thờ các nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres. Nối với gian cung thánh này là một gian khác làm hậu liêu rộng 2,5m, cùng một nóc mái với nhà thờ. Nhìn từ bên hông, nhà thờ có 7 gian với một gian phía trước làm tiền đường.
Sát hàng cột gian đầu tiên từ mặt tiền vào là vách tường của nhà thờ với 3 cửa lớn ra vào. Nối với vách tường này là một gian khác làm tiền đường. Gian tiền đường rộng 2,5m, mặt tiền cao 13,2m, với 3 cổng vòm làm tam quan, hai bên hông có hai cổng vòm nhỏ hơn. Gian này không có cửa. Tổng thể nhà thờ nhìn từ phía hông là một ngôi nhà dài 27m, rộng 13,5m, nóc mái cao 6,2m. Lúc đầu vách tường mặt trước đều bằng gỗ. Lần trùng tu thứ nhất (1945), cha sở Phêrô Kính đã bỏ vách gỗ phía trước, rồi thêm 5 cửa gỗ che 5 cửa vòm của tiền đường, lòng nhà thờ được rộng thêm 1 gian, không còn gian tiền đường nữa.
Lần trùng tu thứ nhì (1994), với tài trợ của Missio và đời các chức (ông Ba, ông Liễn, ông Túc, ông Lợi), cha sở Phêrô Thanh trở về lại với kiến trúc nguyên thủy, xây lại vách tường mặt tiền bằng gạch thay vì bằng gỗ, phục hồi tiền đường, làm hẹp lại lòng nhà thờ 1 gian, và đúc một tầng gác dành cho ca đoàn ngay trên gian tiền đường.
Từ mặt tiền nhìn vào, mái ngói bên phải ngắn hơn mái ngói bên trái một hàng ngói, do đó hành lang bên hông phải 1,1m hẹp hơn hành lang bên hông trái 1,2m, bởi vì bộ giàn trò là một căn nhà xưa trong Thành Nội, mặt tiền nhà là bên phải, mái ngói trước ngắn hơn mái ngói sau.
Nhà thờ có 6 gian, mỗi gian đều có cửa bàn khoa kiểu xưa, bằng gỗ kiền, trên cửa có vòm gỗ hình bán nguyệt, với các tia gỗ chia ô, lồng kính. Tất cả các cửa đều là cửa lớn, không có cửa sổ, mở ra rất thoáng, việc ra vào rất thuận tiện.
Bề ngang lòng nhà thờ có 3 lòng căn rộng 2,5m, do 4 hàng 7 cột tạo nên. Vách tường hai bên hông không xây sát hai hàng cột con, mà xây ra ngoài, cách hàng cột con 1,1m. Tường dày 35cm xây bằng gạch vồ. Hàng kèo cuối được đặt trên vách tường. Từ vách tường lại thêm một hàng kèo nữa đặt trên hàng cột xây bằng gạch làm hành lang hai bên hông. Nhìn từ mặt tiền ta không thấy được hai hành lang hai bên hông.
Mặt tiền nhà thờ được xây theo kiến trúc tam quan đình làng hơn là kiểu chùa, nhưng lại cao đến đỉnh thánh giá là 15m, vách chân dày 90cm, nhỏ dần lên chân thánh giá là 60cm. Thật là hài hòa, nhìn vào thấy kiểu kiến trúc quen quen, nhưng không phải chùa cũng không phải đình làng.
Nhìn phía trước vào, mặt tiền là bức tường dày 90cm, cao 13,2m, rộng 13,5m được chia thành 4 khung tầng.
Hai đỉnh góc ngoài của khung tầng dưới được trang trí bằng hai búp sen lớn, mập chắc. Phải chăng cảm hứng này phát xuất từ các cánh sen nở chạm khắc vào các tảng đá chân cột hình tròn trong nhà thờ ?
Thẳng xuống từ hai búp sen là hai câu đối khảm sành mô tả cảnh quan không gian của vị trí ngôi nhà thờ.
Nhật nguyệt quang huy tân đống vũ
Son xuyên hoàn củng cựu lâu đài.
Nghĩa:
“Ngôi đền mới rực rỡ dưới ánh sáng nhật nguyệt
Núi sông vây quanh cung kính lâu đài cũ”.
Mặt tiền của đền thờ quay về hướng đông, lại trang trí bằng sành sứ trên các đường viền và các câu chữ Hán. Lúc mặt trời mặt trăng chiếu vào, toàn mặt tiền nhà thờ sáng rực lên trông thật là lộng lẫy. Vị trí đền thờ ở chỗ đất khá cao, hơn mặt đường ngày xưa gần 2,5m, trước mặt và sau lưng đều có con lạch chảy qua, về phía Tây là dãy núi cao bao bọc.
Ba vòm tam quan được trang trí bằng hai câu đối, cặp đối ngoài viết:
Đạo sở cộng do chính tại càn khôn sắc bàng bạc
Nhân viết dư tri cái vu tạo hóa tố uyên nguyên.
Nghĩa:
Đạo là con đường ai cũng phải đi, chính vì khắp càn khôn bóng dáng Thiên Chúa bàng bạc,
Con người nói tôi biết, công trình tạo hóa bao trùm mách bảo nguồn gốc sâu xa.
Cặp đối trong viết:
Thu nguyệt dương minh nữ đức quang đằng vu sơ nhật.
Xuân phong cộng tại tổ khiên khiết tụ vu triêu tinh.
Nghĩa:
Trăng thu sáng tỏa bầu trời
Nhân đức Thánh Nữ rạng ngời trổi xa
Đẹp hơn cả ánh bình minh.
Gió xuân mát dịu lòng người
Đức Mẹ Vô Nhiễm đáng lời ngợi ca
Khiết trinh như đóa sao mai.
Phía trên ba vòm tam quan có trang trí 3 ô hình chữ nhật. Ô bên trái đắp nổi gắn sành sứ hình hai con nai, con đứng con nằm nghỉ dưới cành trúc và bụi hoa mai. Ô bên phải là hình hai con chim sẻ đậu trên cành trúc và bụi hoa cúc. Ô giữa là hình chữ latin nổi lớn ECCLESIA SS. ROSARII (Nhà Thờ Rất Thánh Môi Khôi).
Một mái giả chỉ rộng bằng một hàng ngói liệt (20cm) chia khung dưới với phần trên của mặt tiền khiến cho khoảng không gian cao rộng của mặt tiền trở nên nhẹ nhàng. Ở hai rìa mái ngói có trang trí bằng xi măng 2 cành nho trĩu quả uốn cong vào.
Khung tầng trên cao 2,25m, dày 60cm chia làm 3 ô lớn. Hai ô hai bên ngang 1,4m cao 2m là hai khung cửa chính giả bằng xi măng với vòm cửa hình thoi nhẹ.
Từ trước nhìn vào tưởng là hai cửa chính đi vào tầng gác trên.
Tại đỉnh hai góc ngoài có trang trí thạch đăng khối chữ nhật đứng bằng xi măng chóp nhọn, bên trong rỗng. Trên ô cửa giả là hai ô trống hình gothique nhẹ, với một chóp là hai cánh hoa huệ rở rộ.
Hai bên cửa chính giả là hai câu đối.
Câu đối bên trái:
Trinh biểu dực vu thành ngộ hậu
Thục tường thông tự hữu sinh tiền.
Nghĩa:
“Gương Trinh (Đức Mẹ) được che chở từ khi (Thên Thần) báo mộng cho (Thánh Giuse).
Ơn nghĩa (Chúa) hằng thông (xuống linh hồn Mẹ) từ lúc Mẹ hiện hữu”.
Câu đối bên phải:
Hải bất dương ba phi khổ hải
Tinh năng sinh nhật tối minh tinh.
Nghĩa:
“Bể chẳng nổi sóng không phải là bể khổ
Sao có khả năng sinh ra mặt trời là sao cực sáng”.
Câu này của cha J.M. Thích được thay vào câu cũ đã bị mòn gần hết, thật đáng tiếc. Vào dịp trùng tu năm 1994, cha sở Phêrô Thanh đã cố họa lại những nét chữ của câu đối xưa còn sót.
Một vế đoán là Tịnh Bào Chi Chi Lai Chi Chi.
Một vế đoán là Chi An Chi Chi Chi Chi Chi.
Nghĩ rằng không cách gì đoán biết được nguyên văn câu đối của người xưa, nên cha sở đã thay vào bằng câu đối của cha J.M. Thích. Đến năm 2002, ngày 19 tháng 11, gần lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, nhân câu chuyện với một người rành chữ Hán, cha sở tìm lại tài liệu của thầy Vinh Dòng Xitô nhan đề: “Một số câu đối chữ Hán bên trong nhà thờ Hà Hồi, tổng giáo phận Hà Nội” thì gặp được câu đối sau đây, hoàn toàn hợp với tư liệu đã có :
Tịnh Ach Miệt di lai chi cấu
On An Na dựng xuất chi châu.
Nghĩa:
“Tẩy sạch vếch nhơ do E Và còn để lại
Đẹp thay hạt châu từ lòng An Na sinh ra”.
(Ach Miệt là phiên âm của Hán Nôm của danh từ Eva. An Na là tên thánh Anna, thân mẫu Đức Maria).
Ô giữa khung tầng trên được đẩy cao hẳn lên tới đỉnh thánh giá. Thánh giá đứng trên chóp tam giác của khung tầng giữa. Ơ hai đỉnh tường khung tầng này, cũng có trang trí hai thạch đăng hình chữ nhật đứng bằng xi măng.
Dưới thánh giá là một ô trống thông gió ngang 53cm, cao 1m, đặt tượng Đức Mẹ Lộ Đức bằng xi măng đặc, còn rất nét, không biết do thợ nào làm; tượng cao 90cm, đứng nhìn hơi nghiêng về bên trái (ngoài nhìn vào).
Tả hữu tượng Đức Mẹ có hai khoảng tường để trống. Năm 1994, nhân dịp trùng tu đền thờ, cha sở Phêrô Thanh đã cho ghép sành sứ 12 chữ Nôm trích từ bản văn khắc trên chuông cổ của đền thờ, như 12 ngôi sao xúm xít hai bên Đức Mẹ, để ghi nhớ công trình trùng tu này. Mười hai chữ Nôm như sau:
Cám đội ơn Đức Chúa Trời và Đức Mẹ đã đoái thương.
Và cũng thêm vào khoảng vách trống dưới bốn thạch đăng những chữ Hán sau đây:
An Vân, Hội Giáo, Hương Trà, Thuận Hóa.
Dưới chân tượng Đức Mẹ Lộ Đức là một ô trang trí hình trái tim Đức Mẹ tỏa hào quang. Sáu ngôi sao dăng ngang phía trên, sau ngôi sao bao quanh trái tim, hai nhánh gai bao phía ngoài.
Hai bên ô này là hai câu đối ngắn:
Thế gian vô nhị nữ
Cức lý hữu đơn hoa.
“Thế gian không có người nữ thứ hai
Trong bụi gai có một đóa hoa”.
Dưới ô trái tim này là một ô chữ, nằm ngang với hai ô cửa chính giả bằng xi măng. Ô này được trang trí bằng một hình tròn chạm hoa văn như kiểu rosace, nhưng không xuyên thủng vách tường. Trên ô là hàng chữ Hán lớn:
NHẤT THỂ TAM VỊ (Một Chúa Ba Ngôi)
Hai bên là câu đối chữ Hán:
Địa đàng cửu vị sơ nguyên bế
Thiên lộ tân bằng tái tổ thông.
“Vườn Địa Đàng xưa bi nguyên tổ đóng lại
Đường trời mới nhờ Tổ thứ hai mở ra”.
Dưới và trên các ô của khung tầng trên này đều có lan can hẹp.
Ô chính giữa là hàng chữ Hán:
THÁNH MẪU VĂN CÔI THÁNH ĐƯỜNG.
Ô bên trái hình con chim sẻ đậu trên cành cây, có bụi hoa mai. Ô bên phải hình hai con nai đứng trên tảng đá, có cành nho.
Tất cả các chữ Hán, Nôm và ý nghĩa là của thầy Vĩnh Cao ở Huế và thầy Vinh dòng Xitô ở Thủ Đức.
Có một chi tiết lạ, đó là tại chính giữa mặt tiền đền thờ, ngay phía trên bức hoành đại tự “NHẤT THỂ TAM VỊ”, có gắn một tấm gương soi tráng thủy nhỏ. Tính từ bậc cấp nhà thờ lên là 8m, tính từ đỉnh thánh giá xuống là 5,2m.
Năm 1994, khi trùng tu phục chế mặt tiền nhà thờ, chính cha sở đã leo lên giàn giáo và sờ thấy tấm kính soi này mà trước đây không ai biết là có, vì qua nhiều năm tháng, mặt tiền bị rêu phong phủ đen mốc. Sau đó xem lại các ảnh chụp từ trước thì đều thấy có chấm sáng trắng phản quang tại vị trí này. Tấm kính vẫn còn nguyên vẹn dù bị vỡ đôi một đường và phần tráng thủy có lỗ chỗ và hơi mờ nhưng vẫn còn soi được. Cha sở đã ra chợ Văn Thánh mua 1 tấm kính cỡ y như vậy đem về gắn lên chỗ cũ.
Cha sở tìm hiểu với vài trí thức ngoài Công giáo ở Huế là tại sao mặt tiền nhà thờ Công giáo lại có gắn tấm kính soi này, loại kính soi tráng thủy, tròn, đường kính khoảng 5cm, bán đầy ngoài chợ, các cô các bà thời trước vẫn thường dùng để soi mặt rất kín đáo vì tấm kính nằm gọn trong lòng bàn tay. Giới am hiểu ngoài Công giáo ở Huế đưa ra giả thiết là phía trước nhà thờ có lò rèn hay cái gì thuộc hỏa (lửa) chăng, cho nên tiền nhân đã gắn tấm kính soi để phản quang ?
Cũng nên phân biệt hai loại kính thường gắn trước nhà dân gian theo phong tục Á Đông như ở Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản… Loại thứ nhất là kính tráng thủy hình bát giác có sơn các vạch bát quái: Ly, Tốn, Chấn, Cấn, Khôn, Đoài, Càn, Khảm (hậu thiên bát quái) thường mang ý nghĩa trấn áp, chủ động, điều khiển… Loại thứ hai là kính tráng thủy hình tròn (hoặc chữ nhật) đơn giản chỉ dùng để phản quang. Tìm hiểu vị trí phía trước mặt nhà thờ từ xưa nay không hề có lò rèn nào, hoặc thứ gì thuộc hỏa, mà chỉ là vườn cây. Thế thì tại sao có tấm kính soi tại vị trí này ở mặt tiền nhà thờ, mà không đặt ở vị trí cao hơn hoặc thấp hơn.
Có lẽ là vì phía trước, bên kia con hói trước nhà thờ cách khoảng 300m, có ngọn đồi thấp dùng làm nghĩa trang lương giáo lâu đời, gọi là Rú Bắp. Lên đỉnh đồi nhìn về phái nhà thờ sẽ thấy đỉnh đồi ngang tầm với kính soi, tức là thấp hơn đỉnh thánh giá trên mặt tiền nhà thờ khoảng 5m.
PHỤ LỤC 2 : KINH KHẮC TRÊN CHUÔNG CŨ VÀ KHÁM THỜ
Năm 1988 nhân ghé thăm cha Phêrô Thanh (về làm cha sở An Vân từ năm 1980), ông Trần Đại Vinh thuộc khoa Văn đại học Sư Phạm Huế và ông Lê Văn Đậu tình cờ lên lầu chuông, hai ông đọc được hàng chữ Nôm khắc trên chuông, cha sở nhận ra của quý tiền nhân để lại nên tháo xuống bảo quản trong nhà xứ.
Trên cung thánh hai bên cánh có đặt bàn thờ. Bên phải là ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, ảnh và khung khá lâu đời nhưng không xác định được từ thời nào. Bên trái là khám thờ xương các vị tử đạo. Khám này làm bằng gỗ, chạm trổ tinh vi, sơn son thếp vàng. Mặt trước khám có thếp chữ vàng trên nền đỏ (Nôm):
Giáng Sinh
Nhất niên bát bách bát thập thất tải
Đinh Hợi thu tạo
Mộc ân
Phanxicô Xavie
Chiên tử
Lê Văn Minh
phụng sự
(Năm Thiên Chúa Giáng Sinh 1887 Làm mùa Thu năm Đinh Hợi tạ ơn con chiên Phanxicô Xavie Lê Văn Minh dâng cúng)
Như vậy tính đến nay (2007), khám này đã qua 120 năm.
Mặt sau của khám thờ có bản kinh chữ Nôm thếp vàng trên nền đỏ. Hai ông Vinh, Đậu đã đọc và ghi lại như sau:
(Kinh Hãy Nhớ)
“A Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ lại xưa nay chưa từng nghe người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bàu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời. Nhân vì sự ấy tôi lấy lòng trông cậy mà chạy đến sấp mình xuống dưới bàn chân Đức Mẹ, xin Đức Mẹ đoái đến tôi là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời tôi kêu xin, một lấy lòng nhân từ mà đoái thương cùng nhậm lời tôi cầu nguyện. Amen.”
Đồng Khánh Mậu Tí Trọng Xuân Thượng Hoán tạo
(Được làm giữa mùa Xuân năm Đồng Khánh, Mậu Tí 1888)
Nguồn:
Mạng lưới Dũng Lạc
bài liên quan mới nhất
- Thánh Đường Latêranô - Hướng về Giêrusalem mới
-
Đức Thánh Cha: Nghệ thuật phản ánh sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người -
Nghệ thuật phá cách ở nhà thờ Assy -
La Vang - Công trình đền thờ của toàn Giáo hội Việt Nam -
Nhà thờ Bùi Chu thuở bình minh -
Kiến trúc Công giáo (1) -
Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang: Lễ đặt viên đá đầu tiên -
Lời giới thiệu Đồ án thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang -
Đồ án thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang -
Chương trình truyền hình: Nét đẹp kiến trúc Nhà thờ cổ Việt Nam
bài liên quan đọc nhiều
- La Vang - Công trình đền thờ của toàn Giáo hội Việt Nam
-
Kiến trúc Công giáo (2) -
Kiến trúc Công giáo (1) -
Ngôi nhà nguyện cổ trong Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Nhà thờ Bùi Chu thuở bình minh -
Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang: Lễ đặt viên đá đầu tiên -
Tỉ lệ & Nhịp điệu: hai yếu tố của cái đẹp -
Một cái nhìn về Nghệ thuật thánh (phần 3) -
Nghệ thuật phá cách ở nhà thờ Assy -
Sở Kiện trong dòng thời gian (1862 - 2011)