Ngày 12/05: Thánh Nêrêrô, Achilêô và Pancratiô tử đạo

Ngày 12/05: Thánh Nêrêrô, Achilêô và Pancratiô tử đạo

Ngày 12/05: Thánh Nêrêrô, Achilêô và Pancratiô tử đạo

Ngày 12 tháng 5
BA THÁNH TỬ ĐẠO
NÊRÊÔ, ACHILÊÔ VÀ PANCRATIÔ

I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ.

Những gì chúng ta biết về hai vị tử đạo Nêrêô, Achilêô của thế kỷ thứ nhất là từ các lời chứng của Thánh Giáo Hoàng Damasus trong thế kỷ thứ tư, và được ghi khắc trên tấm bia để tưởng nhớ các ngài. Và sự việc này chỉ xảy ra sau cái chết của các ngài đến 300 năm.

Ðức Damasus kể rằng Nêrêô và Achilêôbinh lính của đạo quân Rôma và nhiệm vụ của họ là bách hại người Kitô Giáo. Có lẽ các ngài chẳng có lý do gì để chống đối đạo và cũng chẳng muốn đổ máu người vô tội, nhưng họ tuân lệnh chỉ vì sợ chết. Nói cho cùng, đó là nhiệm vụ của một người lính.

Chúng ta không rõ hai ngài đã trở lại đạo như thế nào, chỉ biết đó là một “phép lạ đức tin.” Sau phép lạ này, hai ngài quăng vũ khí và trốn ra khỏi trại, vứt bỏ áo giáp và gươm đao để mặc lấy đời sống mới trong Ðức Kitô. Vì đã từng là những kẻ bách hại, có lẽ các ngài biết rõ hơn ai hết về sự đau khổ đang chờ đợi người Kitô. Tuy nhiên, đức tin đã chiến thắng sự sợ hãi cái chết, và sự chiến thắng của đức tin là sự ngọt ngào nhất mà các ngài chưa bao giờ được cảm nghiệm.

Chúng ta biết là các ngài đã tử đạo, nhưng Ðức Damasus không cho biết chi tiết như thế nào. Sau này, truyền thuyết nói rằng các ngài phục vụ dưới quyền bà Flavia Domitilla, là cháu gái của Hoàng Ðế Domitianô, và đã bị lưu đày và bị hành quyết cùng với bà khi chính bà này trở lại đạo. Truyền thuyết này có lẽ phát xuất từ sự kiện là hai ngài đã được chôn cất trong một hầm mộ được gọi là nghĩa trang Domitilla.

Còn thánh Pancratiô sinh tại Phygia, trong một gia đình quý tộc. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ngài về chung sống với một người cậu tại Rome. Năm 14 tuổi, ngài trở thành tín hữu và đem hết của cải cho người nghèo khổ. Do ngài sống đức tin Công giáo nên hoàng đế Diocletianô đã chém đầu thánh nhân vào năm 304. Xác ngài được đem về chôn cất trên đường Aurelianô. Ðức Giáo Hoàng Symmacô đã xây một thánh đường tại đó để tôn vinh danh ngài. Thánh Grêgôriô thành Tours gọi ngài là “Ðấng trừng phạt những kẻ bội thề”, bởi ai đứng trước mộ ngài mà thề gian thề dối đều bị Chúa phạt.

II. BÀI HỌC.

Bài học rõ nét nhất về cuộc đời của các ngài là lòng can đảm dám hy sinh vì niềm tin của mình.

Cuộc sống đức tin đã đến với các ngài như một phép lạ. Phải nói đúng là một phép lạ vì trước đó các ngài là những người hoàn toàn thuộc về thế gian, thậm chí tay các ngài còn nhúng chàm khi nghe theo những mệnh lệnh của thế gian mà gây ra những sự chết chóc đau thương cho những người tin Chúa. Các ngài đã có kinh nghiệm rất cụ thế về sự đau đớn các vị tử đạo đã phải chịu.Thế nhưng khi đã tin Chúa thì vì tình yêu đối với Chúa các ngài đã nhìn những đau khổ khi phải chịu vì Chúa trở nên nhẹ nhàng và đáng quí đến nỗi các ngài dám chấp nhận mọi hy sinh để được trung thành với đức tin của mình.

Vào cuối năm 1949, trong một nhà nguyện của một đại chủng viện ở Nam Kinh, thủ đô Trung Hoa Dân quốc của tổng thống Tưởng Giới Thạch, lúc đó có một buổi diễn tập đám cưới: Đây chưa phải là đám cưới thật, nhưng hôm trước đám cưới, cô dâu chú rể, phù dâu, phù rể tham dự buổi diễn tập để khi làm lễ chính thức họ không bị lúng túng, ngượng nghịu.

Nhưng ngay tối hôm đó, Hồng quân của Mao Trạch Đông tiến vào Nam Kinh, chiếm đóng đại chủng viện và bắt nhiều sinh viên, trong số đó có chú rể, đem giam vào trại tập trung với một lý do đơn giản là những người này có tội với nhà nước vì tin nhận Chúa Cứu Thế và đi học đại chủng viện để truyền bá Phúc âm.

Từ đó, cứ mỗi năm một lần, chính quyền cho phép cô dâu vào thăm chú rể ít phút. Sau khi cho cô dâu vào thăm chú rể, nhân viên cơ quan công lực đến nói với chú rể rằng: “Anh có thể được trả tự do ngay bây giờ và được chính quyền cho phép làm đám cưới nếu anh bằng lòng chối bỏ Chúa của anh”. Thanh niên này không ngần ngừ và chỉ trả lời bằng một tiếng ngắn gọn: “Không!”.

Cảnh đó diễn ra suốt 30 năm trời. Cứ mỗi năm một lần cô dâu được vào thăm chú rể ít phút, rồi cô câu hỏi:

- Anh có bằng lòng bỏ Chúa anh không? Nếu anh bỏ, anh sẽ được tự do, được cưới vợ...

Và lần nào cũng chỉ có một câu trả lời là “không!”.

Trong 30 năm đó, chú rể từ một thanh niên trẻ trung, khỏe mạnh, đã trở thành một người già, lưng đã còng xuống vì liên tục lao động, vì điều kiện sinh sống kham khổ, nhưng niềm tin vào Chúa Cứu Thế của ông vẫn không lay chuyển.

Đến năm 1979, chính sách của Trung Hoa lục địa thay đổi chú rể già này được trả tự do, được phép qua Hong Kong sinh sống và một đám cưới đã được tổ chức ở Hong Kong. Có người đến thăm, hỏi ông:

- Tại sao ông có thể trung kiên với Chúa suốt 30 năm trời bị ngược đãi, áp bức, đau khổ như vậy?.

Ông đáp: - Chúa Cứu Thế đã hy sinh chịu chết vì tôi, làm sao tôi có thể phản bội Ngài được?. (ĐTPA).

Xin được kết thúc bằng lời cầu nguyện :

Lạy Chúa

Đã hai ngàn năm nay, lượn sóng tình thương của Chúa đã lôi kéo biết bao nhiêu người về với Chúa, nào có ai đã được người ta yêu mến bằng Chúa?

Hàng triệu Đấng Tử đạo đổ máu mình trong những hình khổ quái gở, miệng vẫn tươi cười, lòng vẫn hớn hở, vì họ được phước kể vào hàng ngũ kẻ xứng đáng chịu đau khổ vì danh Thánh Chúa.

Hằng triệu thầy cả, thầy dòng, thừa sai đã hy sinh tất cả để được nên giống Chúa và đã hy sinh trót mình họ một cách hoàn toàn như Chúa đã hy sinh vì Chúa Cha và cho các linh hồn.

Và biết bao nhiêu giáo hữu luôn cương quyết xông pha trong cuộc chiến đấu hằng ngày của đời sống Công giáo. Chỉ vì họ yêu mến Chúa.

Trung thành với lời thề hứa ngày rửa tội, họ đã từ bỏ tội lỗi, đã đóng đinh mọi khuynh hướng tội lỗi hầu sống trong ơn thánh và Phục sinh với Chúa.

Ở Giêsu Kitô, con thấy Chúa còn tự đắc lắm, vì không ai dưới trần thế này được người ta yêu mến quá như vậy, yêu mến với một mối tình sống động phát hiện ở việc làm, lời nói, cách ăn ở, với một tấm lòng mạnh hơn mọi cơn cám dỗ, mạnh hơn mọi sự đau khổ và mạnh hơn cả sự chết nữa.

Giêsu, xin hãy lôi cuốn con theo lượn sóng tình yêu ấy. Xin Chúa nói trong tâm hồn con: Chúa đáng mọi sự ấy và còn đáng hơn nữa bội phần…

E. Maraux

Top